(Baoquangngai.vn)- Bàn tay chai cứng, đôi bàn chân thô ráp… đó là vài nét chân dung về những người làm nghề hái cau. Nghề mà người ta ví dí dỏm là ăn cơm mặt đất làm việc trên trời. Hàng ngày họ luôn phải đu mình vắt vẻo trên những ngọn cau cao chót vót để mưu sinh.
Lơ lửng... mưu sinh
Nắng đã lên, nước mưa không còn đọng trên những thân cau. Khi thân cau bắt đầu có độ nhám, bớt trơn trượt cũng là lúc anh Nguyễn Văn Luận (40 tuổi) ở xã Đức Nhuận (Mộ Đức) rong ruổi xe dạo đến các nhà có cau ở xã các xã Đức Thắng, Đức Lợi để mua cau. Trong hàng trăm nghề mưu sinh, anh Luận lại chọn cho mình nghề buôn, hái cau để mưu sinh. Hơn 10 năm gắn với việc đu mình trên ngọn cau cuộc sống của anh gần như “sống ở lưng trời”.
Sau khi thỏa thuận giá với chủ vườn. Giắt chiếc dao cắt cau vào bên hông mình và tròng chiếc nài leo cau vào đôi chân. Thoắt cái, cây cau cao gần 15m được anh "chinh phục" chưa đầy 30 giây. Đu mình vắt vẻo trên thân cau, cả người của anh đong đưa, ngả nghiêng theo ngọn gió mỗi khi gió mạnh thổi.
Lên tới ngọn cau, anh như chú sóc, bám đu quanh ngọn cau chọn thế đứng hái. Một tay anh vịn cây cau, tay còn lại chọn những buồng cau ưng ý để hái. Sau khi chọn xong, anh đưa con dao sắc lẹm, cứa vào cùi cau. Nhanh thoắn thắt, một tay cầm buồng cau vừa hái, tay còn lại anh ôm thân cau, tụt người xuống đất một cách nhanh nhẹn. Cứ thế, anh "chinh phục" hết cây cau này đến cây cau khác trong vườn.
Hằng ngày, những người hái cau luôn lơ lửng trên cây để mưu sinh |
Tranh thủ lúc anh giải lao, chúng tôi lại gần tìm hiểu xem nỗi vất vả cũng như “lời lãi” từ nghề này. Mồ hôi nhễ nhại, uống xong ngụm nước anh Luận mở đầu câu chuyện khá cởi mở với chúng tôi.
"Nghề này đòi hỏi phải có sức khỏe tốt và không sợ độ cao. Với bộ dụng cụ hành nghề đơn giản gồm con dao và chiếc nài, bình quân mỗi ngày tôi có thể vắt vẻo trên cả hơn trăm cây cau"- anh Luận chia sẻ.
Theo giải thích của anh Luận, để có thể leo được lên thân cau cao chót vót dễ dàng thì chiếc nài rất quan trọng. Nài là một cái vòng bằng dây thừng bện chặt. Người leo cau xỏ hai bàn chân vào đấy, tỳ vào thân cây cau làm điểm tựa rồi leo lên.
Không giống như những nghề khác, người buôn chỉ cần đến thu mua những loại hàng người bán đã hái sẵn. Với nghề buôn cau, người mua kiêm luôn người hái. Thế nên, chẳng riêng anh Luận mà không ít người đàn ông gắn bó với nghề này, hằng ngày phải lơ lửng trên ngọn cau làm chốn mưu sinh.
Làm bằng nhiều vật liệu khác nhau, song chiếc nài là dụng cụ không thể thiếu để "chinh phục" những cây cau cao chót vót |
Cây cau ra hoa kết trái quanh năm, nhưng từ đây cho đến Tết Nguyên đán mới là chính vụ. Hiện tại, đầu ra cau tươi đang ổn định nên đội quân thu mua cau hàng ngày rong ruổi khắp nơi trên địa bàn tỉnh để mua cau của người dân về bán cho các đại lý thu mua.
Anh Huỳnh Thanh Phong ở xã Nghĩa Phương (Tư Nghĩa)- một người thu mua cau cho biết: Vì trên địa bàn tỉnh, cây cau được trồng phân bố rải rác ở nhiều nơi nên mỗi chuyến đi của anh có lộ trình hàng chục đến cả trăm cây số mới tới được các thôn xóm có cau để thu mua.
"Để giữ mối hàng, thường ngay từ đầu mùa những quả non bắt đầu hé ra, tôi cũng như nhiều thương lái khác tìm đến từng nhà có cau để đặt cọc. Nếu gặp thời tiết thuận lợi, giá cả ổn định, mỗi mùa tôi cũng thu lãi được vài chục triệu đồng, đủ trang trải cuộc sống"- anh Phong bày tỏ.
Song, tình hình đầu ra có nhiều bất ổn những năm qua, người buôn cau gặp không ít rủi ro khi đặt cọc tiền trước. "Nhiều năm trong nghề tôi cũng từng thắng và thua không ít mùa cau. Có năm thì do rớt giá, năm lại do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, năm thì đầu ra không có… nhưng đã theo nghề thì phải bám lấy nghề"- anh Phong chia sẻ.
Nghề nguy hiểm
Nhìn những động tác “leo trèo” thoăn thắt trên những thân cau ai cũng nghĩ đấy là việc làm đơn giản, nhưng kỳ thực có làm nghề mới hiểu được nghề. Để hái được những buồng cau trên cao chót vót là mồ hôi, nước mắt của không ít người hái cau.
Trải lòng mình với chúng tôi, anh Luận cho hay: Cực lắm chú à! Nhìn thì đơn giản nhưng vất vả và nguy hiểm đấy. Đôi khi người trèo cau còn đánh cược cả mạng sống của mình. Bởi chỉ cần chút sơ sẩy, coi như không có cơ hội rút kinh nghiệm lần thứ hai.
Là người “thâm niên” trong nghề, nhưng anh Luận cũng không ít lần gặp phải những tình huống nguy hiểm như trượt chân, tay, kiến đốt… Nhìn bàn tay, bàn chân, thân mình của anh Luận không ít những vết sẹo, chúng tôi có thể mường tượng những nguy hiểm mà anh phải đối mặt.
Để thu mua được nhiều cau, người thu mua cau phải trải qua không ít những nguy hiểm rình rập |
Với việc trèo lên những thân cau cao chót vót mà không có bất cứ một hình thức bảo hộ nào ai cũng biết rất nguy hiểm. Nhưng vì miếng cơm manh áo buộc những người đàn ông chọn nghề ngày phải chấp nhận.
Mỗi nghề mỗi nghiệp, mỗi tai ương rình rập khác nhau. Hơn một thập kỷ làm nghề, đã trải đủ vui buồn. Nhiều lần đã tính chuyển nghề khác cho an toàn, ít rủi ro, nhưng rồi quanh đi quẩn lại, anh vẫn gắn bó với nghề này. “Biết là vất vả và nguy hiểm, nhưng phải chấp nhận, vì không có việc làm gì làm ổn định. Nhiều lần muốn “giải nghệ”, nhưng nếu nghỉ thì lấy gì để mưu sinh, lo toan cuộc sống"- anh Luận giãi bày.
Được “mục sở thị” nghề hái cau chúng tôi càng hiểu hơn nỗi vất vả, cực nhọc… của người làm nghề. Thế mới biết “Đồng tiền chân chính kiếm đâu có dễ”!
Bài, ảnh: Bảo Ngọc