Giấc mơ nơi làng biển

04:05, 11/05/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đằng sau sự nhộn nhịp, thịnh vượng ở các cảng cá Sa Kỳ, Sa Huỳnh là những xóm nhỏ, ngõ nhỏ của người dân xứ biển. Ở đó, những ngôi nhà chật hẹp nằm san sát như những lớp cá nằm trong khoang tàu. Ở đó, có những con hẻm nhỏ chỉ vừa đủ một người đi. Ở đó, còn có mong ước của những người nghèo nơi làng biển...

Dân số đông, đất hạn hẹp, khiến giá đất ở các xã Bình Châu (Bình Sơn), Phổ Thạnh (Đức Phổ)... ngày càng cao. Ở vùng trung tâm giá một 1m2 đất trên 20 triệu đồng. Người dân gọi vùng đất của họ đang sinh sống là "đất vàng", dù cần mẫn làm cả đời vẫn không thể chạm đến...

Nhà và đường siêu nhỏ

Để vào xóm 3, thôn Thạch By 1, xã Phổ Thạnh chỉ có một cách duy nhất: đi bộ. Những con đường ở đây na ná nhau, rộng chỉ chừng từ 0,5 - 1m, có nơi hẹp hơn, chỉ vừa đủ một người đi. Những con đường đã nhỏ hẹp lại càng chật chội, bởi người dân tận dụng làm nơi phơi đồ, rửa chén, dựng xe...

 Căn phòng 15m2 của gia đình bà Lương Thị Bông, thôn Thạch By 1, xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) là nơi sinh hoạt của 6 con người.
Căn phòng 15m2 của gia đình bà Lương Thị Bông, thôn Thạch By 1, xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) là nơi sinh hoạt của 6 con người.


Theo chân Trưởng thôn Thạch By 1 Võ Đông Châu, chúng tôi đến nhà bà Lương Thị Bông, một trong những ngôi nhà có diện tích chỉ 15m2. Mới sáng sớm, bà Bông và con dâu đã tất bật nấu một số món ăn cho các nhà hàng đặt trước. Bếp núc, xoong nồi đều để ngoài con đường đi nhỏ hẹp.
 

"Đất chật người đông, nên vấn đề ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước là điều khó tránh khỏi. Tôi đã tiếp nhận rất nhiều đơn xin hỗ trợ cấp, mua đất của bà con, thế nhưng địa phương không có quỹ đất, nên chưa thể đề xuất giải quyết được".
Trưởng thôn Định Tân, xã Bình Châu (Bình Sơn) PHẠM BƯỞI

Bà Bông giãi bày: "Tôi cũng chẳng muốn nấu nướng trên lối đi chung, nhưng nhà nhỏ quá, nên chỉ có mỗi cách... ra hẻm. Tranh thủ làm xong sớm, các thành viên trong nhà ra ngoài biển cho mát. Nhà chật, mái lại thấp, nên mùa hè ở trong nhà không khác gì lò lửa".

Căn nhà cấp 4 của bà Bông là do cha mẹ chồng để lại. Hai vợ chồng bà sống ở đây hơn 30 năm. Vợ chồng bà có 4 người con. Ngày các con còn nhỏ, cả gia đình sống chật chội cũng chẳng sao, nhưng khi các con trưởng thành, đến tuổi dựng vợ gả chồng, thì nỗi lo về nhà cửa lại nặng trĩu.

Bà Bông cho biết: "Hai đứa con gái đã kết hôn, ở bên phía chồng thì đã yên tâm. Còn hai đứa con trai, đứa lớn lấy vợ sinh con ở chung với tôi. Đứa con trai út cũng sắp đến tuổi lập gia đình, không biết sắp tới tính sao?".

Nhà bà Bông chỉ có một phòng. Cả 6 con người đều sinh hoạt ở đó. Nơi tắm rửa, gia đình bà tận dụng từ hai vách tường, diện tích vừa đúng hai viên gạch men. Nhà chật chội, nhỏ hẹp, diện tích sử dụng riêng cho các thành viên còn không có, nên từ trước đến nay nhà bà Bông không có nhà vệ sinh.

Cũng có diện tích gần như nhỏ nhất ở xã biển Bình Châu, căn nhà của gia đình chị Nguyễn Thị Xí, ở thôn Định Tân chỉ gần 15m2 được tách từ thửa đất của cha mẹ. Đây là nơi sinh sống của vợ chồng chị và 2 đứa con. Vì diện tích nhỏ, nên nhà cũng không có chỗ tắm rửa, vệ sinh, phải dùng ké bên nhà của cha mẹ.

Chị Xí trải lòng: "Chồng tôi là con cả trong gia đình có 5 người con, trong đó có 4 người con trai và tất cả đều sống cùng ba mẹ trong căn nhà hơn 70m2. Khi các em trai lần lượt có vợ, sinh con, căn nhà càng thêm chật chội, nên ba mẹ bố trí ít đất còn thừa để vợ chồng tôi xây nhà. Dù căn nhà nhỏ, nhưng có chỗ trú nắng mưa đã là may mắn lắm rồi!".

Ở chật như nêm

Ở làng biển Bình Châu, Phổ Thạnh, điều dễ nhận ra là cùng một mái nhà, nhưng có nhiều thế hệ chung sống, với số lượng thành viên từ 12 - 15 người. Nhiều căn nhà cấp 4 có diện tích từ 40 - 70m2 nhưng có từ 2- 4 gia đình.

 Nhiều con đường ở thôn Định Tân, xã Bình Châu (Bình Sơn) chỉ vừa đủ một người đi.
Nhiều con đường ở thôn Định Tân, xã Bình Châu (Bình Sơn) chỉ vừa đủ một người đi.


Căn nhà của ông Trần Anh (70 tuổi), ở thôn Định Tân chỉ hơn 50m2 nhưng có đến 14 thành viên sinh sống. Ông Anh chia sẻ: "Tôi có 6 người con. Ba đứa con gái đã lấy chồng, còn 3 người con trai lấy vợ sinh con và sống chung với vợ chồng tôi, cả thảy là 14 người sống cùng một nhà. Bởi vậy, chẳng ai có không gian riêng. Ở đông người, lứa tuổi lại khác nhau, sinh hoạt mỗi người một kiểu, bất tiện đủ thứ".
 

Cung không đủ cầu

Để đáp ứng nhu cầu đất ở của người dân, UBND xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) từng đầu tư, xây dựng 5 khu dân cư, mỗi khu từ 15 - 20 lô đất. Thế nhưng, chừng đó vẫn chưa thấm vào đâu so với nhu cầu thực tế. Hơn nữa, nếu đấu giá công khai theo thị trường, thì những người lao động nghèo vẫn không thể mua nổi. Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh Nguyễn Duy Trinh cho biết: Cuối năm 2017 và đầu năm 2018, UBND tỉnh đã cho chủ trương 3 doanh nghiệp khảo sát, đầu tư xây dựng các khu dân cư, khu đô thị, với diện tích gần 90ha trên địa bàn xã. Nếu thực hiện đúng theo kế hoạch, thì sẽ đáp ứng được nhu cầu đất ở của nhân dân và tin rằng giá đất sẽ giảm xuống, để người nghèo có đất ở.

Cũng với diện tích vỏn vẹn 50m2, gia đình bà Võ Thị Lan (61 tuổi) ở thôn Thạch By 1 có 10 thành viên cùng chung sống. Bà Lan nói: "Mỗi khi chồng, con trai và con rể đi biển, thì căn nhà rộng rãi hơn, chứ những tháng biển động, đi trong nhà lại đụng nhau. Gần cả tỷ đồng mới có miếng đất, mà dân làm lưới, đi biển như chúng tôi lấy đâu ra. Thôi thì, chấp nhận sống chật chội".

Xa xăm mảnh đất cắm dùi

Hiện nay, nhu cầu đất, nhà ở các xã Bình Châu, Phổ Thạnh và các xã ven biển rất lớn. Thế nhưng, giá đất quá cao, khiến những người nghèo không thể chạm tay đến.

Theo Chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh Nguyễn Duy Trinh, giá đất các vùng trung tâm, gần cảng cá, thuận lợi cho nghề biển ở các thôn Thạch By 1, Thạch By 2, Thạnh Đức 2 dao động từ 12 - 15 triệu đồng/m2 nên để sở hữu một lô đất mặt tiền phải có từ 1 - 2 tỷ đồng, còn ở khu vực dân cư thì phải trên 500 triệu đồng. Với dân số hơn 26.000 người, diện tích sử dụng nhà ở trung bình ở 3 thôn trên chỉ khoảng 10m2/người.

Còn đối với xã biển Bình Châu, khu vực mặt tiền gần cảng Sa Kỳ thuộc thôn Định Tân giá đất trên 20 triệu đồng/m2. Trưởng thôn Định Tân Phạm Bưởi cho biết: "Thôn có hơn 3.000 nhân khẩu, nhưng diện tích đất ở chỉ khoảng 1km2, trong đó còn có các công trình công cộng. Tình trạng phổ biến ở đây là nhiều hộ gia đình cùng sống chung một nhà.

Ước tính phải có hơn 200 hộ có nhu cầu mua đất, nhưng đất không có hoặc giá đất quá cao, nên họ đành phải ở chung với ông bà, cha mẹ hoặc thuê trọ. Đất chật người đông, nên vấn đề ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước là điều rất đáng lo ngại. Tôi đã tiếp nhận rất nhiều đơn xin hỗ trợ cấp, mua đất của bà con, thế nhưng địa phương không có quỹ đất, nên chưa thể đề xuất giải quyết được".

Hiện nay, mức thu nhập bình quân của người dân ở xã Bình Châu, Phổ Thạnh khoảng 35 - 40 triệu đồng/người/năm, thì liệu sẽ có bao nhiêu người mua được đất làm nhà ở khi giá đất quá cao? Còn đối với những người dân lao động phổ thông, đi biển như gia đình bà Bông, chị Nhị... thì không biết đến bao giờ mới có được căn nhà riêng. Vì thế, chuyện để có được miếng đất ở nơi đắt đỏ này... có vẻ  quá xa vời!


 Bài, ảnh: HIỀN THU


 


CÁC TIN KHÁC
.