Tết ở gia đình nhiều giáo sư, tiến sĩ nhất Việt Nam

07:01, 28/01/2012
.

Một năm bận rộn với vô số công việc, dịp Tết có lẽ là thời điểm gia đình GS Nguyễn Lân Dũng sum họp đầy đủ. Hãy nghe GS Nguyễn Lân Dũng chia sẻ câu chuyện về ngày Tết ở gia đình nhiều giáo sư, tiến sĩ nhất Việt Nam.

TIN LIÊN QUAN

Nhiều năm gia đình tôi làm xong các nghĩa vụ với hai bên nội ngoại thì sau đó cả nhà xuất ngoại thăm một nước lân cận, vì chỉ vào dịp ấy các cháu mới được nghỉ việc. Năm nay thì chúng tôi chỉ ở nhà.

Trước Tết chúng tôi đi tảo mộ bố mẹ, ông bà hai bên nội ngoại. Tối 30, chúng tôi rủ nhau xuống thắp hương cho ông bà nội các cháu. Thường thì gia đình con trai tôi sau khi đi giao thừa thì về xông nhà cho chúng tôi.
 

Tết ở gia đình nhiều giáo sư, tiến sĩ nhất Việt Nam
GS Nguyễn Lân Dũng 

Sáng mồng 1, chúng tôi vui xuân bên nhà ngoại với nghi thức từng người “báo công” trước bàn thờ bố mẹ, ông bà, sau đó “lì xì” cho nhau và đi thăm họ hàng bên ngoại. Trưa mồng 2 tập trung bên nội (đến gần 50 con cháu, chắt của cụ Lân) và ăn chung với nhau một bữa đầu Xuân rồi kéo nhau sang sân trường học gần đấy để chụp ảnh chung. Năm nào cũng như vậy để tránh đi đến từng nhà nhau mà có khi không gặp được ai cả.

Về việc chuẩn bị, Tết đến, tôi không bao giờ phải mua hoa vì năm nào cũng được bà con ở Nhật Tân mang đến tặng. Tôi chỉ hỗ trợ bà con về kiến thức và bây giờ họ đã ghép được đào, mai lên những cây khác loài (đào rừng, mai rừng) để tạo nên những dáng cây rất đẹp và có giá trị kinh tế cao. 
 

Tết ở gia đình nhiều giáo sư, tiến sĩ nhất Việt Nam
Gia đình GS Nguyễn Lân Dũng chụp ảnh kỷ niệm với cố GS Nguyễn Lân

Trong ngày Tết cổ truyền, bên ngoại (gia đình cố Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên) có truyền thống từng người tự báo cáo trước bàn thờ tự bạch công việc trong năm qua và lì xì cho các thành viên khác dựa trên thành quả thu nhập khác nhau của mỗi người. 

Bên nội (gia đình GS Nguyễn Lân) thì vì quá đông con cháu nên chỉ ăn uống vui vẻ và nói toàn chuyện đáng để cười mà thôi. Mấy anh em chúng tôi trong năm vẫn thường có nhiều dịp gặp nhau, có khi chỉ là rủ đến một nơi để cùng ăn sáng với nhau mà thôi.

Tôi cho rằng, Tết Nguyên Đán vẫn thiêng liêng lắm với người dân Việt. Chúng ta cần tôn trọng mọi nghi thức tốt đẹp và chỉ lược bỏ đi các nghi thức tốn kém hoặc có hại cho sức khỏe, cho môi trường mà thôi.

Hiện nay, con người có xu thế sống theo lối thực dụng, chạy theo đồng tiền và cuộc sống vật chất, từ đó dẫn đến nhiều  người xem nhẹ thuần phong mỹ tục của xã hội.

Bố tôi bao giờ vào đầu năm mới cũng kể cho đông đủ con cháu nghe về câu chuyện ông bà, chú bác và về cuộc đời thời thơ ấu gian khổ của cụ. Chúng tôi gần như thuộc lòng các chuyện ấy nhưng năm nào nghe cụ kể cũng thấy rất xúc động. Mẹ tôi thì hiền lành, ít nói, chỉ động viên các con cháu mà thôi.
 

Tết ở gia đình nhiều giáo sư, tiến sĩ nhất Việt Nam
Những người con trai trong gia đình chụp ảnh với cố GS Nguyễn Lân

Tết này gia đình tôi rất vui. Đó là sự trưởng thành của hai đứa con và tôi hoàn toàn yên tâm vì chúng đã thực sự giỏi hơn chúng tôi. Con trai tôi là TS Nguyễn Lân Hiếu hiện là cán bộ giảng dạy trường ĐH Y và là Phó giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện ĐH Y Hà Nội, theo nghiệp mẹ -PGS. TS .TTND. Nguyễn Kim Nữ Hiếu, nguyên Phó giám đốc Viện Quân y 108. Con gái tôi là Nguyễn Kim Nữ Thảo năm nay sẽ tốt nghiệp Tiến sĩ về Công nghệ sinh học tại Đại học Utah (Hoa Kỳ) và cháu sẽ về làm việc tại Viện của chúng tôi. Con rể và con dâu đều thông minh và được cả nhà yêu quý.
 

Tết ở gia đình nhiều giáo sư, tiến sĩ nhất Việt Nam
Đại gia đình GS Nguyễn Lân Dũng

Tôi có hai đứa cháu nội cũng rất đặc biệt. Một cháu trai rất thông minh, mới học lớp 2 mà đã có những năng lực khó lý giải nổi. Cháu học trường Yersin (trường của Pháp mở tại Hà Nội) nhưng rất ham mê đọc sách Lịch sử và nghiên cứu các loại bản đồ. Cháu nội thứ hai thì mới được 3 tuổi. Khác với anh, vì là cháu gái nên lại rất thích hát, múa và thích nghe chuyện cổ tích. Nghe xong là nhớ ngay từng chuyện. Các cháu đều rất ngoan và đã biết giúp đỡ bố mẹ những việc thích hợp.

Tết năm nay, tôi còn có niềm vui thứ hai, đó là trước khi về hưu tôi đã kịp góp phần xây dựng được Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học (một Viện nghiên cứu cấp Nhà nước trực thuộc ĐHQG Hà Nội). Tôi thấy rất vui và tự hào, vì thấy các bạn trẻ thực sự trưởng thành và đúng là đã giỏi giang hơn thế hệ chúng tôi.

 


.