(Báo Quảng Ngãi)- “Ngày xưa, có một ông giáo già đeo khăn quàng đỏ, mặc áo xanh tình nguyện, vẫn thường giúp đỡ học trò nghèo. Ngày xưa, có ông giáo già tên gọi Ba Nghĩa chuyên làm việc nghĩa chỉ để thấy nụ cười nở trên khuôn mặt của những đứa trẻ bất hạnh, nụ cười mà ông thường gọi là “Nụ cười hồng...”. Và còn rất nhiều câu chuyện do những học trò nghèo kể lại, mở đầu câu chuyện luôn có chữ “ngày xưa” như chuyện cổ tích, bởi với các em những gì ông giáo Nghĩa mang lại là giấc mơ có thật, là chuyện về ông bụt giữa đời thường.
Đúng như tên gọi, Tổng phụ trách Đội, Trường THCS Đức Thắng (Mộ Đức) Lương Thạch Nghĩa lúc nào cũng đau đáu việc nghĩa ở đời, lương tâm của người thầy không cho phép ông ngồi yên khi còn quá nhiều học trò nghèo cần được giúp đỡ, để tiếp bước đến trường.
Bình dị mà cao quý
Ông giáo Nghĩa |
Ông Nghĩa đã xấp xỉ 60 tuổi chứ có phải ít, vậy mà đi đến đâu người ta cũng thấy ông đeo chiếc khăn quàng đỏ, bận chiếc áo xanh tình nguyện hòa mình vào lớp trẻ để làm những công việc đem lại niềm vui, làm ấm lòng học trò nghèo. Ông giáo Nghĩa đi vào trái tim của mọi người một cách rất tự nhiên cũng bởi hình ảnh về một người thầy tận tụy, hết mực yêu thương học trò.
Nhiều người bảo: Lạ chưa, có ngày nào làm học trò của thầy giáo Nghĩa đâu, vậy mà lũ trẻ ở nơi đâu cũng vây quanh ông, chúng nở nụ cười thật tươi bên cạnh ông giáo già. Có gì lạ đâu, ông giáo Nghĩa bảo, đơn giản là tình thương. Lần đầu tiên trong cuộc đời được biểu dương “Những tấm gương bình dị mà cao quý”, ông cảm thấy vui, cũng như mọi khi niềm vui đến với ông sau mỗi lần giúp đỡ học trò nghèo.
Lần này thì sau 37 năm làm Tổng phụ trách Đội ở Trường THCS Đức Thắng, ngần ấy thời gian ông gom góp niềm vui từ những việc làm bình dị, đến lúc sắp nghỉ hưu ông lại đón nhận tin vui. Ông gắn kết những tấm lòng nhân ái, làm “nhạc trưởng”, có khi làm “tham mưu” cho địa phương trong những hoạt động thiện nguyện. “Mặt trận” nào ông cũng có mặt, để giúp học trò nghèo. Việc ông giáo Nghĩa giúp học trò nghèo kể cả ngày không hết chuyện, vậy mà ông viết báo cáo thành tích thì gọn lỏn. Ông nói: “Viết gọn thôi, ai đâu có thời gian mà đọc, cái chính là giúp học trò nghèo, để các em không bỏ học. Nhiều trường hợp các em có biết người đã giúp mình là ai đâu. Nhiều em trách sao thầy khó, sao không cho biết địa chỉ nhà, biết số điện thoại. Tui bảo, để làm gì đâu, đã nghèo khó, canh cánh chuyện trả ơn làm gì, các em học giỏi, sống tốt là thầy vui rồi”.
Chuyến đi chơi đặc biệt trước năm học mới 2017-2018 Giữa cái nắng như đổ lửa của những ngày tháng 8, ông giáo Nghĩa tất tả chạy đi đón 7 em học sinh đặc biệt của mình ở quê để đưa đi chơi ở TP.Quảng Ngãi. Lần đầu tiên những đứa trẻ bất hạnh, đứa bị bệnh ung thư, đứa thiểu năng trí tuệ, đứa bị rò hậu môn... được ăn cơm gà, được đi chơi ở siêu thị. Dẫn các em đi chọn quần áo, sách, vở, ông giáo Nghĩa ân cần như một người cha. Đó là món quà để động viên các em cố gắng vượt qua nỗi đau bệnh tật để vươn lên trong học tập. |
Facebook kết nối yêu thương
Quả thật hiếm có người như ông Ba Nghĩa, một ông giáo già có rất nhiều bạn bè trên facebook. Trang cá nhân Ba Nghĩa thu hút sự quan tâm của rất nhiều người ở khắp mọi miền trong cả nước. Ông giáo Nghĩa lướt facebook nhanh như gió. Ông kết bạn với nhiều người cũng là để kết nối yêu thương giúp học trò nghèo. Cả cuộc đời làm tổng phụ trách Đội như ông thì lấy đâu ra tiền để làm từ thiện, ông chỉ có tấm lòng, chỉ bằng cách “xin của người này, đem cho người khác”.
“Ở đây vẫn còn nhiều em ốm đau và hoàn cảnh khó khăn. Vũ Ngô, Diễm Huỳnh à. Hôm qua nghe các cô giáo dạy trường này kể về các em mà thấy mệt trong người vô cùng”, trang cá nhân của ông vẫn thường có những dòng tâm sự trĩu lòng như vậy. Nhiều đêm, ông trằn trọc không ngủ được, cũng bởi vừa mới biết được hoàn cảnh đáng thương của học trò. Ông lên “phây” để trải lòng mình. Chia sẻ với ông, nhiều người đã chung tay giúp đỡ những mảnh đời trẻ thơ bất hạnh.
Ông giáo Nghĩa hớn hở lấy trong cốp xe cuốn sổ đưa cho tôi xem. Cuốn sổ ghi chép cẩn trọng tên người hỗ trợ, số tiền và chi tiết từng khoản chi mua vật liệu xây dựng ngôi nhà “Nâng cánh ước mơ” cho em Võ Thị Xuân Ngoan (lớp 6C, Trường THCS Đức Phú, Mộ Đức). Ông Nghĩa cho biết, mỗi ngôi nhà được hỗ trợ xây dựng là một cuốn sổ ghi chép, theo dõi để sau này công khai, tất cả đều có Ủy ban MTTQ Việt Nam ở địa phương đóng dấu làm tin. Nhà của em Ngoan mới khánh thành đầu tháng 8 này, với tổng kinh phí 58 triệu đồng. Cũng là nhờ qua facebook, ông giáo Nghĩa kết nối được với người có nickname Lâm Nguyễn (tức chị Quỳnh Anh làm ở VTV8) cùng với nhiều bạn bè kêu gọi hỗ trợ xây dựng nhà cho em Ngoan.
Kể từ ngày khởi móng, ông giáo Nghĩa năm lần mười lượt đến theo dõi, nhắc nhở cánh thợ làm cho chất lượng. Ngày khánh thành nhà, ông Ba Nghĩa dặn cánh thanh niên mua mấy thùng mì tôm, không chỉ cho mẹ con Ngoan mà cho cả gia đình cậu, dì của Ngoan ở bên cạnh, họ cũng nghèo khổ không kém. Ông bảo, mình làm vậy để họ vui, vì được quan tâm, không cảm thấy buồn cho phận nghèo, trong khi mẹ con Ngoan đón niềm vui về nhà mới. Cánh thanh niên tình nguyện ở địa phương chép miệng: “Đúng là Ba Nghĩa, chỉ có ông mới chu đáo như vậy”.
Cứ thế, thông qua facebook, đến nay ông giáo Nghĩa đã kết nối những tấm lòng, kêu gọi hỗ trợ xây dựng 5 ngôi nhà “Nâng cánh ước mơ” cho học trò nghèo.
Khi trò nghèo nở nụ cười hồng
“Nụ cười hồng” là một trong số nhiều chương trình giúp đỡ học trò nghèo do ông giáo Nghĩa khởi xướng. “Em thấy đó, học trò nghèo hiếm khi có nụ cười tươi”. Trong một lần học tập huấn nội dung giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, báo cáo viên nói trẻ em nghèo là đối tượng dễ bị tổn thương, bị xâm hại, nghe đến đó ông giáo Nghĩa nảy ra ý tưởng phải mang đến cho các em nụ cười. Ông bàn với những người bạn tổ chức cho học trò nghèo vượt khó một ngày tràn ngập nụ cười. Nhưng lấy đâu ra tiền, vậy là đêm văn nghệ cà phê được tổ chức để quyên góp ủng hộ. Mỗi ly cà-phê chủ quán lấy 6.000 đồng, nhưng bán giá 10.000 đồng, số tiền dôi hỗ trợ chương trình “Nụ cười hồng”.
Bên cạnh ông giáo Nghĩa (đứng thứ 6 từ phải sang) luôn có nụ cười của trẻ em. |
Hằng năm, ông giáo Nghĩa đều lập được danh sách học sinh có hoàn cảnh khó khăn cần được giúp đỡ, gặp gỡ các em để động viên, đồng thời kêu gọi các tấm lòng hảo tâm tặng quà để tạo cho các em động lực vượt khó đến trường, nhờ thế mà nhiều em không bỏ học giữa chừng. Thông qua các chương trình “Vui hội Trăng rằm– Tiếp bước đến trường”; “Thắp sáng ước mơ”; “Quà Tết cho em”; “Xuân yêu thương”, “Tiếp sức mùa thi”... mỗi năm có hơn 200 học sinh được ông giúp đỡ. Ông cũng đã kết nối để xây dựng “Tủ sách của chúng em” cho 3 trường tiểu học và THCS ở huyện Mộ Đức. |
Ông giáo Nghĩa lại đăng lên “phây” và nhận được nhiều sự hỗ trợ của nhiều người. Ngay cả những chị phụ nữ ở xã Nghĩa Thắng cũng tình nguyện hỗ trợ gạo và tận tay nấu cho các em bữa cơm. Hôm ấy, hơn 100 học sinh nghèo hiếu học ở các địa phương trong huyện Mộ Đức về dự chương trình “Nụ cười hồng”. Lãnh đạo huyện cũng đến dự, tất cả những ai có mặt đều cảm động rơi nước mắt, khi chứng kiến những nụ cười hồn nhiên nở trên đôi môi của những đứa trẻ nghèo. Các em được tham gia các trò chơi, được ăn ngon. Và, những đứa trẻ tự tin bước lên khán đài, kể về câu chuyện cuộc đời mình, về nghị lực của những đứa trẻ con nhà nghèo, tất cả đồng thanh cất tiếng hát: “Nụ cười hồng, ta trao nhau/ Như khúc hát cho bao lời thiết tha/ Nụ cười hồng, ta trao nhau/ Như ánh sáng muôn ngàn vì sao…”.
Dưới khán đài, nhiều người đến vỗ vai ông giáo Nghĩa, bảo: “Ba Nghĩa đúng là tay không bắt giặc”. Nghe thế, ông giáo Nghĩa cười khà. Nói cho vui chứ trong lòng ai cũng cảm phục ông giáo Nghĩa, chỉ có ông mới nghĩ điều sâu sắc đến vậy. Nụ cười hồng do chính ông mang đến cho học trò nghèo là nụ cười tiếp sức, để các em vững tin bước vào tương lai.
Lại nói đến câu chuyện “ngày xưa” mà học trò nghèo của ông giáo Nghĩa đã kể: “Ngày xưa, ở bên cạnh một ông giáo nhà quê, lúc nào cũng có nụ cười của trẻ em...”. Đúng vậy, đó chính là nụ cười hồng như những đóa hoa xinh được tưới tắm bởi tình thương của ông giáo già. “Tháng 9, tháng 10 này tôi nhận lương nữa là nghỉ hưu. Ngẫm lại âu đó cũng là câu chuyện để tri ân cuộc đời. Câu chuyện còn dài, tôi cũng sẽ lại cố gắng, để tiếp thêm nghị lực cho các em chừng nào mình còn sức”, ông giáo Nghĩa trải lòng.
Bài, ảnh: PHƯƠNG LÝ