(Báo Quảng Ngãi)- Có nơi nào “Núi rừng cũng cùng ta đánh Mỹ” như ở Việt Nam, ở đại ngàn Trường Sơn trùng điệp. Đó là một sự sáng tạo lịch sử vĩ đại của Đảng và quân đội ta. Đường Trường Sơn -đường Hồ Chí Minh, con đường mang tên Bác, mang theo cả trái tim của lớp lớp thế hệ người dân Việt Nam từ trong kháng chiến cho đến thời bình. Ở đó, lòng yêu nước luôn thổn thức...
TIN LIÊN QUAN |
---|
Không khó để lý giải một cảm xúc thật đặc biệt khi nhắc đến đường Trường Sơn - bộ đội Trường Sơn, vì sự vĩ đại không thể nói hết bằng lời. Ở Quảng Ngãi những ngày tháng 5 này, tôi có dịp gặp những người lính Trường Sơn năm xưa. Và như suối nguồn Trường Sơn, niềm tự hào xen lẫn xúc động trong họ cứ tuôn trào.
1. Theo mạch nguồn câu chuyện, ông Vương Đình Bường (68 tuổi), Chủ tịch Hội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Ngãi, hiện ở xã Phổ Ninh (Đức Phổ), nhiều lần nghẹn ngào không nói nên lời. Điều đầu tiên ông muốn nói, đó là niềm tự hào được làm bộ đội Trường Sơn. “Có ai hỏi thì tôi luôn bảo rằng: Tôi từng là lính Trường Sơn”.
Đường đông Trường Sơn Ảnh: TL |
Khi vừa học xong lớp 10 vào năm 1971, người thanh niên quê Nghệ An này lên đường nhập ngũ, trở thành bộ đội pháo binh thuộc Đoàn 559. Cũng giống như hàng chục vạn thanh niên trên đất Bắc, ở lứa tuổi tràn đầy ước mơ và khát vọng, họ hành quân giữa rừng Trường Sơn vào Nam, với ý chí tất cả vì miền Nam ruột thịt, sớm đánh thắng giặc Mỹ, để Bắc - Nam sum họp một nhà.
Ông Bường kể về truyền thống của bộ đội Trường Sơn như kể câu chuyện của chính cuộc đời mình: “Ngày 19.5.1959, Thường trực Quân ủy Trung ương đã chính thức giao nhiệm vụ cho “Đoàn công tác quân sự đặc biệt - Đoàn 559, do Thượng tá Võ Bẩm làm đoàn trưởng, có nhiệm vụ mở đường Trường Sơn, chi viện cho chiến trường miền Nam.
Cán bộ, chiến sĩ trong đoàn đã trải qua biết bao khó khăn, gian khổ trong điều kiện “ở không nhà, đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”. Vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, Đoàn 559 vừa thực hiện nhiệm vụ chi viện chiến lược vừa xây dựng đơn vị phát triển nhanh như Phù Đổng, sau đó phát triển thành Bộ Tư lệnh Trường Sơn...”.
Chợt, ông Bường ngâm hai câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: “Trường Sơn đông nắng tây mưa/ Ai chưa đến đó như chưa hiểu mình”. Đường Trường Sơn đã đi vào cuộc đời của bộ đội Trường Sơn như thế đó. Điều duy nhất mà mọi người lính đều thấu hiểu, như là hơi thở, là mạch nguồn của sự sống, đó là quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ dẫu có hy sinh thân mình.
“Mấy chàng lính trẻ măng tơ/ Nghêu ngao gõ bát hát chờ cơm sôi!”, ông Bường tiếp tục những vần thơ đi cùng ông trong những tháng năm đẹp nhất của cuộc đời. “Hồi đó sức trẻ nên ăn nhiều, lúc nào cũng thấy đói.
Tiêu chuẩn mỗi người ăn 8 lượng (lạng) gạo mỗi ngày. Có lần Chính ủy Đặng Tính đến thăm, thấy đơn vị đào hầm pháo vất vả, ông hỏi: “Các cậu ăn vài lượng gạo có đói không?”- “Đói thủ trưởng ạ”. “Thì 8 lượng được không, còn đói không?”, đồng chí Đặng Tính tiếp tục hỏi. “Đói thủ trưởng”. Chính ủy Đặng Tính bảo: “Đói thì ăn 9 lượng nhé”. Nghe thế anh em ai cũng phấn khởi.
Ông Bường cho biết: Ngày ấy, vào buổi chiều ông thường nhìn xuống rừng núi Trường Sơn trùng điệp, cảm thấy mình thật may mắn, nếu không có Đảng, không có Bác Hồ, thì sẽ không có mặt ở đường Trường Sơn để được sống và chiến đấu với lý tưởng cao đẹp. Điều đó như tiếp cho ông thêm sức mạnh để vượt qua mọi hiểm nguy, gian khổ.
“...Đường Trường Sơn là một biểu tượng nổi bật của quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ, của ý chí và tình cảm thống nhất đất nước; và thực sự là một con đường đã nối liền Nam - Bắc ngay từ lúc kẻ thù chia cắt đất nước; là một biểu tượng của sức mạnh tinh thần và trí tuệ Việt Nam đã chiến thắng sức mạnh vật chất kỹ thuật hiện đại của đế quốc Mỹ, là biểu tượng mối tình đoàn kết hữu nghị của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia”. Đại tướng VÕ NGUYÊN GIÁP |
2. “Ác liệt trong chiến tranh ở Trường Sơn thì không đâu bằng, nhưng nào có ai chùn bước”, đại tá Huỳnh Thận (89 tuổi), ở thôn Tân Mỹ, xã Phổ Minh (Đức Phổ) bảo thế. Không ác liệt sao được, bởi trong suốt 16 năm ngăn chặn tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn, giặc Mỹ đã thực hiện 733 nghìn trận oanh kích bằng đủ loại máy bay, trút xuống Trường Sơn hơn 4 triệu tấn bom các loại, bằng tổng số đạn bom sử dụng trong thế chiến thứ 2 và chiếm 50% tổng số bom đạn mà đế quốc Mỹ đã sử dụng trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Suốt 7 năm gắn bó với đường Trường Sơn, kinh qua nhiều nhiệm vụ quan trọng ở Đoàn 559, đại tá Thận từng phụ trách làm đường 20 Quyết Thắng, chính trị viên tiểu đoàn công binh, trực tiếp giúp dân ở nước bạn Lào dựng lại nhà cửa, phát triển sản xuất... Ông Thận, người may mắn vì nhiều lần thoát chết, cho biết: Thương xót nhất là trên đường hành quân, nhiều đồng chí đã mãi mãi nằm lại giữa núi rừng Trường Sơn.
“Nói đến Trường Sơn là nói niềm tự hào, nhưng những người lính chúng tôi luôn trăn trở, day dứt vì nhớ đồng đội, anh em đã ra đi ngay trước mắt mình, nhiều anh em thân thể không còn nguyên vẹn. Nhiều anh em chết vì rắn độc cắn, vì bị bệnh sốt rét ác tính...”, đại tá Thận bùi ngùi chia sẻ.
Ngày ấy, đại tá Thận luôn là người đồng chí, người anh sát cánh cùng chiến sĩ quyết chiến đấu đánh thắng giặc Mỹ. Cách đây ít năm, ông về thăm lại đường Trường Sơn, thắp nén hương cho đồng đội ở Nghĩa trang Trường Sơn. Từng là người lính can trường, dũng cảm trong kháng chiến, nhưng đứng trước phần mộ của đồng chí, đồng đội, người lính già đã không cầm được nước mắt.
3. Quả thật chỉ có thể cảm nhận bằng trái tim, bởi sự hy sinh của bộ đội Trường Sơn quá lớn, không thể kể xiết. Khi nghe nhắc đến hai tiếng “Trường Sơn”, đôi mắt bà Ngô Thị Thọ (73 tuổi) ở thôn Thiệp Sơn, xã Phổ Thuận (Đức Phổ) như sáng hẳn lên. Bà Thọ lục tìm trong chiếc balô đã úa màu, đưa cho tôi xem bức ảnh chụp lúc vừa nhập ngũ thuộc Tiểu đoàn vận tải Đoàn 559.
Lúc đó bà Thọ 18 tuổi, lứa tuổi đẹp nhất của đời người. Bà Thọ là nữ y tá duy nhất trong đơn vị. Mang túi y tế trên vai, mặc cho đạn bom của giặc Mỹ, đôi chân bà vẫn thoăn thoắt để kịp sơ, cấp cứu cho cán bộ, chiến sĩ. “Năm 1972, Mỹ đánh phá ác liệt, đơn vị phải thường xuyên sơ tán. Có lần máy bay thả bom B52, các anh đứng ở ngoài vội đẩy tôi vào trong hầm trước, có anh ở ngoài không kịp vào nên đã hy sinh. Tình đồng chí, đồng đội gắn bó ngày ấy như anh em ruột thịt, biết là nguy hiểm, nhưng vẫn giành về phần mình ”, bà Thọ nghẹn ngào nói.
Ông Vương Đình Bường. ẢNH: P.lÝ |
Bà Thọ quê ở Thanh Hóa. Chồng bà cũng là bộ đội Cụ Hồ, công tác ở Quân khu 5, người Quảng Ngãi. Họ đã gặp nhau trên đất Bắc, sau ngày đất nước thống nhất, vợ chồng bà về Quảng Ngãi sinh sống. Nỗi đau của chiến tranh đã đeo bám vợ chồng bà Thọ suốt cả cuộc đời, khi bà bị ảnh hưởng chất độc da cam lúc ở Trường Sơn.
Cả 3 lần bà Thọ mang thai, những đứa con đều không rõ hình hài. Để rồi hằng đêm, bà luôn thầm khóc một mình. Vợ chồng bà Thọ, hai con người cùng đi trên một con đường cách mạng, ngoài nghĩa vợ chồng còn là tình đồng chí.
Không có con cái, lúc cuối đời cũng chỉ hai vợ chồng động viên nhau: “Cuộc sống dù nghèo khổ cũng có nhau. Mình đã làm tròn nhiệm vụ đối với cách mạng. Những cống hiến, hy sinh của mình cũng giống như hạt cát trên sa mạc, so với các đồng chí đã hy sinh thì còn may mắn hơn nhiều”.
Thế đấy, những người lính Trường Sơn luôn vững chãi như chính con đường Trường Sơn huyền thoại đã chiến thắng sự tàn bạo nhất của chiến tranh, dẫu biết rằng trong sâu thẳm trái tim của mỗi người vẫn luôn khắc khoải nỗi nhớ thương đồng đội và lặng thầm những mất mát của riêng mình.
MINH ANH