Tuổi thơ nhọc nhằn bên đầm Nước Mặn

04:05, 31/05/2012
.

(QNĐT)- Đầm Nước Mặn - Sa Huỳnh (Đức Phổ) với diện tích trên 210ha là nơi neo đậu tàu thuyền và lưu dẫn nước mặn cho đồng muối bên cạnh. Đây cũng là nơi mưu sinh của hàng trăm dân nghèo, trong đó, có nhiều em nhỏ. Thu nhập chẳng đáng là bao, nhưng các em đã phải trải qua những chuỗi ngày cơ cực, thậm chí đánh đổi cả mạng sống do bị đuối nước.
 

TIN LIÊN QUAN


* Tuổi thơ cơ cực

Do đôi mắt bị loạn thị khá nặng, nên việc chép bài trên lớp với em Phùng Thị Giàu (SN 2010) học sinh lớp 4A, Trường tiểu học số 3 Phổ Thạnh luôn gặp nhiều khó khăn vì không thể nhìn rõ chữ, mặc dù được xếp ngồi phía trước. Tuy vậy, sau những giờ lên lớp, em lại lặn lội ra đầm Nước Mặn Sa Huỳnh để nhặt từng con hàu mang bán kiếm tiền phụ giúp mẹ lo cho cuộc sống gia đình.

Hai em nhỏ đang nhặt hàu trên đầm Nước Mặn - Sa Huỳnh
Hai em nhỏ đang nhặt hàu trên đầm Nước Mặn - Sa Huỳnh


Sau mỗi buổi dầm mình trong làn nước lạnh, em nhặt được khoảng 0,5kg hàu với giá dao động từ 20.000 – 30.000 đồng. Có những hôm rét lạnh tím tái, nhưng lượng hàu nhặt được chẳng đáng là bao, chỉ đủ nấu bát canh rau để bữa cơm đạm bạc có thêm chất tươi. Những khi bị rơi kính, em cứ mò mẫm tìm kiếm khiến cho nhiều người mưu sinh trên đầm phải ái ngại.

Những người lớn tuổi luôn ngăn cản vì lo ngại em sẽ bị ngã xuống hố nước sâu do mắt kém, nhưng bước chân của em vẫn tìm đến đầm nước. “Em muốn kiếm đủ tiền mua chiếc xe đạp và sắm quần áo mới để mặc đến trường…” – Giàu thỏ thẻ.

Cô giáo Nguyễn Thị Kim Oanh – Phó Hiệu trưởng nhà trường rớm lệ cho biết: Gia cảnh của Giàu rất khó khăn, cha mất sớm, nguồn thu nhập chính của gia đình chỉ dựa vào những gánh muối bán rong của mẹ mua lại từ những diêm dân trong vùng. Vì vậy, anh trai của Giàu chỉ mới 14 tuổi phải nghỉ học vào TP. Hồ Chí Minh gõ hủ tiếu thuê. Cả năm, em chỉ có mỗi một bộ quần áo đã sờn rách để mặc đến trường...

Không chỉ riêng Giàu, nhiều em học sinh khác phải cáng đáng những công việc nặng nhọc và nguy hiểm để phụ giúp gia đình. Một số em phải nghỉ học, mặc dù nhà trường đã nhiều lần động viên và quyên góp giúp đỡ, nhưng chẳng thấm vào đâu vì gia cảnh quá khó khăn.

Vừa tròn 12 tuổi, em Nguyễn Văn Nhẫn đã có hơn 1 năm cào sò, bắt ốc và hàu trên đầm Nước Mặn. Cha mất sớm vì tai nạn trên biển khi đi bạn (làm thuê) cho một chủ tàu cá ở địa phương. Khoản thu nhập chính của gia đình từ việc làm thuê của mẹ chẳng đáng là bao. Vì vậy, em đành phải nghỉ học để lặn lội trên đầm, kiếm tiền phụ giúp mẹ nuôi hai em ăn học.

“Cứ nước thủy triều rút xuống thấp là em lại ra đầm để bắt sò, ốc và hàu rồi mang về phân loại bán cho những quán nhậu gần nhà. Mỗi bữa em cũng kiếm được từ 30.000 – 50.000 đồng cho mẹ đong gạo nuôi các em. Lớn thêm vài tuổi nữa, em sẽ xin theo mấy bác gần nhà đi biển để kiếm nhiều tiền giúp mẹ nuôi các em ăn học” – Nhẫn nói vội rồi xoay người chạy về phía đám bạn đang cào bới ở khu vực vừa cạn nước.    

 Bà Nguyễn Thị Vân ở thôn Tân Diêm, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ chuyên bắt hàu tại đầm Nước Mặn cho biết: Hiện có rất nhiều em nhỏ tham gia bắt ốc và hàu tại đây. Nhiều khi có hàng trăm em lặn lội trên mặt đầm, nhất là vào những ngày nghỉ cuối tuần. Những em ở độ tuổi 13 – 15 thì còn dùng pin đi soi cua cả ban đêm.

“Để có được vài chục nghìn đồng mỗi ngày, bàn chân thường bị tóe máu khi giẫm phải vỏ hàu, vỏ ốc hay những mảnh thủy tinh vỡ, các ngón tay luôn bị trầy sướt khi gỡ từng con hàu ra khỏi hốc đá. Nhìn những cháu nhỏ bật khóc mỗi khi bị như thế trông thật tội nghiệp” – bà nói.

 Ông Nguyễn Ly – Cán bộ Văn hóa – Xã hội xã Phổ Thạnh cho biết: Hiện trên địa bàn xã có trên 400 trẻ em dưới 15 tuổi thuộc diện hộ nghèo, trong đó có rất nhiều em mưu sinh trên đầm. “Chẳng biết được số lượng cụ thể bao nhiêu, nhưng rất nhiều, có lúc lên đến hàng trăm em” – ông Ly cho biết.

 “Thân hàu” đẫm lệ


Cách đây hơn 1 tháng, vào sáng ngày 10/4, trong khi đi bắt hàu tại đầm, hai em nhỏ là Võ Thị Đây và Lê Thị Mỹ Trinh (cùng SN 2001, ở thôn Long Thạnh 1) đã bị sụp hố nước sâu dẫn đến tử vong. Những người lặn tìm thi thể hai em rơi lệ kể lại: Khi phát hiện, cả hai em đều đưa tay hướng về nhau như muốn níu kéo bạn thoát khỏi tay thủy thần.

Sau khi trò chuyện với chúng tôi, em Nguyễn Văn Nhẫn vội chạy về phía đám bạn đang cào bới ở khu vực vừa cạn nước
Sau khi trò chuyện với chúng tôi, em Nguyễn Văn Nhẫn vội chạy về phía đám bạn đang cào bới ở khu vực vừa cạn nước


“Số hàu con tui kiếm được sau mỗi buổi lặn lội ngoài đầm cũng chỉ đủ nấu bát canh với rau dại quanh vườn, giúp cho gia đình có thêm chất tươi trong bữa cơm đạm bạc. Vợ chồng tui luôn dặn con phải đi theo người lớn để tránh rủi ro, nhưng ai ngờ…” – ông Đặng, bố của em Đây, thổn thức trong nước mắt.

Gia cảnh của ông Đặng hiện gặp nhiều khó khăn với căn nhà lợp tôn bé xíu cùng với 5 người con và người vợ thường xuyên đau yếu. Nguồn thu nhập chính chỉ trông chờ vào hai sào ruộng muối cộng với khoản tiền công ít ỏi từ việc làm thuê của ông. Vì quá cơ cực nên hai con đầu phải nghỉ học đi làm thuê kiếm tiền phụ giúp bố chữa bệnh cho mẹ và lo cho các em. Riêng với em Đây, cứ sau mỗi buổi đến trường lại ra mặt đầm để nhặt từng con ốc, con hàu phụ vào bữa ăn của gia đình.

Bà Nguyễn Thị Nhiễu, mẹ của em Trinh nghẹn ngào kể: Chồng bà là ông Lê Văn Bắc bị điện giật chết cách nay hơn 10 năm, khi ấy em Trinh chưa đầy tuổi. Một mình bà phải lo chạy vạy làm thuê để nuôi 4 con nhỏ. Hoàn cảnh quá khó khăn nên cả ba người con đầu đều phải nghỉ học sớm để làm thuê kiếm sống ở phương xa.

Buổi sáng hôm ấy, Trinh chỉ kịp nhai sống nửa gói mỳ tôm rồi vội ra đầm và khi trở về chỉ còn là tấm thân không hồn, tím tái trên đôi tay của những người hàng xóm. “Cơ cực là vậy mà Hà Bá vẫn không thương tình lại cướp mất con gái của tui…” – bà Nhiễu nức nở.

Trong những năm trước, có nhiều trường hợp bị đuối nước, cả người lớn và trẻ em, khi mưu sinh trên đầm. Vào tháng 9/2009, khi ra thăm hồ nuôi tôm cạnh bờ đầm, anh Nguyễn Chung (SN 1971) ở thôn Long Thạnh 1 đã bị ngã xuống hố nước sâu tử vong, mãi đến hai ngày sau mới tìm thấy thi thể.


Chiều đầu hạ, đầm Nước Mặn - Sa Huỳnh phẳng lặng như tấm gương khổng lồ soi bóng những em nhỏ lặn lội chân trần nhặt từng con ốc, bắt từng con sò, con hàu để mưu sinh. Chia tay với “cát vàng – biển xanh” Sa Huỳnh, chúng tôi cứ băn khoăn: Liệu nỗi đau đuối nước có còn lặp lại?   


Trang Thy
 


CÁC TIN KHÁC
.