Buồn, vui bên đường tác nghiệp

09:06, 22/06/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Vừa nâng chiếc máy ảnh lên, chợt có tiếng quát: "Ê, thằng kia...". Gã thanh niên gương mặt dữ tợn, mình trần khoe hình xăm vằn vện trên thân thể bước nhanh về phía tôi. Những người khuân vác còng lưng đẩy thùng hàng nặng trên xe hai bánh thô sơ tấp vội sang bên, nhường đường để gã thản nhiên bước qua. Nhiều tiểu thương gần đấy nhìn tôi với ánh mắt lo lắng...

TIN LIÊN QUAN

"Mày là nhà báo hả?"

Hơn 9 giờ đêm, chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức (TP.Hồ Chí Minh) khá náo nhiệt. Những chiếc xe tải chất đầy hàng hóa phì phò vào bãi đỗ với ánh đèn pha sáng lòa soi tỏ mọi vật phía trước. Nhiều người khuân vác xúm quanh xe bốc dỡ hàng hóa, rau quả chuyển vào những dãy nhà lồng bên trong theo yêu cầu của tiểu thương. Lưng áo họ ướt đẫm mồ hôi vì phải chuyển những thùng hàng khá nặng. Hai người bạn đồng hương Quảng Ngãi có nhiều năm buôn bán ở nơi đây dặn dò: "Nhớ cất kỹ cuốn sổ và cây bút, không được ghi chép gì cả, nhất là không giơ máy ghi âm ra phỏng vấn. Anh phải đóng giả là khách du lịch chụp hình làm kỷ niệm khung cảnh buôn bán ở chợ đêm...". Tôi gật đầu lặng lẽ theo chân bạn với chiếc máy ảnh nằm gọn trong túi đeo bên hông.

Chợ đêm khá náo nhiệt với tiếng ngã giá mua - bán, nhiều người chen lấn trên những lối đi hẹp. Hàng hóa tấp nập vào chợ và tỏa đi khắp nơi qua hàng trăm chiếc xe tải, xe đầu kéo container đậu kín bãi. Những dáng người còng lưng đẩy xe hàng nặng gấp vài lần cơ thể chới với vượt lên thềm. Nhiều người ngủ gà gật trên ghế chợt giật mình khi có khách hỏi mua hàng. Những giỏ rau, trái cây chất đống cao quá đầu người. Những gian hàng hoa nối dài khoe sắc dưới ánh đèn đêm rực sáng.

Tác giả (thứ 2 từ trái qua) cùng tiểu thương chợ Đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức (TP.Hồ Chí Minh).                     Ảnh: PV
Tác giả (thứ 2 từ trái qua) cùng tiểu thương chợ Đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức (TP.Hồ Chí Minh). Ảnh: PV

Tôi cùng bạn ghé vào gian hàng của ông Bảy Tùng (quê ở huyện Tư Nghĩa) nhiều năm buôn bán trái cây nơi đây. Ông cùng người cháu nhâm nhi ly cà phê đen để xua tan cơn buồn ngủ trong đêm. Nhờ sự giới thiệu của người chị, ông thuê gian hàng rộng 12m2 để buôn bán trái cây với mức giá hằng tháng 10 triệu đồng. Khi đường phố lên đèn, ông Bảy Tùng đến chợ nhận hàng và bán lại cho thương lái chuyển đến tiêu thụ ở những nơi khác. Ông chỉ nhận hàng rồi bán với mức hưởng hoa hồng 10% tổng số tiền. Vì vậy mà nhiều năm ở chợ ông vẫn không biết mặt chủ vườn, chỉ giao dịch qua những tài xế xe tải.

Chia tay ông Bảy Tùng, tôi theo chân hai người bạn dạo quanh chợ khuya khá nhộn nhịp. Tôi lấy máy ảnh ra khỏi túi và đưa lên ngang mày chợt có tiếng quát: "Ê, thằng kia. Mầy là nhà báo hả?...". Gã thanh niên gương mặt dữ tợn, mình trần khoe hình xăm vằn vện trên thân thể bước nhanh về phía tôi. Những người khuân vác còng lưng đẩy thùng hàng nặng trên xe hai bánh thô sơ tấp vội sang bên nhường đường để gã thản nhiên bước qua. Nhiều tiểu thương gần đấy nhìn tôi với ánh mắt lo lắng. Tôi vội thanh minh đủ cho gã nghe: "Em không phải nhà báo. Em vào thăm bạn bè sẵn có máy ảnh chụp vài kiểu hình để về quê cho bà con xem thôi mà...". Vừa lúc hai người bạn quay lại lựa lời phân giải, gã đành bỏ đi với lời đe dọa: "Nếu tao đọc thấy mày viết bài và đăng hình trên báo thì chém chết...".    

"Chú làm sổ đỏ giùm con tôi với!"

Nhận giấy mời dự hội nghị đầu bờ mô hình nuôi tôm bằng chế phẩm sinh học ở xã Phổ Quang (Đức Phổ), tôi điện thoại anh Phó Trạm khuyến nông huyện Đức Phổ. Giọng anh vang trong máy: “Chú yên chí! Đúng 7 giờ rưỡi sáng mai chú ra đến đường bê tông ngoài cầu Trà Câu, sẽ có người đón”. Sáng đầu đông, mưa như trút nước. Tôi cho máy ảnh vào cốp xe máy, dùng ny lông bọc máy ghi hình, rồi mang sau lưng, khoác áo che mưa bảo vệ chiếc máy hàng trăm triệu đồng. Chiếc xe máy chậm rãi lăn bánh trong màn mưa giăng kín đất trời.

Đến điểm hẹn, tôi dừng xe đưa mắt nhìn quanh. Người đàn ông dáng khắc khổ ngồi co ro trong chiếc áo mưa bên đường đứng lên bước đến gần tôi, tiếng nói lẫn trong mưa gió: “Chú là bạn của chú L hả?”. Tôi gật đầu, đưa tay vuốt nước mưa chảy tràn trên mặt lạnh buốt. Ông phấn khởi: “Tôi chờ từ nãy giờ, sợ trời mưa quá chú không ra được. Giờ chú đi theo tôi! Cách đây khoảng 5 cây số thôi”. Hai xe máy men theo đường làng lênh láng nước. Những đoạn đường lầy lội khiến xe chao đảo, túi đựng máy ghi hình nghiêng ngả như muốn rời khỏi lưng. Ông dừng xe rồi dẫn tôi lội bộ ra sau căn nhà hoang phế giữa khu vườn um tùm cỏ dại. Ông bước đến cạnh tôi, giọng nhỏ nhẹ: “Nhờ chú tách thửa đất rồi làm sổ đỏ cho hai đứa con trai tôi. Chúng nó có vợ con rồi, nên tôi cho mỗi đứa một miếng để làm nhà ở. Trước giờ nhờ mấy người rồi mà chưa làm được. Nay nhờ chú với chú L giúp giùm gia đình, tôi không bao giờ quên ơn”.

Ra vậy, có lẽ anh Phó Trạm khuyến nông huyện Đức Phổ nghe không rõ, nhầm tôi với vị cán bộ địa chính nên bảo ông đến điểm hẹn đón tôi giữa trời mưa gió.

Thợ chụp ảnh bất đắc dĩ

Để thông tin nhanh về tòa soạn, không chỉ phóng viên mà còn có sự đóng góp công sức của các thông tín viên. Họ là những “ăng ten” ở địa phương, nên tôi luôn trân trọng và giữ mối liên hệ khá tốt với những người luôn tận tâm vì nghề báo. Chính sự gắn bó ấy đưa tôi trở thành phó nháy bất đắc dĩ, chụp ảnh thuê trong tiệc cưới. Chuyện là người bạn công tác tại UBND xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) thường cung cấp thông tin xảy ra ở khu vực Sa Huỳnh. Ngoài giờ làm việc, anh nhận chụp ảnh thuê kiếm thêm tiền lo cho gia đình. Bữa nọ, tôi nhận điện thoại của anh với giọng van nài: “Chú giúp anh với! Anh quên nên nhận chụp ảnh cùng lúc hai đám cưới, nhưng không tìm ra thợ vì hôm ấy là chủ nhật, đám tiệc khá nhiều. Nếu chú không giúp thì họ sẽ không để yên, anh chỉ còn cách nghỉ việc, bỏ xứ đến nơi khác...”. Tôi miễn cưỡng nhận lời, dù chưa bao giờ chụp ảnh trong tiệc cưới.

Gần 3 giờ sáng, tôi khoác áo mưa phóng xe máy vượt gần 20km đến nhà anh. Sau hơn nửa giờ đồng hồ hướng dẫn kỹ năng thiết yếu của thợ ảnh, anh đưa tôi đến gia đình chú rể là ngư dân đánh bắt hải sản dài ngày trên biển. Mọi người đón tiếp khá niềm nở khi nghe anh bạn giới thiệu tôi là phóng viên. Bố của chú rể tầm tuổi ngũ tuần vỗ vào vai tôi tuyên bố: “Chú em sẽ đạo diễn trong suốt lễ cưới”. Tôi lau vội mồ hôi trên trán dù trời đang rét mướt. Trước bàn thờ gia tiên, cả họ nhà trai hồi hộp chờ đợi sự hướng dẫn của tôi và thở phào mỗi khi ánh đèn từ chiếc máy ảnh lóe sáng. Xong lễ, trước giờ xuất hành đến nhà gái đón dâu, bố của chú rể và bậc cao niên trong họ đến vỗ vai tôi: “Chú em chụp ảnh tốt quá, khung cảnh trang nghiêm chứ không như những tay thợ bình thường. Phóng viên có khác”.

Trên đường cuốc bộ đến nhà cô dâu, tôi mang máy xăng xái chạy tới chạy lui ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ của đời người. Cả đoàn rước dâu tạm ngừng bước mỗi khi thấy tôi nâng chiếc máy ảnh. Lễ đưa dâu bên nhà gái diễn ra suôn sẻ sau những lần bấm máy ghi lại nụ cười tươi của hai bên gia đình. Tôi chợt giật thót người khi nghe chú rể quay sang hỏi nhỏ: “Sao anh không bảo em đeo nhẫn cho vợ để chụp hình?”. Chết thật! Bạn tôi quên hướng dẫn tình tiết này. Như hiểu ý con trai, ông bố vội đưa mắt ngầm bảo “về bên đó hãy chụp!”, rồi nhìn tôi mỉm cười khích lệ.

Tiệc cưới náo nhiệt với tiếng nói cười, âm thanh cụng ly và lời ca, tiếng nhạc sôi động từ những chiếc loa công suất lớn. Tôi tháp tùng bố mẹ chú rể cùng đôi uyên ương đến từng bàn tiệc chụp ảnh họ chúc mừng quan khách. Bố của chú rể nâng cả hai ly bia với vẻ mặt hân hoan vì con trai của ông tìm được người bạn trăm năm. Sau những tiếng dzô... dzô... ông lại uống cạn ly bia bên tay phải rồi ép tôi phải cạn ly bên tay trái. Ông tâm sự: “Ngày vui của cháu mà chú em đến đây thật là đáng quý. Ráng sức chơi vui cùng gia đình. Nếu chụp thiếu ảnh cũng chẳng sao, chú cứ yên tâm...”. Và, chưa đến mươi bàn thì tôi đã ngất ngây sau những lần “cạn một trăm phần trăm đi, chú em ơi!”. May mắn là anh bạn thợ ảnh chính hiệu trở lại khi tôi sắp nhấc không nổi chiếc máy ảnh. Dẫu vậy, giờ mỗi lần đến dự tiệc cưới, nhiều người vẫn cứ bảo tôi cầm máy ảnh “vì chú em có năng khiếu”.

TRANG THY

 


.