Truyền nhân của làng gốm Mỹ Thiện

04:07, 10/07/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cứ ngỡ sau đời vợ chồng ông Đặng Văn Trịnh thì làng gốm hơn 200 năm tuổi Mỹ Thiện ở thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn) sẽ bị thất truyền. Nhưng giờ đây, làng gốm này đã xuất hiện “hậu duệ”. Đó là anh Ngô Đào Giang (38 tuổi), một công chức, nhưng rất tâm huyết với làng gốm truyền thống của quê hương.

Theo lời ông Lâm Dũ Xênh, một nhà sưu tầm đồ cổ nổi tiếng đang sinh sống tại thị trấn Châu Ổ, thì chàng thanh niên này sẽ là người “nối gót” tiếp theo của làng gốm Mỹ Thiện. “Anh ấy còn trẻ, nhưng mê làm gốm lắm! Cách thức làm gốm của anh ta là vừa kết hợp chất cổ xưa với hiện đại, nên mang lại giá trị kinh tế. Chúng tôi đã khuyến khích và giúp đỡ, để chàng trai này sẽ là “hậu duệ” tiếp theo của làng gốm Mỹ Thiện”, ông Xênh hào hứng bảo. Chàng trai mà ông Xênh nhắc đến chính là anh Ngô Đào Giang.

Con nhà tông

Theo chân ông Lâm Dũ Xênh, chúng tôi tìm đến nhà anh Giang để “mục sở thị” việc làm gốm của... chàng công chức trẻ, cũng như kiểm chứng lời ông Xênh nói. Căn nhà của vợ chồng anh Giang là một quán cà phê, với không gian yên tĩnh nằm trong một con hẻm giữa lòng thị trấn Châu Ổ sầm uất. Ở đây, tất thảy các chi tiết, đều được trang trí bằng đá, sứ và đặc biệt là gốm do chính tay anh thiết kế và làm nên. Anh Giang chia sẻ: “Là con cháu của làng này, mân mê đất sét từ nhỏ, rồi theo ông ngoại, các cậu học làm gốm, nên để làm ra sản phẩm cũng không mấy khó khăn”.
 

 

Anh Ngô Đào Giang bên sản phẩm do chính tay mình làm ra.
Anh Ngô Đào Giang bên sản phẩm do chính tay mình làm ra.


Ông ngoại của anh Giang là cụ Ngô Lương (đã mất) là truyền nhân đời thứ ba của làng gốm Mỹ Thiện, từng nổi danh về cách làm gốm thủ công từ vài chục năm trước của làng này. Cách đây gần 3 thế kỷ, tổ tiên của anh Giang ở tận Thanh Hóa vào định cư bên bờ sông Trà Bồng và lập nên làng gốm Mỹ Thiện.

“Theo lời cha, ông tôi kể lại, hồi đó gốm sứ gia dụng thịnh lắm, gốm Mỹ Thiện sản xuất ra bao nhiêu là ghe thuyền ở các miền xuôi ngược đến đổi lấy bấy nhiêu. Các cậu của tôi còn ra tận Bát Tràng, học thêm cách thức làm gốm của họ, để làm phong phú sản phẩm cho làng nghề nữa đấy”, anh Giang cho biết.
 

“Mình nghĩ, khi các làng gốm khác vẫn còn phát triển, sản phẩm được nhiều người biết đến, còn gốm Mỹ Thiện thì sắp bị lãng quên, nên phải làm một cái gì đó để “vực” dậy làng gốm đã có hơn 200 năm tuổi này".
Anh NGÔ ĐÀO GIANG

Hồi tưởng lại lúc mới bắt tay làm mẻ gốm đầu tiên, anh Giang tự hào: “Mẻ gốm đầu tiên tôi làm là lồng đèn và các vật trang trí đơn giản. Đất sét thì có sẵn, còn lò và cách nung mình cũng nhờ nghệ nhân Đặng Văn Trịnh chỉ bảo thêm. Sau mấy ngày, sản phẩm ra lò, tất cả đều thành công. Bây giờ, tôi vẫn giữ lại chúng để trang trí khắp các gian nhà và coi đó như những “báu vật” đầu tay”.

Quyết tâm gìn giữ làng nghề

Anh Giang từng là một vận động viên thể thao, hiện đang công tác tại UBND thị trấn Châu Ổ. Thế nhưng, đam mê lớn nhất của anh chính là làm gốm. Mỗi ngày, sau giờ làm ở công sở, anh Giang dành hơn 3 tiếng đồng hồ cặm cụi nhào nặn mớ đất sét, để làm ra những sản phẩm theo ý mình.

Theo nghề làm gốm đã hơn 10 năm, lại là người con của làng nghề nức tiếng một thời, nên từ cách nhồi đất, đến công đoạn canh lửa để nung gốm, anh Giang đều thuần thục. Tôi tận mắt chứng kiến, chỉ vỏn vẹn nửa tiếng đồng hồ, anh đã tạo ra một sản phẩm gốm hoàn chỉnh.

Nhà thiết kế thời trang Minh Hạnh tìm hiểu về gốm Mỹ Thiện .
Nhà thiết kế thời trang Minh Hạnh tìm hiểu về gốm Mỹ Thiện .


Ở cái thời buổi mà những sản phẩm gốm sứ được làm thủ công không còn được ưa chuộng, đòi hỏi các nghệ nhân phải thay đổi để thích nghi và bắt kịp xu hướng phát triển của thị trường gốm, sứ. Thế là, nhiều lần anh Giang rong ruổi tìm đến các làng gốm Bát Tràng (Hà Nội), Phước Tích (Huế), rồi ra Thanh Hà (Hội An), vào Bàu Trúc (Ninh Thuận), những làng gốm có tiếng trong nước, để học hỏi. Không dừng lại ở đó, anh còn lặn lội mang sản phẩm của mình ra Bắc, vào Nam để trao đổi, quảng bá.

Anh Giang chia sẻ: “Mình nghĩ, khi các làng gốm khác vẫn còn phát triển, sản phẩm được nhiều người biết đến, còn gốm Mỹ Thiện thì sắp bị lãng quên, nên phải làm một cái gì đó để “vực” dậy làng gốm có thâm niên hơn 200 năm tuổi này. Năm 2003, mình đưa sản phẩm vào Sài Gòn và nhờ bạn bè quảng bá dùm. Cũng may, một số sản phẩm đã bán được, nhờ đó thời gian qua có rất nhiều người từ phương xa về đây tham quan, tìm hiểu về làng gốm này".

Trong Festival Nghề truyền thống Huế 2017 vừa diễn ra, cặp bình gốm tứ linh của anh Giang đã được mua với giá hơn 3 triệu đồng. “Sản phẩm mình bán cũng đã nhiều, nhưng đây là hai sản phẩm mà khi bán được mình ưng ý nhất. Việc làm ra hai sản phẩm ấy được phá cách, từ gốm xưa sang sản xuất theo kiểu kết hợp giữa cổ xưa và hiện đại, hoa văn tinh xảo... Chính vì thế, được nhiều người thích thú”, anh Giang chia sẻ.

Đưa chúng tôi lên căn gác lửng nơi anh làm và trưng bày gốm, anh Giang cho biết, hầu hết đây là những mẻ gốm “hiện đại” nên mỏng và rất nhẹ. "Đi nhiều nơi, học hỏi được nhiều cách trang trí mới. Từ những nét cổ xưa, tôi trang trí kết hợp thêm hoa văn hiện đại, để bắt kịp xu hướng của thị trường. Sau này có điều kiện, tôi sẽ mở lò nung bằng gas, thành lập trại sáng tác, đồng thời triển lãm và buôn bán các sản phẩm gốm của mình tại làng Mỹ Thiện này”, anh Giang cho hay.


Đam mê với nghề, anh Giang vẫn đang ngày đêm tạo ra những sản phẩm gốm bằng cả tâm huyết của mình, với ước vọng  làng gốm cổ Mỹ Thiện sẽ được “hồi sinh”.
 
Giữa tháng 4.2017, một đoàn nghệ sĩ do nhà thiết kế thời trang Minh Hạnh – nhà thiết kế thời trang nổi tiếng của Việt Nam làm trưởng đoàn đã dẫn gần 20 người từ TP.Hồ Chí Minh về làng gốm Mỹ Thiện tham quan, học hỏi. Sau đó, nhà thiết kế Minh Hạnh đã mời ông Đặng Văn Trịnh, Lâm Dũ Xênh và anh Ngô Đào Giang ra Huế, để tham gia quảng bá hơn 200 sản phẩm gốm Mỹ Thiện tại Festival Nghề truyền thống Huế 2017. Tại Festival này, gốm Mỹ Thiện đã thu hút sự chú ý của nhiều người, sánh ngang với những làng nghề truyền thống nổi tiếng khác như: Làng nghề dệt đũi xã Nam Cao (Thái Bình), dệt lanh thổ cẩm Mai Châu (Hòa Bình), thảm lục bình xã Bình Ninh (Vĩnh Long)...

 


Bài, ảnh: ĐÌNH DIỆU




 

CÁC TIN KHÁC
.