(Baoquangngbai.vn)- Một đời gắn với nghề muối, giờ nhớ lại thời còn trẻ, bôn ba khắp nơi để rao: “Ai muối không, muối không!” khiến ông Bùi Thy, thôn Châu Me, xã Bình Châu (Bình Sơn), cảm thấy chạnh lòng. Ký ức về đồng muối Sa Kỳ lại hiện về trong ông, với hơn 100ha làm muối đã nuôi sống biết bao nhiêu con người, bao thế hệ ở đây, nhưng bây giờ chỉ còn lại trong ký ức. Từ lâu nghề muối ở đây đã không còn nuôi nổi diêm dân.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Vang bóng một thời
Chiếc xe hiệu Honda Dream tròng trành của Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Châu Phạm Biên đưa chúng tôi men theo con đường vòng vo qua những hồ tôm để đến tận cánh đồng muối của vợ chồng ông Thy. Đây là cánh đồng muối duy nhất còn trụ lại đến ngày hôm nay ở thôn Châu Me này.
Trên bờ, muối được chất thành đống lớn. Dưới ruộng, nước lênh láng. Những váng muối “thấm” nắng đã bắt đầu khô lại, kết tinh thành những hạt muối trắng ngần, óng ánh...
Dù vất vả, cực nhọc nhưng vẫn còn đôi ba diêm dân thôn Châu Me, xã Bình Châu (Bình Sơn) còn giữ lại nghề làm muối. |
Nhâm nhi ly trà nóng, ông Thy kể cho chúng tôi nghe về nghề làm muối của diêm dân Sa Kỳ - cái nghề đã có tuổi dời cả 100 năm. Những năm 1990 trở về trước, cả thôn Châu Me (Bình Châu) và Xuân An (Tịnh Hòa) ai cũng làm muối. Cánh đồng muối Sa Kỳ trải dài, trắng muốt hơn 100ha từ đập Quỳnh Lưu (Tịnh Hòa) đến cuối thôn Châu Me.
Ngày đó, để làm ra hạt muối trắng tinh, diêm dân Sa Kỳ không phải làm theo phương pháp phơi nước như bây giờ. Công thức làm muối của họ có phần nặng công hơn, đó là phơi đất.
“Cánh đồng muối Sa Kỳ rộng lớn, từng nuôi sống bao nhiêu gia đình, giờ chỉ còn lại trong ký ức của thế hệ chúng tôi. Chắc gì mai sau đám trẻ lớn lên sẽ biết và nhớ. Càng nghĩ, càng tiếc nuối”. Ông TRẦN LỆ, thôn Xuân An, xã Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi) |
"Thay vì chỉ dùng ánh mặt trời làm nước bốc hơi, ruộng muối của diêm dân Sa Kỳ có công đoạn dùng đất mịn, đã sàng lọc kỹ, đem hòa nước biển vào cho thật ngấm nước mặn xong đem lớp đất đó, trải ra khoảnh đất phẳng, dùng nắng mặt trời phơi khô để muối kết tinh trên lớp đất. Nhờ kỳ công như thế mà hạt muối của diêm dân Sa Kỳ làm ra bao giờ cũng chất lượng", ông Thy nhớ lại.
Khi còn là thanh niên trai tráng, ông Thy đã cùng cha mẹ dãi nắng dầm sương với đồng muối. Đến mùa vụ, ông cùng với những thanh niên khác mang những gánh muối trắng ngần đi rao bán ở khắp nơi. Ngày đó, với người miền núi, nông thôn, hạt muối rất quý. Nghe có buôn muối từ Sa Kỳ lên, người dân ở cánh tây Tư Nghĩa, Sơn Tịnh đều hài lòng bởi hạt muối sạch, trắng tinh.
Để bán được những bao muối, ông Thy cũng như bao nhiêu người làm muối ở Sa Kỳ phải lặn lội hàng trăm cây số, chở những bao muối nặng cả trăm ký gửi ở nhà người thân rồi dùng trạc, mủng gánh đi rao bán khắp nơi.
“Cứ một lần đi bán như vậy cũng mất đôi ba ngày mới về nhà. Khi thì đi các xã ở Tư Nghĩa, Sơn Tịnh, khi thì đi Minh Long, Ba Tơ, mà đi toàn bằng xe đạp, xe thồ. Một gánh muối chỉ bán được có vài đồng. Có khi chúng tôi đem muối để đổi lấy lúa, củ lang, củ mì. Ngoài tiền, cái nào đổi được là đổi ngay, không chần chừ”, ông Thy chia sẻ.
Đầu những năm 80 của thế kỷ trước, khi cả nước còn “khát” muối - nghĩa là phải phân phối, đem muối đi bán đây đi đó khắp nơi. Các hợp tác xã bao tiêu hết, nên diêm dân làm muối ở Sa Kỳ cũng “ăn nên làm ra”. Nhà nào cũng tất bật sớm hôm ở ngoài đồng để làm muối. Những xe muối “khổng lồ” đều đặn chuyển lên vùng cao để tiêu thụ. Diêm dân yêu nghề, gắn bó với nghề.
“Mấy năm đó, cha tôi làm chưa tới 3 sào muối mà nuôi được cả bảy đứa con, còn dư nữa. Cả làng này, ai làm muối cũng khấm khá, nhà nào cũng sắm được ti vi, xe máy”, ông Nguyễn Dưỡng, thôn Xuân An, xã Tịnh Hòa chia sẻ.
Diêm dân bỏ nghề
Bây giờ muối iốt bán nhiều, các gia đình chuyển sang sử dụng bột canh để nấu ăn, những hạt muối tinh cũng được các doanh nghiệp thu mua muối đóng gói, bán sẵn ở khắp các quán tạp hóa. Thế nên, nghề làm muối của diêm dân Sa Kỳ càng trở nên khó khăn hơn, có lúc tưởng như lụn bại.
Ông Trần Lệ, thôn Xuân An, xã Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi) đang chăm bẵm đồng muối của mình. |
Ông Dưỡng là một diêm dân gắn bó với nghề muối lâu nhất của làng muối Xuân An, nhưng vừa rồi cũng đành ngậm ngùi bỏ hơn 3 sào muối của mình. Nghề muối đã không còn phù hợp để nuôi sống gia đình ông cũng như nhiều diêm dân khác nữa.
Những năm trước, thời điểm này là chính vụ muối, dưới cái nắng chói chang, cánh đồng trước mặt làng Xuân An, Châu Me trắng xóa một màu muối, người vào ra tấp nập. Nhưng năm nay, cánh đồng muối này không một bóng người, cỏ mọc xanh rì, thấp thoáng những hồ tôm bỏ hoang nham nhở. Diêm dân Sa Kỳ chưa từng nghĩ lại có ngày đồng muối của mình lại “chết” như thế này.
“Bây giờ mưa gió diễn ra thất thường lắm, nên khó làm muối như ngày xưa. Năm ngoái, cứ nghĩ tháng 5, trời không đổ mưa. Thế mà "ổng" cũng lấy mất của vợ chồng tui hơn 3 sào muối đến kỳ thu hoạch. Kỳ công chăm bẵm, mãi đến gần một tháng sau mới lại có muối bán. Lúc ấy muối không ai mua, không có giá. Một năm thì có hơn 6 tháng phải ăn nằm ngoài đồng, lăn lộn với muối. Cũng vì cực quá và bán không được giá, nên năm nay tui quyết định không làm nữa, tìm nghề khác”, ông Dưỡng bày tỏ.
Những năm 1995 - 1998, việc nuôi trồng thủy sản triển khai khắp các địa phương và các mô hình tôm, cá bắt đầu được nhân rộng. Một số hộ làm muối muốn thử nghiệm mô hình này nên tiến hành cải tạo ruộng muối để đào ao, hồ và chuyển đổi dần sang nuôi tôm, cá.
Sau một vài năm thử nghiệm, thấy việc nuôi tôm, cá lợi nhuận gấp đôi, gấp ba thậm chí gấp mười lần so với làm muối, nên hầu hết diêm dân Sa Kỳ từ bỏ nghề truyền thống, chuyển qua nuôi trồng thủy sản. Gia đình ông Trần Lệ, một diêm dân kỳ cựu ở thôn Xuân An, cũng nằm trong số đó.
“Nghề muối đã gắn bó như một phần không thể thiếu trong cuộc sống của gia đình tôi. Bỏ cái nghề đã nuôi sống bao đời của cha ông để lại cũng xót xa lắm. Diêm dân chúng tôi bây giờ người nhiều người tha phương, kẻ làm công nhân, người phụ hồ để kiếm kế mưu sinh”, ông Lệ bùi ngùi.
Bây giờ, cả cánh đồng muối Sa Kỳ rộng gần cả trăm hécta nhưng chỉ còn đôi ba hộ làm muối. Điều đáng buồn nữa là, cả trăm hồ tôm mà ngày trước, diêm dân ở đây ra sức cải tạo thì nay cũng đã bị bỏ hoang hóa. Nghề muối và kể cả nghề nuôi tôm, cá cũng không còn “gánh” được kinh tế cho hàng trăm hộ dân nơi đây...
Không thể sản xuất muối Chủ tịch UBND xã Tịnh Hòa Phạm Bách cho biết: Cơ quan chức năng của tỉnh và trung ương đã về lấy mẫu nước ở cánh đồng muối để xét nghiệm. Kết quả là nguồn nước bị ô nhiễm nặng nên không thể làm muối và cần xử lý nguồn nước kỹ lưỡng trước khi nuôi cá, tôm. Do đó, địa phương không khuyến khích bà con làm muối nữa. |
Bài, ảnh: HOÀI BIỆT