Đắk Panh mong "mùa xuân" về

02:10, 08/10/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Bên kia dãy núi là Kon Tum, bên này là thôn Đắk Panh, xã Sơn Màu với độ cao 1.100m so với mực nước biển, Đắk Panh được xem là điểm đặc biệt của huyện Sơn Tây. Đây là một trong những nơi xa xôi nhất có người sinh sống ở huyện vùng cao này. Đường vào điểm cuối của Đắk Panh chỉ là lối mòn gập ghềnh, dốc cao dựng đứng giữa rừng với những dòng suối chắn ngang. Toàn thôn có đến gần 100% là hộ nghèo. Tivi vẫn còn là điều lạ lẫm với nhiều người dân nơi đây...

Rẻo cao xa xôi

Người dẫn đường cho chúng tôi vào Đắk Panh là anh Nguyễn Quyền - Chủ tịch UBND xã Sơn Màu. Đầu đội mũ tai bèo, mặc áo khoác, chân mang dép, anh Quyền lên tiếng hối thúc: “Nhanh lên, kẻo trời nắng!”, dự báo chuyến đi không kém phần gian nan, vất vả.
 

 

Một trong những đoạn đầy bùn lầy trên đường từ UBND xã Sơn Màu vào Đắk Panh.
Một trong những đoạn đầy bùn lầy trên đường từ UBND xã Sơn Màu vào Đắk Panh.

Quả thật, sau một giờ vượt con đường đất quanh co dài chục cây số, uốn lượn theo sườn núi. Có những đoạn đường dốc đứng, đầy bùn lầy, xe máy chỉ chạy số 2, số 3, bánh xe quay tít. Có những đoạn đường dốc cao trơn trượt đầy sỏi đá, khiến mọi người... nín thở. Anh Quyền ghì chặt tay lái, bám theo cung đường, nói: “Yên tâm, đoạn này chưa khó đi lắm! Có những đoạn phía trước nguy hiểm hơn!”.

“Con đường này mới mở, nâng cấp và sửa chữa từ năm 2014. Trước đó, người dân phải đi đường mòn trên sườn núi cao hơn. Đường mòn đó còn vất vả và khó khăn hơn thế này nhiều”, chỉ tay lên phía trên núi, anh Quyền cho hay. Vào những năm 2000, lúc chưa tách xã Sơn Tân, cán bộ xã muốn vào Đắk Panh tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước phải mất hàng tiếng đồng hồ đi bộ.

Sơn Màu là xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện Sơn Tây, với gần 78%. Trong đó, thôn Đắk Panh có 88 hộ dân, gần 100% là hộ nghèo. Đắk Panh có hai xóm chính tách biệt nhau là xóm A Ghẻ và xóm A Panh. Riêng A Panh là điểm cuối không có lối mòn đi tiếp. Để đến A Panh, chúng tôi phải gửi xe máy đi bộ trên lối mòn gập ghềnh giữa rừng và băng qua những dòng suối. Những năm trước việc đi lại của người dân rất gian nan, nên đời sống chủ yếu là "tự cung, tự cấp". Chưa kể, những hôm thời tiết bất lợi, Đắk Panh gần như bị cô lập hoàn toàn. Gần đây, thỉnh thoảng có thương lái lặn lội mang hàng, thực phẩm đến bán, nhưng vào đến nơi, cá, thịt cũng đã chuyển màu... Người dân Đắk Panh mới chỉ sử dụng điện vào năm 2015. Trước đó họ dùng điện từ “máy phát điện tự chế” trên những dòng suối. Hiện nay, vẫn còn 20 hộ chưa có điện.

Cái khó từ trường học, y tế đến... cây keo

Chúng tôi đến A Panh khi trời đã quá trưa. Không gian giữa đại ngàn hoang sơ, im ắng đến lạ. Chỉ có tiếng suối chảy róc rách và tiếng gió thoảng qua những ngọn cây. Những ngôi nhà sàn thấp thoáng trên sườn núi, xen lẫn là những tảng đá to. Phía sau A Panh là những dãy núi trùng điệp.

 

Người dân thôn Đắk Panh sử dụng nước từ suối dẫn về.
Người dân thôn Đắk Panh sử dụng nước từ suối dẫn về.


Cũng vì không có đường đi, tại A Panh, điểm trường mầm non xây dựng dang dở phải dừng lại. Bởi việc vận chuyển vật liệu xa xôi, khó khăn, nên chi phí vượt lên, chưa kể đến đoạn không có đường đi phải huy động người dân cõng vào. Những năm học trước, các em nhỏ trong độ tuổi mầm non ở A Panh phải học nhờ nhà dân và giáo viên cũng phải ở nhờ. Lớp học mới được xây, nhưng niềm vui chưa trọn.

Trong năm học mới này, các em phải tiếp tục học nhờ. Còn những em lớn hơn thì học tại điểm trường xóm A Ghẻ. Em Đinh Thị Sáu học lớp 2 kể: “Mỗi buổi sáng em đi bộ từ 6 giờ sáng đến 7 giờ mới tới lớp”. Niềm vui ngày hè của những đứa trẻ nơi đây chỉ là tự chơi với những cái cây, ngọn cỏ trong xóm, hầu như không có sự kết nối, giao lưu với bên ngoài. Sáu là con gái thứ hai của chị Đinh Thị Minh ở xóm A Panh.

Có đứa con lớn năm nay 16 tuổi, đã nghỉ học, nay chị Minh lại sinh đứa con vừa tròn ba tháng tuổi. Cũng như bao phụ nữ Ca Dong khác trong làng, chị Minh sinh ở nhà, nhờ bà mụ đến đỡ đẻ. “Sao không đến trạm y tế?”, chúng tôi hỏi. “Sinh ở nhà thôi!”, chị Minh trả lời. “Lỡ có nguy hiểm thì sao?”, “Không biết nữa!”, chị Minh cười trả lời.

Cả xóm A Panh có 44 hộ thì chỉ vài hộ có ti vi. Với nhiều người, ti vi vẫn còn là điều lạ lẫm, bởi mua về không biết để làm gì. Sách báo hay những phương tiện chuyển tải thông tin cũng là điều xa lạ. Phương tiện giải trí duy nhất của anh Công là chiếc điện thoại cũ kỹ dùng mở những bài hát... Đường sá xa xôi, cách trở dẫn đến đời sống người dân ở A Panh thiếu thốn đủ bề và trình độ dân trí thấp, nạn tảo hôn vẫn còn. “Chúng tôi nhiều lần tuyên truyền nhưng có những trường hợp không thể ngăn được. Chưa kể vì không có đường đi nên việc mua bán, tiêu thụ sản phẩm của đồng bào làm ra rất khó khăn”, anh Nguyễn Quyền - Chủ tịch UBND xã Sơn Màu bộc bạch.

Câu chuyện về con đường dường như là nỗi lo thường trực của bất kỳ người dân nào ở Đắk Panh khi trao đổi với khách. Bởi nói như anh Công: “Mình trồng keo lớn rồi không biết thu hoạch thế nào nên cứ để đó. Không có đường đi nên không có ai vào mua keo cả!”.

Chuyện đoàn kết tương trợ nhau

Sống nơi rẻo cao, hiểm trở, những mái nhà sàn của đồng bào Ca Dong ở Đắk Panh được dựng san sát nhau. Nhìn những mái ngói trong xóm đều phai màu hệt nhau, anh Đinh Văn Công cho hay: “Ở đây mỗi lần làm việc gì lớn như dựng lại nhà mới, mọi người rủ nhau cùng làm. Người dân huy động nhau cùng vác gỗ, khiêng ngói từ dưới lên, luân phiên xong nhà này đến nhà khác. Nhà nào đông người thì dễ, nhà nào chỉ có hai vợ chồng làm sao khiêng hết ngói cho nổi, cho nên chúng tôi phải đồng lòng như vậy mới dựng nhà được”.

Những năm qua, từ các chương trình hỗ trợ cho đồng bào ở vùng cao như Chương trình 135, 30a, người dân ở Đắk Panh được hỗ trợ trồng cây sưa và nuôi dê. Họ cùng nhau trồng trọt, chăm sóc và bảo vệ. Hy vọng đến lúc thu hoạch, sẽ có những thành quả, góp phần cải thiện đời sống.

“Con đường đất mới mở hiện mới tới thôn Đắk Pao. Chúng tôi mong có đường mở vào đến xóm để người dân kết nối, giao lưu và thông thương với các nơi, để đời sống người dân được nâng cao”, anh Công gửi gắm.

Trên đường quay ra, những chiếc mũ bảo hiểm chúng tôi để lại trên tảng đá to lúc đi bộ vào vẫn còn nguyên vị trí cũ. Dường như cả ngày, Đắk Panh vắng lặng. Khi chia tay, người dân thôn Đắk Panh hỏi chúng tôi: “Đường đi vất vả vậy, lần sau còn trở lại với Đắk Panh nữa không?”. “Có chứ!”, chúng tôi trả lời. Và hy vọng rằng, với sự hỗ trợ từ Nhà nước và sự đồng lòng của người dân, "mùa xuân" sẽ về với rẻo cao Đắk Panh.

Bài, ảnh: BẢO HÒA

 


CÁC TIN KHÁC
.