(QNg)- Cứ sau Tết Nguyên đán, học sinh ở các huyện miền núi lại nghỉ học. Vấn nạn này liên tục xảy ra trong nhiều năm qua khiến các nhà quản lý giáo dục không khỏi đau đầu.
Sau Tết, nỗi lo lắng, vất vả lại hằn sâu trên khuôn mặt của cán bộ, giáo viên các huyện miền núi vì lớp học vắng bóng học sinh. Đây là "căn bệnh" nhưng chưa có bài thuốc để chữa.
Ám ảnh chuyện lên lớp sau Tết
Nhiều năm qua, cứ sau Tết Nguyên đán, "mục sở thị" các lớp học ở vùng cao, chúng tôi lại bắt gặp hình ảnh trường lớp đìu hiu, vì không nhiều thì ít, lớp học nào cũng có học sinh nghỉ học. Có lớp số lượng học sinh nghỉ học chiếm đến hơn phân nửa. Tập trung chủ yếu ở các huyện Sơn Tây, Ba Tơ, Tây Trà, Sơn Hà… Tình trạng đó khiến cho học trò dưới lớp chẳng muốn học vì vắng bạn, nhưng giáo viên thì vẫn phải lên lớp. Vì thế, không khí lớp học khá buồn tẻ nên chất lượng buổi học khó có thể đạt yêu cầu.
Một lớp học vắng học sinh sau Tết Nguyên đán Nhâm Thìn (2012). |
Nguyên nhân học sinh bỏ học sau Tết là để đi làm rẫy, bẻ đót bán kiếm tiền phụ giúp gia đình (sau Tết, đót bắt đầu vào vụ thu hoạch); có em nghỉ học ở nhà vì ham chơi, chưa muốn đi học trở lại. Và, cũng có không ít em nghỉ học theo “cò” lao động để đi làm ăn xa... Để học sinh đến lớp, giáo viên phải băng rừng lội suối đến tận nhà gặp phụ huynh, gặp học trò để vận động, thuyết phục các em ra lớp. Thầy giáo Trần Đình Thức - giáo viên Trường THCS Ba Xa (Ba Tơ), chia sẻ: "Chúng tôi không ngại khó, ngại khổ, miễn là vận động được học sinh trở lại lớp học. Nhưng cái khó là các em đi học theo kiểu giã gạo… ra lớp được vài hôm rồi lại nghỉ".
Ở huyện Sơn Tây, liên tiếp trong những năm qua số học sinh nghỉ học sau Tết luôn ở mức cao. Tại các trường THCS như Sơn Mùa, Sơn Dung... tuy không quá xa trung tâm huyện nhưng năm nào học sinh ra lớp cũng rất "thưa thớt". Năm rồi, trong ngày đầu tiên đi học trở lại sau Tết, ở hai địa phương này nhiều lớp học chỉ có chừng 5-7 học sinh, dù ở huyện Sơn Tây không phải vào vụ thu hoạch đót. Ông Hà Phải - Phó trưởng Phòng Giáo dục huyện Sơn Tây cho biết: "Nguyên nhân là do nhận thức của học sinh và các bậc phụ huynh đối với việc học còn hạn chế. Nhiều trường hợp học sinh nhà ở xa, giáo viên vất vả lắm mới đến được nhà nhưng lại không gặp được các em cũng như phụ huynh nên gặp nhiều khó khăn trong công tác vận động học sinh trở lại lớp học".
Quyết tâm chấn chỉnh
Để chấn chỉnh tình trạng học sinh nghỉ học sau Tết, năm nay các cơ sở giáo dục, nhất là ở các huyện miền núi trong tỉnh chủ động triển khai nhiều giải pháp. Trước Tết, Sở GD&ĐT chỉ đạo thủ trưởng các cơ sở giáo dục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, đồng thời phối hợp triển khai các biện pháp huy động học sinh đến trường, chống bỏ học giữa chừng. Sau thời gian nghỉ Tết các trường tổ chức ngay việc dạy và học theo quy định, không để các hoạt động vui Xuân, đón Tết kéo dài làm ảnh hưởng đến công tác dạy và học. Sở GD&ĐT quy định ngay trong ngày học đầu tiên sau nghỉ Tết (tức ngày 18/2), các cơ sở giáo dục phải nắm chắc số học sinh đi học và báo cáo về Sở.
Cấp ủy đảng, chính quyền ở huyện Sơn Hà, Ba Tơ,… ngay trong tháng 1/2013 đã có văn bản chỉ đạo quyết liệt triển khai các giải pháp để chấn chỉnh tình trạng học sinh bỏ học sau Tết như mọi năm, nhất là công tác vận động, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho học sinh, phụ huynh. Trước khi nghỉ Tết, các trường học đã phổ biến và yêu cầu học sinh phải đến lớp học ngay từ buổi học đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết. Nhiều trường còn đưa ra giải pháp chấn chỉnh bằng cách sẽ không xếp loại hạnh kiểm khá, tốt đối với học sinh vắng mặt trong buổi học đầu tiên sau Tết.
Một số cán bộ, giáo viên nhận định, năm nay học sinh được nghỉ Tết dài ngày, các em có nhiều thời gian vui chơi cùng người thân và bè bạn nên có khả năng sẽ hạn chế được tình trạng học sinh bỏ học sau Tết. Mặt khác, nhiều chính sách ưu tiên, giúp đỡ của Nhà nước dành cho học sinh miền núi được triển khai có hiệu quả đã tác động tích cực, góp phần thu hút học sinh đến trường. Mặc dù vậy, các trường học ở khu vực miền núi đã chủ động xây dựng kế hoạch vận động học sinh ra lớp sau Tết. Đối với những trường hợp có nguy cơ bỏ học sau Tết, ngay trước Tết giáo viên chủ nhiệm đã đến gõ cửa từng nhà để vận động các em đến lớp. Ngay trong ngày Chủ nhật (17/2), cán bộ, giáo viên ở các huyện miền núi đã phối hợp với chính quyền, các tổ chức đoàn thể ở địa phương triển khai công tác đến nhà vận động học sinh ra lớp.
Hy vọng với sự quyết tâm cao của ngành giáo dục cũng như của cấp ủy, chính quyền địa phương sẽ chấn chỉnh được tình trạng học sinh nghỉ học sau Tết nhằm góp phần duy trì kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục THCS ở các huyện vùng cao trong tỉnh.
*Ông Thái Văn Đồng - Giám đốc Sở GD&ĐT: "Tăng cường công tác kiểm tra và tìm hiểu nguyên nhân học sinh nghỉ học sau Tết" Học sinh ở các huyện vùng cao thường nghỉ học nhiều sau Tết Nguyên đán. Để chấn chỉnh tình trạng này Sở đã có văn bản chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghiêm túc triển khai các biện pháp, nhất là công tác đôn đốc nhắc nhở học sinh đến lớp. Đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục, quan tâm tạo mọi điều kiện để học sinh đến lớp học. Sở GD&ĐT sẽ tăng cường công tác kiểm tra tình hình học tập của học sinh sau Tết, nhất là ở các huyện miền núi. *Ông Lê Hàn Phong - Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ: "Phải chấm dứt tình trạng học sinh ăn Tết kéo dài" Trước thực trạng người đồng bào Hrê ở các xã trên địa bàn huyện Ba Tơ thường tổ chức ăn Tết kéo dài (người đồng bào Hrê ăn tết Nguyên đán và sau đó tổ chức các hình thức ăn Tết khác theo phong tục, tập quán của dân tộc mình thường kéo dài cả tháng - PV) khiến học sinh cũng vui chơi theo và quên nhiệm vụ đến trường theo lịch đi học. Huyện đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan từ cấp huyện đến cấp xã, thôn triển khai các giải pháp, không để xảy ra tình trạng học sinh bỏ học hoặc đi học theo kiểu "giã gạo" sau Tết như những năm qua. *Bà Nguyễn Thị Thành - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Sơn Hà: "Địa phương luôn trong tư thế chủ động" Sau nghỉ Tết, học sinh tiểu học và THCS trên địa bàn huyện tập trung đến trường trước một ngày so với quy định (tức ngày 17/2). Trong ngày đến trường đầu tiên sau Tết, nhà trường tổ chức các hoạt động vui chơi để tạo cho học sinh tinh thần thoải mái, vui tươi trước khi vào học chính thức (ngày 18/2). Qua đó nắm bắt tình hình sĩ số học sinh để kịp thời triển khai giải pháp vận động học sinh đến lớp. Mặc dù nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện có sự chuyển biến tích cực so với trước, song ngành giáo dục vẫn luôn trong tư thế chủ động, quyết liệt từng bước xoá nạn học sinh bỏ học sau Tết. Một số xã cần tập trung đẩy mạnh công tác vận động học sinh đến lớp sau Tết như Sơn Ba, Sơn Cao, Sơn Bao… *Ông Nguyễn Hải Thịnh-Hiệu trưởng Trường THPT Sơn Hà: "Vận động và nâng cao nhận thức cho học sinh, phụ huynh mới là giải pháp hữu hiệu" Trong những năm trước, mặc dù nhà trường đã nhiều lần nhắc nhở học sinh nhưng nhiều em vẫn bỏ học sau Tết. Học sinh bỏ học đa phần là những em có hoàn cảnh khó khăn, nghỉ học để đi làm thêm kiếm tiền phụ giúp gia đình. Năm nay, nhằm hạn chế tình trạng học sinh bỏ học sau Tết, vào thời điểm trước Tết giáo viên chủ nhiệm đã đến nhà vận động những học sinh có nguy cơ bỏ học. Nhà trường đã chủ động xây dựng kế hoạch, sau Tết tăng cường triển khai công tác vận động học sinh ra lớp. Phải làm tốt công tác vận động và nâng cao nhận thức cho học sinh, phụ huynh mới là giải pháp hữu hiệu để học sinh đến lớp đông đủ. |
PHƯƠNG lý - LÊ ĐỨC