(QNĐT)- Có đất nhưng không sản xuất được; có đường nhưng bị bít lối đi; nhà hư, xuống cấp cũng không dám sửa chữa... Đó là tình cảnh của 57 hộ dân ở xã Bình Đông, huyện Bình Sơn. Họ là những hộ dân nằm trong diện quy hoạch dự án Nhà máy luyện thép Quảng Liên.
Đất ruộng bị bỏ hoang
Đưa chúng tôi ra một số đồng lúa rộng cả chục hécta ở thôn Tân Hy, xã Bình Đông, huyện Bình Sơn. ông Trần Đá (72 tuổi), ở thôn Tân Hy chép miệng nói: “Đã 4 năm nay, cánh đồng này trở nên hoang hóa. Vùng này, đất chật người đông này mà bỏ phí những cánh đồng như thế này thì tiếc đứt ruột cháu à”.
Tôi hỏi, sao mình không làm mà bỏ hoang vậy? Biết tôi chưa hiểu hết sự tình, ông Đá đưa tay chỉ về một bờ bê tông cao ngút của tuyến đường xuống cảng Dung Quất rồi nói: Cháu thấy đó, những đám ruộng bị bít hết đường đi rồi. Người dân muốn vào làm cũng chịu. Mùa nắng thì những ruộng lúa này bị khô cằn, còn mùa mưa thì biến thành ao chứa nước khổng lồ, bởi xung quanh bị bít nên nước không thể thoát được.
Ông Trần Đá chỉ những đám ruộng bị bỏ hoang vì ngập úng. |
Tôi lại hỏi, thế những đám đất ruộng lúa này là đất cấp cho Công ty Quảng Liên à? Ông Đá nói: Của Công ty Quảng Liên thì người dân bức xúc làm gì? Ruộng này của dân. Từ khi Công ty Quảng Liên san ủi mặt bằng thì nó trở nên như thế. Những diện tích này cũng được Ban quản lý KKT Dung Quất đã đo đạc kiểm kê, thế nhưng từ đó đến nay, người dân có thấy nói gì đến đền bù đâu? Đất sản xuất của người dân thì bị phong tỏa và bỏ hoang.
Ông Trần Đá cho biết thêm, những năm trước đây, cánh đồng ở Đồng Cũ này đất màu mỡ lắm, một hécta lúa có thể cho trên 60 tạ, nhưng giờ thì người dân đành đứng nhìn thôi chứ không biết làm sao.
Ông Dương Hồng Quảng-Trưởng Ban công tác mặt trận, Bí thư chi bộ thôn Tân Hy bức xúc: Thôn đã nhiều lần họp dân, và mỗi lần họp thì người dân trong thôn đều bức xúc về việc đất sản xuất của dân bị phong tỏa, gây ngập úng, không sản xuất được. “Về việc này, chúng tôi chỉ biết chuyển những kiến nghị đó của bà con lên xã chứ biết sao được”- Ông Quang trăn trở.
57 hộ dân ở vức 6, thôn Tân Hy đang rơi vào cảnh hết sức khó khăn-Đi cũng không được, ở cũng chẳng xong. |
Hiện toàn xã Bình Đông có 22,6ha đất ruộng nằm trong quy hoạch Nhà máy thép Quảng Liên, và đây cũng là diện tích bị bỏ hoang từ năm 2007 đến nay, bởi các tuyến đường vào khu đất sản xuất này đã bị Công ty Quảng Liên san lấp mặt bằng, một phần không còn lối đi, một phần bị ngập úng sau mỗi đợt mưa.
Không đường đi, nhà hư không dám sửa
Không chỉ ruộng lúa bị bỏ hoang, mà hiện nay hơn 57 hộ dân với 213 khẩu ở Vức 6, thôn Tân Hy đang rơi vào tình cảnh khó khăn trăm bề. Năm 2009, 56 hộ dân dân nơi đây được Ban quản lý KKT Dung Quất tiến hành kiểm kê để áp giá đền bù, bàn giao đất cho Công ty thép Quảng Liên. Kiểm kê xong, người dân đợi hoài cũng không thấy đền bù hay di dân đến nơi ở mới nào.
Nhiều gia đình, nhà cửa bị hư hại nặng cũng không dám sửa bởi nằm trong diện quy hoạch và đã được kiểm kê... Từ đó đến nay, người dân ở đây luôn “dài cổ’ chờ tiền đền bù và mong sớm được bố trí đến nơi tái định cư mới. Thế nhưng không hiểu vì sao, nhà cửa đất đai chưa được đền bù, mà đùng một cái ngày 18/2/2011, Công ty Quảng Liên đã dựng tường rào chia cắt tuyến đường huyết mạch từ Dốc Sỏi xuống cảng Dung Quất. Thế là hàng chục hộ dân ở đây không còn lối đi. Trước đây để đến trung tâm xã, người dân chỉ đi hơn 1km thì nay phải đi vòng tới 9km.
Nhà bị bão làm tốc mái và hư hỏng, người dân cũng không dám sửa bởi nằm trong quy hoạch và được kiểm kê. |
Ông Huỳnh Thuận-Trưởng Khu dân cư Vức 6, thôn Tân Hy bức xúc: Hiện cuộc sống của 57 hộ dân ở khu dân cư chúng tôi hết sức khó khăn. Từ khi Công ty Quảng Liên san ủi mặt bằng, phong tỏa đường giao thông thì dường như cuộc sống của người dân nơi đây bị đảo lộn. Đất sản xuất bị ngập úng (do mặt bằng của công ty được san ủi quá cao, lại không có hệ thống thoát nước). Nhà cửa của dân thì chỉ một cơn mưa lớn cũng bị ngập.
Hiện nay, đường đi của chúng tôi cũng không có. Khổ nhất là 49 em học sinh mỗi khi đến trường. Trước đây từ nhà đến trường các em chỉ đi hơn 1 km thì nay phải đi xa tới 9km. Hiện các em phải đi tắt trên đất đã bàn giao cho Công ty Quảng Liên để đến trường, tuy nhiên cũng chỉ đi tạm thời, vì Công ty Quảng Liên đang tiến hành rào bít luôn con đường này. “Sắp tới mùa mưa lũ rồi, không biết 57 hộ dân chúng tôi xoay sở ra sao đây”-Ông Huỳnh Thuận lo lắng.
Người dân đi tắt trên phần đất của Công ty Quảng Liên, tuy nhiên con đường này cũng sắp bị bít luôn. |
Ông Huỳnh Cảnh-Phó Chủ tịch UBND xã Bình Đông cho biết, từ ngày bàn giao mặt bằng cho Công ty Quảng Liên vào năm 2006 đến nay, cuộc sống của người dân trong xã hết sức khó khăn. Thay vì khởi công xây dựng, chúng tôi chỉ thấy điều chỉnh quy hoạch, mỗi lần như thế thì nhiều diện tích đất trong xã tiếp tục được giao cho công ty này. Nhiều diện tích đất nông nghiệp của xã bị ngập úng và bỏ hoang không sản xuất được, song khó khăn nhất là 57 hộ dân với 213 nhân khẩu ở Vức 6. Chúng tôi cũng đã kiến nghị lên Ban quản lý KKT Dung Quất và huyện Bình Sơn nhiều lần nhưng vẫn chưa thấy giải quyết.
Kêu gọi dự án đầu tư trên địa bàn xã là điều mà cán bộ và nhân dân trong xã đồng tình, song với việc kéo dài nhiều năm không thi công, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân như dự án thép Quảng Liên đã gây bức xúc cho nhân dân trong vùng. Tôi cũng kiến nghị Ban quản lý KKT Dung Quất, huyện Bình Sơn sớm tiến hành di dời những hộ dân trong vùng quy hoạch đến nơi ở mới để người dân nơi đây sớm ổn định cuộc sống.
Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Tiến Dũng-Phó Trưởng Ban quản lý KKT Dung Quất cho biết: 57 hộ dân ở Vức 6, thôn Tân Hy nằm trong quy hoạch mở rộng giai đoạn 2 của Nhà máy thép Quảng Liên (38,6ha). Năm 2009, BQL KKT Dung Quất cũng đã tiến hành kiểm kê, áp giá đền bù với những hộ dân trên và một số hộ dân tại xã Bình Thuận. Theo kiểm kê thì tổng số tiền đền bù tái định cư cho thu hồi 38,6 ha này là 75 tỷ đồng. Nguồn kinh phí này là từ ngân sách của tỉnh. Tuy nhiên, hiện nguồn kinh phí này chưa được bố trí nên chúng tôi cũng không biết bao giờ mới di dời được những hộ dân trên!
Bài, ảnh: M.Toàn