(Báo Quảng Ngãi)- Hàng trăm năm qua, cây trâm vối cạnh mộ cụ Chánh đề lãnh, Vũ sơn hầu Huỳnh Công Thiệu hiên ngang trước bão giông. Cây là chứng nhân trong quá trình mở đất, lập làng của những bậc tiền nhân. Mỗi độ xuân về, những chùm hoa trắng giữa tán lá xanh tỏa hương thơm dịu cho ong, bướm vờn quanh...
1. Sử liệu cho biết, hơn 4 thế kỷ trước, Chánh đề lãnh, Vũ sơn hầu Huỳnh Công Thiệu là tướng dưới quyền và là đồng hương của chúa Nguyễn Hoàng, ở huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Trong công cuộc mở mang, khai phá đất phương Nam, cụ được chúa Nguyễn giao trọng trách trấn thủ vùng đất phủ Tư Nghĩa. Cụ chiêu mộ hàng nghìn lưu dân cùng binh sĩ khẩn hoang, lập các làng thuộc xứ Lộ Bôi, huyện Mộ Hoa xưa, nay đổi tên là huyện Đức Phổ.
Cây trâm vối cổ thụ hàng trăm năm tuổi bên cạnh mộ cụ Huỳnh Công Thiệu. Ảnh: Trang Thy |
Thuở trước, nơi đây rất hoang vu với đất đai sình lầy và ẩm thấp, um tùm lau sậy. Cụ cấp phát lương thực cho lưu dân đủ ăn để khuyến khích họ chung sức cùng binh sĩ mở mang vùng đất mới. Sau những tháng ngày nhọc nhằn khai phá, hơn 2.000 mẫu đất được cấp toàn bộ cho dân, khiến mọi người vui vẻ, ra sức cấy cày.
Cụ tổ chức “đào xẻ khe ngòi”, tạo nên hệ thống kênh mương dẫn thủy nhập điền, phục vụ tưới tiêu cho nhiều xứ đồng. Dòng nước trong xanh từ dòng sông Trà Câu tưới mát cho cho những cánh đồng lúa xanh mướt. Vùng đất sình lầy thành ruộng đồng cò bay thẳng cánh đem lại những mùa vàng cho bao phận đời lam lũ. Lưu dân quần cư thành những xóm làng kéo dài từ phía nam sông Trà Câu đến đèo Bình Đê, giáp ranh tỉnh Bình Định.
Cụ còn khuyến khích người dân phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, trao đổi hàng hóa giữa các vùng miền. Những chiếc thuyền nan lướt êm trên dòng sông Trà Câu, sông Thoa chở sản vật đến nhiều vùng miền và trở về với của ngon vật lạ từ nơi khác. Cánh buồm trên những chiếc ghe bầu căng gió vào ra cửa biển Mỹ Á tạo nên khung cảnh nhộn nhịp, trên bến – dưới thuyền rộn ràng tiếng nói cười, ngã giá bán – mua.
Cụ còn chăm lo giáo hóa dân chúng với việc mở trường, mời thầy về dạy cho con em trong vùng. Cư dân các làng đều nghe theo cụ, đóng góp công sức và tiền của xây dựng đình làng, miếu võ để cúng tế những bậc tiền hiền có công lao với quê hương, đất nước. Với chức trách quan đứng đầu, cụ luôn giữ nghiêm phép nước, thẳng tay trừng trị quan lại nhũng nhiễu dân, góp phần ổn định trật tự xã hội. Tiếng lành đồn xa, nhiều cư dân Đàng Ngoài rời quê đến vùng đất mới với ước mong cuộc sống được đủ đầy.
Sinh thời, cụ Huỳnh Công Thiệu có người vợ ở thôn Trung An, xứ Lộ Bôi, huyện Mộ Hoa (giờ đổi thành thôn An Thường, xã Phổ Hòa, huyện Đức Phổ). Nơi đây có cây trâm vối với cành lá sum suê tỏa bóng râm mát, làm điểm tụ họp của các loài chim. Cuộc sống yên bình của lưu dân bị ly tán bởi những thế lực chống đối tổ chức cướp phá, tàn hại người Việt, ngăn cản sự nghiệp mở mang đất đai.
Cụ trực tiếp cầm quân vượt bao khó khăn đánh dẹp với mong muốn đem lại sự bình yên cho nhân dân. Sau mỗi lần đánh trận trở về, cụ ghé thôn Trung An nghỉ ngơi và cột chiến mã tại cây trâm vối, trước khi trở về dinh cơ ở thôn An Trường, xã Phổ Ninh, huyện Đức Phổ ngày nay. Ngày 16.6.1611, cụ tử trận khi đem quân bảo vệ miền biên giới phía tây. Thi hài của cụ được thuộc cấp đưa về cùng gia đình và dân chúng an táng cạnh gốc cây trong niềm tiếc thương vô hạn.
Tiếp nối sự nghiệp của cụ, con trai là Huỳnh Công Bảng đứng ra mộ dân khai khẩn, mở rộng vùng đất Lộ Bôi về phía đông và phía nam, lập nên những ngôi làng trù phú yên vui. Ghi nhận công lao của cha con cụ Huỳnh Công Thiệu, vua Thành Thái nhà Nguyễn truy phong hai ông là Dực bảo Trung hưng linh phù chi thần vào năm 1890. Nhiều đời vua triều Lê, Nguyễn còn tấn phong hai ông nhiều sắc phong, nhưng bị khói lửa chiến tranh gây hư hại.
Theo sử liệu thì: “Huỳnh Công Thiệu là nhân vật lịch sử tiêu biểu thế kỷ XVI – XVII đã có những cống hiến to lớn trong quá trình mở mang, khai phá đất đai về phương nam của quốc gia Đại Việt. Không chỉ tham gia vào quá trình mở rộng cương giới quốc gia, ông còn đứng ra mộ dân khai khẩn đất hoang, lập nên nhiều thôn ấp, đồng thời tổ chức tốt cuộc sống của nhân dân trên vùng đất mới, tổ chức bố phòng, bảo vệ vùng biên giới phía tây của đất nước...”. Ngày 29.3.2012, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL ký quyết định xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia mộ và đền thờ Huỳnh Công Thiệu. |
2. Tưởng nhớ công lao của cha con cụ Huỳnh Công Thiệu, hậu duệ và dân chúng xứ Lộ Bôi góp tiền của và công sức xây dựng mộ và hai ngôi đền thờ đời đời tế lễ. Đền thờ tại xã Phổ Ninh ngày nay là nơi cụ Huỳnh Công Thiệu đặt dinh cơ được xây dựng khá trang nghiêm. Đền thờ tại xã Phổ Minh xây dựng trên khu vườn rộng giữa cánh đồng mà cụ khai khẩn lúc sinh thời.
Đền thờ cụ Huỳnh Công Thiệu ở xã Phổ Ninh (Đức Phổ). Ảnh: Trang Thy |
Ngôi mộ xây dựng cạnh cây trâm vối ở thôn An Thường, xã Phổ Hòa, theo lối kiến trúc cổ, khá tinh xảo, với nhiều hạng mục: Trụ cổng, bình phong tiền, nhà bia, bình phong hậu. Khu mộ và hai đền thờ là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của cư dân địa phương. Vào ngày rằm và mùng một âm lịch hằng tháng, nhiều người đến dâng hương tưởng niệm, cầu mong gia đình và xóm làng được yên vui.
Vào ngày 16 tháng 6 âm lịch hằng năm, con cháu cùng cư dân trong vùng và chính quyền sở tại tổ chức ngày giỗ cụ Huỳnh Công Thiệu theo nghi lễ cổ truyền hết sức trang nghiêm. “Người dân ở đây luôn tôn kính cụ nên gọi là mộ cụ Chánh. Vào ngày giỗ hay dịp Tết, chúng tôi tổ chức phát dọn cây cỏ quanh khu vực mộ thông thoáng và dâng hương viếng vong linh của cụ”, anh Cao Văn Anh, cán bộ Văn hóa – Xã hội xã Phổ Hòa cho biết.
Hơn 400 năm qua, cây trâm vối cạnh mộ cụ Huỳnh Công Thiệu vẫn hiên ngang trước bão giông. Trải qua bao biến thiên trong lịch sử, cây vẫn cành lá vẫn sum suê, là chứng nhân trong sự nghiệp mở mang đất đai của cha ông thuở trước.
TRANG THY