(Báo Quảng Ngãi)- Giữa đồi núi trập trùng, loang lổ bởi nạn phát rẫy trồng keo, hơn 1.000ha rừng nguyên sinh ở núi Lớn thuộc thôn Khánh Giang - Trường Lệ, xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành) vẫn vẹn nguyên. Người dân nơi đây dẫu cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng họ vẫn kiên quyết giữ rừng như giữ mạch nguồn của sự sống.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Cánh rừng Núi Lớn nằm gần Tỉnh lộ 624 và Quốc lộ 24 giáp với các huyện Ba Tơ, Đức Phổ và Mộ Đức, rất thuận lợi để lâm tặc "dòm ngó". Vì thế, hơn 1.000ha rừng nguyên sinh được gìn giữ hàng chục năm qua được xem như kỳ tích.
Điệp trùng màu xanh
Đứng trên đèo Đá Chát, xã Ba Liên (Ba Tơ) nhìn về núi Lớn trong mùa này thấy một màu xanh thẳm. Những cây cao hàng trăm năm tuổi, tán rộng cả chục mét đan nhau phủ kín cánh rừng. Tổ trưởng Tổ An ninh thôn Trường Lệ, ông Lương Ngọc Linh đưa tôi đi tham quan núi Lớn. Đi sâu vào rừng vài trăm mét, giữa trưa mùa hạ, mặt trời như vụt tắt, bởi bóng cây xanh bao trùm. Không khí mát rượi như đối lập hoàn toàn với rừng sản xuất cách đó không xa.
Chậm rãi di chuyển qua những hàng cây gần cả vòng tay người ôm đều đã được đánh số, ông Linh bảo: Đây là cây chò, kia là cây ké, sao đen... có tuổi đời hơn trăm năm tuổi. Các cây này có giá trị kinh tế cao, nay đã đến kỳ thu hoạch, nhưng cả làng không ai dám chặt một cây”.
Mùa nắng nóng nhưng rừng Khánh Giang - Trường Lệ vẫn trải dài màu xanh ngút ngàn. |
Dãy núi Lớn từ lâu đã trở thành chỗ dựa vững chắc cho dân làng. Trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm, rừng đã che chở bộ đội, là nơi đi về của nhiều đơn vị chủ lực thuộc Quân khu 5. Nơi đây, từ thời chống Pháp, Đội du kích Ba Tơ đã đặt xưởng công binh rèn vũ khí để phục vụ cách mạng.
Trong thời bình, rừng như “bầu sữa mẹ” cung cấp nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất của dân làng. Rót chén nước trà xanh mời khách, bà Huỳnh Thị Huân, thành viên Đội Quản lý, bảo vệ rừng Khánh Giang - Trường Lệ giãi bày: Vùng đất này bên núi bên sông, chính giữa ruộng sình lầy. Vì vậy, nguồn nước ngầm bị nhiễm phèn. Trước đây, mùa nắng thì ruộng đồng thiếu nước tưới. Giờ đây, nhờ có rừng xanh mới có nguồn nước ngọt thế này”.
Trên những cánh đồng dưới chân núi Lớn nông dân đang sản xuất vụ hè thu. Trưởng thôn Trường Lệ Cao Thanh Thông đưa tay lau giọt mồ hôi trên trán rồi nói: "Nếu không giữ được rừng thì đồng này đã trắng đất. Bởi nơi đây không có công trình thủy lợi. Ngày trước cứ đến mùa khô hạn, đồng bỏ hoang, người dân phải tha phương. Người bám lại xóm làng thì lên rừng đốn cây lấy gỗ bán kiếm tiền... Mạch nguồn cứ thế cạn kiệt dần. Đồng khô, dân làng càng khát nước".
Thế rồi, năm 2006, thông qua Dự án phục hồi và quản lý rừng bền vững do Cộng hòa Liên bang Đức tài trợ, tỉnh đã triển khai bảo vệ trên diện tích 1.012ha rừng ở núi Lớn. Theo năm tháng, cùng với những bước chân không mỏi, những tấm lưng thấm đẫm mồ hôi của đội quản lý, bảo vệ rừng, những cánh rừng càng thêm xanh, trải dài ngút ngàn xanh thẳm. Bây giờ, nguồn nước từ rừng mang lại dồi dào. Nhiều người bắt ống dẫn nước về tận nhà phục vụ sinh hoạt, sản xuất...
"Mỗi người dân đều là tai, là mắt cùng nhau quản lý, bảo vệ rừng. Các huyện cũng đã có cam kết bảo vệ rừng. Nhờ thế mà theo năm tháng, rừng Núi Lớn phủ lại màu xanh yên bình trên quê hương". Tổ trưởng Tổ An ninh thôn Trường Lệ LƯƠNG NGỌC LINH |
Gian nan chuyện giữ rừng
Phó Chủ tịch UBND xã Hành Tín Đông Trịnh Bê cho biết: Lợi ích lâu dài từ rừng thì ai cũng thấy rõ, nhưng hơn 360 hộ dân ở thôn Khánh Giang-Trường Lệ chủ yếu sống nhờ vào rừng, trong đó có khoảng 80 hộ dân đồng bào Hrê có tập quán đốt nương làm rẫy sản xuất. Bởi thế, việc giữ rừng không hề đơn giản.
Từ khi triển khai dự án phục hồi và quản lý rừng bền vững, Đội Quản lý và bảo vệ rừng ở thôn Khánh Giang - Trường Lệ được thành lập. Các thành viên trong đội thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc quản lý, bảo vệ rừng. “Trong các cuộc họp thôn luôn lồng ghép tuyên truyền, phổ biến các quy ước bảo vệ rừng. Vì lợi ích chung bà con chấp hành, chỉ thu lâm sản phụ từ rừng”, ông Bê nhớ lại.
Mỗi khi rừng “động” là Đội quản lý bảo vệ rừng thôn Trường Lệ họp bàn để tuần tra bảo vệ rừng. |
Đội phó Đội Quản lý và bảo vệ rừng thôn Trường Lệ Cao Thanh Hà bộc bạch: "Đáng ngại nhất là vào mùa khô. Mùa dân làng vào rừng đốt tổ ong lấy mật, mùa thu hoạch dầu rái, sa nhân, mây, lá nón và cũng là mùa mà rừng căn dày lá rụng... Vì vậy, chỉ cần một tàn thuốc nhỏ là có thể cháy trụi cả cánh rừng". Từ đầu năm đến giờ, ở vùng Khánh Giang - Trường Lệ không có mưa. Rừng hanh hao, thực bì khô giòn. Đội quản lý, bảo vệ rừng phải thường xuyên tuần tra.
Mặt trời lên cao. Giữa rừng xanh vắng lặng, đoàn tuần tra không đi theo lối mòn mà cắt ngang, băng rừng để kịp đến những vùng giáp ranh. Tiếng lá khô sột soạt theo từng bước chân. Ông Hà bốc vội nắm lá khô dưới chân mình bảo: “Lá rất khô, anh em không ai được hút thuốc nhé”.
Hơn chục năm làm công tác tuần tra, bảo vệ rừng, những thanh âm từ rừng xanh vọng lại, ông Hà biết rõ độ nguy hiểm cho rừng.“Cái khó nhất là khi đối diện với người dân thu lâm sản phụ. Thấy bà con đốt ong, đốt cây dầu rái để lấy dầu, lấy mật, nhưng không thể cấm được. Trong khi lá rừng khô căn dày dưới đất, chỉ cần một tàn lửa bay là có thể cháy cả khu rừng. Chúng tôi phải giúp người dân, rồi nhắc nhở cùng nhau bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn sống”, ông Hà trải lòng.
Bên cạnh vận động tuyên truyền, thôn kiến nghị với Tổ vay vốn ở xã tạo điều kiện cho dân vay vốn trồng trọt, chăn nuôi, buôn bán. Mưa dầm thấm lâu, người dân hiểu, giữ rừng là giữ mạch nguồn sống cho mình.
Bây giờ, dưới chân núi Lớn là những ngôi nhà mái ngói mới san sát nhau. Bên trong khu rừng xanh đã có Khu du lịch sinh thái Suối Chí. Mùa này, rừng xanh nẩy lộc, ra hoa, tạo nhiều màu sắc cho cánh rừng thêm lung linh, tươi đẹp.
Cần có chính sách hỗ trợ người dân giữ rừng Phó Chủ tịch UBND xã Hành Tín Đông Trịnh Bê bảo rằng, điều mà chính quyền địa phương trăn trở hiện nay là người dân không còn được hỗ trợ các chính sách ưu đãi, hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế kể từ năm 2017, khi xã được công nhận xã nông thôn mới. Trong khi số hộ nghèo ở hai thôn Khánh Giang -Trường Lệ chiếm gần 20%. Cuộc sống người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp và thu lâm sản phụ từ rừng. Nhưng mỗi khẩu chỉ có 500m2 đất sản xuất, còn nguồn thu lâm sản phụ chủ yếu là dầu rái, nhưng giá cả khá bấp bênh. Nhiều hộ phải đi làm ăn xa quê. Vì vậy, xã mong có những chính sách ưu đãi đối với người dân tham gia giữ rừng ở hai thôn này. |
Bài, ảnh: MAI HẠ