Đi qua miền khát

03:07, 27/07/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Nắng hạn kéo dài, mực nước các hồ chứa ở các huyện miền núi xuống thấp. Dưới lòng hồ con cá, con tôm ít vùng vẫy hơn. Cơn khô hạn đang "vây" lấy những vùng núi vốn dĩ là “bình trữ nước” cho đồng bằng.
TIN LIÊN QUAN

Nắng như đổ lửa. Những cánh rừng vàng lá, đồng ruộng nứt nẻ. Hạn hán do biến đổi khí hậu đang thực sự là một mối lo không chỉ ở vùng hạ lưu các dòng sông, mà nơi đầu nguồn, dòng nước cũng đang dần cạn kiệt.

Trong cơn đại hạn... làng cũ hiện về

Những ngày giữa tháng 7, chúng tôi ngược núi đến các huyện vùng cao Quảng Ngãi. Ngay đầu huyện Sơn Hà, công trình đầu mối Thạch Nham, nơi  cung cấp nước cho hàng vạn hecta lúa, hàng trăm nghìn người dân vùng hạ lưu đã không còn đủ nước để chảy qua đập tràn. Phía bên trên lòng hồ, những hộ dân nuôi cá lồng bè lần lượt kéo bè ra xa bờ hơn để con cá không “đói nước”. Tiếng thở dài của các lão nông xen lẫn với thanh âm phát ra từ nhịp dầm va vào mạn thuyền như nốt trầm trong cơn đại hạn.
Hạn hán kéo dài nên lượng nước về lòng hồ đập Thạch Nham có thời điểm không đủ nước chảy qua tràn.
Hạn hán kéo dài nên lượng nước về lòng hồ đập Thạch Nham có thời điểm không đủ nước chảy qua tràn.
Chúng tôi ngược về hồ Nước Trong, một trong hai hồ có sức chứa lớn nhất Quảng Ngãi được xây dựng chủ yếu để trữ nước phục vụ phát triển công nghiệp và sinh hoạt cho người dân đồng bằng. Dọc tuyến đường từ thị trấn Di Lăng dẫn về lòng hồ trước đây là những con suối róc rách quanh năm, thì nay đã khô cạn. Những người dân Hrê xã Sơn Bao mang can nhựa vào tận rừng sâu để tìm nước sinh hoạt. Dòng sông Tang chảy đoạn cuối cùng trước khi hòa vào ngã ba sông để mở nguồn cho dòng sông mẹ Trà Khúc, nước chảy yếu ớt. Hai bên sông là bãi bồi khô khốc.

Đập tràn Nhà máy Thủy điện Nước Trong, bốn cửa xả khô trơ không có lấy một giọt nước chảy qua. Dưới chân đập, dòng nước chậm rãi trôi, sâu quá nửa đầu gối. Từ trên bờ đập dong tầm mắt về phía lòng hồ rộng lớn là những bờ vực trơ trọi khi mực nước đã giảm đi. Điểm để nhận ra một hồ chứa mênh mông với sức chứa lên đến 290 triệu m3, là những vệt bùn còn bám đọng trên vách núi cách xa mặt nước gần cả chục mét. Hình ảnh cơn đại hạn hiện ra rõ hơn giữa lòng hồ là những cây gỗ sau nhiều năm ngập chìm dưới lòng nước nay nước rút xuống đã... nhô lên.

Nước về mỗi giây chưa đầy 8m3

Phó Giám đốc Nhà máy thủy điện Đăkđrinh Vương Quý Thạch cho biết: Nhiều tháng qua không có mưa nên lượng nước về hồ dao động từ 7-8m3/giây, đây là mực nước thấp nhất trong nhiều năm qua. Nhà máy cũng muốn tăng thời gian chạy để đảm bảo sản lượng điện và tăng lượng nước xả về hạ nguồn nhưng không được. Tình hình khô hạn nên mực nước giảm xuống rất nhiều, càng xuống thấp thì lòng hồ càng hẹp lại, vì thế lượng nước trữ được cũng rất ít.

Xuôi về phía huyện Tây Trà, đoạn giáp ranh giữa hai xã Trà Xinh và Trà Thọ, nay người dân có thể lội bộ qua lại. Ruộng lúa nước năm xưa sau nhiều năm chìm dưới lòng hồ hiện ra rõ ràng với những bờ ruộng còn nguyên vẹn. Lớp bùn non bám dày sau nhiều tháng trời “đói nước” tạo những vết nứt nẻ. Xa về phía thôn Tre là Trường Mầm non Trà Thọ, sau nhiều năm chìm trong lòng hồ giờ hiện lên rõ mồn một.

Anh Hồ Văn Lâm, xã Trà Thọ bảo: Khi dòng nước rút xuống, mọi cảnh vật trước kia của làng hiện ra. Những điểm trường, những móng nhà dân, những giếng nước... vẫn còn đó. “Hồ cạn nước nên ai cũng thấy quê mình ngày trước hết. Gốc đa bên bờ sông Tang khi dòng nước rút xuống hiện ra, dù bị đốn hạ quá nửa, nhưng vẫn gợi lên cho mỗi người dân chúng tôi ký ức không thể nào quên về nơi chôn nhau cắt rốn sau nhiều năm chìm trong lòng hồ sâu thẳm”, anh Lâm tâm sự.

Tận cùng của cơn khát

Chiều vàng vọt, những tia nắng cuối ngày le lói qua những tán rừng soi bóng xuống lòng hồ thủy điện Đăkđrinh. Chiếc đò đưa chúng tôi vượt lòng hồ phải dừng lại cách làng tầm hơn 200m mà không thể di chuyển tiếp vì nước hồ đã rút xuống. Đàn trâu, bò của người dân thong thả gặm cỏ tại nơi mà vào năm trước nước ngập trắng xóa. Khu dân cư Nước Đốp, thôn Ra Manh, xã Sơn Long hiện ra trước mũi ghe đã lột tả về bức tranh khô hạn.

Anh Đinh Văn Ná, thôn Ra Manh, xã Sơn Long, chuyên chở hàng thuê cho bà con ở bến đò thôn Ra Manh cho biết: Do mực nước lòng hồ cạn nên chiếc ghe, phương tiện mưu sinh của anh cũng... không có việc để làm. Trước đây hồ đầy nước, ghe cập đến chân ruộng là bà con đưa hàng lên ghe chở đi, giờ nước rút sâu phải cõng hàng lội bộ cả trăm mét. Khi đến bến đò xuống hàng thì phải tiếp tục cõng bộ vì nước rút sâu cách bến đò rất xa, nên người dân ngại không thu hoạch nông sản do chi phí thuê chuyển hàng hóa quá lớn.
Mực nước ở hồ thủy điện Đăkđrinh xuống thấp.
Mực nước ở hồ thủy điện Đăkđrinh xuống thấp.
Lòng hồ Đăkđrinh cạn nước. Trên lòng hồ không còn cảnh xôm tụ chài lưới, bắt cá, ghe máy chạy ngược xuôi chở hàng nông sản như trước. Mùa khô cạn, lượng nước giảm, nên con cá, con tôm cũng ít hẳn. Vì thế, những “ngư phủ” đã neo ghe lại bờ, vì có “ra khơi” thì cũng không đủ bù tiền đổ xăng. Mấy tháng rồi không có mưa, nước trong lòng hồ tiếp tục sụt giảm, nên nhiều người bỏ luôn ghe mặc hư hỏng...

Trong cơn cùng kiệt của khô hạn thì người dân sống cạnh các lòng hồ chứng kiến rõ nhất. Đó là những con hố mang dòng nước mát lạnh từ rừng già đổ về đã dần cạn kiệt. Những hố nước ở KDC Nước Đốp không chỉ là nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho người dân mà còn là nơi mang lại ánh sáng khi đường điện quốc gia chưa có. Nhưng rồi, các con suối khô cạn, những “nhà máy thủy điện” gia đình cũng rơi vào cảnh “đói nước”. Để có điện thắp sáng, người dân phải mua thêm dây điện, dời các mô tơ phát điện vào tít trong rừng sâu, họ đắp các con đập nhân tạo trữ nước để có lượng nước đủ lớn làm quay tuabin phát điện và dẫn nước về làng dùng.

Nguồn cơn của đại hạn

Khi các hồ chứa đang dần hết nước thì cũng đồng nghĩa với các cánh đồng hoa màu, các thửa ruộng bậc thang ở vùng cao vốn dĩ sử dụng nguồn nước từ các hố nước rơi vào cảnh chết khô. Đã hơn hai tháng rồi, các huyện miền núi ngóng chờ trời mưa. Những cơn giông kéo đến, trời đất đen ngòm, nhưng chỉ có vài hạt mưa không đủ ướt áo.
Mực nước xuống thấp, cá tôm cạn kiệt, hàng nông sản không khai thác được, những chiếc ghe là phương tiện mưu sinh của người dân giờ nằm neo mình trên bờ.
Mực nước xuống thấp, cá tôm cạn kiệt, hàng nông sản không khai thác được, những chiếc ghe là phương tiện mưu sinh của người dân giờ nằm neo mình trên bờ.
Hạn hán không chỉ làm các hồ chứa nước “đói nước” mà phía sau đó là những hệ lụy rất khó lường như cháy rừng, môi trường thủy sinh bị phá hủy. Những nhà máy thủy điện rơi vào cảnh hoạt động cầm chừng do vừa phải đảm bảo lượng nước xả về hạ nguồn, vừa phải đảm bảo nước phát điện.

Trong cơn khô khát ở thượng nguồn, tôi ngước nhìn những cánh rừng già tự nhiên được thay thế bằng những rẫy keo, rẫy mì. Sau nhiều năm sản xuất đất khô cằn, bạc màu người dân không sản xuất nữa nên trở thành những quả đồi trọc hoang hóa. Rừng già mất đi, một lớp đệm quan trọng trong việc giữ nước, tạo ra nguồn nước không còn, kèm với đó nắng nóng kéo dài chính là nguồn cơn của những cơn khát nơi đại ngàn...
Bài, ảnh: LÊ ĐỨC


 

.