(Baoquangngai.vn)- Năm tháng tuổi thơ bất hạnh những tưởng cướp đi của anh Sinh, chị Phương tất cả. Thế nhưng, từ khi về sống chung trong một gia đình, sinh con đẻ cái, tiếng cười của trẻ thơ tràn ngập tổ ấm đã tạo nên một cuộc sống mới cho anh chị. Nó được ví như biểu tượng hạnh phúc của phận người kém may mắn.
Tổ ấm của anh Sinh, chị Phương nằm lọt thỏm trong con hẻm nhỏ, gần bờ sông, cạnh cầu Sài Gòn. Nói đúng nghĩa, nó là căn phòng nhỏ nằm trong khu nhà trọ dành cho người có thu nhập thấp ở phường An Phú, quận 2, thành phố Hồ Chí Minh.
Mồ côi, tội lắm!
Thuở nhỏ, anh Thiều Văn Sinh (32 tuổi), được một người phụ nữ ở thôn Minh Tân Nam, xã Đức Minh, huyện Mộ Đức nhận về nuôi dưỡng. Tháng ngày trôi qua êm ấm. Mãi đến năm tròn 7 tuổi, trong một lần được mẹ nuôi chở về xã Đức Thạnh ăn giỗ mẹ ruột, anh Sinh mới ngỡ ra sự thật rằng mình mồ côi từ lúc mới lọt lòng.
Hồi đó, Sinh thường hay đau ốm. Nếu không có sự chở che, tình yêu thương vô bờ bến từ người mẹ nuôi thì chắc hẳn anh chẳng đủ sức để chống chọi. Đỉnh điểm nhất là trong một trận sốt nặng, anh bị liệt chân trái, không thể cử động được. Hình ảnh đi “chấm phẩy” gắn liền với Sinh từ dạo ấy, với bao nỗi mặc cảm.
Bất hạnh nối tiếp bất hạnh, gia đình ba mẹ nuôi gặp biến cố, Sinh buộc phải chuyển đến sống tại ngôi nhà dành cho những người không nơi nương tựa trên tỉnh. Anh tâm sự, lúc đó, vừa phát hiện mình không phải là con ruột của ba mẹ, lại phải chia tay ngôi nhà mà mình từng gắn bó bao nhiêu năm, trong lòng hụt hẫng vô cùng.
|
Đã trải qua một tuổi thơ thiếu thốn tình cảm gia đình nên anh luôn muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho con. |
Vợ anh, chị Đào Thị Nhã Phương cũng trải qua tuổi thơ chẳng mấy bình yên. Quê Phương gốc ở xã Ba Dinh, huyện Ba Tơ, nhưng sinh ra và lớn lên ở tận Long Khánh, tỉnh Đồng Nai.
Phương là kết quả của cuộc tình sai lầm từ bố mẹ. Họ đi theo tiếng gọi con tim, dắt nhau vào Nam lập nghiệp rồi sinh cô trong đó. Sau nhiều năm bươn chải, do không chịu nổi cảnh khổ cực đeo bám, bố Phương đã bỏ hai mẹ con, trở về quê nhà. Mẹ Phương đành phải đi bước nữa với hy vọng tìm được điểm tựa trong cuộc sống. Phương có thêm người em gái cùng mẹ khác cha từ lúc này.
Người ta khi sinh ra đã có giấy khai sinh, nhưng Phương lại khác, đến 10 tuổi mới có được cái giấy “phòng thân” ấy. Phương nằm trong đối tượng đi học phổ cập xóa nạn mù chữ ở địa phương. Chẳng giống bạn bè, sau những buổi đến lớp, thời gian còn lại, Phương phải đi làm rẫy, hái ớt xiêm, hạt điều, cà phê, rồi đi theo con đường mòn ra tận Quốc lộ 20 đường đi Đà Lạt bán kiếm tiền nuôi em và mẹ bị ung thư.
“Bữa nào có gạo nấu cơm thì lại không có tiền mua thuốc cho mẹ uống giảm đau. Còn bữa nào mẹ đau quá thì phải mua thuốc cho mẹ uống và cả nhà phải nhịn đói”, chị Phương nhớ về những tháng ngày cùng cực đã qua.
|
Hai đứa trẻ Kim Cương và Ruby là món quà vô giá mà cuộc sống ban tặng cho vợ chồng anh Sinh và chị Phương. |
Căn bệnh của mẹ được giấu kín nhiều năm với người ở quê. Mãi đến khi bà từ giã cõi trần thì cậu ruột của Phương mới hay tin, lặn lội vào Nam dẫn hai cháu về cưu mang. Lúc đó, Phương mới biết mình còn bà con thân thiết.
“Ở quê ông bà ngoại mất, nhà còn có 7 người thân là cô, cậu ruột. Hai chị em phải luân phiên ở nhà này một tuần, nhà khác một tuần. Do cuộc sống ở vùng cao khó khăn, Phương và em gái lần lượt được các ba, má ở Trung tâm công tác xã hội tỉnh nhận về nuôi dưỡng như anh Sinh”- Phương chia sẻ.
Cuộc đời vẫn đẹp sao...
Có lẽ, may mắn nhất của hai vợ chồng là được Trung tâm nuôi dưỡng đối tượng chính sách xã hội tỉnh, nay là Trung tâm Công tác xã hội tỉnh nhận nuôi. Chính tình yêu thương của những người mà anh Sinh, chị Phương gọi là ba má ở trung tâm đã lấp đi phần nào những thiệt thòi mà số phận đã sắp đặt khi họ sinh ra trên cuộc đời này.
Anh Sinh cho hay, ở đó mình có mọi thứ, có cơm ăn, áo mặc, được xem ti vi, được học cái chữ. Trung tâm còn là nơi để mình có cơ hội gặp gỡ Phương. Hồi đó có biết yêu đương là gì đâu, chỉ là anh em bình thường như bao đứa trẻ khác mới vào. Mình học trên Phương hai lớp nên cũng thường xuyên chỉ bài cho cô ấy.
“Mình và chồng, mỗi người đều cố gắng phấn đấu học thật tốt để không phụ lòng mong mỏi của ba, má ở đó. Kết quả, ảnh được bằng tốt nghiệp khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Mở thành phố Hồ Chí Minh và mình cũng có bằng tốt nghiệp ngành Văn thư lưu trữ tại một ngôi trường ở Quảng Ngãi để làm hành trang bước vào đời”- chị Phương nở nụ cười mãn nguyện.
|
Bữa cơm ấm áp, tràn đầy tình yêu thương của cả nhà. |
Đến bây giờ, ông Dương Đình Đức, khi ấy là Giám đốc Trung tâm vẫn còn nhớ rất rõ hình ảnh của anh Sinh, chị Phương, từ cái thuở vào trung tâm cho đến ngày tạm biệt các ba, má ở đây để bước vào đời. Ông hãnh diện vì có những thế hệ như vậy, vượt lên hoàn cảnh éo le, bỏ qua mặc cảm, ngoan ngoãn, chăm học, làm người có ích trong cuộc sống này.
“Phương là cô gái xinh đẹp, hiền lành, hoạt bát, hay phụ giúp các má chăm lo cho các em. Còn Sinh là cậu con trai khôi ngô, thông minh và là kho tàng kiến thức của nhiều em nhỏ”, ông Đức cho hay.
Nếu Trung tâm là nơi cả hai gặp gỡ, thì Sài Gòn là nơi để cả hai gắn thành một. Với nghị lực của mình, Sinh đã xin được một công việc ổn định với mức thu nhập khá ở một công ty tư nhân sau khi ra trường.
Khi đó, Sinh chính là là nơi duy nhất để Phương bấu víu vào trong những tháng ngày khó khăn. Anh vẫn ở cạnh cô trong cả năm trời Phương chưa xin được việc làm. Người ta vẫn thường thấy hình ảnh Sinh cà lết dẫn Phương đi xin việc khắp nơi, chỗ nào thông báo tuyển dụng đều có bóng dáng của hai người.
“Bất kể nắng mưa, anh vẫn dắt mình đi. Chẳng biết bao nhiêu đôi dép của hai đứa đã mòn nữa. Sự thông minh và nghị lực của anh khiến mình ngưỡng mộ và trân trọng”, chị Phương tự hào kể về chồng.
|
Mỗi người là một mảnh ghép hoàn hảo của nhau để cuộc đời của cả hai trở nên đẹp và ý nghĩa hơn.
|
Và rồi, điều gì đến cũng đến, một đám cưới giản dị được tổ chức vào năm 2012 là kết cục tốt đẹp nhất cho chuyện tình của anh chị. Sau đó hai năm, họ chào đón đứa con gái đầu lòng trong niềm vui sướng vỡ òa, hạnh phúc như được nhân đôi. Gia đình nhỏ của anh chị giờ đây đã chào đón thêm một bé gái kháu khỉnh.
Nhìn các con mình sinh ra lành lặn, khỏe mạnh anh Sinh lẫn chị Phương không kìm được nước mắt. Bởi lẽ, ông trời đã bù đắp lại cho họ những mất mát quá lớn trong những năm tháng tuổi thơ.
Nó được ví như tài sản quý giá nhất trong hành trình làm cha, làm mẹ. Hai cái tên Kim Cương, Ruby mà anh chị đặt cho con đã nói lên điều thiêng liêng ấy.
Cuộc sống vẫn còn đầy rẫy khó khăn và anh Sinh, chị Phương vẫn cố gắng vượt qua nó từng ngày để xây dựng một tương lai tươi sáng hơn. Họ đang tích góp từng đồng trả nợ cho ngôi nhà chung cư vừa mới mua được, nằm trong chương trình nhà ở xã hội dành cho người có thu nhập thấp.
Tuy vậy, anh chị luôn tự nhủ phải lo cho hai con bài bản. Minh chứng thuyết phục nhất là trong căn nhà của hai chị em Kim Cương, Ruby có đầy đủ những vật dụng phục vụ vui chơi, học hành, thậm chí Kim Cương còn được học ở một trong những ngôi trường chất lượng nhất tại quận 2.
Những nỗ lực của cặp vợ chồng trẻ giờ đây đã được đền đáp xứng đáng khi anh Sinh đã thoát khỏi cảnh làm thuê và xin giấy phép mở được một công ty nhỏ chuyên gia công các mặt hàng công nghiệp, làm chủ cuộc sống mình.
Rời căn phòng trọ khi màn đêm đã bao trùm khắp lối. Lời bài hát “Cuộc đời vẫn đẹp sao” vang lên từ phòng bên cạnh làm tôi xúc động. Những đứa trẻ đã liu thiu đi vào giấc ngủ ngon. Vợ chồng anh lại lôi đồ gia công của công ty ra làm.
Anh chị là thế. Anh có thể giúp chị làm việc nhà, chị sẵn sàng đồng hành cùng anh làm những việc nhỏ để phụ giúp chồng. Mỗi dịp cuối tuần, lúc khá giả lại cùng nhau đi làm từ thiện ở những ngôi chùa, trại mồ côi. Mỗi người như một nửa mảnh ghép hoàn hảo của nhau để cuộc đời cả hai trở nên đẹp và ý nghĩa hơn.
Bài, ảnh: Thiên Hậu