Thú vui... xe cổ

02:09, 22/09/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Không sôi động như các tỉnh thành khác, niềm đam mê xe cổ ở Quảng Ngãi tựa dòng chảy âm thầm. Người mê xe cổ không phải vì vật chất, mà vì những giá trị tinh thần của nó mang lại.                                                 

Theo những người mê xe cổ, thông qua niềm đam mê họ được giao lưu gặp gỡ những người cùng chung sở thích. Và điều nữa là họ muốn lưu lại ký ức một thời...

Lưu lại một thời gian khó

“Mê đồ cổ gồm có gốm cổ, tiền cổ, điện thoại, tem cổ... Đủ loại, nhưng đối với xe cổ, càng tìm hiểu lại càng thấy mê. Đam mê xe cổ vừa thỏa mãn sự yêu thích, vừa có xe để đi. Như chiếc xe vespa màu cam đời 016 này, càng chạy càng êm. Nhiều người hay hỏi mượn để chở đám hỏi, đám cưới lắm!”, anh Huỳnh Vĩnh Sang ở phường Nghĩa Lộ (TP.Quảng Ngãi) nói về thú đam mê xe cổ của mình.

Ông Nguyễn Đức Oanh luôn tỉ mỉ, chăm chút cho từng chiếc xe đạp cổ.
Ông Nguyễn Đức Oanh luôn tỉ mỉ, chăm chút cho từng chiếc xe đạp cổ.


Anh Sang kể, sau khi học ở Philippines, anh về TP.Hồ Chí Minh sống. Trong thời gian đó, anh hay đến chợ xe Tân Thành ở quận 5, để lòng vòng chơi và tìm mua các phụ tùng cho chiếc xe máy của gia đình ở Quảng Ngãi. Lân la tìm hiểu, anh Sang "tia" được chiếc xe máy cũ rích được mệnh danh là “con gà mái dầu” ở chợ Tân Thành. Thế nhưng, xe có giá hơn... 60 triệu đồng mà chủ nhân không muốn bán. Từ đó, Sang ngẫm nghĩ, loại xe này ở Quảng Ngãi còn rất nhiều, thế là chàng trai 8X này bắt đầu tìm hiểu về thế giới các loại xe cổ.

Chiếc xe đầu tiên mà Sang sở hữu cũng chính là chiếc xe cũ của gia đình. Đây là chiếc xe dùng để chở tôm, mực, cá... đã đưa kinh tế gia đình anh đi lên. Anh giữ lại chiếc xe như giữ kỷ niệm thời khó khăn của gia đình. Lúc nhiều nhất, anh có đến 15 chiếc xe. Trong đó, có nhiều chiếc từng tham gia các đợt triển lãm của hội yêu xe.
 

Đèn xe Đà Nẵng, ghi-đông Tiền Giang

Đèn xe đạp cổ làm từ nhôm chỉ cần chà sơ là sáng bóng, khắc nhãn hiệu rất kỳ công.
Đèn xe đạp cổ làm từ nhôm chỉ cần chà sơ là sáng bóng, khắc nhãn hiệu rất kỳ công.

“Mỗi phụ tùng đều có những chi tiết, hoa văn sắc nét mà người phải có kiến thức mới phân biệt. Có khi mua nguyên cả chiếc xe đạp về chỉ dùng lại được 1, 2 phụ tùng. Có khi phải săn lùng tìm mua 2, 3 chiếc xe đạp mới chỉnh chu một chiếc xe của mình. Như cây xe này, tay thắng làm từ nhôm có đường chẻ chính giữa, chỉ cần chà sơ qua đã sáng bóng.

Rân xe của Pháp có một vạch đen, chân tăm đều có vòng tròn. Kiên nhẫn, sưu tầm bao nhiêu năm trời mới có một chiếc xe, nên đam mê xe cổ  nó thú vị là vậy!...”, ông Oanh giới thiệu từng chi tiết chiếc xe đạp cổ của mình.

Chỉ tay vào chiếc xe đạp cổ có hình dáng đẹp, ông Oanh nói: “Nhìn cây xe đơn giản vậy thôi chứ ghi-đông mua tận Tiền Giang, bộ giò dĩa mua ở Vĩnh Long, đèn xe ở Đà Nẵng, còn các bộ phận khác mua ở các tỉnh lân cận. Đi gom từng bộ phận một, nên mỗi chi tiết trên xe như đánh dấu một vị trí các tỉnh, thành”.

Quần tây, áo sơ mi, đi xe cổ

Những người chơi xe rất kỳ công và tốn tiền, để săn tìm phụ tùng cho chiếc xe của mình. Nhưng khi gặp người cùng sở thích, họ lại sẵn sàng trao tay với giá cả hữu nghị như để cùng chia sẻ việc sở hữu những “con xe độc”.

“Già rồi, mặc áo sơ mi, quần tây cưỡi chiếc xe đạp cổ đi tập thể dục hay uống cà phê với bạn già, nhìn phong thái cũng khác hẳn. Đam mê xe đạp cổ còn cải thiện sức khỏe nữa!", ông Nguyễn Đức Oanh, ở phường Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi) cười khà khi kể về những chiếc xe đạp cổ của mình.

Ban đầu, khu dân cư nơi ông Oanh ở chỉ có hai người là ông và ông Nguyễn Văn Thành cùng đam mê xe đạp cổ, với mục đích tập thể dục buổi sáng. Nhiều người thấy hay cùng nhau tìm tòi, nên hầu như cả khu dân cư, nhà nào cũng có một chiếc xe đạp cổ của Pháp.

Ông Oanh cho biết, mỗi buổi sáng thức dậy cùng chiếc xe đạp cổ, hào hứng cưỡi đi tập thể dục cùng bạn bè mới chiêm nghiệm hết sự đổi thay của quê hương. Từ những con đường đất nay trở nên khang trang với những ngôi nhà cao tầng, hay những con đường mới mở ra dọc hai bờ sông Trà... Ngày nào nhóm xe đạp cổ cũng vòng qua hết các tuyến đường ước chừng cả đi lẫn về hơn hai chục cây số.

Chơi xe không chỉ vì... mê xe

Người cao tuổi nhất vẫn còn ung dung trên chiếc Honda 67 rong ruổi khắp nơi là ông Hồng Khắc Nên, ngụ tại con hẻm nhỏ ở TP.Quảng Ngãi. Ông Nên là thành viên của Hội Honda 67 ở Quảng Ngãi.

Trải dài trên cả đất nước, có lẽ Hội Honda 67 là nơi có nhiều thành viên nhất. Với những chuyến hội ngộ vào dịp 30.4 hằng năm, nhiều người đã gác lại công việc để “xuyên Việt” với chiếc Honda 67 của mình. Trong đó, Hội 67 Quảng Ngãi là một trong những hội tập trung đông đảo nhiều thành viên và hoạt động lâu năm nhất.

“Hầu hết những người mê xe 67 đều là thợ sửa xe hoặc những người biết về nghề sửa xe. Vì vậy, ai cũng có thể tự mình chỉnh chu chiếc xe của mình”, anh Trần Ngọc Liêm, một người mê xe 67 chia sẻ.

 

Nhiều người thích chiếc Vespa cổ màu cam của anh Sang.
Nhiều người thích chiếc Vespa cổ màu cam của anh Sang.
 
Theo những người mê xe cổ, chiếc xe không quan trọng, mà quan trọng là thông qua niềm đam mê được giao lưu gặp gỡ bạn bè, những người cùng chung sở thích. Cũng từ "tinh thần 67" như vậy, nên nồi cháo Từ Tâm của những người mê xe 67 Quảng Ngãi đã ra đời và duy trì đều đặn đến nay. Ngoài kết nối giao lưu, gặp gỡ với nhau, hoạt động của Hội 67 còn hướng đến tinh thần vì cộng đồng như nồi cháo Từ Tâm, tổ chức chương trình Trung thu cho trẻ em nghèo và các hoạt động vì xã hội khác...

Bên cạnh đóng góp của các thành viên trong tỉnh, các hoạt động còn có sự đồng hành của nhiều người mê 67 khác trên cả nước. “Như câu chuyện về chiếc 67 dùng để kéo cháo từ chỗ nấu lên phát tại các bệnh viện cũng từ sự đóng góp của tất cả thành viên 67 trên cả nước. Người có gì góp nấy, người cho ốc vít, người tặng phụ tùng xe mới làm nên chiếc xe”, anh Liêm kể.
 
“Điểm chung của những người mê 67 hơi gàn gàn. Nhưng trong cái "gàn" ấy có nhiều niềm vui lắm, nên mới tốn kém, công phu khi mê xe như vậy”.
Anh TRẦN NGỌC LIÊM, thành viên Hội Honda 67 Quảng Ngãi
Mê xe 67, nên ông Nên cũng tìm hiểu về những giai đoạn thăng trầm của loại xe này. Xe 67 nguyên bản phân khối nhỏ, nhập về Việt Nam chủ yếu dành cho thanh niên trẻ và đàn ông sử dụng để chở hàng hóa. Qua thời gian sử dụng, xe không có phụ tùng thay thế, lại ít thông dụng so với dòng xe cúp nhỏ gọn nên nhiều người bán xe.

Nhưng từ chính “sức sống như huyền thoại” của loại xe được thiết kế chỉ dành cho hai người lại gây bất ngờ bởi kéo được rất nhiều hàng hóa. Ngày càng có nhiều người yêu thích những chiếc 67 có hình dáng khỏe khắn, tiếng nổ to giòn. Từ những chiếc 67 có phân khối nhỏ, nay được độ lại thành phân khối lớn để có thể chinh phục những chặng đường dài. Nhiều chiếc độ chế lại có hình dáng rất lạ mắt và độc đáo. Và giờ ai sở hữu được chiếc 67  phụ tùng nguyên rin như gìn giữ món kỷ vật vô giá.

“Bây giờ, nhiều khi tìm mua phụ tùng chỉ cần lên mạng tra tìm rồi gọi điện thoại đặt hàng. Còn trước kia, chúng tôi hay rủ nhau đi đến các tỉnh tìm mua. Người mua được cái thắng, người mua sườn xe rồi chia lại cho ai cần”, ông Nguyễn Đức Oanh nhớ lại. Điều thú vị là người sở hữu bộ sưu tập xe cổ ở các tỉnh, thành khác lại là người gốc Quảng Ngãi. “Có lần hội ngộ, ông ấy mướn nguyên chiếc xe tải chở xe về cho mượn trưng bày”, ông Hồng Khắc Nên kể.


Bài, ảnh: BẢO HÒA
 


CÁC TIN KHÁC
.