(QNĐT) – Đã 50 năm trôi qua kể từ ngày đầu tiên quân đội Mỹ gieo rắc cái chết khi thả 80 triệu lít chất độc hóa học da cam/đioxin xuống Việt Nam. Và chiến tranh cũng đã lùi xa hơn 36 năm, nhưng nỗi đau da cam vẫn còn đó, vẫn khắc khoải từ những mái nhà có nạn nhân phơi nhiễm chất độc da cam.
TIN LIÊN QUAN |
---|
*Nỗi đau còn đến bao giờ?
Giữa cái nắng hè oi ả, chúng tôi tìm về ngôi nhà tạm bợ của chị Đinh Thị Hoa, ở thôn Tuyết Diêm 2, xã Bình Thuận (Bình Sơn). Thật không khỏi xót xa khi tận mắt chứng kiến nỗi đau da cam hiện hữu nơi mái nhà này. Cuộc đời chị là một chuỗi những tháng ngày cày xới nỗi sầu.
Năm 15 tuổi, chị Hoa tham gia đi bộ đội, thuộc Đại đội 31 huyện Bình Sơn. Với tinh thần yêu nước nồng nàn, trong khói lửa của cuộc chiến tranh, chị đã cùng đồng đội dũng cảm xông pha ra chiến trường, chiến đấu dũng cảm.
Sau ngày đất nước thống nhất, chị công tác trong ngành thương nghiệp của huyện Trà Bồng, rồi kết duyên cùng một người đồng đội. Những tưởng, sau bao nhiêu gian truân, vất vả, tổ ấm của chị sẽ ngập tràn tiếng cười của trẻ thơ, nào ngờ hai trong ba đứa con của chị sinh ra không được bình thường như bao đứa trẻ cùng trang lứa, chân tay teo tóp, quặt quẹo, trí tuệ chậm phát triển, thường xuyên đau ốm.
Không chịu nổi cảnh gia đình với những đứa con nửa tỉnh, nửa mê, người bạn đời đã bỏ chị mà đi. Tất cả gánh nặng gia đình đều tấp lên đôi vai gầy của chị. Giờ đây, chị Hoa đã 61 tuổi nhưng vẫn làm lụng quần quật, làm thuê làm mướn để lo miếng cơm manh áo cho cả nhà.
Chiến tranh đã lùi xa 36 năm nhưng nỗi đau da cam vẫn còn đó, vẫn khắc khoải từ những mái nhà có nạn nhân phơi nhiễm chất độc da cam. |
Không chỉ là những lo toan về cuộc sống vật chất hàng ngày mà chị còn phải gánh chịu một nỗi đau về mặt tinh thần dai dẳng. “Mỗi lần chúng nó lên cơn đi lang thang, thậm chí có khi chúng nổi cơn làm bậy như đốt xe, đập phá tanh bành nhà cửa là lòng tôi đau như cắt. Không biết rồi đây khi tôi già yếu chết đi, chúng nó sẽ ra sao. Chất độc chúng rải ngấm vào nguồn nước, khát nước thì gặp nước rừng đâu là anh em bộ đội chúng tôi lấy uống chứ nào ngờ hậu quả thế này"- chị Hoa xót xa.
Chiến tranh đã đi qua 36 năm nhưng nỗi đau da cam vẫn mãi còn đeo bám dai dẳng cuộc sống thời bình của những gia đình người lính. Không chỉ bản thân, con cái của họ mà nghiệt ngã hơn, di chứng ấy còn đeo bám đến tận cả thế hệ con cháu của họ.
Em Nguyễn Văn Thanh, 12 tuổi con của chị Nguyễn Thị Thương, ở thôn An Hội Nam 1, xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa) đã bị chất độc da cam quái ác kia hành hạ suốt những năm tháng em hiện diện trên cõi đời này.
Bao nhiêu ngày em sinh ra là bấy nhiêu ngày em phải nằm chịu nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần. 12 tuổi nhưng bộ mặt cứ ngây ngô như đứa trẻ lên ba, thân hình co quắp, bại liệt nằm một chỗ, thỉnh thoảng lại thét lên đau đớn do bị ảnh hưởng chất độc da cam của ông, bà ngoại. “Chúng là con người nhưng đâu có được làm người. Mỗi lần thấy con gầm, rú lên vì đau đớn, lòng tôi đau nhói”- chị Thương rưng rưng nước mắt.
*Cần lắm sự quan tâm, sẻ chia
Đã 36 năm đi qua, thời gian phần nào làm dịu đi vết thương trong lòng những gia đình thân nhân liệt sỹ. Nhưng cũng ngần ấy thời gian hàng triệu người ở Việt Nam đã và đang gánh chịu nỗi đau của chất độc mà Mỹ đã phun rải ở Việt Nam từ năm 1961 đến 1971, gây nên một thảm họa da cam chưa từng có trong lịch sử loài người. Hàng trăm nghìn nạn nhân đã chết, hàng trăm nghìn người đang vật lộn với cái chết, hàng trăm nghìn trẻ em bị dị dạng, dị tật bẩm sinh bởi chất độc da cam, hàng trăm nghìn gia đình phải sống trong tột cùng nỗi khổ cực bởi tác hại của chất độc da cam.
Từ khi được thành lập năm 2004 đến nay, Hội nạn nhân chất độc da cam, dioxin các cấp tiếp tục vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước ủng hộ, giúp đỡ các nạn nhân về vật chất và tinh thần, bảo vệ quyền và lợi ích của các nạn nhân trong cuộc chiến đòi công lý.
Điều mà người thân của những nạn nhân chất độc da cam/đioxin luôn trăn trở đó là khi họ già yếu qua đời, ai sẽ thay họ chăm sóc cho con, cháu họ. Rồi cuộc đời chúng sẽ sống ra sao?
Bằng nhiều hình thức hoạt động, tuyên truyền, vận động, từ năm 2006 đến nay, thông qua tổ chức hội các cấp, các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước đã quyên góp vào Quỹ Bảo trợ Nạn nhân chất độc da cam của tỉnh Quảng Ngãi số tiền hơn 11 tỷ đồng.
Với nhiều hình thức hoạt động, tuyên truyền, vận động, Đoàn hành trình xanh, đi bộ "Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng" đã vận động được hàng chục ngàn tin nhắn ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/đioxin. |
Các cấp hội đã phối hợp với các cấp ủy, chính quyền cơ sở làm 310 ngôi nhà cho nạn nhân, hỗ trợ gia đình nạn nhân chăn nuôi, trợ cấp chữa bệnh, cấp học bổng, xe lăn, xe lắc, máy trợ thính … cho các nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn.
Tuy nhiên, hiện Quảng Ngãi Quảng Ngãi có 14.855 nạn nhân chất độc da cam/đioxin còn sống, trên 4.000 hộ nạn nhân nghèo, có 1.200 gia đình có từ 3 nạn nhân nhiễm chất độc da cam trở lên. Cùng với đó, còn hàng nghìn nạn nhân khác đang sống trong khó khăn, vất vả bởi di chứng của chất độc quái ác này. Họ đang rất cần sự quan tâm, sẻ chia của cộng đồng để vươn lên trong cuộc sống để những nạn nhân chất độc da cam bớt đi phần nào gian khó trong cuộc sống hàng ngày.
Ông Nguyễn Thanh Phương - Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/đixin tỉnh cho biết, hiện toàn tỉnh còn khoảng 2.400 hồ sơ đề nghị xét hưởng chính sách chưa được giải quyết. Cái khó hiện nay là vướng ở các tiêu chí bệnh tật để làm căn cứ cho người bị nhiễm chất độc hóa học không sát thực tế, thiếu cơ sở khoa học và thiếu nhất quán (trước, sau) trong các văn bản ban hành.
Phần đông bà con dân tộc không còn lưu giữ được hồ sơ, lý lịch, giấy tờ liên quan đến người tham gia kháng chiến, lại thiếu người hướng dẫn kê khai, dẫn đến sai sót nhiều lần, sinh nản chí, bỏ cuộc. Hiện thủ tục còn lòng vòng và quá trình giám định phải chờ đợi, kéo dài... gây rất nhiều khó khăn cho người đi làm chế độ.
Việc chăm lo giải quyết chính sách cho nạn nhân bị nhiễm chất độc hóa học là việc làm hết sức cần thiết trong thời điểm hiện nay, thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn, thương người như thể thương thân” của dân tộc Việt Nam. Mong các cấp chính quyền cần tăng cường chỉ đạo công tác tuyên truyền về thảm họa da cam, về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đang thực hiện, để nâng cao nhận thức và trách nhiệm cho mọi người, mọi ngành, mọi cấp.
Kỷ niệm 50 năm thảm hoạ da cam ở Việt Nam (10/08/1961-10/08/2011), Hội Nạn nhân chất độc da cam, dioxin các cấp kêu gọi cộng đồng hãy nhắn tin “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam” bằng cách soạn tin theo cú pháp DACAM gửi 1409 hoặc ủng hộ qua ví điện tử trên cộng đồng mạng internet qua website: noidaudacam.net đến hết ngày 10/8/2011.
Với mỗi tin nhắn là đã có thể ủng hộ 18.000 đồng cho nạn nhân da cam/đioxin. Toàn bộ số tiền ủng hộ sẽ được dành để đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi, tạo điều kiện để các nạn nhân có điều kiện và cơ hội học tập, làm việc vươn lên trong cuộc sống, hoà nhập cộng đồng.
Ái Kiều