(Báo Quảng Ngãi)- Biết bao đời người gắn bó với dòng sông Trà. Họ cùng nhau đi qua những mùa mưa lũ, sông rộng đôi bờ, nước ào ạt chảy, rồi đến mùa hạ sông cạn, nhiều đoạn trơ đáy. Sống bên sông phải gắn bó, phải buồn, vui, sướng, khổ cùng sông.
Chiều xuống. Đứng trên bờ kè thôn Phước Lộc Tây, xã Tịnh Sơn (Sơn Tịnh) gió sông Trà Khúc thổi lên mát rượi. Nhìn về phía tây, trong nắng chiều, cả một khúc sông dài nước lấp loáng. Những bè cá lồng nối nhau san sát. Người quê, sau một ngày làm đồng, tranh thủ về sớm hái lá mì, băm cá vụn mang ra lồng cho cá ăn. Tiếng cá đớp mồi, tiếng lao xao nói cười của bà con làm rộn khúc sông dài.
Một thời nhớ chuyện vét sông
Đưa tay chỉ trạm bơm Chợ Tổng, ông Nguyễn Tấn Thành, người dân thôn Phước Lộc Tây, cho hay: Trước năm 1985 làm gì có cái trạm bơm này, bởi người dân thôn Phước Lộc Tây nằm bên sông Trà từ lâu đời đã biết làm bờ xe nước. Mỗi năm vào mùa mưa lũ, dân làng đi ngược về phía thượng nguồn mua tre kết thành bè, rồi xuôi dòng sông trở về làng. Họ chọn gò đất cao để đan vót. Rồi mùa xuân đến, dân làng dầm mình dưới sông đóng cọc tre làm bờ cừ, để con nước sông Trà dâng lên rồi mới đặt bờ xe. “Làm xe ba tấm mành mành. Bao giờ xe chạy mới lành tấm thân”, những người dân nơi đây cảm tác.
Làng nuôi cá lồng bè trên sông Trà Khúc, đoạn qua thôn Phước Lộc Tây, xã Tịnh Sơn (Sơn Tịnh). |
Cái bờ xe nước trên sông Trà hết mùa xuân, rồi đến mùa hạ, bất kể ngày đêm cứ thong thả quay đều, đưa nước lên đồng cho người dân Phước Lộc Tây tha hồ cày cấy. Con cá gáy, cá chẽm cũng ngon hơn. Nhưng rồi sau chiến tranh, những mùa hạ về, đất Quảng Ngãi nhiều vùng đồng khô, cỏ cháy. Chẳng đâu xa, ở huyện Sơn Tịnh, đi ngược lên vùng Tịnh Thọ, Tịnh Bắc ruộng đồng nứt nẻ, khô cằn. Sự thiếu đói cứ lần hồi gõ cửa từng nhà.
Thấy dân tình khổ quá, trung ương và tỉnh Quảng Ngãi quyết định ngăn sông Trà Khúc xây dựng công trình thủy lợi Thạch Nham. Đây là công trình kỳ vĩ dẫn thủy nhập điền lớn nhất xứ Quảng tưới cho hàng vạn hecta ruộng lúa, hoa màu, biến những cánh đồng cằn cỗi vì thiếu nước trở thành cánh đồng lúa trĩu hạt. Thế nhưng, khi công trình Thạch Nham đi vào hoạt động, nông dân 7 huyện, thị xã hớn hở mở cờ, giong trống, đón nước Thạch Nham về những dòng kênh, thì người dân thôn Phước Lộc Tây lắng trong nỗi buồn. Bởi sông bị ngăn dòng, con nước không về còn đâu mà đặt bờ xe.
Trước khó khăn, xã Tịnh Sơn quyết định xây trạm bơm Chợ Tổng tận dụng con nước rơi rớt của dòng sông đưa lên đồng cho người dân cày cấy. “Hồi đó, nhịp đập của làng hòa trong nhịp đập của tiếng máy trạm bơm. Cứ đêm nằm nghe tiếng máy nổ ì ạch, rồi lặng câm là biết nước cạn, trạm bơm bị sự cố”, ông Phạm Tiến Dũng, một nông dân trong làng, nhớ lại.
Nhưng rồi vào vụ hè thu quãng tháng 6, tháng 7, trời nắng như nung, thượng nguồn khô cạn, đập dâng Thạch Nham nước không qua tràn, nên quãng sông Trà đoạn thôn Phước Lộc lấy đâu nguồn nước rớt trên sông tạo nguồn cho trạm bơm hoạt động.
Để cứu lúa, hợp tác xã trích tiền, huy động nhân dân đào những con mương ngang, dọc dưới lòng sông, rồi dùng tre đóng bờ cừ, chất bao cát trấn giữ, dẫn nước về trạm bơm Chợ Tổng để bơm lên cánh đồng. Lắm khi nạo vét lòng sông vừa xong thì mưa tiểu mãn, nước thượng nguồn đỏ quành quạch đổ về vượt tràn Thạch Nham chảy xuống cuốn trôi hết thảy và dân làng đành kiên nhẫn làm lại từ đầu. Vét hoài, vét mãi, lâu dần, nên người quê quen những quãng nông sâu. Dòng sông vốn đã gắn bó với nhiều đời, giờ trong khó khăn càng thêm gắn bó và hạt lúa, thúng khoai trên đất này thêm vị mặn của những giọt mồ hôi.
“Nghề nuôi cá lồng trên sông Trà đang phát triển tốt. Việc triển khai mô hình nuôi cá lăng nha, cá chạch lấu càng làm đa dạng nghề nuôi. Xã cũng đã chọn cá lồng bè là sản phẩm đặc trưng của phong trào “Mỗi xã một sản phẩm”“.
Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Sơn NGUYỄN THÀNH VY |
Đến nghề nuôi cá lồng
Cụ Sanh ngẫm nghĩ: Sống bên sông cũng chỉ còn cách bám vào sông. Tình cờ, xem ti vi thấy người dân Nghệ An, Hà Tĩnh nuôi cá lồng bè. Cụ so sánh, rồi tự vấn: Họ làm được sao mình lại không? Thế là năm 1993, lồng bè đầu tiên xuất hiện trên sông Trà trong sự đàm tiếu của nhiều người. Có người bảo cụ điên, cá nuôi trong lồng tre làm sao mà lớn. Rồi mưa lũ chắc xuống cửa Cổ Lũy mà tìm. Nghe thế, cụ cười: Biết đâu đó, rồi sẽ nên chuyện thì sao?
Ông Nguyễn Tấn Thành cười vui mãn nguyện với nghề nuôi cá lồng bè. |
Và đúng là nên chuyện thật. Chỉ vài năm sau, thấy cụ Sanh nuôi cá lồng có hiệu quả, dân làng bắt chước làm theo. Thế là làng ven sông tự hình thành “tổ hợp” nuôi cá. Cụ Trần Đối kể: Chú mày biết không. Nuôi cá đâu chỉ có kiếm tiền. Cứ chiều chiều xuống mở lồng cho cá ăn nghe tiếng cá quẫy là thấy rộn trong lòng. Mùa hạ nước cạn, anh em lại giúp nhau đào mương kéo lồng xuống chỗ nước sâu. Rồi khi mùa mưa lũ đến lại cùng nhau đóng cọc neo lồng phía bên trong cho không bị nước cuốn. Rồi cũng từ cái khó nhiều người nghĩ cách làm hồ trong nhà, mùa mưa lũ, đưa cá lên trú ngụ vài tháng chờ sau 23.10 âm lịch con nước sông Trà đổi dòng, thì đưa cá về lồng trên sông.
Từ ông Sanh thả nuôi ban đầu, giờ làng đã có 50 hộ nuôi khoảng 100 lồng cá. Làng nuôi cá bè Tịnh Sơn trở thành làng nuôi cá độc nhất vô nhị trên các dòng sông đất Quảng. Rồi kể từ khi Nhà nước làm hồ Nước Trong tiếp nước cho đập dâng Thạch Nham, con nước sông Trà luôn qua tràn, nên nước sông Trà về quãng này dồi dào hơn, càng thuận tiện cho dân nuôi cá. Người làng thấy con cá trám dễ nuôi, nhưng giá trị thấp chỉ 100 nghìn đồng/kg, thì rủ nhau cải tiến bè cá bằng đuy-ra, để nuôi cá chình, bán được 500-600 nghìn đồng/kg có thu nhập khá hơn. Làng vui hơn khi xe đông lạnh các nơi đổ về, người người mặc cả bán mua. Những con cá bên sông được nuôi lớn bằng cả niềm khát khao vượt nghèo của dân làng cứ thế đến với thị trường trong và ngoài tỉnh.
Thấy làng nuôi cá lồng trên sông Trà đem lại thành công, Trạm Khuyến nông huyện Sơn Tịnh đã triển khai mô hình nuôi cá chạch lấu, cá lăng nha. Thế là làng nghề nuôi cá lồng ngày càng đa dạng. Cụ Sanh vui mà chợt tâm tư: “Nghề nuôi ngày một phát triển, còn mình thì ngày càng già. Giá như thời trai trẻ mà nghĩ được thế này, thì tôi sẽ mở một hàng quán để khách thập phương đến tận nơi xem cách nuôi cá lồng, rồi chọn lựa một con để làm mồi đưa cay”.
Tôi nhìn nụ cười của ông rồi nhìn ra phía sông Trà mà chợt hiểu: Đời người gắn bó với đời sông. Có khổ nghèo cơ cực hay khấm khá hơn lên, thì vẫn gắn bó với dòng sông quê, cho dù tháng năm đi qua sông Trà vẫn cuộn chảy.
Bài, ảnh: CẨM THƯ