Nhọc nhằn cùng sông nước

08:03, 08/03/2013
.

(QNĐT)- Vốn dĩ, nghề đánh, bắt thuỷ, hải sản chỉ dành cho giới đàn ông khoẻ mạnh, cao lớn. Thế nhưng, ở những làng chài ven biển, người phụ nữ vẫn phải bất chấp gian khổ, lăn lộn với sóng gió quanh năm để cùng chồng nuôi con ăn học.
 
 
Người phụ nữ yếu mềm trở nên mạnh mẽ khi luôn mang theo mình nỗi nhọc nhằn vì miếng cơm manh áo. Vì chồng, vì con, họ vẫn can đảm vượt sóng to, gió lớn để theo thuyền ra biển mưu sinh.
 
Sống chết cùng nghề
 
Vừa thả xong 90 chiếc rập xuống làn nước đang chảy êm đềm trên cửa sông Phú Thọ, chị Nguyễn Thị Bé ở thôn Phổ Trung, xã Nghĩa An, Tư Nghĩa quệt mồ hôi, vui vẻ nói: “Thả rập vậy là xong rồi. Chờ đến 3 giờ sáng mai thì đi kéo rập”. Thả rập, đánh bắt cá, đó là cái nghề nuôi sống gia đình chị từ 6 năm nay, kể từ khi anh Nguyễn Văn Hậu- chồng chị bị bệnh tim hành hạ.
 
 
Chị Nguyễn Thị Bé cùng chồng chuẩn bị rập để đi đánh, bắt ở cửa sông
Chị Nguyễn Thị Bé cùng chồng chuẩn bị rập để đi đánh, bắt ở cửa sông
 
 
“Đoạn thả rập còn đỡ, chứ lúc kéo thì vất vả hơn. Phải tốn 2-3 tiếng đồng hồ mới kéo xong 90 cái rập vừa thả. Mà tui phải lo đi kéo sớm để kịp bán cá cho buổi chợ sớm”- chị Bé tiếp lời.
 
Nghề thả rập cần phải có một sức khoẻ và đôi tay rắn rỏi để kéo từng chiếc rập nặng hàng chục ký ra khỏi làn nước. Ấy vậy mà, người phụ nữ ấy vẫn kiên cuờng bám lấy cái nghề chẳng dành cho mình. 6 năm làm nghề, đôi tay chị giờ đã chai sạn với nhiều vết trầy sướt do lưới cứa vào tay.
 
Thế nhưng, với chị, nỗi vất vả khi làm nghề này chẳng hề hấn gì so với niềm vui khi có tiền trang trải cuộc sống nuôi 2 con ăn học và có tiền thuốc thang cho chồng. Do vậy, có lúc trời yên biển lặng, chị cũng liều mạng cùng chồng bơi chiếc ghe nhỏ ra biển cách bờ đến 5, 6 hải lý để thả rập, kiếm thêm thu nhập.
 
Chị chia sẻ: Làm nghề nào cũng có cái cực của nghề đó. Nhưng muốn có tiền thì phải chịu khổ thôi. Lúc biển động thì 2 vợ chồng chỉ bơi thuyền, thả rập ở cửa sông. Nhưng biển lặng thì phải đi xa mới có nhiều cá.
 
Không ít lần, chị suýt bỏ mạng giữa biển khơi. “Đó là buổi sáng mùa mưa của năm 2007. Đang ra sức kéo rập ở cách bờ chừng 2 hải lý thì bất ngờ có cơn sóng lớn làm chiếc thuyền chông chênh. Do đứng không vững nên chị bị ngã nhào, chới với giữa làng nước biển lạnh cóng. May mà có chồng tôi lôi lên kịp, không là chết luôn rồi!”- chị Bé bồi hồi kể lại.
 
Không ít lần gặp hiểm nguy, nhưng nhiều phụ nữ vẫn bám lấy nghề trên miền sông nước nhọc nhằn
Không ít lần gặp hiểm nguy, nhưng nhiều phụ nữ vẫn bám lấy nghề trên miền sông nước nhọc nhằn
 
 
Trải qua nhiều phen kinh hồn như vậy, nhưng chị chẳng thể bỏ nghề. Bởi, theo lời chị nói, đàn bà có sinh mạng gắn liền với vùng sông nước từ thuở nhỏ, thì biết làm gì hơn ngoài việc bám lấy nghề sông nước, dù sống dù chết!
 
Nhọc nhằn “đời biển”
 
Ở xã Nghĩa An (Tư Nghĩa), không chỉ có chị Bé mà còn có rất nhiều phụ nữ cũng bám lấy nghề đánh bắt cá để mưu sinh. Không phân biệt nam nữ, những nguời đàn bà ấy vẫn làm những việc nặng nhọc từ thả rập, đi câu đến kéo lưới trên những chuyến đi biển dài ngày.
 
Chị Đỗ Thị Xu (54 tuổi) cũng là một trong những điển hình cho mẫu người phụ nữ kiên cường ở Nghĩa An. Quanh năm lặn lội sớm khuya với sông nước, nỗi khổ cực của chị chẳng thể nào tả xiết.
 
Cùng cha đi biển từ thuở mới 15 tuổi, chị Xu hiểu hết nỗi thống khổ và những gian truân của nghề chỉ dành riêng cho đàn ông. Là thân phận nữ nhi, chẳng ai muốn đời mình phải bươn chải ngược xuôi. Từ nhỏ, chị đã có ước mơ về cuộc sống êm đềm cùng chồng con.
 
 
Đến tuổi ngũ tuần, chị Đỗ Thị Xu vẫn muốn gắn liền với những chuyến đi biển dài ngày
Đến tuổi ngũ tuần, chị Đỗ Thị Xu vẫn muốn gắn liền với những chuyến đi biển dài ngày
 
 
Thế nhưng, nỗi gian truân cứ đeo bám chị mãi không thôi. 28 tuổi, chị kết duyên cùng người đàn ông cũng làm nghề biển khơi xa. Hạnh phúc chẳng tày gang thì chị hay tin người chồng tử nạn trên biển, bỏ lại người vợ đang mang thai mới 2 tháng tuổi.
 
Cũng từ đó, cuộc đời chị gắn liền với những chuyến đi biển dài 3-10 ngày. Đàn ông làm biển đã thấy vất vả. Phụ nữ làm nghề biển lại càng vất vả đến trăm lần. Chị kể: Ban đầu, mình còn e ngại lắm. Trên thuyền toàn là đàn ông, chỉ có mỗi mình là phụ nữ. Nhưng riết rồi cũng thành quen. Người ta lao động ra sao thì mình cũng làm y vậy, không phân biệt gì hết. Vất vả nhiều nhưng thu nhập cũng khá, miễn sao có đủ để nuôi con ăn học là được.
 
Những chuyến đi biển dài ngày mang theo nỗi vui buồn của đời chị. Nhiều lần lao động kiệt sức, chị lăn ra ốm giữa biển khơi. Tủi thân không kể hết. Nhưng rồi, chị nghĩ đến đứa con thơ đang cần mẹ, chị nghĩ đến tương lai tươi sáng đang ở phía trước, chị lại cố gắng gượng bám lấy nghề.
 
Chị Xu chia sẻ: “Nghề đi biển chỉ dành cho đàn ông. Nhưng từ nhỏ, số phận mình đã run rủi gắn liền với biển thì tôi cũng phải cố gắng mưu sinh bằng nghề này. Chỉ cần nghĩ đến đứa con thơ là dù có vất vả thế nào tôi cũng vượt qua được”. Cứ thế, nỗi nhọc nhằn cứ oằn lên đôi vai nguời phụ nữ bất hạnh.
 
Đến lúc này, khi tuổi đã qua ngũ tuần, con chị đã khôn lớn, có thể lo cho chị cuộc sống no đủ nhưng thỉnh thoảng chị cũng vẫn theo thuyền đi khơi. Bởi, nếu không làm nghề, chị sẽ rất buồn, rất nhớ. Đi biển đã trở thành cái nghiệp, thấm vào máu chị tự bao giờ.
 
 
 
Bài, ảnh: Thanh Phương
 

CÁC TIN KHÁC
.