Người kế nghiệp xây tháp Chăm

08:02, 26/02/2013
.

*TRẦN ĐĂNG


QNĐT)- Có một chàng trai ở làng gốm Bàu Trúc thuộc thị trấn Phước Dân huyện Ninh Phước tỉnh Ninh Thuận bày tỏ nguyện vọng là sẽ xây một tháp Chăm giống như tiền nhân của mình cách nay 9 thế kỷ. Anh tên là Đàng Năng Tự, năm nay 32 tuổi.

 

Tháp Chăm Ninh Thuận
Tháp Chăm Ninh Thuận



Bí ẩn tháp Chăm

Chuyện nghe có vẻ hoang tưởng nhưng nhìn những ngọn tháp Chăm “mi ni” mà Tự đã vật lộn với nó suốt 6 năm qua được anh bỏ lăn lóc khắp vườn nhà đủ để biết cái điều huyền tín ấy là có cơ sở. Ai cũng thừa nhận điều này: Tháp Chăm luôn bí ẩn với chúng ta hôm nay, nó vừa thách thức nhưng cũng luôn khích lệ đức kiên nhẫn của các nhà nghiên cứu về nó.

Nhìn bề ngoài, tháp Chăm có vẻ “dân dã” chứ không tráng lệ như những công trình kiến trúc cổ đại châu Âu, nhưng khi tiếp cận với từng chi tiết, nó thành ma lực khiến chúng ra không rứt ra được.

Các nhà nghiên cứu về mỹ học, tôn giáo hoặc triết học có thể giải mã một phần bí ẩn của tháp Chăm thông qua các hoa văn, họa tiết, ký tự hay những linh vật được trưng bày trên tháp nhưng các kỹ sư và kiến trúc sư thì chào thua trước những bí mật của các vật liệu để làm nên ngọn tháp, dù nhìn bề ngoài, chúng cũng chỉ là những viên gạch, những tảng đá luôn hiển lộ trước mắt chúng ta một cách bình thường.

Một trong những bí ẩn làm lao tâm khổ tứ các nhà nghiên cứu về tháp Chăm là họ không biết các chủ nhân của tháp đã kết nối các viên gạch bằng chất liệu gì? Bằng cách nào để có thể đưa được những tảng đá nặng hàng tấn lên tận đỉnh tháp cao vài chục mét trong lúc không có các phương tiện nâng, cẩu hiện đại như bây giờ?

Đàng Năng Tự được xem như “chân truyền” của một thứ tôn-giáo-tháp-Chăm mà những chủ nhân của nó đã mất hút vào hư vô nhưng chẳng để lại một chút bảo bối nào trong việc xây tháp cho con cháu hôm nay. “Với tôi, bảo bối hay kinh nghiệm là một cuộc dịch chuyển từng milimet qua mỗi lần “xây” tháp. Anh để ý kỹ mà xem, ngọn tháp tôi làm sau bao giờ cũng có những điều quyến rũ hơn ngọn tháp làm trước đó.

Cũng giống như tháp Dương Long ở Bình Định nó quyến rũ ta hơn là tháp Chiên Đàn ở Quảng Nam vậy. Sau mỗi ngọn tháp, tôi lại có thêm chút kinh nghiệm”. Tự vừa đưa tôi ra vườn vừa thuyết minh như thế.

Tôi truy: “Nhưng sự cổ kính của mỗi ngọn tháp không phải là điều làm bận lòng các nhà nghiên cứu mà là ở chỗ người Chăm xưa đã dùng nguyên liệu gì để kết nối những viên gạch mà ta không thấy một chút vôi vữa nào bên trong?

Tôi muốn anh giải mã điều đó?”.  Anh hẹn tôi vào cuối buổi trò chuyện này sẽ hé lộ điều tôi muốn biết. Còn bây giờ, Tự kể về hành trình anh đến với tháp Chăm như đến với một thế giới hoàn toàn khác lạ với nghề truyền thống ở làng gốm Bàu Trúc nổi tiếng cả vùng Đông Nam Á từ nhiều thế kỷ trước.

Hành trình giải mã

Sinh ra trong gia đình có 11 anh em nhưng chỉ mình Đàng Năng Tự là theo nghề “vọc đất” như cách nói hóm hỉnh của anh. Học hết cấp 2, Tự nghỉ học do gia cảnh. Năm đó cha anh cũng vừa qua đời. Anh kế tục cha mình bằng việc ra sông Quao khai thác đất sét để phụ giúp mẹ anh, bà Đàng Thị Phan- một nghệ nhân nổi tiếng làm đồ gốm ở Bàu Trúc. Mỗi ngày, sau khi ra sông Quao lấy đất, Tự phải gánh gồng các lu, thạp, ché… đi bán dạo. Đi rạc cẳng mà chẳng thay đổi được phận nghèo. Anh nghĩ, muốn thay đổi được số phận, phải làm một điều gì đó “khác người” thì may ra.

 

Đàng Năng Tự bên các mô hình tháp Chăm của mình.
Đàng Năng Tự bên các mô hình tháp Chăm của mình.


Với người Chăm ở Bàu Trúc này, gần như có một luật bất thành văn là chỉ có phụ nữ mới làm gốm, đàn ông chỉ khai thác đất sét và mang sản phẩm đi tiêu thụ. Tự đã “phá lệ” ấy bằng việc tự làm các loại đồ gốm. “Mẹ tôi là người rất khéo tay. Bà được chọn sang tận Ấn Độ, mang theo 80kg đất sét để biểu diễn nghề làm gốm Bàu Trúc cho các nhà nghiên cứu bên ấy xem. Tôi nối nghiệp mẹ, có lẽ là thừa hưởng được chút tài hoa của bà”. Tự khoe về mẹ mình bằng tất cả niềm tự hào.

Dù là tự mình làm các loại đồ gia dụng để có thể nuôi được thân nhưng ngọn tháp Chăm Poklongarai cách làng anh một tầm nhìn vẫn luôn ám ảnh chàng trai 17 tuổi. Ngay từ nhỏ, trong mùa lễ hội của người Chăm, Đàng Năng Tự đã theo mẹ hành lễ nơi ngọn tháp này.

 Sự nhiệm màu của tháp đã ám ảnh suốt tuổi thơ anh. Và bây giờ là lúc Tự giải mã sự nhiệm màu ấy. Anh bắt tay vào việc “xây” tháp. Nói “xây” cho oách chứ thực chất, anh chỉ “thu nhỏ” tháp Poklongarai bằng một cái am, cao hơn một mét. Chàng trai ấy, dù không đến mùa lễ hội, vẫn lặn lội lên tháp để nhìn nhìn, ngó ngó và ghi chép cẩn thận.

“Cái khó là khắc các họa tiết trên tháp mi ni này y như tháp lớn. Thứ hai là màu sắc phải sao cho thật tươi. Cái này đòi hỏi sự điêu luyện trong lúc nung tháp”. Tự cho biết. Sau hơn một tháng mày mò, ngọn tháp cũng đã xong nhưng nó… xấu quá, thế là đập bỏ, làm lại từ đầu. Đến tháp thứ 3 thì được. Khi trưng ra nhà, có người đến dạm hỏi và mua những 2,5 triệu. Từng ấy tiền, làm trong 15 ngày, thời giá của năm 2006, như thế là quá mãn nguyện với Đàng Năng Tự.

“Nhưng cái chính không phải là làm để bán mà tôi muốn thử sức từ ngọn tháp mi ni này để khi có điều kiện là làm tháp lớn như tháp Poklongarai kìa”. Tự quả quyết. Nhìn những ngọn tháp đang bài trí trong vườn với những chi tiết rất tinh xảo, tôi cứ miên man suy nghĩ, hay là suốt cả mấy thế kỷ qua, các thế hệ người Chăm đã ký thác cho chàng trai này giải mã những bí ẩn của tổ tiên họ qua việc xây tháp Chăm?

Tôi trở lại với lời hứa ban đầu của Tự: “Làm tháp mi ni này thì chỉ có đất sét, trang trí họa tiết và nung, có lẽ nhiều người làm được, đâu có bí ẩn gì?”. Tự tán thành: “Đúng, làm tháp mi ni như thế này thì sẽ có nhiều người làm được, nhưng để ngọn tháp biết “cựa quậy” thì người làm ra tháp phải biết phả vào nó tất cả “hồn vía” của mình. Nó không chỉ là sản phẩm thương mại giá 3-4 triệu nữa rồi. Nó phải được xem như một tác phẩm nghệ thuật.

Còn “bí ẩn” của tháp Chăm mà các nhà nghiên cứu đang tìm lời giải ấy, tức là làm sao để kết nối giữa hai viên gạch lại mà không thấy vôi vữa, như thể gạch được xếp chồng lên nhau chứ không có mạch hồ, thì tôi cũng đã và đang kiếm tìm. Nhưng nói nhỏ thôi nhé, tôi đã “thấy” chúng rồi!”. Tôi tò mò: “Anh có thể tiết lộ?”. Tự cười: “Đó cũng là một bí ẩn của riêng tôi!”. Tự lúc này đã thành ngọn tháp Chăm. Anh đang “bí ẩn” với tôi. Tôi nhìn ra vườn, có cảm giác như tất cả những ngọn tháp mi ni của anh đang vươn mình lớn dậy, chạy dọc miền Trung, sừng sững bên trời suốt 9 thế kỷ qua./.

 


.