(QNĐT)- "Nói thiệt với mấy ông, nếu ai hỏi, đi biển thì làm nghề gì mau giàu. Tui nói là nghề của tui – nghề lặn hải sâm!". Thuyền trưởng tàu QNg 66 029 TS Lê Túc (44 tuổi), ở thôn Tây, xã An Hải – Lý Sơn, nhấn mạnh. Đoạn anh tợp ly nước đánh ực, rồi tiếp: "Nhưng rủi ro, không nghề gì bằng lặn hải sâm".
Suốt buổi chiều chạng vạng tối, hàn huyên trong ngôi nhà le lói ánh điện trên đất đảo, tôi nghe Lê Túc và những ngư dân ở đây kể "1001" chuyện về biển, về cái nghề đối diện với "hà bá".
"Một chuyến bằng một năm"
Thi rớt đại học, Lê Túc đành quê bỏ mộng đèn sách quay về với với đảo và theo cha ra biển kiếm cơm. Hai năm "học việc" quanh quẩn quanh bờ kiếm cá, tôm đắp đổi qua ngày. Mãi đến năm 1989, Lê Túc theo cha chú ra Hoàng Sa đánh cá.
Thợ lặn chuẩn bị xuống biển. |
Lao động cật lực, màu da trắng của anh học trò thuở nào đã thay bằng màu đồng hun; ấy là chưa kể còn đánh đổi cả mô hồi, nước mắt và cả máu nữa, cuối cùng thì năm 2003, Lê Túc mới sắm được con tàu ra thẳng Hoàng Sa lặn hải sâm. Tám năm không phải dài, nhưng không phải là ngắn cho một ngư dân hải hồ sóng gió, cũng có lúc Lê Túc và bạn chài "trúng mánh" hỉ hả, tiền vô như nước. "Nhưng chưa có bao giờ trúng mánh như đợt vừa rồi, cả thuyền tui đi một chuyến 2,3 tỷ đồng. 10 người trên tàu, ít thì 100 triệu đồng, nhiều 150 triệu. Cộng với hai phiên biển trước nữa, mỗi lao động trên tàu tui có trong tay non 200 triệu đồng.
Mấy năm trước, mỗi năm ra biển năm phiên, dễ gì được như dzầy!". Với chất giọng Lý Sơn nặng trình trịch như... muối biển, Lê Túc kể chuyện, giọng ào ào như sóng biển...
Tàu QNg 66 029 TS ra quần đảo Trường Sa vào ngày 9/3 âm lịch (11/4). Mười ngày đầu tiên, tàu lặn hải sâm của Lê Túc chỉ được có hơn 100 con vú biển (hải sâm). Tưởng là như mọi phiên biển khác, ai ngờ ngày thứ 11, cả thuyền gặp "núi" hải sâm.
"Tàu tui có 10 người thì có 8 thợ lặn. Mỗi lần xuống biển có 2 thợ lặn làm một cặp. Buổi sáng đó, cặp Bùi Tịnh (39 tuổi) xuống biển. Tui cầm lái trên này, thấy dây hơi thằng Tịnh cứ di chuyển và giật ba cái. Tui biết, nó gặp hải sâm rồi. Kinh nghiệm mà...".
Mắt Lê Túc sáng lên nhớ lại khoảnh khắc khi Bùi Tịnh ngoi lên mặt nước. Lúc đó, ba cặp 6 ngư dân đứng trên thấy miệng cha Tịnh cười như trúng số, tay cầm vợt nặng oằn xuống. Anh em trút ra cân đến trên 50 kg hải sâm, trong đó có mấy con cân tại chỗ nặng 1,8-2 kg.
Thế là thuyền trưởng Túc cho tàu đến ngay điểm ngư dân Tịnh vừa lên và bấm định vị. Từ đó, bốn cặp thợ lặn cứ thay phiên nhau lặn xuống biển nơi máy định vị đã "ghi" sẵn.
"Nói thiệt, vì đảm bảo an toàn tính mạng nên bọn tui không thể liều mạng vượt giới hạn thời gian và số lần lặn, chứ chỗ đó bây giờ còn hải sâm nhiều lắm" – ngư dân Tịnh góp lời.
Vậy là hơn một tháng rưỡi trên biển, ngày 26/4 âm lịch (28/5), tàu QNg 66 029 TS về đất liền, mang theo 1,5 tấn hải sâm.
Đối diện "lưỡi hái tử thần"
Những khi thợ lặn trúng hải sâm trở về, đảo Lý Sơn tràn bia Heineken và Tiger. Chứng kiến cảnh ngư dân giàu có và chơi "xả láng" như vậy, có ai biết đâu, trước đó chỉ ngày hôm qua, hôm kia thôi, họ phải đối mặt với bao hiểm nguy rình rập dưới đáy đại dương.
Thợ lặn Lý Sơn ra tàu đi phiên biển mới. |
Khổ nỗi, với nghề lặn, an toàn trước hết là mặc bộ đồ lặn trước khi xuống biển, nhưng ngư dân Lý Sơn vốn "lỳ", mặc ba cái đồ đó "chỉ thêm vướng víu tay chân". Vì vậy, thợ lặn ở đây mỗi bận xuống biển chỉ cột khoảng chục kg chì quanh bụng; mắt đeo kính lặn; tay cầm vợt và miệng ngậm dây hơi và đi vào lòng biển ở độ sâu 60-70 mét.
Cứ mỗi đợt lặn, ngư dân ở dưới nước khoảng 30 phút, nhưng người canh giờ ở trên phải theo dõi thật kỹ. Mỗi bận người dưới nước giật dây là kéo lên. Còn không, cứ 20 phút người trên tàu phải giật dây hơi một lần và đến 30 phút, người dưới nước có giật dây hay không, người ở trên cũng phải kéo lên.
Vì làm nghề lặn hải sâm nguy hiểm như vậy nên số tàu thuyền trên đảo Lý Sơn cũng giảm dần qua từng năm. Đến nay, cả đảo Lý Sơn có trên 400 tàu thuyền, thì số tàu lặn hải sâm đếm không tới đầu ngón tay. |
Tuy nhiên, khi lên thuyền rồi, thợ lặn không được ăn, hút thuốc và tắm liền bằng nước ngọt. Nếu không cái chết và bi kịch sẽ diễn ra ngay trước mắt. Nghĩa là, những sinh hoạt chỉ được phép sau một giờ ra khỏi mặt nước.
Một điều mà thợ lặn luôn tuân thủ nữa là, mỗi ngày, mỗi thợ lặn chỉ xuống nước hai chuyến, chuyến thứ nhất cách chuyến thứ hai 3 giờ đồng hồ. "Có khi lên thuyền rồi, thợ lặn có biểu hiện đau lưng, nhức mỏi là thả ngay xuống biển, ngay điểm mà thợ lặn giảm áp không đúng. Nhiều thợ lặn hải sâm chủ quan và bị chết là do giảm áp không đúng kiểu này" – Lê Túc lắc đầu.
Những số phận hẩm hiu
Nghề lặn hải sâm trên đảo Lý Sơn quả thật là xuống biển "ẵm" tiền, nhưng có biết bao người, cũng vì nghề này mà mãi mãi nằm lại biển khơi; hoặc tàn phế suốt đời, gieo gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Trần Ngọc Nguyên có bận bảo với tôi: "Ở huyện Lý Sơn, mỗi năm chưa kể hàng chục vụ tai nạn khi lặn, thì hầu như năm nào cũng có vài ba mạng người chết thảm vì hải sâm".
Gần nhất là vào ngày 9/5, anh Nguyễn Vinh (22 tuổi) ở thôn An Hải – Lý Sơn, khi lặn hải sâm ở độ sâu 50 mét ở vùng biển Hoàng Sa thì dây hơi bị gấp và chết ngạt dưới đáy biển. Đến ngày 13/5, thi thể ngư dân xấu số trên mới được đưa về an táng trên đảo.
Anh Lộc 5 năm nằm liệt giường sau tai nạn lặn biển. |
Tôi đến nhà thợ lặn Trần Đình Lộc, 45 tuổi ở thôn Tây, xã An Hải. Nhìn cảnh nhà đơn chiếc, anh Lộc đang nằm liệt một mình, ai cũng xót lòng.
Anh lặn biển và bị tai nạn năm 2006, từ đó bao nhiêu của cải ra đi. Từ khi anh bị tai nạn, bốn đứa con anh lâm vào cảnh lam lũ, hai đứa con lớn là Trần Đại Biển và Trần Đại Hên tuổi giờ suýt soát 18-20, nhưng đã nghĩ học, sớm đi biển đỡ đần cho mẹ nuôi hai đứa em ăn học. Anh Lộc chép miệng: "Cảnh như tui ở đảo này vài ba chục người chứ đâu phải ít".
Nhìn cảnh anh Lộc, tôi bất giác nhớ lại trường hợp vợ chồng anh Trương Ngọc Kinh (40 tuổi) và Nguyễn Thi Nguyên (38 tuổi) ở xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn. Cảnh nhà xơ xác và câu chuyện buồn đời đi biển của anh Kinh, tôi không thể nào quên.
Theo lời anh Kinh, trong một lần theo thuyền ngư dân đảo Lý Sơn đi lặn hải sâm ở quần đảo Trường Sa, anh gặp phải con nước độc nên bị liệt toàn thân. Suốt 6-7 năm chữa chạy khắp nơi, hết nhà hết cửa, hết luôn mấy chục triệu tiền đền bù hỗ trợ nhà và đất cho công trình bể chứa sản phẩm Nhà máy lọc dầu Dung Quất, đôi chân anh Kinh mới được như bây giờ.
Nuôi thân đã khó, vợ chồng anh lại còn một nách nuôi 3 đứa con nữa, nên mỗi ngày mở mắt ra là cái khó đè lên đôi vai gầy của chị Nguyên, đè lên đôi chân tật nguyền của anh Kinh.
Anh Kinh kể, hai vợ chồng và ba đứa con sống dựa vào con thuyền nan nhỏ, hàng ngày đánh lưới ven sông. Mùa nắng cố gắng làm để tích luỹ cho mùa mưa, biển động.
"Tiền lắm, rủi nhiều là nghề lặn hải sâm đó chú em ơi!". Tạm biệt đảo Lý Sơn, trên tàu trở về đất liền, tôi không thể nào quên lời Lê Túc; ánh mắt buồn vô biên của anh Lộc và những câu chuyện vui – buồn của thợ lặn hải sâm ở vùng đất đảo này...
PHẠM ANH