Nhớ Tết...

10:02, 05/02/2019
.
 

Ngày còn bé, tôi hỏi cha tôi:

- Tết là gì? Thưa cha!
 
- Tết là cách gọi chệch đi của chữ “tiết” trong “lễ tiết” ấy.
 
- Thế Tết Nguyên đán là gì ạ?
 
- “Nguyên” là khởi đầu, “đán” là buổi sớm. Nguyên đán là bắt đầu một buổi sớm. Tết Nguyên đán là lễ tiết khởi đầu một năm mới, mở đầu một mùa xuân mới, con ạ!
 
- Thế Tết đến để làm gì ạ?
 
- Thì để người ta mong có một năm mới tốt đẹp hơn năm cũ. Nhà nông thì mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Học trò thì mong học giỏi, đỗ đạt, hiển vinh. Người già thì mong sống lâu trăm tuổi. Vợ chồng thì mong bách niên giai lão, gia đình đầm ấm yên vui. Tết để mọi người chúc nhau mạnh khỏe, vạn sự như ý; để mọi người đẹp lên mà sống với nhau; để cúng bái, giao tiếp với tổ tiên, thần linh, trời đất; để con cháu tỏ lòng hiếu thảo với ông bà, cha mẹ...
 
Quê tôi ven sông Đáy. Tết quê tôi cũng giống Tết ở mọi nơi trên miền Bắc này. Tôi thấy Tết ở quê tôi bắt đầu từ ngày cúng ông Công ông Táo. Thời bao cấp, làm gì có điện, có ga, bếp nhà nào cũng có các bộ “đồ rau” và kiềng. Trước đó cả tháng, anh em chúng tôi cùng cha nặn bộ “đồ rau” mới. Chúng tôi trộn nhuyễn đất thịt hoặc đất sét với giấy bản, rồi nặn lấy 3 bộ, gồm 9 “ông đồ rau”, mỗi bộ gồm có 3 vị - 2 ông và 1 bà. Đến ngày 23 tháng Chạp thì làm cỗ mặn, rồi thắp hương khấn vái.
 
Cúng xong, chúng tôi gánh các “ông đồ rau” cũ lên đường Đình, ven sông, chỗ sâu nhất, thả xuống cùng 3 con cá chép cho mỗi bộ, tin rằng cứ thế là các vị 2 ông 1 bà cưỡi cá chép lên Thiên đình, tâu xin Ngọc Hoàng cho được như nguyện.
 
Tết thời ấy nghèo, chỉ những ai là cán bộ mới có các tiêu chuẩn gạo nếp, trà, thuốc, bánh kẹo, nước mắm, mì chính..., còn lại thì cùng nhau tự lo, tự cấp, tự túc. Làng tôi có nhiều ao, nuôi được nhiều cá. Gần Tết, hợp tác xã tát ao, bắt cá, chia cho các nhà theo nhân khẩu. Năm nhiều thì mỗi khẩu được một vài cân, năm ít thì mấy lạng.
 
Mẹ tôi thường đem cá ấy kho mặn, rồi hong, phơi cho khô, Tết thì đem kho lại thật mặn để ăn với bánh chưng. Thế đã là ngon lắm! Bánh chưng còn có thể chấm đường hoặc ăn với chè kho. Chè kho nấu bằng đậu xanh và mật, hoặc sang hơn thì nấu với đường phèn, đường hoa mai, trộn cả thảo quả khô nghiền nhỏ, cay cay, thơm thơm, để được rất lâu.
 
Tết đến, xã cấp cho dân “giấy sát sinh” để có thể mổ lợn lấy thịt mà gói bánh chưng và làm cỗ Tết. Nhà nghèo hoặc nhà ít người thì “đụng” lợn, mấy nhà mổ một con lợn, nhà khá giả hoặc đông người thì mổ cả con. Nhà tôi thường “đụng” nửa con, tức là khoảng 40 - 50 cân lợn hơi. Mỗi nhà chỉ cần thêm mấy con gà, con vịt, con ngan, con ngỗng nữa đủ ăn Tết. Nói thế nhưng cũng có không ít nhà quá khó, chả đủ thịt cá mà ăn một cái Tết tươm tất.
 
Thường người ta mổ lợn vào sáng Ba mươi Tết. Thủ và chân giò thì để tối cúng tổ tiên, thần linh. Thịt thì gói bánh chưng tối luộc và pha sẵn để ăn Tết. Trưa Ba mươi là vui nhất vì cả nhà được ăn tiết canh, lòng lợn thoải mái. Cả năm thiếu “chất nhờn”, bữa lòng lợn tiết canh trở thành “đại tiệc” của dân nghèo cuối năm, dù không sang nhưng rất đã! Sang hôm sau thì có cỗ Tết cẩn thận rồi.
 
Nhà tôi thường gói bánh vào chiều Ba mươi và luộc ngay đêm ấy. Nông thôn, trời rét, chúng tôi luộc bánh chưng ngay giữa nhà. 50 chiếc bánh chưng xếp trong một chiếc thùng tôn lớn, đổ xâm xấp nước nóng, kê vững chắc trên gạch và đun bằng củi gộc, là những gốc cây, gốc tre tích sẵn trong năm. Trên miệng thùng là một vòng nùn rơm, trên vòng nùn rơm là một nồi lớn đựng nước lã. Khi nước trong thùng bánh vơi xuống, nước trong nồi cũng nóng già, chúng tôi lại “chế” nước trong nồi vào thùng. Cứ như thế, khoảng 10 đến 12 tiếng đồng hồ là bánh chín rền. 
 
Đừng “chế” nước lạnh mà bánh bên trên bị “hấy”. Đừng đun to quá mà bánh phía dưới bị nát. Nước “chế” còn thừa có thể tắm “tất niên”. Bánh chín, vớt ra, xếp lên cánh cửa gỗ, lại lấy cánh cửa gỗ khác để lên trên, đặt vật nặng như cối đá, thùng gạo, thúng thóc... lên, tạo độ nén vừa phải cho bánh mịn chặt.
 
Sáng mùng Một là có bánh cúng. Suốt đêm, chúng tôi trải chiếu quây quần bên bếp bánh, nghe cha mẹ nói chuyện về mọi việc. Cha là nhà Nho thì nói chuyện chữ nghĩa. Mẹ thì hay kể về ngày chúng tôi còn bé dại. Tôi thích nhất hai đôi câu đối mà cha hay đọc: “Tối ba mươi nợ hỏi tít mù, co cẳng đạp thằng Bần ra cửa/ Sáng mồng Một rượu say túy lúy, dang tay bồng ông Phúc vào nhà”, và: “Có bao nhiêu, ba vạn chín nghìn ngày, được trăm bận Tết/ Ước gì nhỉ, một năm mười hai tháng, cả bốn mùa xuân”.
 
Ngày bé, cứ nghĩ giá như mỗi năm có 4 mùa xuân thì thích lắm vì được ăn những 4 cái Tết mỗi năm. Lớn lên mới biết, nếu mỗi năm có 4 cái Tết thì dân nghèo đào đâu ra cỗ bàn và đồ lễ? Thế nên dân gian mới có câu: “Tết đến sau lưng, ông vải thì mừng con cháu thì lo”! Nhưng lúc ấy còn bé nào đã biết gì.
 
Cha mẹ tôi đã mất từ lâu. Anh cả tôi cũng đã quá tuổi “cổ lai hy”. Tôi không còn được cùng họ luộc bánh tối Ba mươi Tết nữa. Tôi cũng đã quá “lục thập”. Tôi lại kể cho các con nghe về ông bà ngày xưa, về tôi và các bác ngày còn bé, về 32 cái Tết bộ đội mà tôi đã trải - cả thời chiến lẫn thời bình. Nhìn mắt chúng, nhìn những bước chân sáo của chúng khi Tết đến, tôi thấy Tết quả là món quà đẹp nhất, vui nhất của tuổi trẻ. Cầu cho chúng luôn được "an, ninh, khang, thái"!
 
ĐỖ TRUNG LAI/Báo Hà Nội mới

.