(Báo Quảng Ngãi)- Mười sáu năm bám trụ, Nhà máy Đường An Khê, Công ty CP Đường Quảng Ngãi đã góp màu xanh cho vùng đất đỏ cao nguyên bằng những vụ mía ngọt. Mía không chỉ làm cho nhà máy lớn mạnh, mà còn mang no đủ, sung túc đến cho nông dân...
TIN LIÊN QUAN |
---|
Mía xanh trên cao nguyên đỏ
Trạm trưởng Trạm nguyên liệu số 6 Huỳnh Duy Kỳ (Nhà máy Đường An Khê) kể với niềm tự hào là người góp sức làm cho màu xanh của mía hôm nay ở huyện Kpang thêm bạt ngàn. Còn tại huyện Đắk Bơ, Kong Chro, tiếp chuyện chúng tôi là kỹ sư Huỳnh Ngọc Anh, người có 32 năm gắn bó với Công ty CP Đường Quảng Ngãi. Trong đó anh có 16 năm dành cho Nhà máy Đường Quảng Phú và 16 năm cho Nhà máy Đường An Khê. "Thật may là gắn bó cả đời với nghề trồng mía. Và cây mía ở Gia Lai này đã cho tôi toại nguyện một ước mơ với nghề của mình", anh Anh nói giọng thật nhẹ, đậm chất nông dân.
Cánh đồng mía ở Kpang (Gia Lai). |
Anh Huỳnh Ngọc Anh dở sổ ghi chép của mình. Những con số ngắn gọn, nhưng thật nhiều ý nghĩa: Năm 2000 diện tích mía ở Gia Lai là 2.380ha. Đến năm 2016 tăng lên hơn 11 lần, với diện tích khoảng 26.000ha, tập trung chủ yếu ở các huyện Kpang, Đắk Bơ, Kong Chro và thị xã An Khê. Trong đó nhiều nhất là huyện Đắk Bơ với 8.300ha; Kpang 7.300ha. Sau 16 năm diện tích trồng mía ở An Khê tăng lên đáng kể.
Không ra đồng vẫn thu tiền tỷ
Bây giờ ở Gia Lai đang vào vụ thu hoạch mía. Mía từ đồng ùn ùn về nhà máy trên những chiếc xe thùng dài. Vậy mà ra đồng mía không thấy một bóng nông dân cặm cụi chặt, róc mía như thường thấy ở Quảng Ngãi. Anh Huỳnh Ngọc Anh giải thích: "Nhà máy có 10 máy thu hoạch, công suất 500 tấn mía/máy/ngày. Bây giờ nhà máy cơ giới hóa toàn bộ quy trình sản xuất. Nông dân không phải ra đồng, chỉ ngồi nhà mà vẫn thu tiền tỷ từ trồng mía".
Thu hoạch được thực hiện bằng cơ giới. |
Câu chuyện nông dân không phải ra đồng mía mà mỗi năm thu về hàng tỷ đồng là "chuyện thường ngày" ở "phố núi" Gia Lai này. Những nông dân trồng mía tính toán rành rẽ từng ca máy, chi phí cho mỗi hécta, để rồi tính ra tiền lãi cho mỗi mùa vụ. Ông Lê Văn Dũng, ở huyện Kong Chro là người trồng đến 300ha mía, mỗi năm thu về 12 tỷ đồng. Toàn bộ diện tích này gia đình ông Dũng đầu tư theo tiêu chuẩn "cánh đồng lớn". Năng suất đạt đến 100 tấn/ha. Với giá thu mua của nhà máy hiện tại là 1,05 triệu đồng/tấn (10 CCS), trừ chi phí, ông Dũng thu mỗi hécta 40 triệu đồng. Tổng cộng 300ha, lợi nhuận tròn số 12 tỷ đồng. Cùng huyện Kong Chro còn có ông Nguyễn Kế Nhã, có 120ha mía, mỗi năm lợi nhuận gần 5 tỷ đồng.
Hiện tại, vùng nguyên liệu của Nhà máy Đường An Khê có khoảng 2.000ha đã đạt tiêu chí cánh đồng lớn, chủ yếu tập trung ở huyện Kong Chro. Đây là địa bàn còn dồi dào tiềm năng phát triển diện tích mía, đặc biệt là phát triển cánh đồng lớn. "Kong Chro còn khoảng 7.000ha đang có kế hoạch đăng ký chuyển sang trồng mía. Nhà máy sẵn sàng hỗ trợ người trồng mía, để đầu tư, chăm sóc, nâng cao hiệu quả khi canh tác cây trồng này", kỹ sư Huỳnh Ngọc Anh cho biết.
Liên minh công nông
Trước hiệu quả phát triển kinh tế dựa vào cây mía, từ năm 2010, UBND tỉnh Gia Lai đã phê duyệt quy hoạch trồng trọt gắn với công nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh đến 2015 và tầm nhìn 2020. Theo đó, cây mía được xem là cây trồng chủ lực ở nhiều vùng, với tổng diện tích quy hoạch lên đến 35 nghìn hécta vào năm 2020. Để giúp nông dân, Nhà máy Đường An Khê đã thành lập "Trung tâm tiếp nhận thông tin, tư vấn và hỗ trợ người trồng mía". Nơi đây quy tụ các kỹ sư giỏi, tâm huyết với nghề trồng mía. Với họ, chuyện tư vấn được đúc kết thành một câu: "Nông dân chỉ cần có đất, chuyện giúp nông dân làm giàu từ cây mía là của nhà máy chúng tôi".
Chăm sóc mía đều được thực hiện bằng cơ giới. |
Nhà máy Đường An Khê cũng đã thành lập Trung tâm dịch vụ giúp nông dân từ khâu làm đất, xuống giống, chăm sóc, đến thu hoạch, đưa mía về nhà máy... Những kỹ sư nông nghiệp chính là người lái máy cày, máy thu hoạch, xe chuyên chở mía trên cánh đồng đất bazan với niềm lạc quan. Giá dịch vụ công khai đến tận hộ dân, để họ cùng theo dõi, giám sát quá trình đầu tư, chăm sóc, thu hoạch, tính toán lợi nhuận. Ngoài ra, Nhà máy Đường An Khê còn triển khai chính sách khuyến khích phát triển diện tích cánh đồng lớn. Theo đó, nhà máy giảm cho người trồng mía 20% từ khâu làm đất đến xuống giống...
Chia tay "biển mía" Gia Lai, chúng tôi vẫn chưa thể thoát khỏi trạng thái chìm trong một màu xanh bạt ngàn và mùi hương ngọt ngào của mía. Mùa hạn 2016 đỉnh điểm là thế mà hôm nay mía vẫn ngời lên óng ả. Mía ngọt thơm trong hạn, vững vàng trong mưa, để Gia Lai xanh mãi một màu xanh của mía, làm cho nhà máy thêm mạnh và nhà nông thêm giàu.
Bài, ảnh: THANH NHỊ