(Báo Quảng Ngãi)- Cấp trên bảo thương binh Đinh Trua ở xã Long Môn (Minh Long) khá xuất sắc trong công tác dân vận. Còn anh em cựu chiến binh thì bảo ông là cây “lý sự” của làng. Nhờ “lý sự” của ông mà việc lớn, việc nhỏ trong làng hanh thông...
Già làng Đinh Trua có đôi mắt sáng và nụ cười hiền, mới gặp ông đã thấy ấm áp. Đưa bàn tay thô ráp, chai sần, chỉ lên ngọn núi Thạch Bích cao chất ngất, ông kể: “Trước ngày giải phóng, làng ở trên đó ấy. Mình lớn lên lúc chiến trường giục giã, lớp lớp thanh niên đồng bào dân tộc tham gia tòng quân. Năm 1964, mình vào bộ đội. Rồi cuộc chiến kéo mình đi...”
“Con chim muốn bay cao phải học hỏi”
Đến đầu năm 1974, trong đợt tiến công về giải phóng Minh Long- huyện lỵ quê nhà, mở đường cho giải phóng tỉnh Quảng Ngãi, ông Trua bị thương. Khi sức khỏe phục hồi cũng là lúc quê hương được giải phóng, ông Trua phục viên, chân không còn lành lặn nữa, nên khoát ba lô tập tễnh, ngược lối mòn tìm về làng.
Ông Đinh Trua vui với bầy cháu nhỏ. ẢNH: cẩm thư |
Làng nhỏ có những nếp nhà sàn xinh xinh nằm bên sườn núi trong nắng chiều khói tỏa giờ tan hoang. Dòng suối Xà Hoẳn trong vắt mà ngày xưa, nhiều chàng trai, cô gái sau khi đi rẫy về thường hú gọi nhau tắm mát nhiều đoạn bị bom pháo cày xới. Nghe tin anh bộ đội Trua trở về, người làng gọi nhau ra đầu suối để đón. Nhưng sau niềm vui trong ánh mắt người làng gợn lên nỗi âu lo về cuộc sống ngày mai.
|
Trở về, mẹ cũng đã mất, mà cha cũng chẳng còn, nên người làng thương anh Trua lắm. Họ cùng anh chặt cây rừng, cắt tranh làm cho anh cái nhà tạm. Những ngày sau đó, thương binh Đinh Trua tập tễnh lên rẫy cùng người làng vỡ đất hoang trồng lúa.
Mồ hôi, công sức đổ xuống, nhưng cây lúa vẫn cứ ốm tong teo. Thấy đời du canh, du cư cứ luẩn quẩn trong đói nghèo, nên huyện Minh Long chủ trương “hạ sơn”. Rời làng- một quyết định không dễ dàng.
Nhiều người bảo: Đồng bào mình bao đời sống nhờ cái rẫy. Xuống nơi ấy, có biết làm lúa nước như người Kinh đâu? Nhưng biết chủ trương “hạ sơn” là đúng đắn, nên anh thương binh Trua đi vận động bà con.
Ông nói: “Không biết thì phải hỏi, phải học mà”. Rồi nhìn con chim phí bay ngang, ông Trua tiếp lời: “Con chim muốn bay cao cũng phải học cách tung đôi cánh mà...” . Nghe thương binh Trua “lý sự”, những người già trong làng thấy có lý. Và họ đã chọn khu đất hình cánh cung, giữa hai sườn núi Thạch Bích và núi Chành Rành để lập làng mới.
Những ngày sau đó, ông cùng với một số người kéo nhau xuống Hành Dũng, Hành Nhân (Nghĩa Hành) hỏi chuyện trồng lúa, rồi ông đánh bạo cuốc bộ lên huyện “cầu viện” Trạm Khuyến nông triển khai mô hình trồng lúa nước.
“Con cá nuôi mình”
Ngày tháng tiếp nối nhau trên cánh đồng của làng Gò Chè có bao mùa lúa chín vàng ươm. Nhưng lúa có được mùa, có trĩu hạt cho mấy thì người làng cũng chỉ đủ ăn. Tháng ba, sau mùa gặt, con đường vào làng hoa gạo nở đỏ ối là đến Tết ngã rạ, mừng mùa lúa mới mà bữa cơm ngày Tết có khác gì bữa cơm ngày thường đâu!
Ông Trua và nhiều người trong làng suy nghĩ phải thay đổi cách làm ăn để cuộc sống khá hơn. Khi người làng chẳng tìm được cách thức làm ăn mới, ông Trua xốc ba lô xuống đồng bằng tìm đồng đội cũ. Khi về Đức Phổ ghé nhà những người bạn, ông vui mừng khi “mục kích” cảnh những đồng đội năm xưa đào hồ thả nuôi cá trắm cỏ, cá chép .
“Sau chuyến đi đó mình về làng, chọn thửa đất bên con suối Xà Hoẳn để vần đổi công với người làng đào ao. Đào xong, mình bán 5 cây gỗ lớn được 250 nghìn đồng để mua 900 con cá trắm cỏ thả nuôi, rồi vào rừng tìm ổ kiến vàng, hái lá mì làm thức ăn cho cá”- ông Trua kể .
Lứa cá đầu tiên sau 9 tháng nuôi, ông bán được ba triệu đồng. Rồi lứa cá sau đó, ông bán được 4,5 triệu đồng. Nghe ông Trua nuôi cá có bạc triệu, nhiều người đến hỏi chuyện. Ông cười “lý sự”: “Con cá nuôi mình chứ mình có nuôi nó đâu. Nó cũng chịu, thương chịu khó bơi lội kiếm ăn để lớn cho mình bắt bán kiếm tiền mà”. Nói rồi, ông hướng dẫn cho bà con cách đào hồ, nơi mua cá giống.
Cho đến bây giờ, vùng nuôi cá nước ngọt ở hai thôn Gò Chè và Gò Nay có 225 hộ nuôi trên diện tích mặt nước rộng 7ha, cao nhất các huyện miền núi của Quảng Ngãi. Chỉ tính riêng ở Gò Chè đã có 115 hộ dân đào ao nuôi cá. Khi mỗi độ giáp Tết, nhà nhà tát ao, bắt cá, bán cho thương lái lấy tiền, rồi xuống chợ phiên Tam Bảo xã Hành Dũng mua sắm...
“Cựu chiến binh- già làng Đinh Trua là một người gương mẫu, là “trụ cột”của làng Gò Chè. Ông đã huy động được sức dân phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới, thực hiện tốt chính sách dân tộc của Đảng và nhà nước ở địa phương” Ông NGUYỄN VĂN THUẦN- Bí thư Huyện ủy Minh Long. |
“Cây gỗ keo đâu có chân”
Theo ông Trua đi ngược đường lên núi Thạch Bích, ông kể: “Hơn chục năm trước đây, ở Hành Dũng nhiều người trồng gỗ keo bán cho các nhà máy chế biến băm dăm xuất khẩu được nhiều tiền. Mình nghĩ, họ trồng được sao mình không trồng”. Thế là ông cũng tiên phong mua cây keo về rồi ngược đường lên núi Thạch Bích chọn những sườn núi phát dọn để trồng.
Thấy ông trồng keo, bà con trong làng đến hỏi thăm rồi cũng góp tiền mua cây giống về trồng. Chẳng bao lâu, quanh bìa núi đất đá khô cằn, rừng cây bụi dưới chân núi Thạch Bích, núi Chành Rành đã biến thành những rừng trồng gỗ keo xanh tốt. Nhưng rồi, đến kỳ khai thác, người làng “bó tay”. Bởi huyện cố sức lắm cũng chỉ làm con đường từ trung tâm xã về thôn. Còn đường từ thôn về các vùng sản xuất thì đâu có kinh phí. Thế là ông Đinh Trua cùng với các cựu chiến binh vận động bà con mở đường lên núi để khai thác gỗ.
hương binh Đinh Trua, người tiên phong nuôi cá nước ngọt ở Long Sơn (Minh Long). |
Lãnh đạo xã Long Sơn nghe chuyện bán tín bán nghi nên “triệu hồi” ông về xã để hỏi cho rõ. Ông Trua cười, “lý sự”: “Này nhé, mỗi hộ dân ở Gò Chè mình trồng 3 hoặc 4ha gỗ keo, bán mỗi hécta cũng thu được trên 50 triệu đồng. Cứ huy động mỗi hộ bán một hécta gỗ keo đóng góp 500 nghìn đồng, thì sẽ đủ sức làm đường mà”.
Nghe ông phân tích, lãnh đạo xã Long Sơn vui, vì ông đã làm tốt việc khơi dậy sức dân nên đứng ra hợp đồng với một doanh nghiệp mở 3 con đường lên Long Sơn, với kinh phí do dân huy động, đóng góp trên 200 triệu đồng. Ngày phóng tuyến, mở đường, có hộ thấy đụng vào đất của mình lại phàn nàn, ông Trua bảo: “Phải hiến đất. Cây gỗ keo đâu có chân mà theo lối mòn xuống núi được, mà nó không xuống núi thì mày cũng nghèo và lũ làng cũng nghèo thôi”. Nghe ông “lý sự” thiệt hơn, nhiều người hiểu ra cùng nhìn nhau cười và sau đó tham gia hiến đất mở đường.
Bây giờ, làng Gò Chè quê ông Trua không còn chờ đợi mưa về để có nguồn nước cho dân cày cấy mà theo dòng suối Xà Hoẳn nước chảy đêm ngày cho cánh đồng và cho những ao nuôi cá. Dưới chân núi bạt ngàn màu xanh của rừng keo, những ngôi nhà tạm bợ không còn nữa, mà thay vào đó là những ngôi nhà sàn mái lợp ngói. Cuộc sống đã khá dần lên trong sự quan tâm của nhà nước, sự nỗ lực của thương binh Trua và những người làng.
Cũng theo thời gian, anh thương binh 2/4 Đinh Trua ngày nào đã thành ông Đinh Trua- già làng 66 tuổi. Vợ ông bà Đinh Thị Mút, cũng là thương binh 4/4. Họ không có con nhưng thường ngày người làng đi rẫy lại đem con gửi bà chăm sóc, nên nhà đâu vắng tiếng cười con trẻ.
Còn ông Trua, tuổi già bước chân như tập tễnh hơn, nhưng nụ cười vẫn thế. Ông vẫn đi rẫy, vẫn say việc làng và chẳng quên “lý sự”. Ông nói: “Năm nay, mình sẽ huy động dân làng đóng góp kinh phí để mở đường qua suối Xà Hoẳn đến Hóc Lìn để bà con thuận lợi hơn trong việc làm lúa, trồng rừng”.
Bài, ảnh: CẨM THƯ