Mở đường... mùa núi lở

10:12, 02/12/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Những con đường phẳng phiu uốn lượn qua từng ngọn núi, bờ sông dẫn về các huyện vùng cao Quảng Ngãi đẹp như một bức tranh đã trở nên ngổn ngang sau các đợt mưa lũ vừa qua, bởi núi lở vùi lấp. Phía trên núi cao, những quả đồi lớn cũng chực chờ đổ sập xuống đường, khiến nỗi ám ảnh sạt lở núi càng hiện rõ.
 
Giữa muôn trùng khó khăn, những công nhân ngành giao thông đã không quản ngại hiểm nguy, để lên núi mở đường nối lại mạch máu giao thông.
 
"Vẽ bản đồ” sạt lở ở điểm nóng
 
"Tắc nghẽn rồi!". Đó là thông tin đầu tiên mà chính quyền một số địa phương, nơi có các cung đường đi qua gọi điện thoại báo cho cơ quan chức năng. Vậy là, nghe chỉ thị lệnh, những nhân viên tuần đường của Hạt Quản lý đường bộ các huyện trên địa bàn tỉnh đã khẩn trương lên đường tiến vào các điểm nóng để “vẽ bản đồ" sạt lở báo về Công ty CP Xây dựng giao thông Quảng Ngãi và Sở GTVT. 
Các công nhân đang nỗ lực khắc phục sạt lở, kè rọ đá để nối lại mạch máu giao thông sau bão lũ.           Ảnh: Lê Đức
Các công nhân đang nỗ lực khắc phục sạt lở, kè rọ đá để nối lại mạch máu giao thông sau bão lũ. Ảnh: Lê Đức
Sau cơn bão số 9 và số 10, Tỉnh lộ 628 (Minh Long - Sơn Kỳ) chẳng khác nào "trận địa" vừa bị bom mìn oanh tạc. Đất đá, cây rừng sạt lở phủ lấp mọi thứ. Có vị trí bùn đất lấp dày trên nền đường đến vài mét, có nơi nền đường sạt lở taluy âm chỉ còn đủ cho chiếc xe máy chạy qua. Mọi phương tiện giao thông cơ giới không thể qua được. Vậy nhưng, ngay trong sáng 2.11, anh Nguyễn Quý Dương, nhân viên Hạt quản lý đường bộ Nghĩa Hành đã có mặt ở từng “điểm nóng”.
 
Cưỡi chiếc xe máy cà tàng, anh Dương lặng lẽ đội mưa đi qua từng vũng bùn sạt lở chụp hình, quay phim ghi lại từng vị trí và gửi về Công ty CP Xây dựng giao thông tỉnh. Chiều 17.11, tôi gặp anh Dương đang ngồi bên lề đường thoa dầu vết bầm tím trên bàn chân trái. Vết thương ấy xảy ra trước đó 5 ngày khi anh đang di chuyển trên đường thì một hòn đá to bằng quả banh từ núi cao rơi xuống đập vào. Dẫu chân còn rất đau, nhưng không ngày nào anh Dương không có mặt trên tuyến đường huyết mạch nối hai huyện vùng cao Minh Long- Sơn Hà.
 
“Mưa lớn, trên đường nước chảy như thác, đá tảng từ trên núi cao liên tục rơi ai cũng sợ. Nhưng đi riết rồi thành quen, nên vị trí nào thấy bất an là từ từ quan sát rồi dò đường qua. Còn ở các vị trí sạt lở nặng để vượt qua là thở không ra hơi, vì lúc này là... xe cưỡi người. Nhiều lúc đang đi thì vọng lại tiếng nổ lớn từ rừng già vang lên, người run lên bần bật vì không biết núi lở từ phía nào. Gian khó, hiểm nguy là vậy, nhưng phải làm, vì mình dừng lại thì công ty sẽ không biết từng vị trí sạt lở, không thể tính toán phương án thông xe được”, anh Dương chia sẻ.
 
Với tuyến đường Di Lăng - Trà Trung (Tỉnh lộ 626) ngày nắng đã khó đi, vào mùa mưa gió, núi lở thì càng khó gấp bội lần. Những túi đất lớn từ trên đỉnh núi xõa xuống nền đường, dọc tuyến cây rừng ngã đổ, mọi thứ trở nên ngổn ngang không một phương tiện nào đi lại được. Thế nhưng, khi bão tan, mưa tạnh người dân các xã Trà Tây, Hương Trà (Trà Bồng) đã thấy bóng dáng tuần đường Lê Văn Hiển di chuyển trên đường. Bằng chiếc điện thoại thông minh, anh ghi lại từng vị trí, đánh dấu những điểm sạt lở nặng cần phải san gạt sớm, hoặc các vị trí chưa thể thi công do núi có khả năng sạt lở trở lại đều được anh ghi chú cẩn thận. 
Giữa mưa gió, thiên tai và hiểm họa sạt lở núi các tài xế xe đào, xe ủi, công nhân vẫn miệt mài bám công trường khắc phục sạt lở.                                                             Ảnh: Lê Đức
Giữa mưa gió, thiên tai và hiểm họa sạt lở núi các tài xế xe đào, xe ủi, công nhân vẫn miệt mài bám công trường khắc phục sạt lở. Ảnh: Lê Đức
Anh Hiển bảo: Đã chọn cái nghề tuần đường thì ngày nắng cũng như ngày mưa đều phải hành quân. Vất vả nhất là những ngày mưa gió, núi lở, mỗi sáng chạy xe đi làm là vợ ngóng theo. Gian khó mà né tránh thì làm sao thông đường sớm được, làm sao các đoàn xe vào cứu hộ, cứu trợ người dân đang gặp nạn. “Biết đi lại những ngày này là nguy hiểm, nhưng đấy là trách nhiệm của mình. Công việc bắt mình phải đến tuyến đầu sớm nhất nên phải làm. Lúc khó khăn quá, hiểm nguy ập đến mình tự trấn an mình để lấy tinh thần mà bước tiếp. Chỉ mong tất cả anh em tuần đường an toàn trở về với vợ con, gia đình sau mỗi chuyến đi”, anh Hiển tâm sự.
“Thiên tai gây ra với ngành giao thông sau các đợt mưa lũ là rất lớn. Trong gian khó đó, với tinh thần trách nhiệm các công nhân, kỹ sư, tài xế đã góp phần nối lại mạch máu giao thông tỉnh nhà. Họ là những “chiến sĩ” của ngành, là những người tiên phong khắc phục thiên tai, nối lại những cung đường xuyên suốt, đáp ứng yêu cầu công tác cứu nạn, cứu hộ và nối lại giao thương”.
 
Phó Giám đốc phụ trách Sở GTVT LÊ NHÂN
Ăn rừng, ngủ núi để thông đường
 
Giám đốc Công ty CP Xây dựng giao thông Quảng Ngãi Đinh Tấn Dũng cho biết: Sau khi có hình ảnh, video từ hiện trường gửi về, ngay lập tức phương án triển khai thông đường được vạch ra một cách kỹ càng, để đảm bảo việc thông đường diễn ra nhanh nhất và an toàn nhất cho công nhân, kỹ sư trên công trường.
 
Từng kinh qua những thử thách mở đường sau sạt lở núi khắp các cung đường ở Tây Nguyên, nhưng khi “chạm” với khối lượng đất đá, cây rừng trên tuyến Tỉnh lộ 628, tài xế xe đào Trương Hồng Duy cùng các tài xế khác mới thật sự “choáng”, vì khối lượng quá lớn và hiểm họa chực chờ trên những vách núi dựng đứng. 
Anh Nguyễn Quý Dương trên đường đi tuần đường kiểm tra các vị trí sạt lở.
Anh Nguyễn Quý Dương trên đường đi tuần đường kiểm tra các vị trí sạt lở.
Anh Duy kể: Những ngày đầu tiên mở đường sau bão, lũ rất gian nan. Ban ngày thì còn đỡ, nhưng khi đêm xuống mới thực sự ám ảnh, vì trời tối đen như mực, mưa rừng xối xả. Có hôm đang làm thì núi lở, đất đá trụt xuống ầm ầm như ai đổ từ trên cao xuống vậy. Những ngày đó tưởng chừng ai cũng bỏ cuộc vì làm không nổi và nhất là hiểm họa treo trên đầu. Nhưng yêu cầu phải thông xe bước 1 trong thời gian sớm nhất, nên anh em động viên nhau “cày”, có hôm làm đến quá 0 giờ đêm mới nghỉ.
 
“Nói không sợ thì không đúng, nhưng không lẽ vì sợ mà bỏ cuộc. Mấy anh em động viên nhau cố gắng quan sát, cảnh giới để thi công. Ngay bản thân mình ngồi điều khiển máy đào mà mắt lúc nào cũng đảo qua liếc lại. Tâm thế luôn sẵn sàng tìm đường tháo chạy nếu núi lở. May mắn đến giờ ai cũng an toàn”, anh Duy bộc bạch.
 
Ít ai biết rằng, để dọn 70 điểm sạt lở trên tuyến Tỉnh lộ 628 và thông đường chỉ sau 2 ngày kể từ khi đường tắc, trong những ngày mưa gió ấy, trên công trường luôn có 3 công nhân tá túc trong xe tải để ngủ qua đêm. Giờ mọi thứ đã an toàn hơn khi mưa dứt, nắng lên, nhưng tài xế xe tải Đào Quang Tuấn bảo vẫn chưa thôi những ám ảnh trong các đêm mưa gió.
 
“Giữa rừng vắng lặng, một mình nằm trong xe không thể nào chợp mắt được vì mưa rừng đổ xối xả, cây rừng rung lên, đất đá lăn xuống liên tục. Cứ nhắm mắt lại là những hình ảnh, câu chuyện sạt lở núi ở Quang Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam hiện ra. Để trấn an tinh thần, mấy anh em cùng qua một xe ngủ chung để... đỡ lo sợ. Nhưng có ai ngủ được đâu, chỉ mong trời mau sáng”, anh Tuấn tâm sự.
 
Không chỉ những công nhân trên tuyến Tỉnh lộ 628 mà trên hầu hết các tuyến đường có sạt lở núi, các công nhân lái máy đào, máy ủi cũng lao vào điểm nóng. Dẫu biết gian nguy, nhưng vì đồng bào nơi vùng cô lập đang cần sẻ chia, những người gặp nạn đang cần chuyển tuyến nên không ai từ chối nhiệm vụ. Hàng trăm kilômét đường dẫn về các huyện vùng cao nay đã thông, nhưng trên các cung đường ấy bóng dáng các công nhân, kỹ sư vẫn miệt mài bám trụ hốt dọn đất đá, kè lại đường để mạch máu giao thông được thông suốt...
 
LÊ ĐỨC
 
 
 

.