Chợ quê ngày giáp Tết

02:02, 01/02/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 đang đến rất gần, chợ quê những ngày này diễn ra nhộn nhịp và tấp nập. Chợ quê còn lưu giữ những nét văn hóa đặc sắc, rất riêng của người Việt.

TIN LIÊN QUAN

Độ 20 tháng Chạp, ở những miền quê yên bình, các chợ nhỏ bắt đầu tấp nập người mua bán. Nếu ngày thường, chợ quê chỉ có hơn chục người, thì giáp Tết số lượng người buôn bán gấp đôi ba lần. Cảnh chợ trở nên nhộn nhịp, rộn ràng. Các mặt hàng được bán chủ yếu là bó rau, nhánh hoa, nải chuối... Bởi thế mà không cần bàn ghế, tủ kệ, chỉ cần có một chỗ ngồi là các bà, các chị có thể bày bán, giới thiệu, chào mời khách.

Rộn ràng chợ quê

Có truyền thống trồng hoa bán Tết hơn mấy chục năm qua, dù thương lái đến tận nhà thu mua, nhưng năm nào cũng vậy, bà Trần Thị Cúc, ở thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn) lại dành một ít hoa đẹp nhất trong vườn để mang ra chợ quê bán. Bà Cúc chia sẻ: "Ngoài trồng các loại rau trong vườn, tôi còn dành 2 sào đất trồng lay ơn, cúc bán Tết.

Năm nào cũng vậy, đầu tháng Chạp là thương lái đến đặt cọc thu mua hoa, nhưng tôi lúc nào cũng để một ít mang ra chợ bán. Ngoài việc kiếm ít tiền lời, thì đó là thói quen mấy chục năm qua của tôi. Dù chỉ mang vài bó hoa, ít mớ rau ra bán, nhưng được gặp bà con, mọi người rồi hỏi thăm đủ thứ chuyện cũng là niềm vui đặc biệt của ngày cuối năm".

Ngoài là nơi mua sắm, chợ quê ngày giáp Tết còn là nơi hàn huyên của  nhiều người đi xa, nay về quê ăn Tết.                                                                               Ảnh: Hiền Thu
Ngoài là nơi mua sắm, chợ quê ngày giáp Tết còn là nơi hàn huyên của nhiều người đi xa, nay về quê ăn Tết. Ảnh: Hiền Thu


Ở chợ quê, không hiếm những người như bà Cúc. Họ là nông dân, quanh năm trồng trọt, chăn nuôi, đến những ngày cuối năm, trong nhà có sản vật, thực phẩm, cây trái nào tươi ngon, thì mang ra chợ bán kiếm ít tiền để sắm Tết cho gia đình. Với những thứ hàng hóa bình dị, gần gũi như mấy con gà, vịt, lá chuối, mớ rau, nhành hoa... cùng tiếng cười nói rộn rã, hỏi han nhau khiến chợ quê thân thương hơn và từ bao đời nay đã trở thành nét văn hóa đẹp của người Việt.

Chị Phạm Thị Hiền, ở xã Nghĩa Phương (Tư Nghĩa) cho hay: "Cuối năm tôi tranh thủ đi mua củ kiệu làm dưa món và trái cây, nhành hoa để bày lên bàn thờ gia tiên. Dù nhà cách chợ Quảng Ngãi không xa nhưng tôi vẫn thích đi chợ quê, bởi thực phẩm vừa tươi ngon và giá cũng dễ chịu. Những người bán ở chợ đều là bà con, xóm giềng của nhau nên thật tình, chân chất lắm".

"Dù chỉ mang vài bó hoa, ít mớ rau ra bán, nhưng được gặp bà con, mọi người rồi hỏi han đủ thứ chuyện cũng là niềm vui đặc biệt của ngày cuối năm".

TRẦN THỊ CÚC, ở thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn)


Hồn quê trong chợ Ngõ

Tuy không sầm uất, nhộn nhịp như những thập niên trước, nhưng chợ Ngõ, thôn Vạn An, xã Nghĩa Thương (Tư Nghĩa) vẫn là nơi buôn bán, tụ tập của dân làng. Ngày Tết, các mẹ, các chị lại bày bán những món hàng “cây nhà lá vườn” để lưu giữ lại phần nào “hồn” quê.

Chẳng một người dân nào của thôn Vạn An biết được cái tên chợ Ngõ có tự bao giờ. Họ chỉ biết, khi họ lớn lên, chợ này đã được tổ chức buôn bán tự đời nào. Ông Lưu Thành Nhâm (70 tuổi), người gắn bó gần cả đời người với mảnh đất Vạn An cho biết: “Hơn 50 năm trước, chợ Ngõ chỉ là những lều tranh tạm bợ, sạp hàng cũng rất đơn giản được đan bằng tre, nhưng là nơi buôn bán của nhiều người.

Không chỉ có người dân Nghĩa Thương, mà các xã khác như Nghĩa Hiệp, Nghĩa Trung, thậm chí là người dân xã Nghĩa Hòa cũng về đây mua bán. Giờ đây, tuy không còn là chợ lớn, nhưng cũng là nơi trao đổi hàng hóa của người dân Vạn An”.

Những món hàng
Những món hàng "cây nhà lá vườn" như bánh nổ được bày bán ở chợ Ngõ. Ảnh: Hoài biệt


Ngày trước, vì chợ ít, nơi buôn bán của bà con không nhiều, nên chợ Ngõ là địa điểm giao thương chính của bà con tứ phương. Đặc biệt, chợ này nằm ngay ngã tư, nơi giao nhau của các tuyến đường lớn đi Nghĩa Hiệp, Nghĩa Trung, La Hà và các xã cánh Đông của huyện Tư Nghĩa, nên tất cả hàng hóa đều được vận chuyển về đây để trao đổi, buôn bán. Chính vì vậy, hơn chục năm trước, nơi đây được xem như trung tâm buôn bán của người dân Tư Nghĩa.

Chợ Ngõ độc đáo ở chỗ, các món hàng đem ra bán - mua mang đậm chất quê. Các bà, các chị vẫn quẩy trên vai đôi quang gánh, chất đầy hàng sau xe để đến chợ. Các mặt hàng được bán phần lớn là của nhà làm, như cây chổi, bó rau, nải chuối, hay con gà trống choai để cúng tất niên... Ngoài những mặt hàng ngày thường, nơi đây còn bày bán lá dong, lá chuối, đậu phộng, bánh nổ, bánh thuẫn mang nhãn mác “nhà làm”.

Khi trời mới tờ mờ sáng, những người bán hàng đến chợ, bày biện hàng hóa. Còn những người đi chợ cũng đến từ rất sớm để tìm mua thực phẩm tươi ngon. Những xe cá mới cập bờ của các tiểu thương tận Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa), Nghĩa Phú (TP.Quảng Ngãi) cũng được vận chuyển lên để buôn bán cho bà con thôn quê. Đặc biệt, chợ Ngõ bắt đầu hoạt động từ 5 giờ sáng và đến 8 giờ sáng thì vãn dần, người dân bắt đầu dọn dẹp vệ sinh để bắt đầu công việc khác.

Ngày nay, nhiều chợ mọc lên và ít nhất mỗi địa phương đều có chợ, nên chợ Ngõ không còn sầm uất, quy mô như những năm trước. Tuy nhiên, khu chợ này vẫn được bà con giữ lại và tổ chức buôn bán đều đặn, vì đây không chỉ là nơi người dân mua sắm trao đổi hàng hóa, mà còn là nơi giao lưu, gặp gỡ. Đến với chợ Ngõ, là đến với tình người, tình quê mộc mạc, ấm áp, chân tình.

Những ngày giáp Tết cổ truyền, về chợ Ngõ, nhiều người như tìm về những kỷ niệm xưa, với nét văn hóa đã ăn sâu trong ký ức của mỗi người. Nhiều mặt hàng quen thuộc với đời sống người nông dân được bày bán ở chợ quê ngày cuối năm, cho ta thấy những nét đẹp của chợ quê ngày Tết.
                      ***
Ngày nay, dù xã hội hiện đại, nhiều trung tâm thương mại, siêu thị mọc lên, nhưng chợ quê ngày Tết vẫn luôn có một chỗ đứng quan trọng và không thể thay thế được trong lòng mọi người. Bởi đến chợ quê những ngày cuối năm không chỉ để mua sắm mà còn để tận hưởng hương vị rất riêng của ngày Tết...


HIỀN THU -  HOÀI BIỆT


.