(Báo Quảng Ngãi)- Theo dòng lịch sử, chúng tôi về thăm vùng đất lửa Đức Phong (Mộ Đức). Những chiến công hào hùng qua lời kể của các bậc cao niên vẫn mãi vang vọng, thắp lên trong lòng người trẻ niềm tự hào khôn tả.
“Nhân dân Đức Phong một lòng theo cách mạng. Địch đã dội xuống hàng nghìn tấn bom, mở hàng nghìn cuộc càn quét, bắn giết, hòng biến nơi đây thành vùng đất trắng, tiêu diệt mọi mầm mống cách mạng... nhưng không gì có thể chiến thắng lòng yêu nước”, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Phong Trần Xuân Lâm, tự hào nói.
Hiên ngang Đức Phong
Theo chân ông Trần Xuân Lâm, chúng tôi lần lượt đến thăm các điểm di tích lịch sử trên địa bàn xã. Mọi người đều không giấu được xúc động khi nơi đây có quá nhiều chứng tích tội ác của địch.
Thế hệ sau thắp nén nhang tưởng nhớ những người dân đã ngã xuống ở di tích cuộc biểu tình Trà Niên. Ảnh: D.SƯƠNG |
Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là Di tích lịch sử về cuộc biểu tình Trà Niên (hay còn gọi Trà Ninh) ở thôn Văn Hà. Tại đây, chúng tôi đã gặp cụ ông Nguyễn Hữu Tuất (85 tuổi), người dân xóm Trà Niên. Ông cụ vẫn thường đến đây thắp hương tưởng nhớ những người đã khuất.
Cụ Tuất cho biết, từ chứng tích này, lớp lớp thế hệ trẻ ở Đức Phong khi còn bé đã khắc ghi bài học về lòng yêu nước và tiếp bước nhau xông pha chiến trận, quyết giành lại hòa bình, độc lập cho dân tộc. “Cuộc biểu tình Trà Niên là cuộc đấu tranh có quy mô lớn trong cao trào cách mạng 1930-1931 và có tiếng vang lớn trong tỉnh do Đảng bộ huyện Mộ Đức trực tiếp lãnh đạo”, cụ Tuất nói.
Chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình về thăm các “địa chỉ đỏ” ở Đức Phong. Tại thôn Lâm Hạ, ngày 22.6 hằng năm trở thành ngày giỗ chung của cả thôn. Các bậc cao niên ở đây kể lại rằng, nhằm hủy diệt căn cứ Mù U, ngày 22.6.1966, hải quân Mỹ từ ngoài khơi dùng pháo hạm bắn vào bãi biển Tân An làm chết và bị thương trên 100 ngư dân xã Đức Phong, Đức Minh, Đức Lợi. Riêng xã Đức Phong có 49 người chết, 39 người bị thương.
Trưởng thôn Lâm Hạ Nguyễn Văn Đức cho hay, năm diễn ra vụ thảm sát ông chỉ mới 1 tuổi. “Tôi nghe kể lại, sau khi địch rút, mẹ bế tôi ra bãi biển để tìm anh trai cả. Lúc đó, khắp nơi toàn là máu, thấm đẫm cả vùng cát biển. Anh trai tôi mới 13 tuổi cũng bị giết ở cuộc thảm sát”, ông Đức bùi ngùi nói. Ông Đức cho biết, các hộ dân ở thôn Lâm Hạ hầu hết là gia đình có công với cách mạng. Biến nỗi đau thành hành động cách mạng, nhân dân trong thôn anh dũng kiên cường trong cuộc chiến chống giặc ngoại xâm để trả nợ nước, thù nhà.
Đứng yên lặng hồi lâu trước di tích Vụ thảm sát tại địa đạo Lâm Sơn ở thôn Lâm Thượng, ông Võ Xuân Nương (79 tuổi, nhà ở ngay cạnh địa đạo) kể, ngày 10.4.1968, trong một trận càn quét vào xã Đức Phong, địch phát hiện được hầm địa đạo– nơi sơ tán dân và nơi hoạt động của du kích. Chúng đã dùng mìn đánh sập địa đạo, giết hại 21 người dân đang trú ẩn tại đây. “Em gái của tôi cũng bị giết hại trong buổi sáng hôm ấy. Lúc đó, em là du kích địa phương vẫn chưa tròn 20 tuổi. Sau trận thảm sát, người dân địa phương xuống hầm đưa thi thể lên chôn cất và ngày 10.4 hằng năm, cả thôn, nhà nào cũng nghi ngút hương khói làm giỗ tưởng nhớ người thân”, ông Nương nghẹn ngào nhớ lại.
Ông Trần Xuân Lâm cho biết, trên địa bàn xã còn rất nhiều di tích lịch sử mà Đảng bộ và nhân dân Đức Phong lấy đó làm bài học để giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ con cháu sinh ra trên mảnh đất này như di tích vụ thảm sát hầm Xác Máu, vụ thảm sát địa đạo Phú Lộc, vụ thảm sát xứ Đồng Nà... Ở những nơi đó, vẫn luôn ấm nóng, lan tỏa tinh thần yêu nước, ngoan cường của nhân dân Đức Phong.
Cuộc biểu tình Trà Niên nổ ra ngày 30.4.1931, bởi Pháp bắt nhiều chiến sĩ yêu nước, tra tấn dã man. Đỉnh điểm là ngày 23.4.1931, chúng đã xử tử hình đồng chí Nguyễn Nghiêm – Bí thư đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi. Hưởng ứng “Tuần lễ căm thù”, tối ngày 30.4.1931, đoàn người từ 3.000 rồi tăng lên 5.000 người ở phía bắc Mộ Đức, biểu tình tuần hành, kéo xuống Trà Niên để đấu tranh. Đoàn người biểu tình trang bị gậy gộc, dây... dưới sự chỉ huy của nữ chiến sĩ Trần Thị Hùng hô vang các khẩu hiệu: “Giảm sưu cao thuế nặng”, “Chống khủng bố trắng phong trào Xô Viết – Nghệ Tĩnh”, “Phản đối xử tử hình đồng chí Nguyễn Nghiêm”... và đồng loạt phá bỏ nhiều cửa ngõ kiên cố của địch. Cuộc biểu tình đến thôn Văn Hà thì bọn mật thám phát hiện, báo về huyện lỵ. Trước khi trời sáng, địch bất ngờ xả súng vào đoàn người biểu tình, làm 73 người chết tại chỗ và rất nhiều người bị thương nặng. Máu của những người dân yêu nước thấm đỏ mảnh đất quê hương. |
Hồi sinh trên quê hương
Lật giở từng trang lịch sử cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Đức Phong, chúng tôi không khỏi bùi ngùi khi đọc qua con số toàn xã có hơn 130 Mẹ Việt Nam Anh hùng. Những người mẹ ở xã Đức Phong đã hiến dâng những đứa con của mình cho dân tộc, nhiều mẹ có từ 3-5 người con hy sinh. Ông Trần Xuân Lâm bộc bạch: “Cuộc chiến qua đi, nhưng niềm tự hào thì còn mãi. Đức Phong là xã Anh hùng đầu tiên của tỉnh và là xã có số lượng đối tượng chính sách đông thuộc hàng nhất nước”.
Tấm bia tưởng niệm những người dân bị thảm sát tại bãi biển Tân An, thôn Lâm Hạ.Ảnh: D.SƯƠNG |
Dạo quanh khắp các thôn xóm và gặp gỡ người dân, chúng tôi cảm nhận được rằng, tiếng vọng từ quá khứ với sự hiên ngang, bất khuất và niềm tự hào dân tộc vẫn sâu lắng trong tâm tư của mỗi người. Về xã Đức Phong hôm nay, những con đường bê tông thẳng tắp, xe cộ qua lại tấp nập, những ngôi nhà khang trang, kiên cố mọc lên. Trên các con đường làng, trẻ con tung tăng cắp sách đến trường.
Đến nay, xã Đức Phong đã hoàn thành 12/19 tiêu chí xã nông thôn mới. Nhờ đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, năng suất, sản lượng trong trồng trọt, chăn nuôi được nâng lên đáng kể. Đời sống của người dân từng bước cải thiện. Hiện nay, bình quân thu nhập đầu người là 36 triệu đồng/năm. Xã phấn đấu đến năm 2020 sẽ về đích nông thôn mới.
“Trên bước đường xây dựng cuộc sống mới, dẫu gặp nhiều khó khăn, thế nhưng với truyền thống kiên cường, bất khuất, Đảng bộ và nhân dân Đức Phong không ngừng nỗ lực vươn lên xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Phong Trần Xuân Lâm phấn khởi nói.
D.SƯƠNG-M.ANH