Ngày Xuân luận bàn về thú chơi cây cảnh bonsai

11:02, 10/02/2019
.
(Baoquangngai.vn)- Chơi cây cảnh bonsai là thú chơi rất tao nhã, đòi hỏi người chơi phải có lòng đam mê, có kiến thức, thời gian và không gian. Những chậu bonsai có thế đẹp, sống động, hài hòa được ví như những tác phẩm nghệ thuật kỳ diệu từ thiên nhiên kết hợp với đôi bàn tay tài hoa của các ‘nghệ nhân’ đem lại nhiều cảm xúc cho người thưởng ngoạn.
Trong các từ điển tiếng Anh, tiếng Pháp ngày nay đều có từ bonsai, một từ bắt nguồn từ tiếng Nhật mang gốc Hán là bồn tài (penzai), có nghĩa là cây trồng trong chậu- một loại cây cảnh nghệ thuật, nhỏ bé nhưng lại có dáng dấp cổ thụ, được tạo dáng rất công phu. 
 
Ở Việt Nam, từ thời xa xưa, thú chơi cây cảnh nói chung và cây cây cảnh bonsai (cảnh thế) nói riêng đã trở thành một nét đẹp văn hóa truyền thống nhằm để tâm hồn được tĩnh tại và thư thái. Các bậc cao niên bảo rằng từ xưa đã có câu nói về thú chơi: “Nhất chữ, nhị tranh, tam sành, tứ kiểng” (thú chơi thư pháp, tranh, gốm sứ và cây cảnh (cây trong chậu - bonsai được nâng lên tầm nghệ thuật).
 
Cái khác giữa sự thưởng thức một cây cảnh thường và thưởng ngoạn bonsai là, đối với cây cảnh thường người ta tập trung nhiều hơn vào việc ngắm hoa và lá, còn với bonsai, sự thưởng lãm nằm ở vẻ đẹp của toàn cây và sự hòa điệu của cây với chậu cành. Trong nghệ thuật bonsai, lá cây được tìm cách thu nhỏ - càng nhỏ càng hay, còn hoa chỉ là yếu tố phụ. 
 
Theo quan niệm của giới chơi cây cảnh, một cây cảnh bonsai “độc” phải bảo đảm các yếu tố “Cổ - kỳ - mỹ”. Cổ được hiểu là lâu năm, độ cổ của cây bao gồm cổ lão nhân tạo và cổ lão tự nhiên. Còn yếu tố Kỳ là kỳ lạ, độc đáo, hay gọi là “dị thảo”. Kỳ còn được hiểu là sự kỳ công của tự nhiên và nghệ nhân tạo nên dáng thế, đem đến sự kỳ thú cho người thưởng ngoạn. Yếu tố mỹ trong bonsai được hiểu là vẻ đẹp, sự hoàn hảo.  Nếu hội đủ “Cổ - kỳ - mỹ” thì đương nhiên cây cảnh bonsai sẽ hàm chứa giá trị nhân văn sâu sắc. 
 
Các chủng loại cây bonsai có rất nhiều, từ các loại cây quý như cây tùng, cây bách đến các loại cây dân gian, dễ trồng như cây đa, cây si…. Bất kỳ một loài cây thân gỗ nào, dù sống ngoài tự nhiên có kích cỡ lớn đến bao nhiêu, khi đã lọt mắt “nghệ nhân” dưới  bàn tay của họ, thì nó cũng sẽ khoác lên mình một dáng vẻ mới, giá trị mới.
 
Chính vì vậy, để có được những chậu cây cảnh bonsai mang đậm tính nghệ thuật, ‘nghệ nhân’ phải dành cả tâm huyết, công sức, niềm đam mê và có con mắt thẩm mĩ nghệ thuật cao, óc tưởng tượng phong phú… 
 
Thú chơi cây cảnh bonsai đòi hỏi phải có tay nghề cao và niềm đam mê
Thú chơi cây cảnh bonsai đòi hỏi phải có tay nghề cao và niềm đam mê
 
Cũng như cây cảnh theo trường phái cổ điển, cây cảnh bonsai cũng có 4 thế cơ bản là trực (thẳng đứng), hoành (ngang), khuynh (xiêu) và huyền (chúc xuống). Tuy nhiên, đây cũng không hẳn là những thế bất di bất dịch. Tùy vào bộ đế, bộ rễ của cây và cách cảm nhận  mà mỗi nghệ nhân thổi hồn và sáng tạo ra các cây cảnh bonsai có dáng vẻ và biểu đạt ý tưởng khác nhau. Bởi thế, bonsai là biến thiên, không có điểm kết. 
 
Từ 4 thế cơ bản này, người chơi sẽ biến hóa cây cảnh theo nhiều chủ đề khác nhau như, người lớn tuổi thích mô phạm, thích kiểu dáng chịu ảnh hưởng của nho giáo thì tạo những thế cây: Tam đa, tứ quý, ngũ phúc, phụ tử, mẫu tử, phu thê, huynh  đệ, long giáng, phụng vũ, long phụng trình tường, nguyệt ảnh, nghinh phong…
 
Người trẻ tuổi thích phóng khoáng, lãng mạn thì tạo thế cây hoành (nằm ngang), thế huyền (đổ xuống như thác đổ), thế bạt phong (gió thổi bạt về một phía nhưng cây vẫn hiên ngang đứng vững)... và nhiều biến thể khác. Mỗi chủ đề sẽ tạo cho cây thành một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, hoàn chỉnh, có bố cục chặt chẽ và chuyển tải một thông điệp, một triết lý nhân sinh nhất định.
 
Mỗi cây bonsai là một tác phẩm sống, nên để tạo được dáng thế của cây phải qua một quá trình kiên nhẫn nhiều năm mới hình thành cho một cây bonsai coi đẹp mắt, thậm chí cả chục năm dài. Quá trình nuôi dưỡng này là một kỳ công, phải chăm bón làm sao cho cây khỏe mạnh nhưng không được cao, không được “lớn bổng” lên, rồi từ đó mới cắt tỉa, giúp cây nứt nhánh, tạo thành chi theo ý. Việc can thiệp để tạo thành một cây bonsai, cần ít nhất 5 năm trở lên, còn nuôi dưỡng từ một cây con cần khoảng 10 năm, hay thậm chí lâu hơn nữa. 
 
Với những “nghệ nhân” đam mê nghệ thuật cây cảnh bonsai, ngoài kỹ thuật tạo hình, lão hóa, thu gọn dáng cây, người chơi có đẳng cấp là người tạo được sự "quấn quýt" âm - dương.  Theo lý giải của các ‘nghệ nhân’, lũa là phần thân cây đã chết khô hóa gỗ, tượng trưng cho phần âm, những chồi non, lá…lại tượng trưng cho dương khí. 
 
Người ‘nghệ nhân’ giỏi sẽ là người biến phần lũa tưởng chừng khô cằn ấy sẽ nảy ra một nhánh cây xanh mướt, hay những cánh hoa mềm mại…Tất cả sự tương phản ấy tạo nên một cây cảnh bonsai giá trị, mang thông điệp sức sống vươn lên mãnh liệt của thiên nhiên, tạo hóa. 
 
Những chậu bonsai mini được bày bán tại Chợ hoa Xuân
Những chậu bonsai mini được bày bán tại Chợ hoa Xuân

 

Mai bonsai rất được nhiều người ưa chuộng và chọn mua trong dịp Tết đến Xuân về
Mai bonsai rất được nhiều người ưa chuộng và chọn mua trong dịp Tết đến Xuân về
 
Nghề chơi cũng lắm công phu nên trong thú chơi cây bonsai từ thích đến đam mê thoạt nhìn thấy cứ ngỡ khoảng cách thật gần, song, để lấp đầy cái khoảng cách tưởng gần ấy, người chơi không chỉ đầu tư tiền bạc, thời gian, công sức mà hơn hết phải là tình yêu… Những người đam mê cây cảnh bonsai nhờ thế cây để nói lên hồn, cốt của mình. Họ tìm đến cây không đơn thuần vì muốn ngắm nhìn, mà còn như muốn tìm đến sự giao thoa giữa lòng người và thiên nhiên. 
 
Nói như những “nghệ nhân” chơi cây cảnh bosai: Tác phẩm nghệ thuật của những người yêu thích bộ môn cây cảnh bonsai tựa như bức tranh trừu tượng của người họa sĩ, tựa như lời bài hát đầy hàm ý của các nhạc sĩ. Không dễ để giải nghĩa một cách rõ ràng nhưng tựu lại, mỗi “nghệ nhân” đều muốn chiêm ngưỡng cái đẹp, cái tinh túy của thiên nhiên và thông qua đó đúc kết cho mình những ý nghĩa cuộc đời.
 
Và cứ mỗi lần Tết đến Xuân về, những người chơi cây cảnh bonsai lại miệt mài tỉa tót các “tác phẩm nghệ thuật” của mình, để góp cho đời thêm chút Xuân. Để rồi, những ngày đầu Xuân mới, ngồi thư thả bên bàn trà ngắm nhìn gốc bonsai, lòng người trải rộng trong thú chơi tao nhã và mang tính nghệ thuật cao, sẽ thấy tâm hồn thanh thản, phiêu bồng, gửi gắm bao niềm hy vọng trước thềm năm mới.
 
Bảo Khánh
 

.