Thầm lặng "cây chổi vàng"

03:10, 14/10/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- “Nhiều lúc nghĩ mình là phái mạnh, chứ không phải phái yếu đâu. Phụ nữ mà vác 30 – 40 ký chỉ là chuyện nhỏ, kéo xe nặng hàng tạ cũng là chuyện thường ngày. Vất vả, nặng nhọc hay mùi hôi, ô nhiễm... gác qua một bên, chỉ còn để tâm cố gắng hoàn thành công việc, làm sạch đường phố”, chị Phan Thị Nhân (1977, công nhân Xí nghiệp Môi trường - Công ty CP Môi trường Đô thị) bắt đầu câu chuyện với chúng tôi bằng những chia sẻ như vậy.

Suốt 16 năm gắn bó với nghề công nhân vệ sinh môi trường, là ngần ấy thời gian chị Nhân cần mẫn, trách nhiệm với công việc. Sau giờ làm, chị về nhà tất bật lo cho chồng, con. Với chị, hạnh phúc là có công việc để cống hiến, có gia đình để lo toan.

Viết nên câu chuyện cổ tích

Đến với chồng bằng tình yêu trong sáng và chân thành, ít ai biết rằng, chị Nhân đã vượt qua bao trắc trở, khó khăn để xây dựng tổ ấm. Gia đình khó khăn, đông anh chị em, nên năm 15 tuổi, chị Nhân phải nghỉ học vào TP.Hồ Chí Minh học nghề. Cô gái trẻ lúc ấy dành tình yêu cho món bánh flan Pháp, với mong ước về quê lập nghiệp với món ăn tráng miệng này. Thế nhưng, tương lai của cô gái trẻ lại rẽ sang hướng khác.

 

Chị Nhân cùng chồng trong ngôi nhà mới xây khang trang.
Chị Nhân cùng chồng trong ngôi nhà mới xây khang trang.


Trong một dịp người bà con nhờ đi làm phụ hồ, chị Nhân gặp và ấn tượng với người thanh niên Nguyễn Minh Thụy. Năm 19 tuổi, anh Thụy không may bị tai nạn giao thông dẫn đến liệt nửa người, đi lại khó khăn, khi đó anh mới thi đậu Đại học Bách khoa Đà Nẵng.

Như một sự sắp đặt, trong lòng chị Nhân cảm thấy thương người thanh niên ấy. Còn anh Thụy đã âm thầm xin số điện thoại của chị Nhân. Chuyện của hai người đã bị gia đình chị Nhân phản đối kịch liệt, bởi tất cả đều lo ngại con gái sẽ vất vả, cực khổ. Chỉ đặt mình trong hoàn cảnh của chị Nhân, mới thấu hiểu được sự mạnh mẽ và can đảm của chị khi đến với anh Thụy.

Điều đó đồng nghĩa với việc, chị xác định mình là trụ cột chính của gia đình, một mình lo liệu, gách vác mọi việc, cả chăm sóc, đỡ đần chồng. Chỉ trọn vẹn một từ “thương” xuất phát từ tấm lòng chia sẻ, thông cảm dành cho anh Thụy, mà người con gái tên Nhân đã viết nên câu chuyện cổ tích giữa đời thường, xây dựng tổ ấm với người thanh niên mà ngay cả đi đứng cũng không vững, sinh hoạt, ăn uống đều phải có người lo...

Nhọc nhằn nghề thu gom rác

Một năm sau, khi sinh con đầu lòng, chị Nhân được nhận vào làm tại Công ty CP Môi trường Đô thị. Được giao phụ trách khu vực nào, chị cũng đều quán xuyến đảm bảo thu gom rác sạch sẽ. Trách nhiệm, nỗ lực hoàn thành tốt công việc, chị Nhân luôn năng nổ tham gia nhiệt tình các hoạt động, phong trào của công ty.

 

Tự hào về nghề công nhân vệ sinh môi trường, chị Phan Thị Nhân luôn trách nhiệm với công việc.                                                                                                                 Ảnh: BẢO HÒA
Tự hào về nghề công nhân vệ sinh môi trường, chị Phan Thị Nhân luôn trách nhiệm với công việc. Ảnh: BẢO HÒA


Nghề thu gom rác tưởng chừng như đơn giản, nhưng đầy vất vả, nặng nhọc. Ngày mưa cũng như ngày nắng, những người thu gom rác như chị Nhân đều đặn có mặt trên những con phố để thu gom rác đúng lịch. Mùa mưa, công việc thêm phần nhọc nhằn hơn. Còn những ngày lễ, Tết, người người lo sửa soạn, chăm chút nhà cửa, thì chị Nhân vẫn tất bật làm việc ngoài đường, để kịp thu gom, vận chuyển rác. “Nghề thu gom rác chỉ có hết việc, chứ không hết giờ. Nhiều lúc nghĩ mình là phái mạnh, chứ không phải phái yếu đâu. Phụ nữ mà vác 30 – 40 ký chỉ là chuyện nhỏ, kéo xe nặng hàng tạ cũng là chuyện thường ngày. Vất vả, nặng nhọc hay mùi hôi, ô nhiễm... gác qua một bên, chỉ còn để tâm cố gắng hoàn thành công việc, làm sạch đường phố”, chị Nhân bộc bạch.


Mỗi công việc đều có niềm vui, nỗi buồn riêng. Nghề thu gom rác, cũng có nhiều nỗi niềm, trăn trở. Công việc không chỉ tiếp xúc với các loại rác bẩn, bụi bặm, bốc mùi, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, mà còn gặp phải sự e ngại của người quen. Chị kể: “Có lần gặp bạn bè cũ, tôi vui vẻ cất tiếng gọi bạn giữa lúc đông người. Người bạn dừng lại, nhìn thấy tôi trong bộ quần áo công nhân liền quay đi. Tôi vẫn hiểu, thông cảm cho bạn và tự nhủ công việc nào cũng được, miễn hợp pháp và đóng góp cho xã hội, tôi không mặc cảm về nghề nghiệp của mình. Vì thế, công việc đã tạo cho tôi thêm tính kiên nhẫn, nghị lực, để vượt qua”.

Tự hào công nhân vệ sinh môi trường

Nói về chị Nhân, Giám đốc Xí nghiệp Môi trường Đoàn Nhật Linh cho hay, không chỉ hoàn thành thu gom rác thải mà hằng năm, chị Nhân luôn đạt chỉ tiêu trong công tác mở rộng hộ và thu phí vệ sinh môi trường của công ty giao. Không những đạt nhiều thành tích lao động giỏi, mà chị Nhân còn tích cực tham gia các hoạt động trong “Tháng công nhân”, được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng thưởng vì thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua lao động giỏi và xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh.

Gia đình chị Nhân từng được biểu dương là một trong những gia đình văn hóa tiêu biểu do Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức. Năm 2018, chị Nhân là công nhân vệ sinh môi trường duy nhất của tỉnh và là một trong 10 gương mặt trong toàn quốc được biểu dương “Cây chổi vàng” do Tạp chí Môi trường Đô thị Việt Nam tổ chức.

 

Bỗng nhiên thấy nhớ người... lao công


Trong những ngày tháng 7.2018, những đống rác ứ lại nhiều ngày liền trên các tuyến đường ở TP.Quảng Ngãi, bốc mùi hôi thối, khiến ai cũng cảm thấy ngột ngạt. Khi công việc trôi chảy, ít ai nhận ra công lao của người thu gom và vận chuyển rác. Lúc đó, nhiều người mới hiểu những đóng góp thầm lặng của những người lao công có ý nghĩa đối với đời sống xã hội. “Nhiều người cứ hỏi tôi khi nào đi làm lại, ai cũng trông chờ công nhân vệ sinh môi trường đến thu gom, vận chuyển rác. Đến lúc thấy bóng dáng của công nhân kéo thùng đi thu gom, nhiều người vui mừng, thở phào nhẹ nhõm”, chị Nhân chia sẻ.



Vượt qua bao nỗi nhọc nhằn, quả ngọt của gia đình chị Nhân là con gái lớn đang học lớp 12 chuyên Lý (Trường THPT Chuyên Lê Khiết), con gái nhỏ học lớp chọn Trường THCS Nguyễn Nghiêm (TP.Quảng Ngãi). Con bao nhiêu tuổi là bấy nhiêu năm chị Nhân vừa làm cha, vừa làm mẹ và làm bạn với con.

Chị là chỗ dựa, hiểu tâm lý của con để uốn nắn, dạy bảo con nên người. Chị luôn dạy con, hạnh phúc không ở đâu xa mà là những điều bình dị xung quanh mình, phải biết trân quý công sức lao động của người khác, dù là nhỏ nhất. Với người nữ công nhân này, chị luôn tự hào gắn bó, trách nhiệm với công việc mà mình đang làm.

Chị tâm niệm, nghề công nhân vệ sinh môi trường không chỉ góp phần xây dựng đô thị văn minh, xanh sạch đẹp, mà công việc còn mang lại nguồn thu nhập giúp chị nuôi con khôn lớn, trang trải chi phí trong gia đình. Những đứa con của chị vẫn luôn tự hào với bạn bè về người mẹ đảm đang, giàu đức hy sinh vì gia đình.

Còn với tôi, tôi luôn ấn tượng hình ảnh nụ cười luôn nở trên môi người lao công mới ngoài 40 này, như cách chị đã vượt qua bao khó khăn trong cuộc sống. Và mỗi buổi sáng thức dậy, đi giữa những con phố sạch sẽ, tôi bỗng nhớ bài thơ "Tiếng chổi tre" của nhà thơ Tố Hữu: “…Nhớ em nghe/ Tiếng chổi tre/ Chị quét/ Những đêm hè/ Đêm đông gió rét/ Tiếng chổi tre/ Sớm tối/ Đi về/ Giữ sạch lề/ Đẹp lối/ Em nghe!”. Và tôi nhớ đến những đóng góp thầm lặng của những người lao công, trong đó có "cây chổi vàng" Phan Thị Nhân.


Bài, ảnh: BẢO HÒA - TRỊNH PHƯƠNG


 
 


CÁC TIN KHÁC
.