Ngày Tết, đồng bào Hrê rộn rã gói bánh lá dong

03:02, 04/02/2019
.
(Baoquangngai.vn)- Dịp Tết, nếu như người Kinh gói bánh chưng, bánh tét thì đồng bào Hrê ở các huyện vùng cao Quảng Ngãi lại gói bánh lá dong để cúng kiếng ông bà, tổ tiên và thiết đãi bà con, chòm xóm, người thân khi ghé đến nhà thăm, chúc Tết. Chiếc bánh tuy giản dị nhưng là tất cả tấm lòng của mỗi người Hrê vào dịp Tết cổ truyền. 
Cứ vào mỗi độ Tết đến xuân về, khi những bông hoa rừng khoe sắc rực rỡ thì đó cũng là lúc mỗi gia đình đồng bào Hrê ở huyện vùng cao cùng nhau làm bánh để đón Tết.
 
Khác với người Kinh ở dưới đồng bằng, thường làm bánh chưng, bánh tét được gói bằng lá chuối. Đồng bào Hrê ở các huyện Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà, họ ăn Tết với loại bánh khá đặc biệt, đó là loại bánh được gói bằng lá dong, có kích thước nhỏ hơn bánh chưng, bánh tét.
 
Chị em phụ nữ Hrê quây quần bên nhau để gói bánh lá dong.
Chị em phụ nữ Hrê quây quần bên nhau để gói bánh lá dong trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc.


Lá dong là một loại cây có chiều cao trung bình từ 1 đến 2m, mọc dưới những tán rừng già có độ ẩm cao và đẻ nhánh khỏe. Mỗi năm một cây có thể đẻ ra hàng chục nhánh, mỗi nhánh cho thu hoạch đến vài lá. Cây dong cho thu hoạch quanh năm, lá chỉ cần mọc tầm hai tháng là có thể cắt được. 

Ở Quảng Ngãi, loại lá này mọc nhiều ở các huyện Nghĩa Hành, Ba Tơ, Minh Long…Vào thời điểm này được xem là mùa thu hoạch rộ nhất trong năm để phục vụ cho thị trường Tết Nguyên đán. 
 
Để chuẩn bị cho những mẻ bánh cúng Giàng, tổ tiên ông bà, trước đó một ngày, cánh đàn ông trong gia đình đã men theo các triền đồi để chọn hái lá, chị em phụ nữ đi theo để phụ bó lá và phân loại chúng.
 
Lá được chọn để gói bánh cúng phải là những chiếc lá xanh tươi nhất. Khổ lá vừa phải. Phần còn lại mang ra chợ vùng cao bán hoặc bỏ cho thương lái mang xuống bán dưới chợ ở đồng bằng.
 
“Ngoài lá thì nguyên liệu như nếp để nấu bánh cũng được những người phụ nữ chuẩn bị rất kỹ. Đó phải là loại nếp ngon nhất, đều hạt được thu hoạch từ các vụ lúa trong năm và gói ghém bảo quản cẩn thận để đến các dịp lễ hội, Tết nhứt mới lấy ra dùng để gói bánh, nấu xôi cúng”, bà Phạm Thị Chiêng, ở xã Ba Thành, huyện Ba Tơ, cho hay.
 
Bánh lá dong sau khi gói xong.
Bánh lá dong của người Hrê có hai loại, gồm có đôi và bánh đơn.
Bánh lá dong của người Hrê gồm có đôi và bánh đơn. Bánh đôi là bánh bó chung hai chiếc bánh đơn thành cặp trước khi nấu. Bánh đơn còn gọi là bánh cử thường dùng để cúng cho người chết, cúng trâu, cúng chiêng. Còn trong dịp Tết, bánh đơn được gói để cúng và mỗi người trong gia đình được ăn một chiếc vào sáng đầu năm. 
 
Bánh không có nhân, chỉ đặc biệt làm bằng nếp trắng, người thích thì chỉ thêm vào đó một ít bột ngọt, tí muối để hương vị của nếp thêm phần đậm đà.
 
Nếu như nguyên liệu phải được chuẩn bị kỹ càng để chiếc bánh làm ra có hương vị thật thơm ngon thì kỹ thuật gói bánh cũng hết sức quan trọng trong các công đoạn làm bánh. 
 
Chuẩn bị xong các nguyên liệu, chị em phụ nữ quây quần bên nhau gói bánh. Họ đặt nếp vào trong từng chiếc lá đã được rửa sạch sẽ và dùng lạc mềm để gói chặt.
 
“Chỉ có sự tỉ mĩ, cẩn thận thì mới mong bánh giữ được lâu hơn và không bị thiu, đồng thời cho hình dạng thật bắt mắt”, bà Đinh Thị Đin, ở xã Ba Thành, huyện Ba Tơ nói. 
 
Bánh sau khi nấu xong.
Bánh sau khi vừa nấu xong sau vài giờ đồng hồ.
 
Bánh gói xong xếp vào nồi và đổ ngập nước, nấu kỹ trong khoảng vài giờ đồng hồ. Bánh chín vớt ra để ráo và có thể dùng để bày biện trong mâm cỗ ngày Tết cúng ông bà, tổ tiên và sau đó mời bà con, chòm xóm, người thân đến chúc Tết ở gia đình thưởng thức. 

“Từ sâu xa trong tâm thức dân gian, những chiếc bánh dân dã, bình dị này là cả sự tâm tình của chủ nhà đối với ông bà tổ tiên và người thân”, ông Phạm Văn Đệ, một già làng lớn tuổi ở xã Ba Thành, huyện Ba Tơ bộc bạch.

Hương vị thơm ngon của bánh lá dong.
Hương vị dân dã, bình dị của bánh lá dong là cả sự tâm tình của chủ nhà đối với ông bà tổ tiên và người thân trong dịp Tết  cổ truyền.
 
Bánh lá dong có hương vị thơm ngon của gạo nếp và lá dong, chất chứa những tinh hoa của núi rừng, là sản vật không thể thiếu của đồng bào Hrê khi đón Tết cổ truyền. Truyền thống này đã được lưu truyền từ đời này sang đời khác và các thế hệ con cháu hôm nay vẫn luôn giữ gìn để mâm cỗ ngày Tết cúng ông bà, tổ tiên luôn đủ đầy. 
 
Bài, ảnh: Thiên Hậu
 

.