(QNg)- Những năm trước đây, khi cửa biển Sa Huỳnh bị cát bồi lấp, tàu thuyền ra vào nơi đây thường xuyên xảy ra tai nạn. Trước tình trạng này, tỉnh Quảng Ngãi đã đầu tư 45 tỷ đồng để nạo vét và làm bờ kè chắn cát nơi đây, nhằm giúp cho cửa biển thông thoáng, hạn chế cát bồi lấp. Thế nhưng, điều oái ăm là, không những cửa biển bị bồi lấp mà tàu thuyền ra vào cửa biển Sa Huỳnh còn bị tai nạn nhiều hơn, thiệt hại nặng nề hơn...
Kỳ 1: Số phận những con tàu cá
Buổi sáng đứng trước Cảng Sa Huỳnh, cảnh ra vào của ghe thuyền và buôn bán cá tấp nập ở đây không còn nữa. Cảng rộng lớn, nhưng chỉ có khoảng chục chiếc tàu cá nằm chênh vênh trên dòng nước xanh. Một lão ngư ở đây giải thích: "Cảnh vắng vẻ này đã hơn hai năm nay, kể từ khi cửa Sa Huỳnh trở thành "cửa tử" của tàu thuyền khi ra vào cửa". Nói đoạn, ông chỉ bờ kè chắn cát với các acrobot lởm chởm nói rằng, chính bờ kè này là quân "sát tàu". Bởi từ năm 2009 đến nay, hàng loạt tàu cá đã tan xác khi va vào bờ kè chắn cát ấy...
Những số phận phía sau tàu đắm
Theo hướng dẫn của bà con ở thôn Thạnh Đức, xã Phổ Thạnh, tôi đến nhà chị Trần Thị Phú. Bước vào sân, tôi thấy góc thì ván thuyền xanh, đỏ đang nằm chênh vênh. Góc thì lưới và dụng cụ đi biển chỏng chơ meo mốc. Chị Phú nói buồn: Đó là những gì còn lại của con tàu cá 33 CV của chồng tui khi vào cửa Sa Huỳnh bị sóng đánh văng lên bờ kè chắn cát". Quan sát quanh sân nhà chị Phú, tôi thấy cỏ mọc đầy. Nhà vắng đàn ông luôn là vậy.
Bước vào nhà chị Phú, tôi thấy chị ái ngại với khách vì cái nóng phả ra từ căn nhà gạch chưa được tô. Và cũng trong cái nóng oi nồng ấy, tôi được biết những khó khăn chồng chất từ khi con tàu cá của vợ chồng chị Phú làm "mồi" khi vào "cửa tử" Sa Huỳnh. Đó là vào cuối tháng 2 đầu tháng 3 âm lịch của năm 2011, sau mấy ngày đánh bắt trên biển, anh Hà Chút (chồng chị Phú) lái tàu về Cảng Sa Huỳnh.
Cửa Sa Huỳnh bi bồi lấp nặng. |
Khi vào đến cửa khoảng 12 giờ trưa, giữa lúc nước đang ròng, bánh lái tàu QNg 44 143 TS của anh Chút va vào đá bị gãy ngang. Thế là nước tràn vào khoang thuyền và sau đó, một con sóng đánh văng con tàu lên bờ kè. Con tàu vỡ nát. Sau đó một ngày, hai vợ chồng anh Chút, chị Phú xót xa gỡ từng mảnh ván và máy tàu lên. Ván thì không ai mua, còn máy tàu, do lốc máy bị hư hỏng, phải bán theo giá sắt vụn được 3,5 triệu đồng.
Chị Phú cho biết, đây là con tàu mà vợ chồng chị chắt chiu tích góp sau hơn hai mươi năm đi biển của anh Chút. Con tàu mất, trên vai hai vợ chồng ngư dân khốn khổ này vẫn còn món nợ 40 triệu đồng tiền mượn đóng tàu, không biết bao giờ trả xong.
Tàu cá mất rồi, anh Hà Chút lại trở về nghề đi bạn cho tàu hàng xóm. Trong khi đó, cả nhà anh 7 người, đều trông chờ vào từng ngày đi biển của anh Chút. Cố nén dòng nước mắt, chị Phú bảo: Cháu lớn là Hà Xuân Lan, đang học 11 chắc phải nghỉ học. Còn hai đứa Hà Trang và Hà Tấn Hoàng (học lớp 9, lớp 10), chị đã gửi vào Phan Rang nhờ chị gái nuôi giúp.
Trao đổi với tôi, Chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh Nguyễn Kỳ cho hay: Ở xã Phổ Thạnh, trường hợp anh Hà Chút là một trong hàng chục trường hợp khác gặp khó khăn trong đời sống vì tàu cá gặp nạn khi vào Cảng Sa Huỳnh. Nói rồi, Chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh lật sổ ra, tính toán một hồi rồi "phán": "Cái cửa Sa Huỳnh này hai năm nay là “cửa tư”û của tàu cá. Mới ngần ấy năm mà có gần 30 con tàu cá bỏ xác rồi. Tui nói là bị tan xác luôn, không xài được ấy. Còn tàu cá bị va chạm bờ kè chắn cát, sửa chữa vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng thì không biết bao nhiêu mà kể".
Nhìn con nước mới cho ra tàu khơi
Cửa biển Sa Huỳnh bây giờ, không chỉ tàu cá đánh bắt xa bờ 90 CV trở lên ra vào không được, mà ngay cả các loại tàu từ 30-45 CV đánh bắt gần bờ ra vào cũng rất khó khăn. Vì vậy, để ra vào được cửa Sa Huỳnh, ngư dân ở đây phải dựa vào thời tiết trong năm, dựa vào con nước lớn ròng để đưa tàu ra ngoài cửa rồi xuôi ra khơi đánh cá.
Ngư dân Nguyễn Văn Mạng, ở thôn Thạch Bi, xã Phổ Thạnh cho hay: Cửa biển có thời điểm cạn xuống chỉ còn một mét nước. Đặc biệt như hai cái tết, phần thì tàu cá đi xa bờ không về, phần thì cửa biển cạn, nên làm lễ ra khơi đánh bắt đầu năm vào Mùng 3 Tết Nguyên đán đã không còn náo nhiệt như trước nữa. Vì khi làm lễ xong thì cửa nước cạn mất. Vì thế chỉ đưa được tàu nhỏ ra làm lễ, hoặc nếu đưa tàu lớn ra khơi thì phải đợi nước lớn mới đi được. Còn với ghe tàu đánh bắt hải sản, vào mùa này, muốn đưa ghe ra vào cửa Sa Huỳnh thì phải canh thời gian từ 7-10 giờ sáng; còn buổi chiều là từ 15-18 giờ chiều.
Thời gian này, thủy triều lên nên cửa biển nước sâu. Còn các giờ khác, nếu liều mạng đi ra cửa, xem như làm mồi cho hà bá. Vào mùa mưa bão tháng 9, tháng 10 hàng năm, khi đi ra vào cửa lạch, thì thời gian thuận lợi nhất là khoảng 9-10 giờ sáng và 16-17 giờ chiều. Tuy nhiên, phải nhìn theo con nước hàng tháng, dựa vào thời gian đầu hay giữa và cuối tháng âm lịch để đưa tàu ra vào cho thích hợp.
Ông Mạng bảo: "Nói thì nghe dễ vậy, chứ thật ra, để đưa ghe ra cửa, bà con chúng tôi phải ngóng hoài theo con nước. Cứ thấy nước lớn là rục rịch ra ghe, nếu chạy ra trễ, lạch cạn, tàu va vào bờ kè chắn cát, xem như mất tiêu con tàu".
Trò chuyện với ngư dân ở Sa Huỳnh, tôi còn biết, khi tàu cá đi về, nếu không đúng thời điểm giờ giấc nói trên, xem như tàu cá đành đứng ngoài cửa biển. Sau đó, phải dùng thúng trung chuyển cá vào bờ và thuê xe ba gác máy chở về cảng bán cho các đầu nậu ở đây. Có nhiều tàu cá, khi đợi nước lớn để đưa ghe vào thì cá để lâu mất ngon, thế là bị mua ép giá thấp hơn so với bình thường.
(còn nữa)
Bài, ảnh: PHẠM ANH