(Báo Quảng Ngãi)- “Tôi là Củ Tỏi Lý Sơn và tôi đang vẽ tranh sơn dầu về quê hương tôi. Quê tôi là đất đảo Lý Sơn, quê hương của những bậc tiền nhân anh dũng trong đội hùng binh Hoàng Sa năm xưa”.
Lời giới thiệu vắn tắt ấy của chàng trai trẻ sinh ra trên đảo tiền tiêu này khiến chúng tôi không khỏi tò mò. Không chỉ tò mò, chúng tôi còn bị “choáng” trước tài vẽ tranh sơn dầu của "Củ Tỏi Lý Sơn" khi được tận mắt chứng kiến những bức tranh sơn dầu do chính tay "Củ Tỏi Lý Sơn"... họa!
---------------------
Hành trình của "Củ Tỏi Lý Sơn"
Hôm rồi, trên đảo Lý Sơn, ngay dưới chân tượng đài đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, một cuộc trưng bày chuyên đề có tên gọi “Lý Sơn – Di sản văn hóa, biển đảo” được chính quyền địa phương Lý Sơn tổ chức. Trong số hàng trăm hiện vật, tranh, ảnh được trưng bày, có đến hơn 10 bức tranh sơn dầu đề bút danh "Củ Tỏi Lý Sơn" khiến nhiều người chú ý và tấm tắc khen. Khen bởi nó không chỉ đẹp, mà điều đặc biệt là chủ nhân của những bức tranh sơn dầu lại là người dân đất đảo Lý Sơn và còn khá trẻ.
"Củ Tỏi Lý Sơn" giới thiệu tranh sơn dầu về Lý Sơn. |
Ông Ngô Văn Nghĩa - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lý Sơn, tự hào bảo: “Những bức tranh sơn dầu này là do chính tay một người con của quê hương Lý Sơn vẽ. Thấy đẹp và rất ý nghĩa, nên chúng tôi quyết định mời cậu ấy tham gia gửi tranh trưng bày, để giới thiệu cho du khách biết thêm về quê hương Lý Sơn qua tranh sơn dầu”.
“Củ Tỏi Lý Sơn chính là Nguyễn Văn Đạt”, ông Nghĩa nói, rồi dẫn chúng tôi đến tận quày hàng trưng bày sản phẩm tỏi nơi Đạt đang loay hoay giới thiệu cho khách đặc sản tỏi Lý Sơn của quê hương mình. Đạt năm nay 28 tuổi. Từ nhỏ đã vốn yêu thích vẽ tranh và chính vì niềm đam mê hội họa, nên sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn, ngành thiết kế đồ họa, Đạt quyết tâm vừa làm, vừa tham gia học hội họa tại Trường Đại học Mỹ thuật. Năm 2015, Đạt ra trường. Trên đất TP.Hồ Chí Minh, Đạt sống bằng nghề làm thiết kế đồ họa, vẽ tranh tường và cả tranh sơn dầu. Có nhiều cơ hội ở đô thị lớn nhất nước, nhưng Đạt vẫn nung nấu quyết tâm trở về quê hương, mang theo giấc mơ vẽ tranh sơn dầu ở đảo.
“Mỗi bức tranh vẽ tôi đều dành hết tâm huyết của mình. Tôi muốn làm gì đó khác biệt cho quê hương bằng thể loại tranh sơn dầu, vì nó diễn tả được cảm xúc, những gì khi tôi muốn nói và thể hiện, chứ không như tranh chụp”. “Củ Tỏi Lý Sơn" NGUYỄN VĂN ĐẠT |
Vậy là hai năm sau, Đạt rời phố thị phồn hoa ngược tàu trở ra đảo. Cuộc hành trình trở lại đảo quê hương của "Củ Tỏi Lý Sơn" khác biệt so với những lần trước. Lần này, Đạt về quê khởi nghiệp, với vai trò là giám đốc chi nhánh của Công ty CP Thương mại Dịch vụ Du lịch Lý Sơn, chuyên kinh doanh mảng du lịch và hành, tỏi ở xứ đảo. “Nhà có 3 anh em trai, 1 em gái. Bé út nhà em thì đã xuất gia, trong khi ba mẹ cần người chăm sóc, nên em quyết định về quê. Với lại trở về cũng là để thực hiện ước mơ ấp ủ lâu nay của mình là vẽ tranh sơn dầu về đảo”, Đạt nói.
--------------------
“Củ Tỏi” vẽ tranh sơn dầu
Ngay khi trở về đảo, ngoài công việc quản lý du lịch, cung cấp hành, tỏi của công ty, thời gian còn lại, chàng “Củ Tỏi” dồn hết tâm huyết cho chuyện vẽ tranh sơn dầu. Đưa chúng tôi đến điểm trưng bày, bên bức tranh sơn dầu vẽ về cổng Tò Vò (một điểm du lịch lý tưởng, rất đẹp ở Lý Sơn), Đạt say sưa kể về quá trình kỳ công vẽ bức tranh này.
Bức tranh vẽ phong cảnh ở cổng Tò Vò là tranh sơn dầu mà Đạt tốn nhiều công sức nhất. Để tạo hình được cổng Tò Vò như thật, Đạt nghĩ ra cách đi lượm lặt những vỏ sò có sẵn dưới biển để đem về kết dính lại với nhau và tô vẽ, tạo nên một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, ấn tượng. Bên cạnh bức tranh sơn dầu cổng Tò Vò là rất nhiều những tranh sơn màu do chính tay Đạt vẽ, với những tác phẩm khá ấn tượng như: Biển gọi, Chốn linh thiêng, Quanh co, Một góc chùa Hang,...
“Mỗi bức tranh vẽ tôi đều dành hết tâm huyết của mình. Xem tranh như hồn mình. Phải có tình yêu quê hương mới có thể dồn hết tâm trí, hồn vẽ vào trong ấy. Có những tác phẩm phải ngồi rất lâu, có khi vài ngày mới hình thành nên được tác phẩm đặc tả được cảnh đẹp của quê hương qua tranh sơn dầu. Tôi muốn làm gì đó khác biệt cho quê hương bằng thể loại tranh sơn dầu, vì nó diễn tả được cảm xúc, những gì khi tôi muốn nói và thể hiện, chứ không như tranh chụp. Và phải mất thời gian vài tháng để hoàn thiện những bức tranh sơn dầu tham gia triển lãm này”, Đạt chia sẻ.
Những bức tranh sơn dầu Đạt vẽ thu hút du khách. |
"Sao lại đặt tên tác giả là "Củ Tỏi Lý Sơn" cho mỗi bức tranh sơn dầu mà không là tên Nguyễn Văn Đạt?"-Tôi hỏi. Đạt bảo, ngày ở TP.Hồ Chí Minh, biết mình là người con của đảo Lý Sơn, nên Đạt “bị” đặt cho biệt danh là chàng Củ Tỏi Lý Sơn. “Thấy cái tên mọi người đặt cho mình cũng khá ấn tượng. Hơn nữa, đảo Lý Sơn được mệnh danh là "vương quốc tỏi", nên em muốn là một củ tỏi trong vương quốc tỏi ấy. Thế là quyết định lấy tên "Củ Tỏi Lý Sơn" cho mỗi tác phẩm của mình. Đây cũng là cách để mình thể hiện tình yêu quê hương, để quảng bá sản phẩm tỏi đặc trưng của Lý Sơn đến với nhiều người hơn”, chàng trai 9X tâm sự.
Chàng trai trẻ Nguyễn Văn Đạt – "Củ Tỏi Lý Sơn" – vẫn đang nuôi một khát vọng, đó là tiếp tục chuỗi hành trình tái hiện, khắc họa phong cảnh quê hương, con người, truyền thống văn hóa của đất đảo Lý Sơn thông qua góc riêng về tranh sơn dầu. “Như anh biết đó, ở quê mọi thứ còn khá mới mẻ, nên người dân nơi đây cũng chưa thật sự hiểu nhiều về thể loại tranh này. Tuy nhiên, em vẫn quyết tâm với hy vọng tranh sơn dầu sẽ đến được với nhiều người. Ngoài triển lãm, ai mua tranh thì em cũng sẽ bán để trích một phần vào việc giúp người dân trên đảo có hoàn cảnh khó khăn, ngư dân trên biến gặp nạn, nhiều gia đình có con em vượt khó học giỏi”, Đạt đặt tâm huyết.
"Củ Tỏi Lý Sơn" bảo, sẽ vẽ và tập trung xoay quanh đề tài về biển, về hoạt động thường ngày của người dân trên đảo, về tuổi thơ của những đứa trẻ Lý Sơn, về ngư cụ đánh bắt của người dân đi biển. “Tôi luôn sẵn sàng và rất vinh hạnh được đón tiếp các anh, em bạn bè, đồng nghiệp trên mọi miền Tổ quốc về đây để được trực họa, trao đổi, học hỏi thêm kinh nghiệm, qua đó góp phần quảng bá nét đẹp, truyền thống, bản sắc cho quê hương Lý Sơn thông qua tranh vẽ sơn dầu”, Đạt bày tỏ.
Mỗi ngày, khi ánh bình minh bắt đầu ló dạng, hay những lúc hoàng hôn buông xuống, đâu đó quanh hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc – Lý Sơn – người ta vẫn bắt gặp bóng dáng của chàng trai trẻ - "Củ Tỏi Lý Sơn"- tay lỉnh kỉnh đồ nghề, có lúc ngồi bệt dưới ghềnh đá, dưới cát trắng để vẽ nên những câu chuyện về xứ đảo Lý Sơn qua tranh sơn dầu. Yêu nghiệp vẽ tranh sơn dầu, yêu Lý Sơn, chàng "Củ Tỏi Lý Sơn" đã thổi hồn vào Lý Sơn một “làn gió” mới từ tranh sơn dầu khác biệt. “Tôi vẫn còn tiếp tục vẽ về Lý Sơn”, Đạt nói.
Bài, ảnh: VÕ MINH HUY