Vào những dịp lễ Tết, nhất là vào dịp đón xuân, mừng năm mới, cùng với những nghi thức “xên bản xên mường” đồng bào Thái Điện Biên thường tổ chức những trò chơi dân gian, dân tộc rất sôi nổi, mộc mạc, đậm chất dân dã vùng tây Bắc và những nét văn hoá riêng có của người Thái Điện Biên.
Trong đó tung còn là một trò chơi được mọi người, nhất là với nam, nữ thanh niên dân tộc Thái Điện Biên đặc biệt ưa thích và tham gia rất đông đảo.
Để chuẩn bị cho hội tung còn, người ta tìm một bãi đất trống, đủ rộng để làm sân có chiều dài từ 40 - 50m, chiều rộng khoảng 25 - 30m. Giữa sân, người ta trồng một cây tre thẳng, cao, có ngọn, trên đỉnh có một vòng tròn, dán giấy hai mặt: một mặt màu vàng tượng trưng cho mặt trăng, một mặt màu đỏ tượng trưng cho mặt trời. Chiếc vòng tròn này được gọi là “phông còn” và nó còn mang ý nghĩa là vật linh của người con gái. Khi “phông còn” bị quả còn xuyên thủng là biểu hiện mở đầu cho sự sinh sản bảo tồn nòi giống của cộng đồng. Đường kính của “phông còn” tuỳ thuộc vào độ cao, thấp của cây cột phông nhưng thông thường có đường kính khoảng từ 0,60- 0,70m.
Vào những dịp lễ Tết, đồng bào Thái Điện Biên thường tổ chức những trò chơi dân gian, dân tộc rất sôi nổi. |
“Quả còn” được làm bằng vải, kết nhiều mảnh màu lại với nhau thành một cái túi, bọc chặt lấy các hạt bông giống, thóc giống, hai sản phẩm chính để tự túc của nhà nông. Có nơi người ta còn nhồi cả vào đó một ít đất, cát tượng trưng về nguồn gốc của sự tồn tại và phát triển. Dây quả còn được đính từ đáy xuyên qua thân đến đỉnh quả còn tạo thành một dây còn. Dây còn có chiều dài từ 0,50 đến 0,80m; chiều rộng 0,1 đến 0,2 cm. Đặc biệt quả còn, dây còn được đính bằng các chùm tua, mỗi chùm cách nhau từ 5 đến 10cm trông thật đẹp mắt. Tua quả còn được làm từ các mảnh vải cắt nhỏ đủ các màu xanh, đỏ, tím, vàng, ở mỗi mảnh vải có chiều rộng 0,03, chiều dài 0,04 cm, sau đó các miếng vải được khâu lại với nhau tạo thành một chùm tua. Mỗi chùm tua có từ 6-7 miếng vải tựa như 7 sắc cầu vồng. Để có đủ số lượng quả còn cho ngày hội, trước đó người ta đã giao cho các gia đình trong bản chuẩn bị, mỗi nhà được làm từ 2 đến 3 quả và phải đảm bảo chất lượng kỹ mỹ thuật. Do đó nhà nhà thi đua, ai ai cũng muốn quả còn của mình đẹp nhất, rực rỡ nhất nên họ chuẩn bị rất công phu tỷ mỷ và vì vậy mà quả còn ngày càng đẹp, càng rực rỡ hơn.
Mở đầu hội còn, người ta chuẩn bị một lễ vật nhỏ có một số món ăn gồm 01 thủ lợn, 4 chân giò, 1 cái đuôi, và nội tạng con lợn mỗi thứ một ít; 01 con gà trống, 01 chai rượu, 03 chén nước, 01 bát gạo, 01 gói muối, 01 bát canh họăc nước luộc thịt lợn gà, 01 bát cắm hương và 03 quả còn đặt trên mâm lễ. Sau khi đặt bàn cúng, Thầy mo thắp hương, chắp tay vái 3 vái và khấn cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, và xin phép thần linh cho mở hội còn. Cúng xong, ông mo tung ba quả còn lộc cho mọi người xô nhau để lấy, ai giành được quả còn đó thì may mắn sẽ về với người ấy cả năm.
Hội còn đã mở, người ta chọn ra một người có đủ tài đức, có uy tín với dân bản làm người tung những quả còn đầu tiên lên phông còn. Khi “phông còn” được ném thủng người ta cho rằng lời cầu nguyện đã được then, được các thần linh chấp nhận, may mắn sẽ về nhiều trong năm mới. Ông mo lấy quả còn vừa lọt qua đích, rạch múi, lấy hạt giống ban phát cho mọi người để lấy may, xem đó là lời cầu chúc về một năm mới tốt lành và hạnh phúc cho mọi nhà, sau đó mọi người bắt đầu cuộc chơi
Tung còn hiện có hai cách chơi
Cách thứ nhất: là tung còn vòng (toọt cón zôống). Người chơi tung còn chia làm hai bên, đứng ở vạch quy định cách cột phông còn từ 15 đến 20 mét, Tay thuận cầm dây còn bằng ba ngón cái trỏ và ngón giữa, cũng có thể cầm dây còn trong lòng bàn tay để tung còn. Chân trái bước lên một bước tạo thành chân trước chân sau (chân cùng bên tay cầm quả còn để ở phía sau), Mắt hướng lên phông còn đồng thời tay cầm còn đưa lên phía trước theo chiều kim đồng hồ tạo thành một vòng tròn, xoay đều để tạo đà bằng cách, quay ngược chiều kim đồng hồ, quay thuận chiều kim đồng hồ, đánh lăng ở phía dưới thấp.
Khi tung còn, người tung cảm thấy đủ lực để tung còn bay và trúng đích thì buông tay để còn bay lên, cứ như vậy người chơi lần lượt tung các quả Còn của mình lên phông còn. Người đón bắt quả còn luôn quan sát, phán đoán chính xác và di chuyển kịp thời đến điểm rơi của quả còn để bắt. Khi bắt có thể dùng một tay hoặc cả hai tay để bắt. Trong cuộc chơi người nào có số lượng quả còn lọt qua phông còn nhiều nhất người đó là người thắng cuộc, người thắng cuộc sẽ được nhận những lời chúc mừng tốt đẹp và được nhận một phần thưởng của bản, có khi chỉ là một chén rượu. Cứ như vậy cuộc tranh tài diễn ra sôi nổi và hào hứng suốt mùa lễ hội.
Cách thứ hai: Tung còn đôi (toọt cón trér) đây là cách tung còn giành cho thanh niên nam nữ “trai chưa vợ, gái chưa chồng” (báo, xao). Mở đầu xao khắp (gái hát) mời tung còn: Cách chơi “tọt cón trér” đơn giản nhưng hấp dẫn bởi các chàng trai cô gái có thể tự do tung còn cho đối tượng mà mình đang để ý hoặc muốn thăm dò tựa như một lời ướm hỏi. Khi cuộc chơi bắt đầu, thanh niên nam nữ chia làm hai bên, bên nam và bên nữ, đứng cách nhau một khoảng cách vừa phải rồi tung còn cho nhau. Vừa tung còn cho nhau họ vừa hát, nếu đối tượng đón bắt lấy còn rồi dùng quả còn của họ tung trả lại tức là trả lời đã đồng ý giao đãi, làm quen với nhau sau hội tung còn. Với cách chơi này họ tự chọn đôi để chơi theo cách người tung, người bắt, quả còn được tung bằng một tay và bắt cũng bằng một tay. Có tục cả hai cùng ném chéo sang cho nhau để cả hai cùng bắt. Ai bắt được quả còn là thắng, người để quả còn rơi là thua. Người thua phải trao cho người thắng một vật mà mình đang có trên người, chẳng hạn như khăn piêu, xà tích, vòng bạc đeo tay, gương lược, trâm cài tóc, áo, khăn mùi xoa hoặc tiền… Những đồ vật này sẽ được trao lại cho chủ nhân vào cuối buổi, nếu không trả lại là có tình ý ngầm để đến tìm hiểu trao duyên với nhau. Chính vì nét giao duyên tốt đẹp này mà qua Hội vui tung còn, nhiều đôi đã nên vợ thành chồng.
Ngày nay, trong các dịp lễ Tết, tung còn vẫn được người Thái Điện Biên chơi và trở thành một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tinh thần. Đồng thời, trò chơi tung còn diễn ra trong các dịp lễ Tết cũng đã trở thành một nét văn hoá độc đáo, một sắc màu riêng của người Thái Điện Biên nói chung và của đồng bào dân tộc Thái Tây Bắc nói chung khi mỗi độ xuân về./.
Theo PV. (dulichvn)