(QNg) - Thú rừng mỗi ngày bị tận diệt. Ai cũng biết, kể cả những người trực tiếp gây ra sự tận diệt ấy. Thế nhưng việc bảo vệ sự bình yên cho sự sống của thú rừng thì, vẫn đang là câu hỏi bị bỏ ngỏ...
* Tận diệt thì nhiều, ngăn chặn chẳng bao nhiêu!
Chúng tôi đã từng được nhiều cán bộ cơ sở dặn dò: Đi công tác nhớ điện trước, để kiếm thú rừng đãi ăn chơi. Quả thật khi lên các huyện miền núi hiện nay, quán nào muốn đông khách đều phải có món “đặc sản thú rừng”. Thành thông lệ đã lên non phải săn thịt thú rừng, chẳng ai ngược dốc lên Sơn Hà, Sơn Tây, Minh Long, Trà Bồng, Ba Tơ lại gọi mấy món đồ biển, gà thả vườn. Một chủ quán khá nổi tiếng ở huyện Ba Tơ cho chúng tôi biết: "Mỗi ngày quán này bán khoảng vài chục kilogam thịt thú rừng, chủ yếu là mang, chồn, nhím". Chị không giấu giếm: "Bán quen nên nhìn là biết đồ rừng hay đồ nuôi liền. Ai dại gì xài đồ nuôi, sẽ mất khách ngay". Và chị giở ngăn đông của tủ lạnh cho chúng tôi xem. Quả thật thịt chất ngồn ngộn, có đến vài ba chục kilogam. Chị cho chúng tôi số điện thoại của một người đàn ông tên Sinh 0977...246 chuyên "sưu tầm" thú rừng, để lúc “cần” liên hệ. Tôi vờ gọi máy di động thử và được người đàn ông này cho biết: "Muốn thịt rừng loại gì cũng có, cứ hai ngày là giao hàng tận nhà".
Trong khi thú rừng bị tận diệt hằng ngày thì cơ quan bảo vệ là lực lượng kiểm lâm lại rất ít "phá" được các vụ săn bắt thú rừng. Chúng tôi đã về thôn Mang Cà Rúi (hay còn gọi là làng Tốt), ngay đoạn đường quẹo lên dốc dẫn vào làng Tốt là chốt kiểm lâm giữ rừng. Thế nhưng khi hỏi các cán bộ ở đây cho biết, từ khi xây dựng chốt đến giờ chưa bắt quả tang được vụ săn bắt thú rừng nào cả. Trong khi đó ngày ngày những chuyến xe từ thị trấn Ba Tơ lên làng Tốt vẫn cứ đều đặn chở "hàng" về xuôi. Đó là chưa kể ở địa bàn các huyện Sơn Hà, Sơn Tây, Minh Long chuyện đặt bẫy thú rừng để vừa thỏa mãn đam mê săn bắt thú rừng, vừa có "đồng ra đồng vào" khi mùa rẫy kết thúc diễn ra khá "xôm". Chính vì nhu cầu đặt bẫy, nên bẫy thú bày bán ở ngay bên bìa rừng nhan nhản, giá mềm. Có nhiều gánh thợ săn bắt thú theo kiểu "gia đình" vào rừng vừa bẫy thú, vừa kiếm cây lộc vừng, cây sanh có kiểu dáng, để bán kiếm tiền. Cứ như thế mỗi ngày từng đoàn người lũ lượt thẳng tiến rừng xanh.
* Kêu gọi lương tri là chính!
Trao đổi về công tác bảo vệ thú rừng, nhiều kiểm lâm viên đã cho chúng tôi biết: "Khó khăn lắm! Chỉ có thể ngăn chặn khi họ vận chuyển thú rừng. Chứ chuyện dân mới chỉ vào rừng thôi, thì chưa thể kết luận gì, để ngăn chặn". Còn chuyện mật phục để bắt người dân phạm tội quả tang khi đang bẫy thú, thì chẳng thể làm nổi, vì lực lượng mỏng, lại hoạt động nơi chốn rừng thâm vào ban đêm. "Chúng tôi kêu gọi lương tri của con người là chính. Mỗi người dân phải tự ý thức không ăn, không săn bắt thú rừng, thì thú rừng mới còn đất để sống" - một kiểm lâm viên huyện Trà Bồng cho chúng tôi biết.
Theo chính quyền địa phương một số huyện miền núi của tỉnh cho biết, ngăn chặn nạn săn bắt thú rừng hiện nay rất khó khăn, vất vả. Không giống như vùng biển, khi ra khơi đều có bến bãi, dễ dàng kiểm soát. Còn đối với rừng thường thì chẳng có "cửa", người dân có thể tự do chọn lối để vào rừng. Khi ra khỏi rừng cũng vậy rất khó theo dõi, kiểm soát.
Chúng tôi đã đến nhiều gia đình già làng sinh sống tại những bản làng xa xôi, giáp rừng già. Già làng Hồ Văn Thuận, ở thôn Hai, xã Trà Thủy (Trà Bồng) chỉ tặc lưỡi thở dài, khi chúng tôi hỏi chuyện săn bắt thú rừng tại những cánh rừng gần nơi ông ở. "Nó thành phong trào rồi. Rảnh rỗi là đàn ông lại lũ lượt kéo nhau đi rừng kiếm con thú. Già khuyên chúng nó nên bỏ cái tật ấy đi, nhưng chúng không nghe. Bắt được con thú là cả đám túm lại nhậu, hát suốt đêm. Vì thế lâu lắm rồi chẳng thấy còn thú nào về con suối bên làng uống nước cả".
* Trách nhiệm chung chung, càng vô trách nhiệm!
Còn chuyện các quán kinh doanh ẩm thực mở ra ngày càng nhiều, quán nào cũng chọn "đặc sản thú rừng" làm cần câu khách, thì chưa có cơ quan nào kiểm tra, xử lý. Lực lượng kiểm lâm thì cho rằng, việc kiểm tra, ngăn chặn nạn bán thịt thú rừng tại các quán nhậu, nhà hàng này thuộc về cơ quan cấp giấy phép đăng ký kinh doanh. Còn cơ quan cấp đăng ký kinh doanh thì lại lấy lý do “không đủ cán bộ, không đủ thẩm quyền” để làm việc đó!
Thời gian qua ngành chức năng phối hợp với chính quyền địa phương một vài nơi đã tiến hành kiểm tra, yêu cầu dẹp bỏ các tấm biển quảng cáo: Nai rừng, lợn rừng, chồn, nhím, nhóa... Song lượng khách vẫn cứ tìm đến các quán này, thậm chí còn gia tăng. Các món đồ nhậu dọn lên bàn vẫn đủ đầy hương vị "thịt rừng". Một số người dân sống cạnh quán H.T ở "cây số 7" đường lên huyện Ba Tơ tỏ lòng trắc ẩn khi mỗi ngày nhìn thấy các đoàn người kéo về thưởng thức thịt rừng tại đây. Bà Đỗ Thị Năm - nhà gần quán này nói: "Người người tìm kiếm thịt rừng thì làm sao mà ngăn chặn nổi việc tận diệt thú rừng chứ! Tôi nghĩ phải giao việc kiểm soát buôn bán thịt thú rừng của quán này cho một cơ quan cụ thể nào đó, thì may ra còn có chuyển biến. Cứ kiểu trách nhiệm chung chung như hiện nay thì chẳng ai chịu trách nhiệm cả. Thậm chí người dân khi ăn thịt thú rừng cũng có thể bị phạt hành chính!".
*****
Mỗi ngày thú rừng đều bị tận diệt bởi con người, để phục vụ "cái dạ dày" của chính con người. Hiểu rõ căn nguyên này rồi chắc chắn những ai có lòng trắc ẩn sẽ biết mình phải làm gì để góp phần bảo vệ sự sống của thú rừng.
Phóng sự của Thanh Nhị