Quê hương, ngày trở về

09:08, 23/08/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Khi ở quê không còn việc làm, nhiều đồng bào Hrê ở huyện Ba Tơ lại rời quê đến phương xa làm ăn, rồi trở về quê khi mùa vụ mới đến. Năm nào cũng vậy. Nhưng rồi, chuyến trở về lần này đối với họ lại là thấm đẫm mồ hôi và nước mắt... 
 
Ngày đoàn tụ
 
Trong căn nhà sàn ở tổ dân phố Đồng Chùa, thị trấn Ba Tơ (Ba Tơ), chị Phạm Thị Niêu ngồi xem tin tức về dịch Covid-19 qua tivi. “Nhìn cảnh người dân ở vùng dịch gặp khó khăn, tôi thấy mình thật may mắn. Nếu không được các chú bộ đội đưa về quê, chính quyền địa phương giúp đỡ, thì không biết chúng tôi sẽ ra sao”, chị Niêu xúc động bày tỏ.
 
Sau những ngày trở về quê, cuộc sống của gia đình chị Phạm Thị Niêu, ở thị trấn Ba Tơ (Ba Tơ) đã dần ổn định.
Sau những ngày trở về quê, cuộc sống của gia đình chị Phạm Thị Niêu, ở thị trấn Ba Tơ (Ba Tơ) đã dần ổn định.
Vợ chồng chị Niêu là hai trong 47 lao động là đồng bào Hrê ở huyện Ba Tơ vào tỉnh Khánh Hòa lột vỏ keo thuê, nhưng mất việc làm do ảnh hưởng dịch Covid-19. Khi ấy, các tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội, ô tô khách dừng hoạt động, nên cả đoàn quyết định đi bộ về quê. Đi được 50km thì đoàn người mệt lả, thiếu ăn, may mắn là họ được đơn vị bộ đội đóng trên địa bàn Khánh Hòa phát hiện và đưa về Quảng Ngãi.
 
Trở lại quê nhà, gia đình chị Niêu sống trong sự đùm bọc của người thân, hàng xóm láng giềng và sự hỗ trợ của chính quyền địa phương. Chị Niêu chia sẻ, nhiều người cuộc sống không dư dả nhưng hào phóng cho hai vợ chồng mấy bao lúa để có cái ăn trước mắt. Chồng tôi nay cũng đã tìm được công việc phụ hồ ở huyện, sáng đi, tối về, gia đình lại quây quần sum họp. Hai đứa con không phải xa cha mẹ trong nỗi nhớ nhung nữa. 
 
Kể lại hành trình rời quê đeeến phương xa làm ăn, nhiều người rơm rớm nước mắt. Không ai trong số họ muốn rời xa quê nhà. Thế nhưng, cuộc sống khó khăn, công việc đồng áng không đủ để trang trải, nên từ nhiều năm qua, hàng nghìn người dân ở các huyện miền núi trong tỉnh đã phải rời quê đến địa phương khác tìm việc làm. Họ đến các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung Bộ làm thuê, với công việc trồng, chăm sóc và lột vỏ keo. 
 
Chị Niêu bảo, nhà tôi chỉ có một sào đất trồng lúa, lúc hết việc đồng áng, vợ chồng đi lột vỏ keo thuê. Cây keo 4  -  5 năm mới thu hoạch một lần, ở quê hết việc nên phải đi tỉnh khác. Con cái để lại nhờ người thân chăm sóc, nhớ lắm nhưng đành chấp nhận. 
 
Ông Phạm Văn Tông, ở thị trấn Ba Tơ (Ba Tơ), nhận quà hỗ trợ trong thời gian cách ly tại nhà, sau trở về quê.
Ông Phạm Văn Tông, ở thị trấn Ba Tơ (Ba Tơ), nhận quà hỗ trợ trong thời gian cách ly tại nhà, sau trở về quê.
Nhà ở gần chị Niêu, ông Phạm Văn Tông (76 tuổi) cũng đi làm thuê ở tỉnh khác. “Con tôi cũng khó khăn vì phải nuôi cháu, tôi còn sức nên ráng làm để không phiền con cháu”, ông Tông cho hay. Theo ông Tông, đi làm thuê kiếm thêm tiền, nhưng không phải chuyến đi nào cũng như mong đợi. Đơn cử như lần này, người ta hứa mỗi ngày trả gần 200 nghìn đồng mỗi người, nhưng ăn uống tự lo. Đùng một cái thì mất việc, tiền lương chưa nhận đủ, không có ăn nên phải đi bộ về quê. 
 
Lúc vợ chồng chị Niêu, ông Tông cùng đoàn người trở về quê cũng là lúc huyện Ba Tơ vào mùa gặt lúa. Nhiều gia đình đã được hàng xóm đến giúp gặt lúa. Họ được chính quyền địa phương hỗ trợ nhu yếu phẩm để giải quyết khó khăn trước mắt. “Về đến nhà có gạo ăn là mừng lắm rồi. Tấm lòng của láng giềng, của cán bộ địa phương thật đáng quý”, ông Tông bộc bạch. 
 
Đong đầy tình quê  
 
Theo thống kê chưa đầy đủ của UBND huyện Ba Tơ, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, có trên 1.000 lao động là đồng bào dân tộc Hrê đi làm thuê ở các tỉnh trở về quê, đa số có hoàn cảnh khó khăn. Chính quyền địa phương đã huy động cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn huyện hỗ trợ các trường hợp mất việc trở về quê. 
 
Nhớ lúc đón 47 công dân trở về từ Khánh Hòa vào ngày 11/7, Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Phạm Xuân Vinh kể, người dân đi làm ăn ở các tỉnh lân cận như Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa... là đi tìm kế mưu sinh. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, mất việc làm nên họ trở về quê nhà. Quê hương là chốn để nương tựa, huyện sẽ không để người dân nào bị thiếu đói. 
 
Vợ chồng ông Phạm Văn Tông và bà Phạm Thị Gói chăm sóc con trâu, mong sớm ổn định cuộc sống.
Vợ chồng ông Phạm Văn Tông và bà Phạm Thị Gói chăm sóc con trâu, mong sớm ổn định cuộc sống.
Sau khi hết thời gian cách ly tại nhà, nhiều người đã trở lại công việc đồng áng hoặc làm thuê trên địa bàn huyện. Trên cánh đồng vừa làm đất, bà Phạm Thị Gói, vợ ông Phạm Văn Tông, đang đi thả trâu. Bà Gói nói vui, lần này chắc ông Tông ở nhà luôn, vợ chồng sướng khổ có nhau. Ông Tông giờ đã kiếm được công việc khai thác keo ở xã Ba Tô (Ba Tơ), do người quen giới thiệu. Bà Gói bảo, mình ở nhà sẽ cố gắng chăm sóc đàn trâu để mai mốt bán lấy tiền làm của để dành. Nói rồi, bà Gói nhìn về phía cánh đồng trước nhà, chỉ vài ngày nữa thôi, khi con nước về đồng, đong đầy dưới chân rạ, vợ chồng bà sẽ bước vào vụ canh tác mới...
 
Trở lại với gia đình chị Niêu, khi được hỏi có muốn đi làm công nhân trong nhà máy không? Chị Niêu trả lời, vợ chồng mình chỉ quen với công việc đồng áng, làm rừng, đàn ông thì học thêm cách làm thợ xây... chứ làm việc nhà máy thì không quen. Chỉ mong được hỗ trợ cây, con giống để gia đình mình nuôi trồng, phát triển kinh tế gia đình. 
 
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bùi Đức Thọ cho biết, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đang tiến hành rà soát, lập danh sách các hộ gia đình là đồng bào dân tộc thiểu số đi làm ăn ở các tỉnh trở về địa phương gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19. Tỉnh sẽ trích kinh phí từ Quỹ “Vì người nghèo” để hỗ trợ cho các hộ dân, giúp họ dần ổn định cuộc sống.
 
 
Cần giải bài toán việc làm
 
Tạo việc làm ổn định cho lao động là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao vẫn là bài toán nan giải đối với chính quyền địa phương. Thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, dù vậy cuộc sống của người dân vẫn còn nhiều khó khăn. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Lữ Đình Tích, ở Quảng Ngãi không thiếu việc làm. Tại các công ty, nhà máy, yêu cầu tuyển dụng cũng chỉ lao động phổ thông, nhưng nhiều lao động ở địa phương không đáp ứng được. 
 
Như ở huyện Trà Bồng, năm trước, chính quyền địa phương tiên phong giới thiệu khoảng 30 lao động phổ thông vào làm việc ở Công ty TNHH Công nghiệp nặng Doosan Việt Nam, ở KKT Dung Quất, với mức lương cao, kèm hỗ trợ ăn ở, nhưng rồi lần lượt lao động bỏ về hết, vì không đáp ứng được tác phong lao động công nghiệp.
 
NGỌC VIÊN
 
 

.