(Baoquangngai.vn)- Hơn 640 giáo viên ở huyện miền núi Sơn Hà, đứng ra đỡ đầu cho hơn 640 học trò khó khăn nhất ở khắp các điểm trường. Trăm tấm lòng thầy cô tỏa ra khắp núi rừng ở huyện Sơn Hà đã kéo học trò trở lại lớp học và tiến bộ.
“Chỉ cần các em đến lớp và chăm học, các thầy cô sẵn lòng sẻ chia đồng lương ít ỏi của mình cho trò”- với suy nghĩ giản đơn ấy, từ chai dầu, ký gạo đến cuộn tập, bữa ăn, giấc ngủ... thầy cô đã nỗ lực mang đến cho từng học trò.
Vào làng tìm trò
Hôm chúng tôi đến thôn Gò Ren, xã Sơn Bao, trước căn nhà sàn giữa thôn, thầy Từ Phương Thảo, giáo viên trường THCS Sơn Bao đang ngồi bên cạnh kèm bài vở cho em Đinh Văn Nu (lớp 8B). Sắp đến mùa thi, thầy Thảo ngoài giờ dạy ở trường lại vượt sông Nước Rin vào làng, kèm môn Lý và Toán cho trò. Thậm chí, có hôm hai thầy trò nấu cơm, ăn ngủ cùng nhau.
Nu, có hoàn cảnh rất khó khăn, cha mẹ đi làm ăn xa. Sống một mình, không ai chăm sóc, Nu học hành sa sút và thường xuyên nghỉ học. Biết được hoàn cảnh của trò, đầu năm học 2016-2017, thầy Thảo đến nhà động viên, ăn ở, soạn giáo án và đi học cùng Nu.
Có thầy Thảo, sông Rin không còn ngăn cách đường đến trường của Nu nữa. Cậu bé ý thức việc học tập, bất kỳ khó khăn gì lại chia sẻ với thầy Thảo. Nu chia sẻ: “Có thầy Thảo, em đỡ cô đơn. Có nhiều hôm, em ốm thầy đến nhà nấu cơm, rồi mua thuốc cho em luôn”.
Chuyện của Nu nhận được từ thầy Thảo không phải là chuyện hiếm ở Sơn Hà, mà ở huyện vùng cao này có đến 643 học trò từ mầm non, tiểu học cho đến THCS đang được thầy cô giáo đỡ đầu.
|
Em Đinh Văn Nu (trái) cùng thầy Thảo vượt sông Rin đến trường |
Cái nghèo, nhận thức yếu kém luôn rình rập “cướp đi học sinh”, thế là thầy cô phải vào làng. Hành trình ấy, không chỉ là gánh vác trách nhiệm mà có cả sự yêu thương.
Làng Chai ở xã Sơn Ba, nằm hút sâu trong đáy núi. Mùa này nắng nhiều hơn mưa nhưng con đường cứ chênh vênh, lởm chởm đất đá, nhiều đoạn không thể đi xe được, buộc chúng tôi phải để xe lại ven đường, đi bộ vào làng.
Lúc bỏ xe đi bộ, thầy Đinh Văn Tờ- giáo viên trường Tiểu học Sơn Ba đi cùng chúng tôi tâm sự: “Cái xe honda này mới mua. Hai năm trước cũng trên đoạn đường này, tôi cố vượt qua suối để vào làng Chai vận động, đưa hai anh em Đinh Văn Cu Kiều và Đinh Thị Kim ra lớp. Nhưng nước mạnh quá cuốn trôi xe, cặp, giáo án mất luôn. Tôi may mắn bám vào bụi cây ven suối nên thoát nạn”.
Hơn hai giờ đi bộ, chúng tôi vào được đến làng. Đinh Văn Cu Kiều và Đinh Thị Kim đang nghịch đất cùng bạn. Thấy thầy giáo, cả hai lao ra ôm lấy thầy mừng như gặp cha, mẹ. Chúng khoe, nhà vừa có đàn “ia” (gà), rồi kể đủ thứ chuyện bằng tiếng đồng bào Hrê, trộn tiếng Việt.
Dù vẫn còn cha, mẹ, nhưng Kiều và Kim như hai đứa trẻ mồ côi. Bởi, từ khi cha, mẹ 2 em chia tay và có gia đình mới, họ đã bỏ lại hai đứa trẻ ở làng. Không còn cha, mẹ bên cạnh, hai đứa trẻ hôm thì ở nhà chú, lúc thì ở nhà ông bà. Chúng bơ vơ, rồi nghỉ học, khi chỉ mới học xong lớp 1 và lớp 2.
Và chính cái lần suýt mất mạng ở suối, thầy Tờ đã lôi được cả hai ra lớp. Chúng được thầy cô nuôi tại trường để đi học, giờ cả hai đều có giấy khen. Chuẩn bị bước vào lớp 4 và lớp 5. Giờ hai đứa trẻ xem thầy Tờ như người “cha” của mình.
|
Thầy Tờ (phải) cùng thầy Cương (giữa) bên hai anh em Cu Kiều và Kim |
Ở vùng cao Sơn Hà, do ảnh hưởng của những đợt mưa lũ năm trước, không ít những con đường từ trung tâm các xã vào làng bị nước xóa mòn, lởm chởm đá và lầy lội cục bộ. Đường vào thôn Gò Ren cũng trong tình cảnh như vậy. Ở đây, có câu chuyện đầy yêu thương mà thầy Đặng Trung Thắng- giáo viên trường THCS Sơn Thượng dành cho cậu học trò Đinh Văn Trỗi (lớp 8A).
Hai năm trước, Trỗi không đến trường ngày khai giảng. Thầy Thắng lo lắng vào thôn Gò Ren, thấy nhà Trỗi xuống cấp trầm trọng, gia đình em phải ở tạm dưới căn bếp. Trỗi nghỉ học để vượt hàng chục cây số tới huyện Sơn Tây chèo đò kiếm sống.
Thầy Thắng hay chuyện và nhận đỡ đầu toàn bộ chi phí và đồ dùng học tập. Có thầy Thắng, Trỗi đã có chỗ dựa và tiếp tục đến trường. “Thầy Thắng còn nói với mấy chú ở xã làm nhà cho em nữa. Xe đạp đi học thầy cũng mua cho. Quần áo, gạo mắm trong nhà thầy cũng mua luôn”, Trỗi chia sẻ.
Nước mắt của cô giáo Trang
Chuyện vào làng “bắt” trò của thầy cô ở vùng cao Sơn Hà không thể kể hết và đôi khi thầy cô phải nghẹn ngào vì bị chính người thân của học trò xúc phạm, bởi chính sự quyết liệt của mình.
Để chúng tôi gặp được cô học trò Đinh Thị Cha (lớp 5A, Trường tiểu học Sơn Thủy), cô giáo Trần Thị Trang, người đỡ đầu của Cha đã phải mất cả buổi sáng vào trong rừng tìm. Cha đi thả trâu thuê cho một gia đình ở ngoài trung tâm xã Sơn Thủy.
Suốt thời gian cô Trang ngồi kể về Cha, nước mắt lăn dài. Cô khóc bởi quá nhiều lần cô nhận sự xúc phạm từ phía gia đình Cha. “Mày về đi, con Cha cháu tao, tao không cho nó đi học, đồ cái thứ mặt dày...” là những lời xúc phạm mà cô Trang nhận được từ ông bà ngoại Cha suốt hai năm qua.
Làng Rào, chỉ nằm ngay sau trường thôi, vậy mà một thời gian dài, Cha bữa học, bữa nghỉ, vì ông bà ngoại kiên quyết không cho cô bé đến trường. Ông Đinh Văn Giã- ông ngoại Cha thần kinh có vấn đề, lý lẽ của ông là chỉ sợ đói, Cha phải đi làm kiếm cơm, chẳng cần phải học chữ.
|
Nước mắt cô Trang lăn dài khi kể về hành trình đưa em Đinh Thị Cha đến trường |
Còn bà Đinh Thị Vạt- bà ngoại Cha, thì nói đầy uất nghẹn, khi đứa con gái của bà sinh ra Cha mà chẳng biết ba đứa trẻ là ai, rồi bỏ con lại cho bà rồi biệt xứ từ lâu.
Bà Vạt đã ngoài 70 tuổi, chẳng đủ sức để bám rẫy rừng. Cái đói bám lấy ngôi nhà tăm tối. “Học để làm gì, no bụng là được rồi. Chúng mày nuôi tao đi rồi tao cho nó đi học”- bà Vạt nói. Nghe những lời này, chúng tôi hiểu được những nước mắt của cô Trang.
Cô Trang mới 25 tuổi và là giáo viên hợp đồng, lương mỗi tháng chỉ hơn 3 triệu đồng. Vậy mà hai năm ròng rã, cô giáo Trang “buộc bụng” lấy đồng tiền lương ít ỏi ấy chia cho trò. Chỉ cần Cha nghỉ học là cô Trang lại phải đeo gạo, mắm sang nhà. Muốn Cha đi học đều là phải chủ động qua xem “tình hình lương thực” ở nhà ông bà ngoại Cha để tiếp tế kịp thời.
“Ở với ông bà ngoại, Cha bị ép nghỉ học, hơn một tháng trước, chuẩn bị thi cuối năm thì Cha mất tích. Tôi đến hỏi, ông bà bảo không biết và đuổi tôi về. Tôi phải nhờ hàng xóm hỏi dùm thì mới biết, con bé đi giữ em cho người ta ở dưới xã Sơn Hạ. Tôi xuống đón Cha về lại, rồi phải dẫn qua nhà, buổi tối chỉ bài cho em vì vắng học đến 8 ngày. Đợi đến khi thi xong mới cho về nhà”, cô Trang tâm sự.
Giao luôn cho trường rồi!
Đọc qua danh sách dài, với 643 mảnh đời được thầy cô cưu mang, điểm chung là cha mẹ chúng đều rất trẻ. Phần lớn các em học sinh này ra đời từ những mối tình con nít. Nạn tảo hôn, dù chính quyền các cấp sử dụng nhiều biện pháp giải quyết nhưng vẫn luôn dai dẳng và bỗng chốc gánh nặng đổ xuống thầy cô.
Lúc đến nhà Cu Kiều và Kim, ông Đinh Văn Đôn- ông nội hai em không nói một lời cảm ơn thầy cô đỡ đầu, chăm sóc cháu mình hai năm qua mà chỉ nói: “Hồi vào dẫn hai đứa ra lớp, tôi đã nói giao cho trường. Thầy Tờ với thầy Cương (thầy Đặng Văn Cương, hiệu trưởng Trường tiểu học Sơn Ba) nhận rồi thì giờ phải nuôi chứ. Không nuôi thì tôi không cho đi học nữa”.
Các thầy cô cũng chỉ biết cười “Rồi rồi, trường nuôi. Cứ để cho trường lo”, thầy Cương trả lời.
|
Bộ trưởng Bộ GD& ĐT Phùng Xuân Nhạ ghi nhận những đóng góp của thầy cô giáo vùng cao Sơn Hà trong việc đỡ đầu, giúp đỡ học sinh khó khăn |
Cuối tháng 3 vừa rồi, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ giữ lời hứa về Trường Tiểu học Sơn Ba thăm “đứa con chung” của trường Đinh Văn Krể. Cậu bé có biệt danh “tí hon” khi 10 tuổi mà chỉ cao 63cm, nặng 3,9kg. Ông Nhạ nhìn cách thầy cô đỡ đầu chăm sóc Krể và nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở trường đã dành nhiều lời khen ngợi.
“Dạy học ở miền núi, thầy cô không chỉ dạy dỗ đơn thuần mà con phải “dỗ dành” cả học trò lẫn phụ huynh để giữ cho lớp học đầy đủ. Những khó khăn của các thầy cô giáo vùng sâu, vùng xa như huyện vùng cao Sơn Hà là không thể kể hết và chỉ có tình cảm, trách nhiệm với những học trò thân yêu của mình mới giúp các thầy cô vượt qua khó khăn, gắn bó với sự nghiệp trồng người. Tôi trân trọng và ghi nhận điều đó” .
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ
Chia sẻ của người đứng đầu ngành giáo dục quả thật đúng với những gì mà ngành giáo dục huyện Sơn Hà đang làm. Thầy cô đã trao đi tất cả yêu thương chỉ để nhận về hạnh phúc.
Thầy Đặng Văn Cương- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Ba đâu chỉ đưa Krể từ trong làng ra trường học, mà còn đưa em đi khám bệnh, lo cho từng bữa ăn giấc ngủ. Vậy mà thầy Cương chỉ bày tỏ: “Đỡ đầu cho trò là việc thầy cô nên làm. Đó là niềm hạnh phúc để gắn bó lâu dài với bọn trẻ đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khốn khó”.
Sát cạnh xã Sơn Ba, các thầy cô Trường Tiểu học Sơn Kỳ, cũng được phụ huynh giao đến hơn 30 học sinh. Bi đát nhất là hoàn cảnh của em Đinh Văn Diêu, đang được cô Nguyễn Thị Thạch đỡ đầu.
Nhận Diêu, cô Thạch và giáo viên trong trường còn phải “gánh” thêm hai em của cậu học trò nhỏ. Sau giờ giảng dạy, cô Mai Thị Hải- giáo viên chủ nhiệm Diêu và cô Thạch lại đưa Diêu về lại nhà. Các cô giáo phải giặt quần áo, lo cơm nước và dọn dẹp lại căn nhà bừa bộn của ba đứa trẻ.
|
Cô Thạch (áo vàng) và cô Hải phải chỉ bài vở và chăm ba anh em Diêu hai năm qua. |
|
Cô Thạch, sau khi kết thúc buổi học đến nhà nấu cơm cho mấy anh em Diêu |
Cô Thạch tâm sự, chị Đinh Thị Huân- mẹ Diêu chỉ mới 26 tuổi nhưng trong người đầy bệnh tật. Anh Đinh Văn Trinh- cha Diêu giao lại con cho các thầy cô rồi theo vợ chữa bệnh.
Lúc lo cơm nước cho ba đứa trẻ xong, các cô giáo giao lại cho bà nội cho ăn để kịp về nhà trước khi trời tối thì gặp anh Trinh lững thững đi bộ về thăm con. Anh Trinh cho biết vừa bán chiếc xe máy để có tiền lo thuốc cho vợ. “Tôi cảm ơn các cô giáo nhiều lắm. Không có các cô tôi chẳng biết các con thế nào nữa”- anh Trinh bộc bạch.
Chia tay người cha tội nghiệp, cô Thạch trải lòng: “Người bỏ con không nói một lời cũng nhiều, cha mẹ khó khăn cảm ơn mình cũng nhiều. Nhờ vậy mà mình lấy lại cân bằng, tiếp tục theo các con”.
Những món quà ý nghĩa
Trong căn nhỏ xiêu vẹo của em Đinh Thị Hòng (lớp 4C, Trường tiểu học Sơn Hạ 1)- cô học trò nhỏ được thầy Nguyễn Tấn Châu, giáo viên chủ nhiệm nhận đỡ đầu, thứ sạch sẽ và sáng nhất có lẽ là tấm bằng khen do Tỉnh đoàn Quảng Ngãi trao tặng em.
Dưới bàn tay chăm sóc của thầy cô, Hòng từ một cô bé thường xuyên nghỉ học trở thành “Thiếu nhi dân tộc thiểu số tiêu biểu năm học 2017-2018”. Thầy Châu bảo rằng: “Trẻ con như cái cây mọc giữa rừng, không phát dọn, chống đỡ thì sẽ không thẳng lên được. Hòng và hơn 20 học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở trường được đỡ đần thì tốt hẳn lên”.
Cô học trò Đinh Thị Cha ở trường tiểu học Sơn Thủy giờ cũng đã kết thúc năm học, với tấm giấy khen là học sinh tiên tiến. Kết thúc năm học cuối cấp, Trường THCS Sơn Thủy cũng đã qua tiếp nhận Cha. Với cô giáo Trang, sau bao nỗi buồn vẫn sẽ tiếp tục đồng hành cùng Cha dù cô bé có chuyển trường. “Tôi chỉ cần Cha học giỏi, thì khổ tí cũng chẳng sao”, cô Trang nói.
|
Niềm vui của các thầy cô chính là những thành tích học tập đạt được của trò |
Núi trùng lấy núi, đặt chân tới xã Sơn Giang thì trời đã ngả bóng. Cô Nguyễn Thị Thanh Dung, hiệu trưởng Trường THCS Sơn Giang từ văn phòng bước ra, trên tay là thư giới thiệu “Cặp thầy trò tiêu biểu phong trào đỡ đầu học sinh”, chuẩn bị gửi về phòng GD-ĐT huyện Sơn Hà.
Cô Dung bảo, nghĩ tới nghĩ lui mãi mới chọn cô giáo Đinh Thị Trãi đỡ đầu cho em Đinh Thị Y Dua lớp 6C. Cặp cô trò này không chỉ vượt qua khó khăn về vật chất mà thành tích học tập cũng cực kỳ tốt. Năm học vừa qua, Y Dua đã đạt giải ba, kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện môn Lịch sử.
“Thầy cô nào cũng trích tiền lương ra để nuôi bọn trẻ, cũng xứng đáng tuyên dương. Nhưng cô Trãi và Y Dua là nổi bật nhất. Em đã mang lại một niềm vui cực lớn cho thầy cô. Để chúc mừng Y Dua, hôm nay cô Trãi chở đi mua quần áo mới. Tôi mới điện thoại hỏi cô Trãi bảo đang dẫn con bé đi uống trà sữa, tối nay hai cô trò ở lại trung tâm huyện chơi”, cô Dung cho biết.
Không cần nói quá nhiều về sự biết ơn của 643 học trò Hrê được thầy cô cưu mang. Chỉ cần nhìn cách chúng quấn quýt bên thầy cô, kể cho thầy cô nghe về chuyện xảy ra trong một ngày cũng đủ biết chúng yêu mến đến mức nào.
“Con thương thầy, con thương cô nhiều lắm” là những lời mà chúng tôi đã nghe được từ những cô cậu học trò nhỏ vùng cao. Thậm chí nhiều em còn gọi thầy cô là ba mẹ - Đó là những đứa trẻ mồ côi, chúng cảm nhận hơi ấm và tình thương của giáo viên dành cho mình, cảm thức đủ đầy để bung ra từ trong suy nghĩ non nớt ấy hai tiếng thiêng liêng.
Trưởng phòng GD-ĐT huyện Sơn Hà Nguyễn Thị Thành cho biết: Năm 2016, xuất phát từ tình trạng học sinh bỏ học quá nhiều, tôi đã phát động phong trào thầy cô đỡ đầu học sinh. Cuộc họp được nhất trí 100%. Kể từ đó, khắp các làng bản dù xa xôi hẻo lánh, thầy cô đều có mặt, đưa những học trò có nguy cơ bỏ học đến trường.
“Lúc đó, tôi cũng chỉ hi vọng giữ được học trò thôi. Không thể ngờ là các thầy cô ở các trường còn giúp các em học tiến bộ. Những em từng gây ra nhiều nỗi lo lắng cho thầy cô, bây giờ thành tích học tập tiến bộ rõ rệt. Năm sau tốt hơn năm trước. Các đồng nghiệp đã dành tâm huyết và yêu thương để tham gia phong trào này”- bà Thành phấn khởi chia sẻ.
Chính trưởng phòng GD-ĐT huyện Sơn Hà cũng đang đỡ đầu hai học sinh ở xã Sơn Hải. Vậy mà khi hỏi đến bà xua tay nói: “Thôi, tôi thì nói làm gì. Chuyện nhỏ xíu mà. Các thầy cô mới xứng đáng, nhờ thầy cô lặn lội cả thôi. Ở phía núi còn nhiều lắm”.
Bà Thành nói đúng, những con đường xe không đi được, những bản làng mờ khuất trong sương vẫn còn rất nhiều thân phận học trò cần sự đỡ đầu của thầy cô để tìm đến với con chữ. Chính vì vậy mà chưa kết thúc năm học cũ, văn bản đầu tiên của phòng GD-ĐT huyện Sơn Hà chuẩn bị cho năm học mới 2018-2019 đã được triển khai xuống các thầy cô vào những ngày đầu tháng 5. Những báo cáo nhanh chóng được gửi về. Hơn 670 học trò mồ côi thầy cô chắc chắn sẽ phải nhận nuôi từ những ngày hè.
Văn bản bà Thành gửi xuống các trường sau khi tổng hợp học sinh chẳng khác nào một bức thư những người giáo viên tự động viên nhau.
“Tôi biết, các thầy cô nhận đỡ đầu học sinh cũng đã sẻ chia phần vật chất hạn hẹp của mình. Trong hai năm qua, chẳng thể thống kê được đã có bao nhiêu áo quần, sách vở, đồ dùng học tập, gạo, mắm, xe đạp, những bữa ăn... mà các đồng nghiệp đã đi xin cho trò. Các bạn là những người đồng nghiệp tuyệt vời mà tôi may mắn có được...
Hơn 670 em học sinh mồ côi là một thách thức lớn của chúng ta trong những ngày sắp đến. Tôi mong các đồng nghiệp nắm rõ tình hình từng em, ở cùng ai, nội dung cần giúp đỡ ngay là gì để chủ động dang tay đón trò...
Thưa các đồng nghiệp! Chúng ta đang cùng ở dưới một mái nhà mà có quá nhiều đứa con khó khăn. Trong năm học mới, tôi hi vọng những đứa con chúng ta sẽ nhận nhiều hơn những giúp đỡ từ xã hội, cộng đồng... Cảm ơn những đồng nghiệp”.
MAI NGỌC