Buôn nước giếng Vua

02:02, 11/02/2011
.

(QNg)- Ở huyện đảo Lý Sơn có một nghề tương đối độc đáo mà hiếm nơi nào có được. Đó là nghề buôn nước giếng Vua, hay còn gọi gánh nước thuê. Không một ai trên đảo nhớ rõ cái nghề độc nhất vô nhị này có từ khi nào, ai là người khởi xướng, song nó đã gắn liền với đời sống sinh hoạt thường ngày của người dân trên đảo từ đời này đến đời  khác...

Từ sự độc nhất của Giếng Vua...
Một ngày cuối năm, tôi ngồi trò chuyện cùng với ông Phạm Thoại Tuyền ở xã An Vĩnh- người được dân đảo Lý Sơn "phong tặng" là một trong những pho sử sống trên đảo. "Ở đây có truyền thuyết về Giếng Xó La hay lắm!"- ông Tuyền nói. Giếng này nằm cách bờ biển chừng 5 mét, thuộc xã An Vĩnh. Lòng giếng có đường kính hơn 1m, sâu chừng 6m, được xây bằng những  viên đá cuội to xếp chồng lên nhau.
 
 Toàn cảnh “Giếng nước”.
Toàn cảnh “Giếng nước”.

Ở Lý Sơn có 4 giếng nước ngọt được xây theo kiểu này, người dân sử dụng để nấu nướng. Vào mùa hè, các giếng này đều bị khô cạn hoặc nhiễm mặn. Riêng Giếng Xó La hay còn gọi là "Giếng vua" nước vẫn trong xanh như thường ngày, mang đến sự sống cho người dân đất đảo từ bao đời nay. Tương truyền của người dân trên đảo, giếng Xó La là do vua Gia Long ban. Khi Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn truy đuổi, ông chạy dạt ra Lý Sơn. Lúc này Lý Sơn đang bị nắng hạn, lương thảo và nguồn nước ngọt của quân sĩ đã cạn kiệt. Vua Gia Long liền cho quân sĩ đào giếng khắp đảo, nhưng không có nước.

Trong lúc nguy kịch thì ông nằm mơ thấy có người mách cho nơi đào giếng. Đúng như điềm báo, ông sai người đến đúng vị trí đã mách bảo và đào giếng. Quả nhiên vừa đào xuống chừng vài mét, đã có nước ngọt. Trước khi rời khỏi đảo, Nguyễn Ánh đã yêu cầu người dân phải giữ lại giếng này để dùng và nhân dân trên đảo đã bảo quản giếng đến ngày hôm nay. Cũng có tương truyền rằng, sau khi lên ngôi, vua Gia Long đã đi thăm các hòn đảo dọc miền Trung và ghé Cù Lao Ré (Lý Sơn) đúng thời điểm người dân trên đảo đang gặp hạn hán.

Vua Gia Long quyết định lập đàn tế trời cầu mưa. Sau đêm tế trời, Vua nằm mộng thấy địa điểm đào giếng nước ngọt. Ngay sáng hôm sau Vua cho người đến đào giếng. Nhân dân vượt qua hoạn nạn. Để nhớ ơn Vua, người dân nơi đây đặt tên cho giếng là "Giếng nước Vua ban- (Giếng Vua)" hay còn gọi "Giếng Gia Long"... Song cũng có giả thuyết khác, đảo Lý Sơn đã từng là nơi sinh sống của người Chăm Pa và giếng nước Xó La đã được người Chăm đào hàng ngàn năm nay. Người Chăm Pa vốn rất giỏi về thuật phong thuỷ nên việc tìm địa điểm đào giếng nước ngọt giữa bốn bề biển cả, cũng như việc chọn loại đá và xây hệ thống tường bao bọc nhằm chống lại sự xâm nhập mặn, là một khả năng bí ẩn của đồng bào Chăm.

Hiện nay vẫn chưa có sự khẳng định nào về nguồn gốc Giếng vua. Tuy nhiên thông qua tên gọi "Giếng Vua" cũng đủ thể hiện sự trân trọng của người dân Lý Sơn đối với giếng nước ngọt này. Điều kỳ lạ là trải qua hàng trăm năm, mà giếng nước ngọt trên đất đảo chỉ cách biển chừng vài mét vẫn không hề nhiễm mặn và chưa bao giờ cạn. Đây là công trình thể hiện nét văn hoá cộng đồng của người dân Lý Sơn, vừa là nguồn sống của hàng ngàn người dân trên đảo.

 ...Đến phu nước trên đảo
Những ngày cuối năm, ở Giếng nước Xó La tấp nập người ra vào. Khi chúng tôi đến, mặt trời đã ngả bóng, nhưng vẫn khá đông đội quân gánh nước thuê đang mải miết làm việc. Ông Phạm Thoại Tuyền nói: “Họ là những người buôn nước Giếng Vua đấy, hay còn gọi là gánh nước thuê. Già có, trẻ có". Do nhiều nguyên nhân khác nhau mà những người này quyết định mưu sinh bằng gánh nước. "Nghề phu nước chỉ cần sức mạnh của cơ bắp và sự nhiệt tình là có thể gia nhập đội quân phu nước"- anh Mai Thu (45 tuổi), ở thôn Đông (An Vĩnh) cho biết. Anh Thu có hơn 7 năm hành nghề phu gánh nước ở đây.
 
Các phu đang tranh thủ lấy nước.
Các phu đang tranh thủ lấy nước.

Công việc của anh bắt đầu từ 5 - 7 giờ sáng. Buổi chiều từ 15 - 17 giờ. Vào mùa hè nhu cầu sử dụng nước của người dân tăng, nên các phu nước phải làm việc từ lúc 1 - 2 giờ sáng. "Công việc tuy nặng nhọc, nhưng không gò bó, lại có thu nhập khá nên ngày càng được nhiều lao động "chuộng", nên quân số đội quân gánh nước thuê ngày càng gia tăng" - anh Thu nói.

Ở xã An Vĩnh và cả huyện đảo Lý Sơn không ai biết được có bao nhiêu phu nước. Chỉ biết rằng năm nay số lượng người ra vào gánh nước nhiều hơn mọi năm. Không chỉ có những phu nước gánh thuê, mà còn có nhiều người dân ở gần muốn tiết kiệm chi phí, nên tự đến đây gánh nước về dùng. Ông  Tuyền cho biết, nước ở "Giếng Vua" không những trong, mà còn có vị ngọt thích hợp với việc pha trà và làm tăng hương vị cho các món ăn". Cũng theo ông Tuyền, phần lớn các giếng trên đất đảo đều bị nhiễm phèn, nên người dân chỉ dùng để tắm giặt là chủ yếu.

Ông Dương Kiên (ở thôn Đông, xã An Vĩnh) đã bước sang tuổi 64, mà vẫn miệt mài làm nghề gánh nước thuê để nuôi 4 miệng ăn. Tiếp chuyện chúng tôi, ông kể: "Tôi có 4 năm trong nghề phu nước thuê. Trước đây tôi cũng đi biển, nhưng vì thường xuyên gặp sự cố, nên gia đình ông quyết không đi nữa. Đứa con trai lớn Dương Văn Hải mất sớm, để lại 2 con nhỏ cho ông nuôi. 4 người con còn lại của ông cũng sống bằng nghề biển, vì vậy mà vợ chồng ông quyết định giải nghệ nghề biển, ở nhà chăm sóc hai đứa cháu mồ côi.

Nhưng rồi cuộc sống gia đình biết bao điều phải lo toan, nên ông đành phải làm thêm nghề gánh nước thuê  để phụ giúp vợ nuôi cháu. Trung bình mỗi ngày ông gánh được 10 thùng. Mỗi thùng bán với giá 4.000 - 6.000 đồng (tuỳ theo độ dài của đoạn đường) mỗi ngày ông Kiên cũng kiếm được chừng 50.000 - 60.000 đồng. "Hôm nào thấy mệt trong người thì vợ tôi ra giúp xách nước và đẩy xe đi bán cùng. Mặc dù có vất vả nhưng thu nhập hàng ngày vẫn đảm bảo cho 4 miệng ăn là tôi vui rồi" - ông Kiên cười với vẻ mãn nguyện.

Không riêng gì những hộ gia đình trên, Giếng nước Xó La còn là nơi mưu sinh, là nguồn sống của hàng trăm hộ gia đình khác trên đất đảo này. Họ đã từng mưu sinh bằng nhiều ngành nghề khác nhau, nhưng cuối cùng đều hội tụ đây và gắn bó với nghề "buôn nước Giếng Vua". Công việc của những ngày cận tết biết bao bề bộn, lo toan, nhưng ai nấy đều rạng ngời niềm vui, niềm hạnh phúc, vì những đồng tiền kiếm được tuy không nhiều, nhưng bằng chính mồ hôi, nước mắt của bản thân họ nên vô cùng lớn lao.

TRỊNH PHƯƠNG

.