Tiếng vọng Cà Ninh

04:06, 10/06/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Xã Bình Phước (Bình Sơn) là nơi sở hữu trên 70% diện tích rừng ngập mặn của toàn tỉnh. Nơi đây được xem là nơi sinh sôi tự nhiên của tôm cá; là “lá chắn” bảo vệ môi trường. Sẽ rất tiếc nếu trong thời gian sắp đến, rừng ngập mặn bị xóa sổ để nhường đất, phục vụ dự án.

TIN LIÊN QUAN

Tiếc, nhưng vì sự phát triển chung

Rừng ngập mặn (RNM) ở xã Bình Phước có tổng diện tích khoảng 120ha. Trong đó, 70ha là rừng dừa nước lâu năm, còn lại là luồng lạch... tập trung nhiều nhất ở thôn Phú Long 1. Sắp tới đây, khi dự án của Công ty Cổ phần Bột giấy VNT 19 triển khai, thì 102ha RNM nằm trong vùng quy hoạch. Hiện 146 hộ dân nằm trong diện đền bù, đang được kiểm kê, áp giá. Theo thiết kế, khi dự án hoàn thành, khu RNM sẽ xây dựng thành bể chứa nước phục vụ cho việc sản xuất giấy. Những cánh RNM bạt ngàn dừa xanh, đầy ắp cá tôm đang đứng trước nguy cơ bị “khai tử”.

Rừng ngập mặn ở Bình Phước (Bình Sơn) là nơi trú ngụ của tôm cá, động vật các loại, có ý nghĩa lớn về mặt môi sinh.
Rừng ngập mặn ở Bình Phước (Bình Sơn) là nơi trú ngụ của tôm cá, động vật các loại, có ý nghĩa lớn về mặt môi sinh.


Nhắc về dự án lớn nhất từ trước đến nay triển khai trên địa bàn xã mình, ông Nguyễn Quang Vũ - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Phước nói chắc nịch rằng: “Không ở đâu trong tỉnh được thiên nhiên hào phóng ban tặng cánh RNM đẹp như quê hương tôi. Nhưng giờ phải nhường cho dự án, khiến ai cũng tiếc. Trong cuộc họp giữa chính quyền, nhân dân và phía chủ đầu tư, xã cũng nêu ý kiến. Họ mong chủ đầu tư khi triển khai dự án, thì cố gắng giữ lại rừng dừa nhiều nhất đến mức có thể. Gửi gắm tâm tư là vậy, nhưng khi “ván đã đóng thuyền”, hàng trăm hécta RNM được chuyển quyền sử dụng sang nhà đầu tư, thì không ai dám chắc rừng dừa sẽ được giữ, môi trường sẽ được đảm bảo. Đó là điều mà ai cũng trăn trở”.
 

"Để hình thành một khu rừng đặc biệt như vậy không phải là chuyện ngày một ngày hai. Cái gì quý thì cần phải bảo vệ, phát huy, không chỉ để cho hôm nay mà còn gìn giữ cho cả mai sau".
  Ông HỒ MINH SƠN - Phó Phòng NN&PTNT huyện Bình Sơn.

Hôm chúng tôi theo những bậc cao niên, xuôi theo con đường liên xã dẫn về rừng dừa Cà Ninh, lúc vừa đặt chân đến đây, thấy có người lạ lỉnh kỉnh ba lô, máy ảnh đến xóm, lão ngư Nguyễn Ngọc Minh, ngụ thôn Phú Long 1 hỏi dò: “Nhiếp ảnh gia về đây chụp ảnh phải không? Cách đây vài hôm cũng có một anh làm nghề này nhờ tôi chèo ghe chở ra rừng dừa Cà Ninh. Số là ảnh nghe thông tin rừng dừa sẽ có nguy cơ bị xóa sổ, để nhường đất cho dự án nên về đây chụp một loạt ảnh về rừng dừa Cà Ninh này để làm kỷ niệm, sợ mai này không còn nữa. Thú thật là bà con mình ở đây khi hay tin cũng tiếc lắm!”.

Ông Minh nói rồi giơ cánh tay không còn lành lặn của mình ra bảo: “Tui bị tai nạn lao động, cụt mất một bàn tay, đi xin việc ở đâu họ cũng lắc đầu, phải ở nhà mưu sinh trên cánh RNM này, tính ra cũng gần 40 năm rồi. Nhà có tám miệng ăn, thì có ba người gắn bó đời mình với sông nước Cà Ninh. Cá tôm quần tụ về đây nhiều. Có ngày may mắn thu nhập cả triệu. Còn giờ mỗi ngày cũng kiếm được dăm ba trăm. Tui nói thiệt bụng mình, bây giờ mà rừng Cà Ninh nhường cho dự án thì bà con xóm này rầu ruột lắm!”.

Xóm Cà Ninh, thôn Phú Long 1 có khoảng 80 hộ dân, thì 2/3 trong số đó sống nhờ vào cánh rừng Cà Ninh. Ở đó bà con trồng dừa rồi chặt lá bán và đánh bắt thủy sản tự nhiên. Giơ mẻ lưới đầy ắp các loại cá chỉ sau thời gian ngắn thả xuống, lão ngư Phạm Ngọc Tích ngụ thôn Phú Long 1 cười hiền: “Chừng này là về ăn đã đời. Ở đây tôm cá là thứ không thiếu, ăn nhiều đâm ra ngán. Thành ra, người sành ăn cá chỉ chọn những loại tươi ngon nhất như cá hanh, cá chình để ăn, còn lại mang đi bán”.

Lời của lão ngư thạo nghề sông nước Phạm Ngọc Tích khiến chúng tôi nhớ đến lúc mới manh nha về khám phá Cà Ninh. Ông Nguyễn Quang Vũ- Phó Chủ tịch UBND xã Bình Phước cũng bảo rằng: "Xã Bình Phước không có biển, nhưng hằng năm khai thác khoảng 25 tấn hải sản các loại. Hệ thống RNM ở đây là nơi trú ngụ của nhiều loại cá nước ngọt, nước lợ, giúp cho một bộ phận người dân có cuộc sống khá ổn định".

 “Núm ruột” của quê hương

Ngồi trên con thuyền nhỏ, băng qua những luồng lạch trên cánh rừng dừa Cà Ninh yên ả lúc trời đã ngả về chiều nhưng còn rất đông đàn ông, phụ nữ đang tần tảo mưu sinh. Ông Lê Hồng Viện, nguyên là Xã đội phó xã Bình Phước bảo rằng, bây giờ thì bình yên rồi, chứ trong kháng chiến chống Mỹ, rừng dừa Cà Ninh này là trung tâm của những trận đi càn, dội bom đạn, pháo kích của địch. Chúng nhắm vào rừng dừa bắn phá ngày đêm, hòng làm cho mình không còn chỗ trú ẩn. Nhưng cái giống dừa này lạ lắm! Bom đạn tàn phá mấy, nhưng cây vẫn hiên ngang nảy mầm vươn lên xanh tốt.

Nguồn lợi thủy sản ở rừng ngập mặn xã Bình Phước là nguồn sinh kế của rất nhiều hộ dân.
Nguồn lợi thủy sản ở rừng ngập mặn xã Bình Phước là nguồn sinh kế của rất nhiều hộ dân.


Ông Viện kể: Trong số những trận đánh giữa ta và địch thời kỳ ấy, nhớ nhất là trận  tháng 2.1967. Lúc đó khoảng 8 giờ sáng, khi anh em đang chăm sóc vết thương cho thương binh  thì một tiểu đoàn bộ binh của địch càn xuống. Tôi nói với anh em du kích, gấp rút triển khai ngay phương án đánh địch. Sau gần 30 phút đánh giáp lá cà thì địch hoảng sợ, phải dùng 3 trực thăng đổ bộ xuống để đưa quân rút đi. Từ đó chúng không bao giờ dám càn xuống đây nữa. Bây giờ hòa bình rồi, tôi chỉ mong cái rừng Cà Ninh này được xanh tốt mãi, chứ phá đi thì tiếc lắm!”.

Câu chuyện về những trận đánh năm xưa bị ngắt quãng bởi sự xuất hiện của ông Thới Hồng Phước, người bạn lâu năm của ông Viện. Ông Phước cũng từng là du kích địa phương, hiện đang giữ chức Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong của xã. Khi chúng tôi khơi chuyện, ông Phước trầm ngâm kể: “Hồi chiến tranh, tụi tôi ẩn nấp hết dưới rừng dừa Cà Ninh này. Lúc đó, rừng này có đủ các loại cây, rộng gấp đôi bây giờ. Tụi tôi hoạt động ở đây. Bà con đi đánh bắt cá, lúc nào cũng tạt vào dúi cho mớ cá tôm. Chiến tranh mà, có mấy thửa ruộng sản xuất được đâu. Không có cá tôm bà con đánh bắt được để bỏ bụng, anh em khó trụ vững. Năm ngoái anh em du kích năm xưa họp mặt, rồi về thăm lại rừng dừa Cà Ninh. Ai cũng hy vọng nơi đây sẽ được xây dựng thành khu du lịch sinh thái, vừa bảo vệ môi trường, vừa có thu nhập. Như cánh rừng dừa Bảy Mẫu ở Quảng Nam đó, mình mà làm được vậy, cái bụng ai cũng ưng!”- ông Phước chia sẻ.

 Lá dừa ở Cà Ninh có giá trị kinh tế cao.
Lá dừa ở Cà Ninh có giá trị kinh tế cao.


Mới đây, khi tham gia ý kiến đối với việc thỏa thuận ranh giới hai hồ chứa nước tự nhiên cung cấp nước cho dự án Nhà máy bột giấy VNT 19, Phòng NN&PTNT huyện Bình Sơn cũng đã có những ý kiến đề xuất nhằm giữ lại rừng dừa Cà Ninh. Ông Hồ Minh Sơn- Phó Phòng NN&PTNT huyện Bình Sơn cho biết: Dự án nào liên quan đến dân sinh, cũng rất cần được tính toán kỹ yếu tố tác động đến môi trường. Vì vậy,  Phòng NN&PTNT đã tham mưu cho huyện đề xuất lên tỉnh, giữ lại khoảng 50ha dừa nước ở Cà Ninh. Về vấn đề bù đắp phần diện tích hồ chứa nước phục vụ nhà máy giấy VTN 19 còn thiếu, Phòng đề xuất khảo sát chọn vị trí ở khu vực đồng cỏ Lác nằm giáp ranh ba xã Bình Phước, Bình Đông, Bình Trị.

Rừng dừa ở Cà Ninh đã có lịch sử phát triển từ rất lâu, có ý nghĩa rất lớn về mặt sinh thái, điều hòa khí hậu... Để hình thành một khu rừng đặc biệt như vậy không phải là chuyện ngày một ngày hai. Cái gì quý thì cần phải bảo vệ, phát huy, không chỉ để cho hôm nay, mà còn gìn giữ cho cả mai sau.

Bài, ảnh: NGỌC VIÊN   

 


CÁC TIN KHÁC
.