Người trồng rau… "đắng lòng" vì thời tiết

07:12, 23/12/2011
.

(QNĐT)- Hiện đang là vụ rau chính của nhiều hộ trồng rau trong tỉnh, thế nhưng mưa lũ vừa qua đã khiến hàng trăm ha rau ở vùng chuyên rau Nghĩa Dũng, thành phố Quảng Ngãi mất trắng. Hiện người trồng rau trong tỉnh tiếp tục xuống giống với hy vọng gỡ gạc với vụ rau trước Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, tất cả đều phụ thuộc vào thời tiết.
 
 
Xã Nghĩa Dũng hiện có 75 ha trồng rau, và cũng là địa phương sản xuất rau an toàn duy nhất của Quảng Ngãi hiện nay. Mỗi năm, vùng chuyên rau ở Nghĩa Dũng cung cấp cho thị trường trong tỉnh hàng ngàn tấn rau xanh các loại và được xem là vùng rau lớn nhất Quảng Ngãi.

Điệp khúc “được giá, mất mùa”

“Chưa bao giờ rau xanh lại được giá như năm nay”. Đây không chỉ là nhận định của những người nội trợ mà là của hầu hết người trồng rau. Chị Nguyễn Thị Tờ, thôn 6, xã Nghĩa Dũng cho biết: Những ngày qua, nhiều tư thương rảo khắp vùng rau Nghĩa Dũng để thu mua với giá rất cao.
 
Rau ngò được mua với giá trên 20 ngàn đồng/kg, rau cải cũng có giá trên 10 ngàn đồng/kg… Giá cao nhưng nông dân không có rau để bán, bởi mưa lũ đã làm hư hết. “Với giá rau cao ngút như hiện nay, nếu 2 sào rau của chị không hư thì có lẽ chị thu cũng được vài chục triệu đồng”- chị Tờ chép miệng tiếc nuối.
 
Nhiều diện tích rau bị hư hại và mất trắng do mưa lũ.
Nhiều diện tích rau bị hư hại và mất trắng do mưa lũ.
 
Rau được giá, lẽ ra đây là tin vui của người trồng rau xanh, thế nhưng khi về vùng chuyên rau Nghĩa Dũng, trên gương mặt người nông dân ai cũng bộc lộ vẻ buồn sầu, bởi một lẽ rau mất mùa. Nhiều hộ nông dân trồng rau ở đây cho biết, chưa bao giờ thời tiết diễn biến thất thường như năm nay. Mọi năm, tháng này là tháng người trồng rau thu hoạch để làm vụ rau mới cho Tết. Còn năm nay, mưa lũ đã làm hư hại gần như hoàn toàn diện tích rau ở Nghĩa Dũng. Để có tiền làm vụ rau mới, không ít hộ nông dân phải chạy vạy mượn tiền để xuống giống cho kịp vụ rau Tết.
 
Ông Tống Thương (64 tuổi), là một trong những hộ dân có diện tích rau xanh nhiều nhất xã Nghĩa Dũng,  cho biết, đợt rau vừa qua ông bỏ ra cả chục triệu đồng gieo trồng gần 1 ha rau xanh. Rau vừa mới lớn chưa kịp thu hoạch thì mưa lũ gây ngập úng hư hại hoàn toàn. Giờ ông phải vay mượn khắp nơi để có tiền xuống giống vụ rau Tết. Ông nói “nếu thời tiết thuận lợi thì vụ rau này có thể thu hoạch sớm để bán mong gỡ gạc lại, còn nếu thời tiết không thuận lợi thì Tết năm nay coi như khỏi… vui”.
 
Nhiều hộ nông dân cấy rau cải cho kịp vụ rau Tết
Nhiều hộ nông dân cấy rau để kịp vụ rau Tết
 
Anh Cao Thanh Vân-Chủ nhiệm HTX Rau an toàn Nghĩa Dũng đưa chúng tôi ra xem những vùng rau vừa được người dân gieo trồng để bán Tết. Anh nói: Hiện vùng rau xã Nghĩa Dũng có khoảng 75 ha, nhưng trong trận mưa lũ vừa qua đã có trên 80% diện tích rau bị mất trắng.

Rau an toàn chờ… thương hiệu

Hiện toàn xã Nghĩa Dũng có 75 ha đất chuyên canh, trong đó diện tích rau an toàn chiếm 11,4 ha. Năm 2006, HTX chuyên canh Rau an toàn được hình thành thu hút 222 xã viên. Có thể nói, những năm qua, nhiều hộ xã viên trong HTX đã thay đổi cách canh tác theo mô hình rau an toàn, qua đó góp phần tạo “thương hiệu” cho vùng rau Nghĩa Dũng.

Tuy nhiên, một thực tế đáng nói là trong những năm qua, Rau an toàn của ở Nghĩa Dũng mặc dù đã có thương hiệu nhưng đây cũng chỉ là chỉ là “thương hiệu” của người trồng rau tự nhận, chứ chưa được cấp thẩm quyền công nhận. Chính vì vậy, gọi là rau an toàn nhưng thực tế những năm qua, người trồng rau an toàn Nghĩa Dũng vẫn phải bán theo kiểu rau đại trà, vì vậy giá rau an toàn cũng chỉ bằng giá rau thường.
 
Sau khi mua lũ làm mất trắng diện tích rau, nông dân Nghĩa Dũng đã gieo vụ rau mới.
Sau khi mưa lũ làm mất trắng diện tích rau, nông dân Nghĩa Dũng đã ra đồng gieo trồng vụ rau mới.
 
Anh Cao Thanh Vân-Chủ nhiệm HTX Chuyên canh Rau an toàn Nghĩa Dũng cho biết: Những năm qua, HTX rau an toàn luôn tìm mọi cách để người dân biết đến, HTX cũng đã đầu tư một cửa hàng bán rau an toàn tại Chợ Quảng Ngãi. Tuy nhiên, trung bình mỗi ngày quày bán rau an toàn này cũng chỉ bán được từ 1,5-2 tạ rau. Con số quá ít so với lượng rau mà xã viên sản xuất ra.

Mới đây, siêu thị Coop Mart Quảng Ngãi cũng đã đặt vấn đề với HTX để thu mua rau an toàn tại Nghĩa Dũng. Tuy nhiên do lượng đặt mua quá thấp, chỉ khoảng 5 tạ/ngày, bên cạnh đó siêu thị cũng yêu cầu phải có nhiều chủng loại rau khác nhau nên bà con xã viên đã không đáp ứng được.

Tuy rau Nghĩa Dũng vẫn chưa được công nhân thương hiệu rau an toàn,  nhưng những năm qua, HTX đã quán triệt đối với tất cả xã viên về phương pháp canh tác rau an toàn, tuyệt đối không lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật mà dùng những loại thuốc sinh học an toàn. Chính vì vậy, mức đầu tư và chăm sóc rau an toàn thường cao hơn rất nhiều theo phương pháp sản xuất rau đại trà. Dẫu biết vậy, nhưng hầu hết các hộ trồng rau an toàn đều chấp nhận.

Cũng theo anh Cao Thanh Vân, thời gian qua, một số cơ quan của TƯ cũng như của tỉnh đã về khảo sát, lấy mẫu đất, mẫu nước tại vùng sản chuyên canh rau an toàn để kiểm tra. Sau khi có kết quả, công nhận vùng đất đủ điều kiện sản xuất rau an toàn thì lúc đó, rau an toàn Nghĩa Dũng mới được công nhận thương hiệu.

“Một khi được công nhận thì chúng tôi sẽ tăng cường hơn nữa việc quảng, bá sản phẩm đưa ra thị trường sẽ có bao bì và in thương hiệu rõ ràng. Lúc đó, rau an toàn sẽ được giá hơn và các xã viên cũng sẽ an tâm”- Anh Vân bộc bạch.

Bài, ảnh: M.Toàn

 


CÁC TIN KHÁC
.