(Báo Quảng Ngãi)- Khi mạch nước ngầm ở tầng thấp dần cạn kiệt khiến các giếng khơi khô trơ đáy thì cũng là lúc nhiều gia đình ở các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh phải thuê thợ khoan giếng tìm mạch nước ngầm. Thế nhưng, có nơi mũi khoan đi sâu vào lòng đất gần 200m mà vẫn không có nước.
Theo chân những đội thợ khoan giếng, tôi thấy hành trình tìm ra mạch nước dưới lòng đất sâu thẳm không hề đơn giản, bởi nguồn nước ngầm đang dần cạn kiệt.
Giếng cạnh sông cũng trơ đáy
Hơn 3 năm trở lại đây, nguồn nước ngầm ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh ngày càng bị sụt giảm nghiêm trọng. Nhiều giếng khơi vốn chưa bao giờ cạn, nay bỗng... trơ đáy. Thời điểm khô hạn năm 1988, ông Lê Cận, ở xã Tịnh Bình (Sơn Tịnh) đào một cái giếng phía sau nhà để lấy nước sinh hoạt. Khi ấy, ông Cận và đội thợ đào chưa đến 7m thì mạch nước ngầm đã phun trào. Thế nhưng, vừa qua giếng nước nhà ông cạn trơ đáy. “Mùa hè này giếng nước cạn dần rồi không còn giọt nào. Giếng cạn nên ngày nào tôi cũng phải chở can nhựa đi xin nước. Chỉ khi có trời mưa dông kéo dài vài ngày thì mới có nước dùng được dăm hôm, còn lại chủ yếu là đi xin nước”, ông Cận thở dài.
Với những giếng ở khu vực cạnh một số ao hồ, sông suối cũng rơi vào tình trạng tương tự. Hì hục cùng các con vét bùn đất dưới đáy giếng nhằm khơi thông mạch nước ngầm để có nước sử dụng, ông Bùi Khải, xã Nghĩa Lâm lắc đầu bảo, chưa khi nào cái giếng này cạn nước, vậy mà hơn một tháng qua mạch nước ngầm chảy rất yếu nên không đủ cho máy bơm hút trong vòng 2 phút. Tôi vét bùn đất với hy vọng thông mạch nước ngầm để có nước dùng, nếu vẫn không được thì tôi kêu thợ đào sâu thêm vài mét nữa...
Phía bờ bắc sông Trà Khúc, rất nhiều người dân thôn An Kim, xã Tịnh Giang (Sơn Tịnh) cũng rơi vào tình trạng thiếu nước khi các giếng khơi đồng loạt phơi đáy. Hơn hai tháng nay, ông Nguyễn Ngọc Quang, ở thôn An Kim, có thêm một nhiệm vụ hằng ngày là đầu giờ sáng và cuối buổi chiều chở 3 can nhựa loại 40 lít đến nhà một người dân cách đó 300m để xin nước về dùng.
Theo lời ông Quang, ngày trước ông đào một giếng khơi sâu 8m, nhưng chỉ sử dụng được vài năm thì giếng cạn. Đào thêm hơn 1m nữa có mạch nước ngầm nhưng cũng không đủ nước dùng. Năm 2020 ông thuê thợ khoan một giếng đóng sâu hơn 20m để lấy nước. Thế nhưng, gần đây máy bơm không hút được nước lên, ông gọi thợ đến kiểm tra thì giếng đã không còn nước. “Nhà tôi cách sông Trà Khúc theo đường chim bay chưa đến 400m, nên giếng khoan sâu 20m là đã quá sâu so với đáy sông Trà Khúc rồi, vậy mà vẫn cạn nước. Không riêng gì giếng nhà tôi mà nhiều hộ ở đây cũng khô cạn như vậy!”, ông Quang thở dài.
“Muốn tìm ra nguyên nhân sụt giảm mực nước ngầm trên địa bàn tỉnh để đưa ra giải pháp bảo vệ, ngăn chặn thì cần lập hội đồng và thuê các chuyên gia đầu ngành thực hiện như một đề tài khoa học. Tuy nhiên, để thực hiện điều này là rất tốn kém”.
Quyền Giám đốc Sở TN&MT
NGUYỄN ĐỨC TRUNG
|
“Săn” mạch nước ngầm
Việc nguồn nước ngầm cạn kiệt, các giếng khơi khô cạn đã khiến "cơn khát" tìm nguồn nước sinh hoạt trở nên cấp thiết. Thuê đội thợ 5 người cùng máy móc, thiết bị, sau hai ngày làm việc liên tục, chị Võ Thị Liên, ở xã Cung (Ba Tơ), thở phào nhẹ nhõm khi mạch nước từ giếng khoan đã phun lên trên mặt đất và máy bơm chạy 2 ngày không cạn.
“Hồi trước đào giếng khơi 5m đã đầy nước, giờ phải khoan gần cả trăm mét, xuyên thủng qua tầng đá bàn mới có nước. Tuy vất vả, nhưng khoan được giếng có nước nên cả chủ nhà lẫn đội thợ đều vui”, chị Liên tâm sự.
Dù khoan đến giếng thứ 3 nhưng giếng khoan nhà anh Phạm Trung Triều vẫn rất ít nước, không đủ để sử dụng. |
Cách nhà anh Triều 300m, ông Phạm Na cũng thuê đội thợ đến khoan giếng để lấy nước dùng. Đội thợ khoan đưa hệ thống máy dò mạch nước khá hiện đại, khi bắt được tầng mạch nước có độ sâu hơn 100m, họ giao kèo với giá 30 triệu đồng. Sau 3 ngày hì hục khoan, nghỉ nhưng giếng vẫn không có nước, dù độ sâu máy khoan đo được đã đạt mức 115m. Để có nước sử dụng ông Na “nhờ” đội thợ dò lại mạch nước.
“Họ đồng ý tìm lại nguồn nước và “xin thêm” 5 triệu đồng, vì phải đi sâu 30m nữa mới có nước. Tôi đồng ý, nhưng ngày hôm sau mũi khoan đi vào lòng đất nhưng vẫn không có nước. Thiết bị khoan cũng không đủ để khoan thêm nữa nên họ bỏ cuộc”, ông Na nói.
Để thuận lợi trong việc tìm mạch nước ngầm và khoan giếng, nhiều đội khoan giếng trên địa bàn tỉnh đã đầu tư dàn máy khoan hiện đại, khả năng khoan sâu hơn 100m và có khả năng phá được đá tảng, đồng thời đầu tư cả máy dò nước ngầm kết nối điện thoại di động. Tuy vậy, không phải giếng khoan nào thọc sâu vào lòng đất cũng tìm được mạch nước ngầm.
Anh Nguyễn Hùng Cường, chủ cơ sở khoan giếng Hùng Cường chia sẻ, trước đây chủ yếu là "khoan lụi” nhưng ít bị thua lỗ vì chỉ khoan tầm 15 - 20m là có nước. Còn bây giờ, đầu tư máy móc hiện đại nhưng tìm mạch nước lại rất gian nan. “Nắng hạn, biến đổi khí hậu nên nguồn nước ngầm đã tụt sâu. Các kênh, mương đã bê tông kiên cố nên nước không thấm xuống đất để tạo ra nước ngầm ở tầng đất trên. Hơn nữa, việc khai thác nguồn nước quá mức, các thủy điện chặn nước ở thượng nguồn nên vùng hạ lưu tụt mạch nước ngầm là khó tránh khỏi. Bản thân tôi từ đầu năm đến giờ khoan gần 50 giếng, nhưng “bể kèo” hơn 10 giếng”, anh Cường cho hay.
Chưa có giải pháp tổng thể
Để đánh giá nguồn nước ngầm và có giải pháp bảo vệ, Sở TN&MT đã tiến hành quan trắc độ sâu mực nước tĩnh ở tầng chứa nước lỗ hổng Pleistocen (qp) tại 12 giếng khoan thuộc huyện Tư Nghĩa, Nghĩa Hành và TP.Quảng Ngãi. Kết quả cho thấy mạch nước ngầm sụt giảm rất lớn qua từng năm. Cụ thể, kết quả quan trắc giếng khoan ở Nhà máy Bia Sài Gòn - Quảng Ngãi cho thấy, mực nước năm 2019 là 3,01m và mực nước năm 2021 là 3,74m, giảm 0,73m. Tương tự ở nhiều giếng khoan khác mực nước ngầm cũng sụt giảm, có nơi giảm đến hơn 1m.
Để tìm được mạch nước, các đơn vị khoan giếng phải đầu tư máy móc hiện đại, để có thể khoan sâu lên đến cả trăm mét. |
“Nguồn nước ngầm ở tầng đo quan trắc từ lớp trầm tích Holocen (qh) được cung cấp chủ yếu là nước mưa, ao, hồ, sông, suối... Tuy nhiên, biến đổi khí hậu nên lượng mưa thấp, trong khi nhu cầu sử dụng gia tăng dẫn đến mực nước ngầm giảm qua từng năm. Đây là điều rất đang lo ngại về an ninh nguồn nước”, ông Sơn cảnh báo.
Theo Quyền Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Đức Trung, tình trạng sụt mạch nước ngầm nguyên nhân trước hết là do biến đổi khí hậu, tác động con người làm đứt gãy, xáo trộn địa chất. Cơ quan quản lý nhà nước chỉ quản lý và cấp phép khai thác nước ngầm đối với các đơn vị sử dụng giếng khoan hút từ 10m3 nước/ngày trở lên, còn đối với hộ gia đình, cá nhân thì không quản được. Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quy hoạch vùng cấm khai thác nước ngầm, nhưng chỉ ở những vị trí nhất định, còn trên diện rộng thì chưa có giải pháp.
LÊ ĐỨC