"Bữa cơm đầy ắp ân tình"

02:07, 14/07/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đó là lời chia sẻ của những bệnh nhân đang điều trị bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Khu vực Đặng Thùy Trâm. Cơm nóng dẻo, thức ăn tỏa hương thơm phức được trao tận giường bệnh, với nụ cười thân thiện trên gương mặt những “thiên thần áo trắng” đã duy trì trong suốt 12 năm qua ở bệnh viện mang tên người nữ anh hùng.

Bệnh xá Đức Phổ (nơi nữ Anh hùng, liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm công tác) giờ trở thành Bệnh viện Đa khoa khu vực Đặng Thùy Trâm, nơi khám và điều trị bệnh cho người dân khu vực phía nam Quảng Ngãi. Những bữa cơm thấm đậm nghĩa tình từ bếp ăn tình thương của bệnh viện mang tên người nữ anh hùng đã giúp bệnh nhân nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và những người có hoàn cảnh khó khăn vơi bớt những cực nhọc.



Ấm lòng bệnh nhân nghèo
------------


Hơn 8 giờ sáng, nắng như đổ lửa làm khô héo cỏ cây. Bên trong gian bếp nóng hầm hập như lò nung, nhân viên khoa dinh dưỡng tất bật chuẩn bị bữa cơm miễn phí cho bệnh nhân. Chị Trần Thị Kim Nhung tỉ mẩn lau khô những chiếc khay nhựa để chia cơm và thức ăn, kiểm tra danh sách bệnh nhân được nhận cơm trong ngày.

“Bên cạnh công tác chuyên môn, hằng ngày, chị em chúng tôi lo chuẩn bị hai bữa trưa và chiều với cơm, canh và các món ăn nóng sốt cho trên dưới 35 bệnh nhân. Những bệnh nhân đau yếu, không thể ăn cơm thì chúng tôi nấu cháo hay súp thịt với rau củ”, chị Nhung tâm sự.

 

Nhân viên của Bệnh viện Đa khoa khu vực Đặng Thùy Trâm chế biến món ăn phục vụ người bệnh. Ảnh:  Trang Thy
Nhân viên của Bệnh viện Đa khoa khu vực Đặng Thùy Trâm chế biến món ăn phục vụ người bệnh. Ảnh: Trang Thy


Bác sĩ Võ Thị Trang – Trưởng khoa Dinh dưỡng cho biết: Hằng ngày, bếp cung cấp bữa ăn miễn phí cho trên dưới 35 bệnh nhân, mỗi suất 17.000 đồng, cao hơn 2.000 – 7.000 đồng so với đĩa cơm hàng quán bên ngoài bệnh viện. Bữa trưa của bệnh nhân nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số được phát thêm bịch sữa đậu nành với giá 4.000 đồng. Riêng bệnh nhân chạy thận nhân tạo rồi về nhà được nhận bữa ăn lót dạ với bánh ngọt và sữa trị giá gần 13.000 đồng. Các chị đều được đào tạo chế biến món ăn, thực đơn luôn đổi món để bệnh nhân ăn ngon miệng, giúp họ mau chóng khỏi bệnh. Chúng tôi mua thực phẩm tại siêu thị để bữa ăn được đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục tích cực kêu gọi, vận động để duy trì bếp ăn tình thương. Mong rằng nghĩa cử đẹp về sự sẻ chia sẽ có sức lan tỏa, chạm vào tim mỗi người, giúp những mảnh đời không may cảm thấy được đồng cảm trong cuộc sống".


Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Đặng Thùy Trâm,
Bác sĩ 
NGUYỄN VĂN DIỆP

 

Hơn 10 giờ trưa, cơm và sữa được chất gọn gàng lên chiếc xe đẩy dọc theo hành lang bệnh viện. Chị Huỳnh Thị Minh Phượng và Nguyễn Thị Huyền mang từng khay cơm đến trao tận giường bệnh với nụ cười thân thiện, cùng lời thăm hỏi ân cần như người thân trong gia đình. Cụ Lê Thị Vinh bộc bạch: “Hoàn cảnh gia đình tôi hết sức khó khăn, vợ chồng già thường xuyên đau yếu. Các con lập gia đình riêng, nhưng cuộc sống chẳng dư dả gì, chỉ đủ lo cho các cháu, nên không đủ sức lo cho cha mẹ. Giờ được nằm điều trị và ăn cơm miễn phí như thế này tôi tôi thật sự rất vui”, cụ Vinh bộc bạch.

Chồng mất sớm, nên chị Nguyễn Thị Chung phải cáng đáng nhiều việc để lo cho ba người con ăn học. Do lao động nặng nhọc trong thời gian dài, nên chị bị thoái hóa cột sống, bước chân đi lại rất khó khăn. Những ngày nằm trên giường bệnh, chị được các y, bác sĩ tận tình điều trị, được nhận cơm và sữa từ bếp ăn tình thương.

Chị xúc động tâm sự: “Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo nên được miễn phí điều trị. Các bác sĩ luôn khuyên tôi, ráng ở đây điều trị khỏi hẳn bệnh mới về. Đến bữa lại được nhận phần cơm ngon, canh ngọt như thế này khiến tôi rất cảm động. Mấy cô nhân viên nấu ăn luôn hỏi: Chị ăn có ngon không? Thức ăn mặn hay lạt để tụi em còn biết chừng nêm nếm cho vừa miệng? Thật ra, trên đời vẫn còn có nhiều người tốt bụng lắm anh à!”.

Lau vội mồ hôi trên trán, chị Phượng và chị Huyền tất tả cuốc bộ lên các tầng lầu, đến tận giường bệnh trao từng khay cơm giữa trưa nắng. Dẫu khá mệt, nhưng trên gương mặt các chị vẫn nở nụ cười tươi, cùng những lời thăm hỏi chân tình. “Bệnh nhân đau ốm, nên tính khí thất thường. Mình phải hòa nhã để họ vui lòng, ăn cơm ngon miệng và việc điều trị sẽ tốt hơn”, chị Phượng cho hay.



Những tấm lòng thiện nguyện
-----------

Khi còn đương chức giám đốc bệnh viện, Bác sĩ Huỳnh Thanh Phương “gõ cửa” khắp nơi xin hỗ trợ trang thiết bị y tế, đào tạo nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ y, bác sĩ. Xót lòng với bữa cơm đạm bạc của người bệnh, ông cất công đến nhiều bệnh viện học hỏi phương pháp huy động nguồn tài trợ và quản lý bếp ăn tình thương dành cho bệnh nhân nghèo. Với sự nhất trí của lãnh đạo huyện, ông lặn lội tìm đến kêu gọi sự giúp đỡ từ các đơn vị, nhà hảo tâm.

Những “mạnh thường quân” đầu tiên chung tay biến ước muốn của ông thành hiện thực là người thân trong gia đình và bạn bè. “Lúc bấy giờ trang thiết bị tại bệnh viện còn thiếu thốn, khó khăn trăm bề, nên tôi phải đi xin khắp nơi. Nhìn thấy bữa cơm của nhiều bệnh nhân đạm bạc khiến lòng tôi đau lắm, phải tìm cách cải thiện bữa ăn cho họ, thì việc điều trị mới hiệu quả. Vì vậy, tôi phải chạy vạy khắp nơi để xin kinh phí thành lập bếp ăn, giúp cho bệnh nhân ấm lòng”, ông Phương nhớ lại.

Người bệnh cảm thấy ấm lòng trước sự sẻ chia của Bệnh viện Đa khoa khu vực Đặng Thùy Trâm. Ảnh:  Đăng Sương
Người bệnh cảm thấy ấm lòng trước sự sẻ chia của Bệnh viện Đa khoa khu vực Đặng Thùy Trâm. Ảnh: Đăng Sương


Người tài trợ chính cho bếp ăn tình thương là bà Nguyễn Hồng Lam, bạn học thuở thiếu thời với ông Phương, hiện đang sinh sống tại Úc. Thuở nhỏ, bà phải chịu nhiều cơ cực, cơm không đủ no, không có áo ấm mỗi khi trời mưa lạnh. Thấu hiểu được sự khó khăn, bà nhiệt tình ủng hộ khi bác sĩ Phương kêu gọi chung tay giúp đỡ những mảnh đời khốn khó. Bên cạnh nguồn tài chính của gia đình, bà Lam còn vận động các nhà hảo tâm trong và ngoài nước chung sức vì bệnh nhân nghèo.

Ngoài việc hỗ trợ bếp ăn tình thương tại bệnh viện, bà Lam cùng những người bạn còn thành lập Tổ ấm Hồng Lam giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn ở nhiều vùng miền. “Tôi hiểu được phận nghèo khổ lắm nên khi có điều kiện thì sẳn sàng giúp đỡ, sẻ chia cho những mảnh đời khốn khó. Giúp người tôi chẳng mong nhận lời cảm ơn, chỉ cần đem lại cho họ niềm vui là tôi vui rồi. Mong muốn của tôi là có thêm nhiều người ra tay giúp đỡ những người bất hạnh để cuộc sống của họ ngày càng tốt hơn”, bà Lam trải lòng.

Do nhận được thêm nhiều nguồn tài trợ nên chất lượng bữa ăn được nâng lên so với trước. Hiện tại, khoản kinh phí duy trì bếp ăn tình thương mỗi tháng trên dưới 40 triệu đồng từ nguồn đóng góp của các đơn vị và nhà hảo tâm. Không chỉ duy trì bếp ăn và nâng cao chất lượng bữa cơm hằng ngày, đội ngũ y, bác sĩ nơi đây còn không ngừng học hỏi, trau dồi chuyên môn, để nâng cao chất lượng khám và điều trị bệnh, để xứng đáng với tấm gương của anh hùng, liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm.


TRANG THY-ĐĂNG SƯƠNG






 


CÁC TIN KHÁC
.