Rừng 327 ở Phổ Khánh bị băm nát

08:09, 14/09/2010
.

* Ghi chép của Phú Đức

(QNĐT)- Trên đường vào xóm 7, thôn Diên Trường, xã Phổ Khánh (Đức Phổ) chúng tôi bắt chuyện  với người đàn ông tuổi trung niên đang đạp xe vào rừng. - Nghe nói rừng 327 ở đây đang bị phá à? - Làm gì có. Sau bão số 9 cây đổ ngã dân lên nhặt về làm củi đấy mà! Thế nhưng, sự thật không phải vậy.
 
Lần theo lối mòn dẫn vào hồ chứa nước Diên Trường, thuộc xóm 7, thôn Diên Trường, mất hơn 30 phút đi xe máy mới đến được khu vực bìa rừng của dự án 327- xã Phổ Khánh. Tại đây, không khó để chúng tôi nhận ra nhiều diện tích cây keo thuộc dự án rừng 327 đang  bị triệt hạ từng ngày...
 
Địa phương biết, nhưng bất lực?
 
Người đàn ông đi cùng chúng tôi kể, cách đây hơn 2 năm, rừng 327 này có mật độ cây dày đặc, chen chân vào đây không phải dễ, có cây đường kính từ 40 cm - 60 cm. Còn bây giờ mỗi khoảnh chỉ có dăm bảy cây nhỏ nhưng không sớm thì muộn cũng bị triệt hạ... "Rừng của Nhà nước mới thế, chứ của tư nhân thì làm gì có chuyện đó"- người đàn ông này xót xa.
 
Rừng
Người dân vô tư triệt hạ rừng 327.
Quả không ngoa chút nào! Dường như rừng ở đây không có chủ vậy. Khi chúng tôi đi sâu vào trong rừng bắt gặp nhiều người gọi là đi lấy củi nhưng họ vô tư cưa chặt, khuân vác ra bìa rừng những cây keo có đường kính từ 15- 30 cm. Hai bên lối mòn dẫn vào rừng sâu nhiều cây keo được cưa từng đoạn nằm la liệt. 
 
Khi chúng tôi hỏi: “Rừng của mình đã già sao không bán mà cưa chặt từng đoạn thế này?”, Một người đàn ông to con, da bánh mật trông rất dữ tợn đang hì hục lôi một bi keo mắc trong bụi rậm ngoảnh mặt lại nhìn chúng tôi với vẻ khó chịu. Nhưng khi thấy chúng tôi đưa máy ảnh lên ghi hình thì dường như người đàn ông này thấu hiểu ra điều gì đó xua tay giãi bày:- "Ở trên đỉnh núi cao kia bọn chúng phá dữ tợn lắm. Dưới này mình chỉ mót những thứ bọn chúng bỏ về làm củi đốt thôi". 
 
Người phụ nữ cũng tự xưng đi kiếm củi nói xen vào: "Chị ở thôn Thạch By, xã Phổ Thạnh. Nghe nhiều người ở gần nhà kể ở đây có nhiều củi nên hôm nay mới lên lần đầu, đừng quay phim tội chị". Nói xong, người phụ nữ này bỏ đi sâu vào trong rừng. 
 
Những cây rừng to hàng
Những cây  có đường kính khoảng 50cm chỉ còn lại gốc.
 
Lần theo lối đi này, chúng tôi thật sự xót xa khi tận mắt chứng kiến nhiều cây có đường kính khoảng 50 cm mà cách đây không lâu bọn lâm tặc dùng cưa máy triệt hạ xẻ thành phách ngay trong rừng rồi vận chuyển đi tiêu thụ nay còn trơ gốc và nhiều phách gỗ bìa. Trong khi đó, nguồn tài nguyên này được Nhà nước đầu tư hàng trăm triệu đồng để trồng, chăm sóc, bảo vệ, giờ trở thành vật làm giàu cho một vài cá nhân nào đó. Không những vậy, sau khi rừng bị triệt hạ xong, những người này tiếp tục phát dọn, xâm chiếm đất rừng dự án để trồng mới cho cá nhân.
 
Những
Gổ thành phẩm (thuộc rừng 327) được địa phương bắt giữ trong tháng 8/2010.
Trong tháng 8/2010, qua truy quét xã đã phát hiện và bắt giữ 1 vụ vận chuyển gỗ xẻ thành phẩm với khối lượng trên 1 m3 . UBND xã làm báo cáo cho Ban quản lý Dự án 327 của huyện và Hạt Kiểm lâm Đức Phổ biết và xử lý nhưng do số lượng ít nên các đơn vị trên giao cho xã thanh lý và xử phạt hành chính đối tượng khai thác, vận chuyển gỗ trái phép.
 
Khi làm việc với chúng tôi, ông Võ Đông Dân- Chủ tịch UBND xã Phổ Khánh cũng đã thừa nhận việc rừng 327 trên địa bàn xã bị phá là có thật. Ông Dân cho biết, sau bão số 9 (năm 2009) nhiều diện tích keo bị đổ ngã nhưng chẳng thấy cơ quan chức năng nào đặt vấn đề tận thu bán thu hồi một phần vốn cho Nhà nước. Lợi dụng điều này, một số đối tượng (chủ yếu là dân Diên Trường) lên thu gom cây đổ ngã và triệt hạ những cây gỗ lớn. 
 
"Xã biết điều này xảy ra từ rất lâu nhưng đành bất lực. Diện tích này Ban quản lý dự án rừng của huyện đã ký hợp đồng bảo vệ với Hội Cựu chiến binh xã. Mặt khác, xã đã nhiều lần kiến nghị bằng văn bản gửi huyện và phát biểu trong những lần tiếp xúc cử tri của tỉnh, nhưng lãnh đạo Ban quản lý rừng của huyện bảo chờ tỉnh cho ý kiến chứ huyện không có thẩm quyền"- ông Dân bộc bạch.
 
Hiểm họa cho hồ Diên Trường 
 
Rừng 327 của xã Phổ Khánh có tổng diện tích khoảng 180 ha, nằm phần lớn ở thôn Diên Trường. Khu vực rừng này nằm bên cạnh hồ chứa nước Diên Trường nên có tác dụng chống bồi lấp và giữ nước cho hồ. Thế nhưng trong 2 năm trở lại đây, cùng với việc mở đường lên những khu vực rừng hộ gia đình, kết hợp với việc nhiều diện tích rừng 327 bị đổ ngã và bị tàn phá đã đe dọa trực tiếp đến hiệu quả sử dụng của hồ Diên Trường. 
Những cây rừng 327 còn sót lại
Những cây rừng 327 còn sót lại
Thực tế, kể từ khi con đường được mở, chỉ cần một trận mưa lớn thì nước từ con đường này cuộn theo đất, đá đổ xuống lòng hồ. Tình trạng này không sớm khắc phục thì trong tương lai không xa, rừng ở khu vực này sẽ không còn tác dụng giữ nước và lòng hồ cũng sẽ cạn. Điều này đồng nghĩa với việc hàng chục tỷ đồng Nhà nước đầu tư xây dựng hồ sẽ không mang lại hiệu quả. "Chúng tôi rất lo ngại về điều này. Từ ngày có hồ Diên Trường, người dân làm nông nghiệp ở Phổ Khánh nói riêng, và người dân khu Nam Đức Phổ nói chung được hưởng lợi rất nhiều"- ông Võ Đông Dân- Chủ tịch UBND xã Phổ Khánh cho biết thêm.
 
Được biết, để nâng cao năng lực tưới của hồ Diên Trường, tỉnh cũng đang triển khai xây dựng mới hoàn toàn hệ thống kênh hộp đi qua các xã khu Nam của huyện Đức Phổ, lấy nước từ hồ Diên Trường với tổng kinh phí khoảng 7 tỷ đồng. Do đó, công tác bảo vệ rừng xung quanh khu vực hồ không thể xem nhẹ được.
 
Bài, ảnh: Phú Đức

CÁC TIN KHÁC
.