Với người dân Việt Nam, tết Nguyên đán không chỉ là dịp quây quần sum họp bên gia đình, mà còn chứa đựng bản sắc dân tộc. Trong những ngày cuối năm, nhiều hoạt động trưng bày, tái hiện không khí phong vị tết xưa được tổ chức.
Bức tranh đa sắc
Tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long, nhiều hoạt động trưng bày, triển lãm, hoạt động văn hóa truyền thống phục vụ nhân dân đón xuân, vui tết diễn ra từ ngày 26-1. Với thông điệp “Hoàng thành Thăng Long - điểm đến di sản Mùa xuân 2019”, khu di sản tập trung giới thiệu bức tranh văn hóa truyền thống nhiều sắc màu, đưa đến cho du khách những cảm nhận thú vị về phong tục tập quán độc đáo gắn với ngày xuân của dân tộc Việt Nam.
Tại đây, một không gian trưng bày gợi nhớ tết xưa với chủ đề “Hương xuân” được tái hiện với nhiều hình ảnh sinh động như: nghênh rồng ngày xuân, xin chữ thư pháp, thú chơi câu đối tết, mô hình nấu rượu hoa tiến vua, tranh dân gian, gian hàng bao cấp ngày tết… Lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Thăng Long chia sẻ, người dân sẽ có dịp cùng trải nghiệm không khí lễ hội ngày xuân linh thiêng, rạng rỡ của mảnh đất ngàn năm văn hiến; lắng đọng cùng thời khắc tiễn năm cũ đón năm mới với nhiều nghi thức truyền thống được tái hiện, như: lễ dựng cây nêu, lễ ông Công - ông Táo, thả cá chép, dâng hương khai xuân. Đặc biệt, các bạn nhỏ sẽ được trải nghiệm chợ tết xưa qua các trò vui dân gian, viết chữ thư pháp, làm hoa tết, ghép tranh vải, nặn tò he…
Tập tục gói bánh chưng vào ngày tết có sức sống vững bền trong đời sống người Việt |
TS Nguyễn Thị Minh Lý, thành viên Hội đồng Di sản Việt Nam, cho biết: “Nhiều giá trị của các phong tục tập quán trong ngày tết dần bị mai một vì nhiều người trẻ không nhận thức được tết là một di sản văn hóa. Cần nhìn nhận tết truyền thống là cái tết của ông bà tổ tiên, của gia đình. Xã hội càng hiện đại, chúng ta càng cần có một dịp ngồi lại với nhau để chia sẻ, nhìn lại chặng đường đã qua, nhớ về tổ tiên và giáo dục con cái. Đó chính là ý nghĩa của tết”.
Trên tinh thần ấy, đã thành thông lệ, trong ngày 26 và 27-1, chương trình “Tết đình làng Việt” của nhóm những người yêu di sản lại được tổ chức. Với tên gọi “Tết Việt Xuân Kỷ Hợi 2019”, chương trình năm nay được tổ chức tại đình làng Lệ Mật (Long Biên - Hà Nội) gồm nhiều hoạt động trải nghiệm không gian văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực hấp dẫn, như: Thực hành gói bánh chưng, hát cửa đình… Tại đây, các nhà nghiên cứu, nhà văn hóa cùng ngồi lại tọa đàm văn hóa Tết Việt; trình diễn nghệ thuật thư pháp, tranh dân gian; nói chuyện về phong tục tập quán địa phương…
Tại Văn miếu Quốc Tử Giám, theo TS Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hội chữ Xuân 2019 diễn ra từ ngày 29-1 đến 17-2 tại Hồ Văn. Sẽ có 48 lều viết bố trí đều xung quanh Hồ Văn nhằm tạo không gian thoáng đãng cho du khách ngồi xin chữ. Hội chữ Xuân là sự kiện văn hóa được tổ chức vào dịp Tết Nguyên đán nhằm tôn vinh truyền thống tôn sư trọng đạo, hiếu học của học sinh, sinh viên và nhân dân thủ đô. Cùng đó, nhiều hoạt động truyền thống như đấu cờ người, biểu diễn nghệ thuật truyền thống… cũng được luân phiên tổ chức.
Tái hiện không khí đón xuân
Mỗi dịp xuân về, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam - địa chỉ quen thuộc để tìm hiểu khám phá những nét đẹp văn hóa các vùng miền, các dân tộc - lại tổ chức nhiều hoạt động. Trong suốt những ngày trước và trong tết, du khách có dịp tìm lại những ký ức về hương vị tết qua việc gói bánh chưng, viết thư pháp, in tranh Đông Hồ, chơi trò chơi dân gian của một số dân tộc. Đặc biệt, năm nay bảo tàng phối hợp với Sở VH-TT-DL Bắc Giang giới thiệu văn hóa tỉnh này. Du khách sẽ được tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa của người Việt, Cao Lan, Sán Dìu thông qua những câu ca quan họ Thổ Hà mượt mà, đằm thắm; những tiếng hát Soong Hao, Soọng Cô độc đáo làm say đắm lòng người; những trải nghiệm với nghề dệt thổ cẩm, làm giấy truyền thống của người Cao Lan.
Tại Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), đã thành thông lệ, bắt đầu từ nay cho đến ngày 31-1-2019 (26 tết), gần 100 đồng bào của 14 dân tộc: Tày, Dao, Mông, Nùng, Thái, Mường, Khơ Mú, Ba Na, Tà Ôi, Cơ Tu, RagLai, Ê Đê, Khmer... sẽ tái hiện các hoạt động chuẩn bị đón tết, không khí đón tết cùng những nghi lễ trong ngày đầu xuân mới.
Anh Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc làng văn hóa chia sẻ, các hoạt động đón tết mừng năm mới của cộng đồng các dân tộc là phong tục đặc sắc, truyền thống văn hóa lâu đời, ở đó còn thể hiện tinh thần đoàn kết và sức mạnh của cộng đồng. Đồng bào dân tộc thiểu số dù cuộc sống khó khăn nhưng tinh thần đoàn kết, cùng nhau vươn lên được thể hiện rất rõ. Đây còn là hoạt động thiết thực và ý nghĩa nhằm giới thiệu phong tục tốt đẹp của các cộng đồng Tày, Mông và Thái tại “ngôi nhà chung” và cũng là cơ hội để cộng đồng các dân tộc quảng bá việc gìn giữ những phong tục, nghi lễ, những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình tới du khách khi đến tham quan làng văn hóa.
Tại làng dân tộc Tày là tục gói bánh chưng để dâng cúng ông bà tổ tiên. Tại làng dân tộc Mông, đồng bào mặc những bộ váy áo xúng xính nhiều màu sắc, dán những mảnh vải đỏ lên cửa, lên bàn thờ chuẩn bị năm mới. Du khách đến làng văn hóa những ngày này sẽ có cơ hội được mời ăn tết với mâm cỗ ngày tết từ 9 - 12 món, gồm xôi, gà, cá, tôm, cua…, những thứ tượng trưng cho đất và trời.
Theo MAI AN/SGGPO