Làm từ thiện từ thuở còn nghèo

03:06, 22/06/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- "Ở nhà thuê mà còn đi làm từ thiện", "vợ chồng nó bị gàn"... đó là những lời ra, tiếng vào của nhiều người nói về vợ chồng ngư dân Ngô Thanh Phong (43 tuổi) ở thôn Mỹ Tân, xã Bình Chánh (Bình Sơn). Mặc kệ những "lời ong, tiếng ve", vợ chồng anh Phong vẫn cố gắng làm ăn, rồi chia sẻ với người nghèo, bởi theo anh Phong "mình khổ, nhưng còn nhiều người khổ hơn".

Suy nghĩ đó đã trở thành động lực để vợ chồng anh Ngô Thanh Phong và chị Phạm Thị Thanh Lan (40 tuổi) làm việc thiện, kể từ lúc khó khăn cho đến khi có của ăn, của để...


Ở nhà thuê, làm từ thiện

Bây giờ, ngồi trong ngôi nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi, vợ chồng anh Phong vẫn không thể nào quên những năm tháng cả nhà phải sống chật vật trong căn nhà thuê chật hẹp. "Đó giống như chuyện của ngày hôm qua, vợ chồng tôi hơn 17 năm ở nhà thuê. Căn nhà này tôi làm vào năm 2016, cả gia tài dành dụm cả đời đó", anh Phong xúc động nói.

 Vợ chồng anh Phong đến thăm bà Bùi Thị Đoan, người có hoàn cảnh khó khăn ở thôn Mỹ Tân, xã Bình Chánh (Bình Sơn).
Vợ chồng anh Phong đến thăm bà Bùi Thị Đoan, người có hoàn cảnh khó khăn ở thôn Mỹ Tân, xã Bình Chánh (Bình Sơn).


Ngày mới cưới, anh Phong đi bạn cho một chủ tàu ở địa phương, còn chị Lan (vợ anh) thì buôn bán ở chợ. Cuộc sống thiếu thốn, nhưng anh chị luôn cố gắng dành dụm, đồng lòng làm ăn. Đến năm 2003, anh chị vay mượn tiền hùn vốn đóng con tàu 120CV, tuy vậy, kinh tế cũng chỉ đủ chi tiêu. Chừng ba năm sau, vợ chồng anh tiếp tục vay mượn để tự chủ đóng tàu 125CV. Từ khi có con tàu riêng, những phiên biển của anh Phong thuận lợi, bội thu tôm cá. Nhờ vậy, những khoản vay nợ đóng tàu được vợ chồng anh Phong trả hết vào năm 2007. Và dù không dư dả gì, những cứ đều đặn mỗi năm, vợ chồng anh đều dành 20 triệu đồng để làm từ thiện.

"Không ai tốt với tôi như vợ chồng thằng Phong. Khi tôi đau ốm, không có tiền chữa trị, vợ chồng Phong đều sẵn lòng giúp đỡ. Lúc cuộc sống hai đứa không khá giả, chúng vẫn sẻ chia với những người già neo đơn ở xóm làng", bà Bùi Thị Đoan (70 tuổi), người hàng xóm sống một mình, có hoàn cảnh khó khăn, bộc bạch.

"Hiếm có người nào như vợ chồng anh Phong. Từ lúc chưa có của ăn, của để đến khi cuộc sống khá giả vẫn luôn chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn ở địa phương. Chúng tôi hy vọng nghĩa cử đẹp này sẽ ngày càng được nhân rộng. Bởi không quan trọng của ít hay nhiều, quan trọng là xuất phát từ tấm lòng sẻ chia khó khăn với nhau".


Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Bình Chánh (Bình Sơn) LÊ HỮU ĐẠI

 


Chị Lan chia sẻ, từ nhỏ chúng tôi sống trong sự khó khăn, thiếu thốn về vật chất, nên thấu hiểu cảm giác những ngày Tết không đủ đầy bánh trái, cơm gạo. Vậy nên, mỗi năm đến tết Nguyên đán, vợ chồng anh chị mua gạo, đường, bánh kẹo... và tự tay gói ghém 200 suất quà biếu những cụ già neo đơn, có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương.

Ít ai biết rằng, trong gia đình, anh Phong còn là trụ cột chính, nuôi 4 người em ăn học. Hiện các em của anh, người làm giáo viên, người làm bác sĩ... đó là món quà lớn cho sự nỗ lực chịu thương, chịu khó của anh.


Làm việc thiện như lẽ tự nhiên


Vợ chồng anh Phong có ba người con, đó là Ngô Thành Công, hiện là sinh viên năm nhất Trường Đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh; Ngô Phạm Như Ý học lớp 7 Trường THCS Bình Chánh và cậu con trai đặc biệt khác họ là Đinh Văn Nhe (20 tuổi), bằng tuổi con trai lớn của vợ chồng anh.

Nhe quê ở huyện An Lão (Bình Định). Anh Phong gặp Nhe gần một năm trước, khi cậu bé đang đi lang thang tìm việc ở Cảng cá Quy Nhơn (Bình Định). Biết được hoàn cảnh gia đình Nhe khó khăn, em phải nghỉ học sớm để mưu sinh, nên anh Phong đưa Nhe về sống với gia đình anh và làm việc trên tàu của anh.

Nhe ít nói và không thích nói chuyện với người lạ, nhưng khi sống trong gia đình anh Phong, được vợ chồng anh quan tâm, chăm sóc Nhe trở nên gần gũi, chia sẻ những câu chuyện thường ngày. Bởi vậy, khi nói về vợ chồng anh Phong, Nhe hào hứng tâm sự: "Từ nhỏ đến giờ, chưa nơi nào em được tôn trọng như khi ở với vợ chồng chú Phong. Họ lo cho em từ miếng ăn tới giấc ngủ. Họ tin tưởng, yêu thương em như con cái trong gia đình. Cô chú cho em ở riêng một căn phòng đầy đủ vật dụng mà không chút e dè".

 Tình yêu thương của vợ chồng anh Phong giúp cho Đinh Văn Nhe có thêm niềm tin vào cuộc sống. Từ cậu bé lang thang, giờ đây Nhe có chỗ ăn, chỗ ngủ và đặc biệt là có đầy ắp tình thương từ hai con người xa lạ.
Tình yêu thương của vợ chồng anh Phong giúp cho Đinh Văn Nhe có thêm niềm tin vào cuộc sống. Từ cậu bé lang thang, giờ đây Nhe có chỗ ăn, chỗ ngủ và đặc biệt là có đầy ắp tình thương từ hai con người xa lạ.


Được sự chăm sóc và tận tình chỉ việc, nên Nhe đã dần thạo việc đi biển. Vì thế, chỉ mới đi làm biển vài tháng với anh Phong mà Nhe đã có tiền tích góp mua xe máy để đi lại. Em còn được con trai anh Phong chỉ học chữ. Nhe khoe với chúng tôi: "Cô chú không những lo cho em, mà còn lo cho gia đình em. Hằng tháng đều gửi tiền cho ba mẹ. Tết vừa rồi, cô chú vào thăm gia đình em, ba mẹ em rất vui mừng. Dự định, cuối năm nay sẽ xây nhà cho ba mẹ em ở quê nữa".

Không chỉ Nhe mà những người bạn tàu cũng được vợ chồng anh Phong quan tâm, chia sẻ. Khi thuyền viên nào gặp khó khăn đột xuất, vợ chồng anh không ngần ngại cho, mượn tiền. Gần đây nhất là trường hợp của anh Nguyễn Lương, một bạn thuyền, quê ở Bình Định. Anh Lương đi tàu với anh Phong đã hơn ba năm nay. Biết được cuộc sống gia đình anh Lương khó khăn và thường hay "nhảy tàu", nay tàu nọ, mai tàu kia, nên vợ chồng anh Phong thường xuyên theo sát động viên anh Lương cố gắng làm việc. Nhờ vậy, cuộc sống anh Lương hiện tại ổn định hơn trước. Anh Lương bộc bạch: "Anh Phong là người cho tôi vay tiền xây nhà. Khi thuyền viên chúng tôi cần gì, miễn là chính đáng, vợ chồng anh Phong đều sẵn lòng chia sẻ".

Nể phục tấm lòng của vợ chồng anh Phong, những người bạn thuyền đều gắn bó với tàu của anh lâu dài. Trong khi nhiều tàu thuyền ở địa phương luôn loay hoay tìm kiếm thuyền viên, thì tàu của gia đình anh Phong lúc nào cũng có đủ bạn thuyền để vươn khơi.

Giờ đây, vợ chồng anh Phong là chủ của con tàu mã lực hơn 800CV, với tổng giá trị lên đến 15 tỷ đồng. Đây là con tàu được Nhà nước hỗ trợ đóng theo Nghị định 67. Con tàu với 8 bạn thuyền đã "chinh chiến" khắp các vùng biển quê hương. "Sống tốt thì sẽ gặt phúc đức. Không để những người đi làm cùng mình khó khăn, ai cần gì vợ chồng tôi đều chia sẻ. Việc chúng tôi làm không to tát gì cả, đó chỉ là cách trân trọng tình người với nhau", anh Phong nói.


Bài, ảnh: ĐĂNG SƯƠNG



 


CÁC TIN KHÁC
.