(Báo Quảng Ngãi)- Ở đảo Lý Sơn, ngày Tết cổ truyền của dân tộc thật đáng nhớ và đặc biệt không chỉ đối với cư dân đất đảo mà với cả những người ở phương xa, bởi những giá trị văn hóa truyền thống hết sức đặc trưng.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Những ngày cuối năm, dẫu công việc tất bật, nhưng đâu đó trong sâu thẳm tấm lòng của mỗi người đều chứa đựng sự lắng đọng của tâm hồn. Đó là ký ức của ngày Tết, là niềm mong nỗi nhớ mau chóng về với quê hương, cội nguồn. Đó cũng là câu chuyện ý nghĩa về giá trị văn hóa truyền thống trong ngày Tết ở đảo Lý Sơn mà tôi có dịp được nghe kể.
Trở về với ký ức
Với ai cũng thế, ngày Tết đã đi vào ký ức tuổi thơ với sự háo hức, chờ mong được xúng xính trong bộ quần áo mới, được nhận phong bì lì xì... Trẻ con ở Lý Sơn cũng vậy. Anh Phan Đình Độ, người con của đất đảo Lý Sơn, hiện là Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa (Sở VH-TT&DL) tâm tình rằng: Nhà có 7 anh em, khi bố còn sống, năm nào cũng vậy, trước lúc giao thừa, ông đánh thức tất cả các con dậy, mặc quần áo mới, rồi cả nhà quây quần bên nhau đón thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Tất cả đều nguyện cầu một năm mới an lành, gặp nhiều may mắn. Đó là ký ức không thể phai mờ. Và như đã thành lệ, dù đã có gia đình riêng và có nhà ở thành phố, nhưng năm nào gia đình của cả 7 anh em đều về Lý Sơn đón Tết.
Lễ hội đua thuyền là nét đẹp văn hóa truyền thống trong dịp Tết ở Lý Sơn. Trong ảnh: Các bậc cao niên cúng tế thần linh trước khi tổ chức lễ hội đua thuyền. |
Anh Độ cho biết, không khí ngày Tết ở Lý Sơn lắng đọng với những giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng. Mỗi người cảm nhận khác nhau về ngày Tết, với anh, Tết ở Lý Sơn đặc biệt hơn cả là tính cố kết cộng đồng thông qua những phong tục, tập quán từ rất lâu đời. Và ngày Tết ở Lý Sơn cũng không sao quên được hương vị của những món ăn truyền thống.
Nhiều người đã có dịp thưởng thức bánh ít lá gai ở Lý Sơn với hương vị thơm ngon rất đặc trưng mà hiếm nơi nào có được. Song có lẽ, khách thập phương ít ai biết được rằng, bánh ít là món không thể thiếu trong mâm cúng gia tiên của người dân đất đảo trong ngày Tết. Ngày nay, có rất nhiều loại bánh được sản xuất theo công nghệ hiện đại, nhưng với người dân Lý Sơn không gì có thể thay thế bánh ít lá gai trên bàn, bởi nét văn hóa truyền thống đã ăn sâu vào tâm thức.
Một điều đặc biệt nữa là, ngày Tết có rất nhiều món ăn, nhưng với nhiều gia đình ở Lý Sơn, đặc biệt hơn cả vẫn là món cá đòn kho nước dừa, hương vị thơm ngon đến độ từ tấm bé cho đến lúc về già, dù đi khắp các phương trời, nhiều người quê Lý Sơn vẫn nhớ món cá đòn trong ngày Tết.
“Ngày Tết ở Lý Sơn đặc biệt hơn cả là thể hiện tính cố kết cộng đồng bền chặt. Mỗi người dân đều ý thức trách nhiệm trong việc chuẩn bị để tổ chức các nghi lễ truyền thống, đặc biệt chuẩn bị cho lễ hội đua thuyền”.
|
Độc đáo các nghi lễ truyền thống
Theo các bậc cao niên ở Lý Sơn, từ xa xưa cho đến ngày nay, vào dịp Tết cổ truyền, trên đất đảo vẫn giữ gìn nguyên vẹn các nghi lễ truyền thống, phong tục Tết của người Việt vẫn rất đậm nét. Từ việc đi tảo mộ, trang hoàng bàn thờ gia tiên, mua sắm các lễ vật để cúng tế ở các đình, miếu... đều được chuẩn bị hết sức chu đáo. Ngày 24 tháng Chạp, tất cả các đình, chùa trên đảo đều thực hiện nghi thức trồng đu lên phướn. Đây là nét đẹp văn hóa truyền thống hết sức độc đáo, là nghi thức để rước thần linh.
Lễ hội đua thuyền ở Lý Sơn. Ảnh: TL |
Đặc biệt, vào ngày mồng 1 Tết, Ban tế tự của đình mang quả bánh, trầu rượu đến nhà thờ các vị tiền hiền của làng để ra mắt, nhằm bày tỏ lòng tri ân. Một nghi thức quan trọng nữa của làng là lễ động thổ, diễn ra vào tối mồng 2 Tết tại đình làng. Lễ động thổ được tổ chức hết sức trang trọng, gắn liền với tâm thức của cư dân nông nghiệp. Theo quan niệm, từ ngày 30 tháng Chạp đến mồng 1 Tết, không ai được làm động đến đất đai, kể cả có người chết cũng không được mai táng vào ngày này, vì chưa được thần linh cho phép, mà phải đợi đến tối mồng 2 Tết sau nghi lễ động thổ.
Có rất nhiều nghi lễ trong ngày Tết ở Lý Sơn liên quan đến đời sống sản xuất của cư dân. Ngày Tết, tất cả các chủ thuyền trên đảo đều đến các dinh miếu trong làng để ra mắt thần, làm lễ nguyện cầu năm tới làm ăn được mùa, sức khỏe dồi dào. Đến tối mồng 3, sáng mồng 4, tất cả dinh miếu có thuyền đua, đặc biệt là hai đình làng An Vĩnh, An Hải làm lễ ra trò, tức tổ chức các trò chơi.
Các trò chơi được tổ chức không đơn thuần là phục vụ đời sống tinh thần của người dân, mà còn là một trò diễn trước thần linh. Đặc biệt, ngày Tết ở Lý Sơn không thể thiếu lễ hội đua thuyền, từ già chí trẻ đều mong đến ngày được xem các tay đua trổ tài. Đến ngày mồng 7, các làng làm lễ hạ nêu, tế cáo thần linh kết thúc các nghi lễ mừng năm mới, để trở lại cuộc sống bình thường.
Bài, ảnh: PHƯƠNG LÝ