(Baoquangngai.vn)- Múa lân-sư-rồng có nguồn gốc từ Trung Quốc, thường được biểu diễn trong các dịp lễ hội, đặc biệt là Tết Nguyên đán và Tết Trung thu, vì ba con thú này tượng trưng cho thịnh vượng, phát đạt, hạnh phúc, hanh thông...
Múa lân - sư - rồng không những là nghệ thuật trong dân gian mà còn là sự tranh tài với nhau giữa các đội múa. Tùy theo không gian rộng hay hẹp, tùy theo ý nghĩa của dịp lễ hội, đội lân - sư - rồng biểu diễn từng bài, từng cách múa cho phù hợp. Có thể phối hợp múa lân với sư, múa lân với rồng hoặc phối hợp cả ba thể loại với nhau.
Trong màn trình diễn múa lân, sư, rồng, không thể thiếu ông Địa, một người bụng phệ (do độn vải) mặc áo dài đen, tay cầm quạt giấy to phe phẩy, mang mặt nạ ông địa đầu hói tròn cười toe toét. Ông Địa được cho là hiện thân của Đức Di Lặc, một vị Phật lúc nào cũng tươi vui hiền lành. Truyền thuyết kể rằng Đức Di Lặc đã hóa thân thành người và chế ngự được một quái vật (con lân) từ dưới biển lên bờ phá hoại. Đức Di Lặc hóa thân thành người, gọi là ông Địa, lấy cỏ linh chi trên núi cho quái vật ăn và hàng phục được nó, biến nó thành con thú ăn thực vật. Từ đó, mỗi năm ông Địa lại dẫn nó xuống núi chúc tết mọi người, chứng tỏ quái thú đã thành thú lành, cái ác trở thành cái thiện. Ông Địa và con lân đi đến đâu là giáng phúc tới đó nên nhà nào cũng hoan hỉ treo rau xanh và giấy đỏ đón chào.
Vì sao có múa lân? Trong tứ linh: Long, lân, quy, phụng, chỉ có quy (rùa) là có thật còn long, lân, phụng là những con vật trừu tượng chỉ mang tính thần thoại. Nhân ngày đầu năm dân tộc ta có truyền thống múa lân, múa rồng. Theo quan niệm của người xưa, lân có thể xua đuổi tà ma, còn ông Địa là thể hiện sự thịnh vượng, no ấm, sung túc nhân đầu năm mới. Lân là một con vật thần thoại, sản phẩm của trí tưởng tượng của con người.
Ngày giỗ tổ nghề múa Lân Sư Rồng vào 23/6 âm lịch, các con lân đều được đưa ra làm lễ trước ban thờ tổ.
Trong màn múa Lân - Sư - Rồng, tiếng trống, tiếng thanh la, chập chõa là loại nhạc nền đặc biệt quan trọng. "Tùng cheng, cắc cắc, tùng cheng...", là âm điệu giao hòa của trống, thanh la và chập chõa. Trống đánh trong các cuộc múa lân-sư-rồng gọi là thất tinh cổ (trống bảy sao). Người đánh trống phải là người trưởng phái, hoặc phụ tá thứ nhất của trưởng phái. Trống đánh phải có bài bản, phù hợp với các bộ pháp của lân,sư hay rồng như chào, lạy, nằm, leo lên, tuột xuống, lúc khoan lúc nhặt, lúc dồn dập liên hồi như trống trận, nhờ đó mới có thể diễn tả được hết hùng khí của lân, sự oai phong của sư và rồng.
Ở Việt Nam, vào dịp Tết Trung Thu có tục múa lân (ở miền Bắc thường gọi là múa sư tử mặc dù sư tử thì không có sừng). Người ta thường múa lân vào trước tết Trung Thu nhưng nhộn nhịp nhất là hai đêm 14 và 15. Múa sư tử thì khác múa lân, người múa núp kín thân mình trong bụng sư tử giả và sư tử thì không có sừng. Một tiết mục múa sư của người Hoa gồm 4 người: 2 người múa, 1 người đánh trống, 1 người cầm quả cầu. Trống trong múa sư được đánh theo nhịp khác với múa lân, người ta gọi nhịp trống trong múa sư là nhịp trống Bắc Kinh.
Múa rồng của người Hoa xuất hiện muộn hơn múa lân và muá sư. Lúc đầu múa rồng chỉ xuất hiện trong tết Nguyên Tiêu và các dịp lễ hội sau vụ thu hoạch mùa thu. Múa rồng xuất hiện trong người Hoa ở Việt Nam vào khoảng những năm 1944-1945 do ông Trần Bồi, một chủ cơ sở sản xuất xà bông Trung Nam ở Sa Đéc, vốn là nguồn gốc Phước Châu (Phúc Kiến), nơi được coi là cái nôi của nghệ thuật múa rồng, tổ chức đội múa từ các thanh niên công nhân trong xưởng của ông. Múa rồng có rất nhiều điệu khác nhau, người ta cho rằng có đến hơn 30 điệu. Múa rồng cần ít nhất 6 người, hoặc nhiều cũng đến 20-30 người cùng điều khiển con rồng phô diễn thần oai.
Thảo Nhi (tổng hợp)