(Báo Quảng Ngãi)- Dịp hè này, cùng với trẻ em nghèo vượt khó ở 14 tỉnh, thành trong cả nước, 5 gương mặt trẻ em tiêu biểu của Quảng Ngãi có dịp gặp gỡ Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Trong những tấm gương trẻ em tiêu biểu ấy, có những bạn nhỏ hằng ngày nỗ lực vượt qua nghịch cảnh của cuộc đời.
--------------------
Mồ côi từ thuở còn thơ
Đã hơn 2 tháng trôi qua kể từ ngày được gặp Chủ tịch nước, vậy mà em Trần Thị Hoàng Yến, ở thị trấn Mộ Đức (Mộ Đức) vẫn còn cảm giác lâng lâng vui sướng. “Lần đầu tiên em được ra thăm thủ đô Hà Nội, được gặp Chủ tịch nước, đây là niềm vinh dự lớn lao", Yến bày tỏ. Nhìn khuôn mặt thơ ngây, tràn đầy sự lạc quan của Yến, khó ai có thể hình dung em mồ côi cả mẹ lẫn cha.
Hồ Thị My dạy chữ cho 2 em gái. |
Mẹ mất lúc Yến vừa tròn 3 tuổi. Cô bé chỉ biết đến khuôn mặt mẹ mình qua tấm ảnh đen trắng trên bàn thờ. Ba lên Tây Nguyên làm rẫy, hai chị em Yến sống cùng bà nội già yếu trong căn nhà nhỏ xíu. Là con út, nhưng biết phận mình, từ nhỏ Yến rất ngoan hiền. Hai chị em Yến bảo ban nhau học tập và luôn đạt thành tích xuất sắc qua các năm học.
Nào ngờ, nỗi đau lại ập đến khi cuối năm 2016, chị em Yến lại đội trên đầu vành khăn trắng. Hai đứa trẻ chưa qua tuổi trưởng thành đã phải chứng kiến sự ra đi mãi mãi của 2 người thân yêu nhất. “Cha em bệnh lâu rồi, nhưng giấu không đi điều trị. Bà nội bảo là cha để dành tiền cho chị em em đi học”, Yến thổ lộ. Ánh mắt vui tươi vừa mới đó đã thay thế bằng nét đượm buồn...
Đi chung đoàn với Yến ra Hà Nội còn có em Hồ Thị My, dân tộc Cor ở xã Trà Sơn (Trà Bồng). Cô bé Hồ Thị My lớn tuổi nhất, nhưng lại nhỏ con nhất đoàn. Dù vậy, thành tích học tập của My lại khiến nhiều người nể phục.
Lúc chào đời, My đã không có cha. Vài năm sau, mẹ My đi bước nữa với một người đàn ông góa vợ trong thôn. Hai đứa em cùng mẹ khác cha với My lần lượt sinh ra trong nghèo khó. Khi My học lớp 5, mẹ sinh em gái út. “Khi đó nhà em không có gì ăn cả. Mẹ mới sinh em bé, sức yếu lại không có gì bồi bổ, nên không lâu thì mất”, My nghẹn ngào kể lại.
Khoảng thời gian sau khi mẹ mất, My lúc ấy mới chỉ 11 tuổi phải nghỉ học giữa chừng, để chăm em gái út mới chỉ hơn 2 tháng tuổi. Ngày đi chăn bò phụ cha dượng, đêm về My lại lụi cụi nấu cơm, thay mẹ ẵm bồng, nâng niu đứa em côi cút. Vắng bóng người mẹ, chị em My vẫn lớn lên như cụm măng giữa rừng già. Những tưởng người cha là nơi nương tựa của các em đến lúc trưởng thành, thế nhưng cuối năm 2017, cha dượng của My qua đời, vì bị đột quỵ.
--------------------
Khát khao con chữ
Giữa trưa hè nắng gắt, trong căn nhà nhỏ nóng như lò lửa mà ba chị em My đang ở vẫn vang vọng giọng ê, a. My bảo: “Em út năm nay đủ tuổi vào lớp 1. Em kế đã 11 tuổi, nhưng sức khỏe yếu, nên chưa đi học được. Nghỉ hè rảnh rỗi, con dạy các em học chữ, học số”.
Về phần mình, My cho biết hết hè này em vào lớp 10. My lớn hơn 2 tuổi so với các bạn cùng lớp, bởi 2 năm đứt quãng việc học để ở nhà chăm em. Mặc dù không được đến trường, nhưng khát khao được học con chữ vẫn luôn thôi thúc My. Thế nhưng, hành trình trở lại trường của em đầy gian nan, thử thách...
“Dù khó khăn đến mấy em cũng không bỏ học. Em sẽ cố gắng học hết lớp 12 và cho các em mình đi học nữa”.
|
“Khi bé út được 2 tuổi, em xin cha đi học lại, nhưng cha bảo nếu đi học thì đi ra khỏi nhà luôn”, My nhớ lại. Không được cha đồng ý, My lén đến trường xin thầy cô cho đi học. Nhiều lần My phải ở lại nhà cô giáo chủ nhiệm để tránh những trận đòn roi từ cha dượng. Được thầy cô giúp đỡ, My ở nội trú tại trường, cuối tuần lại cuốc bộ hơn 8km về thăm các em. Được trở lại trường, ý chí vươn lên của My càng mạnh mẽ, nên mặc dù 2 năm không đến trường, My vẫn luôn dẫn đầu lớp về thành tích học tập trong những năm học trung học cơ sở.
Từ ngày cha dượng mất, My về nhà ở cùng các em. Mảnh ruộng nhỏ là tất cả tài sản cha mẹ để lại cho 3 chị em My, vì thế ngoài giờ học, My lại ra đồng làm việc. Chỉ mới mấy tháng ngắn ngủi, cô bé đã ra dáng trụ cột của gia đình. “Dù khó khăn đến mấy em cũng không bỏ học. Em sẽ cố gắng học hết 12 và cho các em mình đi học nữa”, My bộc bạch.
Còn với chị em Yến, việc học cũng trở thành động lực để các em vượt qua mất mát quá lớn lao đối với gia đình mình. Cha mất là cú sốc quá lớn đối với chị em Yến. Thế nên, từ một cô bé hoạt bát, năng động, là Liên đội trưởng Trường THCS Nam Đàn, Yến bỗng thu mình lại, trầm tính hơn và rời khỏi những hoạt động sôi nổi ở trường, ở lớp. Yến tâm sự trong nước mắt: “Em rất thích học môn Toán. Khi có chuyện buồn, em thường giải toán để cho quên đi tất cả. Em phải học thật giỏi để không phụ công của cha”.
--------------------
... và ước mơ còn để ngỏ
Ngôi nhà mới của bà cháu Yến được xây dựng với tất cả gia sản mà bà nội Yến dành dụm suốt cả đời mình và bằng số tiền mà cha của Yến để lại. “Xây nhà cửa chắc chắn để các cháu nó được sống đầy đủ hơn. Tôi đã già rồi, không biết còn nuôi các cháu mình ăn học được đến đâu nữa”, bà Hồ thị Kim Quy, bà nội của Yến thở dài bảo.
Ngoài giờ học, chị em Yến phụ giúp bà nội làm việc nhà. |
Nhìn căn nhà nhỏ, Yến bộc bạch: “Năm nay là năm cuối cấp trung học cơ sở, nên em sẽ nỗ lực hết sức để đạt thành tích tốt nhất. Cả hai chị em đều muốn học y dược theo ý nguyện của cha và mọi người trong gia đình, nhưng con đường còn dài, khó khăn chồng chất, nên cũng không biết là có thể học đại học được không nữa!”.
Hỏi My về ước mơ, em cứ chần chừ mãi, hẳn em chẳng biết mình đang mơ gì, bởi trước mắt có quá nhiều khó khăn. Căn bếp của chị em My vừa được các mạnh thường quân hỗ trợ xây dựng, nhưng cái ăn hằng ngày của ba chị em My thì bữa đói, bữa no. Ngập ngừng đôi lúc, giọng My chùn xuống: "Em chỉ mong mình nhanh lớn để có thể nuôi được các em, thờ phụng cha mẹ chu đáo”.
Nghị lực vươn lên của hai em Yến và My thật khó diễn tả hết bằng lời. Nhưng, các em mới bước những bước đi đầu tiên để vượt qua giông tố của cuộc đời. Con đường phía trước vẫn còn rất dài và khá chông chênh. Thế nên, tôi thầm ước, các em sẽ được đón nhận sự yêu thương của mọi người, được sự sẻ chia, giúp đỡ của cộng đồng, xã hội. Bởi đó sẽ là động lực để chắp cánh cho những ước mơ của cả My và Yến...
Bài, ảnh: VŨ YẾN