(Báo Quảng Ngãi)- Tổ dân phố Nước Nia cách trung tâm thị trấn Di Lăng (Sơn Hà) chưa đầy 10km, vậy mà nhiều người bảo xa lắm. Đường đến Nước Nia đã được thảm nhựa, xe chạy bon bon giữa bốn bề núi rừng xanh thẳm. Nhưng đến tổ dân phố trên vùng cao này, chúng tôi mới thấm thía, Nước Nia không xa về vị trí địa lý, nhưng còn lắm cái phải "kéo lại gần", để cuộc sống người dân nơi đây bớt nhọc nhằn.
[links()]
Bí thư Chi bộ tổ dân phố Nước Nia Nguyễn Hoàng Vũ vừa dẫn chúng tôi "mục sở thị" Nước Nia, vừa bảo, cái khó của người dân Nước Nia thì nhiều lắm. Thiếu đất, thiếu nước sản xuất, nước sạch sinh hoạt, điện yếu, nứt núi, sạt lở, di dời hết nơi ở này đến nơi khác... bảo cuộc sống sao không khổ.
Chưa an cư sao lạc nghiệp
Tổ dân phố Nước Nia có 194 hộ dân, với 786 nhân khẩu. Chúng tôi đến Đồi Gu, lác đác có một vài ngôi nhà mới dựng, xa xa vẫn còn nham nhở những ngôi nhà hoang người dân bỏ lại sau trận lở núi kinh hoàng. Người dân từng định cư ở Đồi Gu kể, năm 2008, đêm đó nghe tiếng nổ lớn, ai cũng hoảng sợ khi thấy núi bị nứt toạc. Trên Đồi Gu lúc đó đang xây dựng khu tái định cư cho 68 hộ dân ở khu dân cư Nước Nia Dưới, thuộc dự án Hợp phần di dân, tái định cư Hồ chứa nước Nước Trong, do Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư. Chưa kịp mừng vì có nơi ở mới, hơn 30 hộ dân trong vùng nguy hiểm trên Đồi Gu lại phải di dời đến nơi ở khác cạnh suối Nước Nia.
Những ngôi nhà nằm bên suối Nước Nia bị bong, khoét móng nhà do tác động của thiên tai. Ảnh: PV |
Cho đến bây giờ, cái đói, cái khổ vẫn bấu víu người dân ở Nước Nia, nhất là các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án hồ chứa nước Nước Trong. Mỗi mùa mưa lũ đi qua, dòng nước hung dữ ngoạm dần bờ suối Nước Nia. Nhiều ngôi nhà của người dân trở nên chênh vênh bên vực sâu, nền móng chơ vơ, tường nứt nẻ. Họ ngày đêm ở trong những ngôi nhà chực chờ nguy hiểm.
Trò chuyện với người dân nơi đây, chúng tôi bắt gặp ở họ chung một nỗi niềm, đó là nỗi lo chưa được an cư. Đã mấy bận di dời, giờ lại phải sinh sống ở nơi có nguy cơ cao sạt lở, đi không đặng, ở cũng chẳng yên. Đưa tay chỉ móng nhà bị khoét sâu, anh Đinh Văn Rên (37 tuổi) bộc bạch, nhà mình không bỏ đi được, tài sản chỉ có ngôi nhà này, đi rồi biết ở đâu. Gia đình mình sợ mưa to, sợ đất dưới nền nhà bị xói mòn, rồi có ngày ngôi nhà sẽ đổ xuống...
Người dân sống thấp thỏm trong những căn nhà nứt vách tường. Ảnh: PV |
Mong có đất để sản xuất
Bên mâm cơm ăn với nước mắm cùng đĩa rau rừng, chị Hồ Thị Tình (35 tuổi, vợ anh Rên) đượm buồn khi nói về cuộc sống quá đỗi cơ cực. Vợ chồng chị Tình không có đất sản xuất, đi làm trồng keo, phát rẫy thuê kiếm tiền sống qua ngày. Mùa nắng còn có việc làm, mùa mưa chỉ biết ngồi nhà, nhiều bữa thiếu ăn. Con trai lớn của vợ chồng chị Tình nghỉ học khi chưa tốt nghiệp lớp 9, đi làm thuê ở TP.Quảng Ngãi. Họ không biết con trai làm việc gì ở phố, chỉ biết lâu lâu nó về nhà cho bố mẹ vài trăm nghìn đồng để mua thức ăn. Ăn vội chén cơm, họ lại xách rựa vào rừng phát rẫy keo thuê...
Vợ chồng anh Đinh Văn Rên và chị Hồ Thị Tình tranh thủ ăn bữa cơm trưa để tiếp tục đi làm thuê. Ảnh: PV |
Những hộ khó khăn như vợ chồng chị Tình, không có tiền để mua thuyền vượt hồ Nước Trong, đành đi làm thuê. Ông Đinh Văn Chen cho biết, hơn 10 năm trước, khi xây dựng hồ chứa nước Nước Trong, gia đình tôi từ khu dân cư Nước Nia Dưới chuyển đến sống ở Đồi Gu, may là nhà tôi không bị sạt lở. Nhưng cuộc sống khó khăn vì không có đất sản xuất, mấy đứa con quay lại vùng đất cũ ở gần hồ chứa nước Nước Trong trồng mì. Đinh Văn Thao (23 tuổi), con trai út của ông Chen đã cưới vợ và có con. Để nuôi sống gia đình, Thao đi làm thuê ở các tỉnh Tây Nguyên. “Ở nhà không có đất sản xuất, phải đi làm thuê ở tỉnh khác. Năm nay dịch bệnh nên ở nhà, cuộc sống khó khăn hơn. Nếu được cấp đất để trồng keo, trồng mì, mình sẽ ở quê chứ không đi xa", Thao bộc bạch.
Tiếng là tổ dân phố, nhưng Nước Nia lại thuộc diện đặc biệt khó khăn. Ở Nước Nia, nhiều trẻ em mới học lớp 7, lớp 8 đã nghỉ học. Không có đất sản xuất, nhiều lao động ở địa phương đi tỉnh khác làm thuê. Vướng mắc trong bồi thường, tái định cư trong thực hiện dự án Hồ chứa nước Nước Trong đã hơn chục năm, đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà Đinh Thị Trà chia sẻ, huyện rất trăn trở trước khó khăn của người dân ở Nước Nia. UBND huyện đang chỉ đạo các ban, ngành, địa phương giải quyết dứt điểm những vướng mắc thuộc thẩm quyền, đồng thời kiến nghị các đơn vị của tỉnh quan tâm giải quyết, để người dân ở Nước Nia sớm ổn định sản xuất và đời sống. Có 68 hộ dân ở Nước Nia được giao đất rừng tại Đồi Gu theo dự án do Ban Quản lý dự án Hợp phần di dân tái định cư Hồ chứa nước Nước Trong của Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư. Khảo sát trên giấy, đến khi ra thực địa, sổ thì có nhưng đất thì người khác canh tác.
Tâm lý của người đồng bào dân tộc thiểu số ở đây, tuy danh chính là đất của mình, nhưng lâu nay người khác canh tác thì họ không canh tác trên đất này. Huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền vận động người dân, yêu cầu các đơn vị chức năng tập trung giải quyết dứt điểm để người dân sớm ổn định sản xuất. "Nhà ở của hơn 30 hộ dân khu tái định cư ở Nước Nia hiện đang ở vị trí sạt lở. Mỗi mùa mưa bão, huyện phải đưa các hộ dân về khu trung tâm tránh sạt lở, lũ quét, về lâu dài không thể để như thế. Huyện đã đề xuất với tỉnh để đề nghị trung ương hỗ trợ kinh phí sớm tổ chức di dời người dân đến nơi ở mới an toàn", bà Trà cho hay.
Chờ đợi nụ cười ở Nước Nia
Các công trình nước sạch ở Nước Nia đều trơ đáy. Theo lời người dân, hệ thống nước sinh hoạt được đầu tư từ năm 2008, sử dụng không được bao lâu thì bị hư hỏng ngừng hoạt động. Người dân lại phải sử dụng nguồn nước dẫn về từ núi rừng qua ống tre, ống trúc. Điện thắp sáng ở Nước Nia thì chỗ có, chỗ không, điện chập chờn. “Chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng sớm có giải pháp hỗ trợ người dân ở Nước Nia ổn định cuộc sống, an cư lạc nghiệp. Mong sớm có ngày người dân Nước Nia nở nụ cười tươi bởi cuộc sống đủ đầy", Bí thư Chi bộ tổ dân phố Nước Nia Nguyễn Hoàng Vũ kiến nghị.
|
PHƯƠNG LÝ - ĐĂNG SƯƠNG