Bức thư tay và câu chuyện của Hiền

09:07, 20/07/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Từ bức hình lá thư tay được chia sẻ lan truyền trên mạng, khiến nhiều người ấn tượng bởi tác giả là một chàng trai viết chữ rất đẹp. Đó là bức thư cảm ơn những tấm lòng yêu thương đã giúp đỡ tác giả lúc nguy kịch.

TIN LIÊN QUAN

Đằng sau bức thư là cả một câu chuyện đầy cảm động về tấm lòng hiếu thảo và tinh thần nghị lực, vượt qua số phận. Câu chuyện từ một cậu bé thiếu vắng hơi ấm của cha, tìm mọi cách để nuôi mẹ bị bệnh tâm thần, song giông bão cuộc đời lại thêm một lần thử thách với tác giả bức thư, khi chẳng may bị tai nạn giao thông vào tháng 6 vừa qua. Ở thôn Tân Hy 2, xã Bình Đông (Bình Sơn) hầu như ai cũng biết về hoàn cảnh đáng thương của Đỗ Văn Hiền.

Chuyện của Hiền

“Em sinh năm 2000, từ nhỏ đến lớn chưa từng biết mặt cha. Trước đây, mẹ em làm nghề biển, người ta bảo gì thì làm nấy, nên tiền công cũng chỉ đủ ăn. Đến mùa biển động, mẹ ở nhà, em vẫn nhớ mãi những tháng mưa, bữa ăn luôn là cháo trắng... Để phụ giúp mẹ, sau những lúc đi học về, em đi mò ngao, bắt hàu bán được mấy chục nghìn "góp" cùng mẹ trang trải chi phí sinh hoạt hằng ngày”, Hiền kể.

Ngoài giờ học, Hiền nhận đồ về may gia công để có tiền nuôi mẹ, trang trải cho cuộc sống.
Ngoài giờ học, Hiền nhận đồ về may gia công để có tiền nuôi mẹ, trang trải cho cuộc sống.

Khó khăn là vậy, thế mà từ năm lớp 1 đến lớp 9, Hiền luôn đạt học sinh giỏi, còn đoạt giải cấp tỉnh môn Sinh học. Đến năm Hiền học lớp 9, mẹ phát bệnh tâm thần, nên không đi làm được nữa. Cái nghèo, cái khó càng quấn lấy mấy mẹ con Hiền. Hiền quyết định không thi vào THPT mà theo học hệ trung cấp Trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất vì gần nhà, không phải ở trọ và không tốn tiền học phí. Nhưng mẹ thì bị bệnh, chị gái đã lấy chồng, còn Hiền đi học, thì lấy tiền đâu trang trải cuộc sống? Vậy là, ban ngày đến trường, buổi chiều và tối Hiền học thêm nghề may. Chỉ học lõm, nhưng chăm chỉ, lại nắm bắt nhanh, nên sau thời gian ngắn, Hiền đã có thể may thành thục.

Hết học kỳ đầu tiên, mẹ bị đau ốm thường xuyên, một lần nữa Hiền đứng trước lựa chọn: Nghỉ học hay tiếp tục. Suy nghĩ, trăn trở, rồi Hiền quyết định nghỉ học vào TP.Hồ Chí Minh làm nghề may. “Lúc đó, mẹ chưa phát bệnh nặng, chị gái lấy chồng ở gần nhà, nên chạy lên chạy xuống để chăm sóc mẹ. Em vào TP.Hồ Chí Minh đi làm kiếm tiền nuôi mẹ”.

Làm ở TP.Hồ Chí Minh được một năm, Hiền tích cóp về nhà mua máy may để nhận đồ may gia công, với giá 6.000 đồng/áo. Chắt chiu tiết kiệm tiền công mua máy may điện tử và máy vắt sổ để thuận tiện cho công việc, tuy nhiên, bữa có bữa không, nên thu nhập của Hiền rất bấp bênh.

"Em thấy người ta có cha mẹ lo lắng, còn bản thân mình phải tự lo, nên có lúc em tủi thân quá, vừa may, vừa khóc. Sau giờ học, bạn bè đi chơi, còn em ngồi may một mình, nên cũng buồn lắm. Nhưng buồn rồi cũng qua, em phải nỗ lực để lo cho cuộc sống, lo cho mẹ...”.

ĐỖ VĂN HIỀN

Để mẹ có giấc ngủ ngon

Làm nghề may ở nhà được hai năm, Hiền quyết định tiếp tục đi học, bởi chỉ có học mới mang lại tương lai tươi sáng hơn. Cuối năm 2018, Hiền nộp hồ sơ vào lại Trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất. “Ban ngày đi học, ban đêm em nhận đồ về may đến 1, 2 giờ sáng mới đi ngủ. Ngủ dậy rồi tranh thủ may thêm, sau đó đi chợ mua thức ăn về cho mẹ”, Hiền chia sẻ.

Lá thư tay do Hiền viết để gửi lời cảm ơn đến những người đã giúp đỡ mình.
Lá thư tay do Hiền viết để gửi lời cảm ơn đến những người đã giúp đỡ mình.

Trong ngôi nhà nhỏ được xây bằng tiền tái định cư và vay mượn thêm, phòng khách là nơi Hiền đặt một bộ bàn ghế inox và bộ máy may. Phía dưới nhà còn có cái tủ lạnh nhỏ. Đó là tất cả tài sản được Hiền tạo dựng từ tiền may đồ gia công. Thương cảm hoàn cảnh khó khăn, lại may đẹp như thợ chính, nên khi Hiền cần ứng tiền trước để lo cho cuộc sống, người chủ hàng sẵn lòng giúp đỡ. Ngoài tiền trang trải cuộc sống, Hiền dành số tiền còn lại mua thuốc cho mẹ, rồi mua một chiếc xe máy cũ để đi lại thuận tiện.

“Có những hôm, em thèm ngủ quá, ngủ gục lúc nào không hay trên bàn máy may. Đến lúc thức dậy, quýnh quáng cả người vì sợ trễ hàng, bởi chủ chỉ cho nhận hàng một đêm, sáng hôm sau phải giao cho kịp. Em thấy người ta có cha mẹ lo lắng, còn bản thân mình phải tự lo, nên có lúc em tủi thân quá, vừa may, vừa khóc. Sau giờ học, bạn bè đi chơi, còn em ngồi may một mình, nên cũng buồn lắm”, Hiền tâm sự.

Hiền kể: Có những hôm thức khuya để may, nhìn mẹ ngủ ngon lành sau khi uống thuốc xong. Hiền bỗng thèm một giấc ngủ thẳng lưng, nhưng nhìn mẹ, Hiền lại ráng ngồi để may. Bởi với Hiền, dẫu có phải vất vả, gồng gánh nuôi mẹ, Hiền vẫn làm đủ mọi việc để mẹ có giấc ngủ ngon.

Đã khó khăn lại gặp ngặt nghèo

Thường xuyên thức khuya thiếu ngủ, nên nhiều hôm đi học, đến lớp hai mắt cứ díu cả lại. Dẫu vậy, chàng lớp trưởng lớp DCN18B1 vẫn nỗ lực đạt học sinh giỏi nghề điện học kỳ 1. Thế nhưng, thử thách cuộc đời chưa chịu buông tay chàng trai trẻ giàu nghị lực này.

Đầu tháng 6.2019, vì xây xẩm mặt mày, nên Hiền bị ngã xe, máu tụ trong não. Những ngày đầu ở bệnh viện, Hiền có chị gái ở lại nuôi một tuần, sau đó chị phải về lo cho hai con nhỏ. Thế là, Hiền một mình ở bệnh viện, tự chăm sóc bản thân, ăn uống thì nhờ người thân chăm bệnh nhân khác mua giúp.

Thương cảm trước hoàn cảnh học sinh khó khăn lại gặp tình huống ngặt nghèo, Trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất đã kêu gọi thầy cô giáo và học sinh ủng hộ Hiền số tiền gần 18 triệu đồng. Có những người không quen biết, nhưng khi nghe về hoàn cảnh của Hiền cũng gửi 50 nghìn, 100 nghìn đồng để giúp Hiền vượt qua hoạn nạn. Vì thế, việc đầu tiên sau khi xuất viện về nhà Hiền liền ngồi vào bàn viết bức thư cảm ơn đến thầy cô, bạn bè, những tấm lòng hảo tâm đã giúp đỡ mình trong lúc nguy kịch. Mỗi một sự giúp đỡ đều khiến Hiền cảm kích, bởi điều đó đã tiếp thêm sức mạnh và Hiền cảm thấy không cô đơn giữa cuộc đời.

Cần lắm sự sẻ chia

Bà Nguyễn Thị Liên, một người hàng xóm cứ chép miệng khi nhắc về hoàn cảnh tội nghiệp của Hiền: “Ở đây, mọi người ai cũng quý, cũng thương Hiền, bởi Hiền là con trai mà lo nhận đồ về may để có tiền nuôi mẹ. Sau khi bị tai nạn, cậu con trai cứ trăn trở, mình là lao động chính trong nhà, lỡ chẳng may có việc gì thì ai nuôi mẹ”. Còn anh Nguyễn Thanh Hiền, Bí thư Liên chi đoàn Khoa Điện (Trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất) cho biết: “Không chỉ học giỏi, ngoan hiền, mà Hiền còn tham gia rất nhiệt tình các hoạt động của lớp, khoa. Hoàn cảnh của Hiền rất đáng thương, mong có sự trợ giúp, quan tâm từ cộng đồng”.


Bài, ảnh: BẢO HÒA
 

.